slogan-01

Hội Khuyến-Học Truyền-Thống Nguyễn Xuân Vinh là một hội khuyến-học do phụ-huynh học-sinh tại địa-phương tự-nguyện thành-lập, sau đó, với sự đồng-ý của Giáo-Sư để đặt tên cho Hội và cho một Giải Thưởng học-sinh xuất-sắc nhất trong mỗi năm. Chủ-đích của các phụ-huynh học-sinh sáng lập là tìm gương sáng cho tuổi trẻ noi theo và đưa những tấm gương sáng đó về địa-phương để tuổi trẻ được tiếp-xúc trực-tiếp với những con người bằng xương bằng thịt có da vàng máu đỏ Việt-Nam đã vươn lên thành-công trong xã-hội này.  Tấm gương sáng chói nhất mà phụ-huynh ở Saint Louis tìm thấy là Giáo-Sư Nguyễn Xuân Vinh. 

Truyền-Thống Nguyễn Xuân Vinh

Bác sĩ Việt-Vũ Nguyễn Tri Phương

Thư-ký Hội Khuyến-Học Truyền-Thống Nguyễn Xuân Vinh

Saint Louis không phải là thành phố du-lịch nhưng nếu khách tới thăm cũng có chỗ đi thăm. Cầu Vồng ở downtown bên bờ sông Mississipi tượng-trưng cho cửa ngõ trên đường Tây tiến của người Mỹ di-dân. Động đá vôi Meramec tương-truyền là chỗ ẩn-núp của anh em hai tên cướp lừng danh Jessy James từng tổ-chức cướp táo-bạo những chuyến xe lửa xuyên bang đem về ẩn chứa trong các hang động này. 

Những địa-danh đó nổi tiếng nhưng không phải là truyền-thống của đất Saint Louis.  

Có một quán kem mà người Việt ở Saint Louis hay gọi là quán kem truyền-thống là quán Ted Drewes Frozen Custard.  Theo sách du-lịch nói về Saint Louis thì quán kem này mở cửa từ năm 1929.  Kể từ đó quán kem Ted Drews mở mỗi năm chừng 6 tháng vào Hè và Thu, chưa có năm nào tạm nghỉ.  Đêm đêm người ta đến sắp hàng ăn kem từ chập chiều đến quá giữa khuya.  Quán kem được quảng-cáo nghe bắt thèm:

          “An ice cream-style stand, complete with neon lights and twinkling bulbs, makes this a lively family hangout. It is so relaxed that the menu is handwritten. Try an array of frozen flavors, from pineapple, strawberry and chocolate chip to other odd titles such as the Terramizzou, Fox Treat and the All Shook Up. Visitors will miss a treat by not trying a Concrete.”

          Gọi đó là quán kem cũng là cách quá đề cao mặc dù cửa hàng khá nổi tiếng.  Khách đến ăn kem không có bàn ngồi, cũng không được vô trong nhà, tất cả phải đứng ngoài trời trong bãi đậu xe, hoặc dựa vào vách, hàng rào hay đứng loanh-quanh mà ăn kem.  Cảnh-sát mỗi đêm cũng ít nhất một ca đi vòng quanh để ngó chừng thiên-hạ mặc dù chưa từng nghe có chuyện gì xấu xảy ra quanh địa-điểm này.  Điều kỳ lạ để quán kem Ted Drewes này xứng đáng mang danh truyền-thống vì cũng là hiệu Ted Drewes cùng công-ty mở ở một địa-điểm khác trong Saint Louis mà không ai tới ăn. Kế bên Ted Drewes có quán kem khác mở ra cạnh-tranh có vẻ thanh-lịch hơn nhưng cũng vắng như chùa Bà Đanh. 

Giáo-Sư Nguyễn Xuân Vinh đến chủ-tọa Lễ Phát Phần Thưởng cho học-sinh xuất sắc lần thứ nhứt năm 1999 do “Hội Khuyến Học Truyền-Thống Nguyễn Xuân Vinh” tổ-chức ở Saint Louis. Khi đó Hội có những văn-kiện căn-bản bằng tiếng Việt nhưng tất cả chưa sẵn-sàng chuyển-ngữ qua tiếng Mỹ. Tối đêm sau ngày Lễ, chúng tôi mời Giáo-Sư đi ăn kem Ted Drewes truyền-thống.  Đêm tháng Sáu trời nóng hực, thiên-hạ cùng đi ăn kem nhộn-nhịp một góc phố, người ta đứng xếp nhiều hàng dài chờ đến phiên. Trong đêm ăn kem đứng dựa bên mấy hàng rào song sắt, Thầy Vinh dừng một muỗng kem nhìn đăm-chiêu như ánh mắt Thầy thường nhìn sâu với nụ cười nhẹ tự-nhiên, và hỏi: “Các anh chị sẽ dịch chữ truyền thống (trong danh xưng của Hội) như thế nào?”  Anh Minh, Hội trưởng và tôi đều khựng lại, ly kem còn dang-dở trên tay. Tôi nhanh miệng hơn thú thật:  “Thưa Thầy tên tiếng Mỹ tương-đương thì chưa tìm được.”  Kể từ đêm đó tôi trằn-trọc.  Câu hỏi đơn-giản có lẽ bất ngờ động đến một câu chuyện văn-hóa.

Trong tiếng Việt, chữ truyền-thống rất thông-dụng. Từ thống trong tự-điển Thiều Chửu thì nghĩa đen là mối tơ, là đầu mối.  Thống cũng có nghĩa là đời đời nối dõi không dứt, như một đường tơ nhẹ, đẹp mà nhuyễn khó thấy.  Thí dụ hoàng-thống là dòng tộc vua chúa.  Đạo-thống là dòng đạo truyền hoài từ đời nọ qua đời kia.

Trong những dân-tộc có nền văn-hóa trải nhiều đời thì sự tích-tụ, bảo-tồn và truyền trao cho nhau những cái tốt đẹp từ đời trước qua đời sau chẳng những là một thói quen mà còn là bổn-phận của mỗi thế-hệ. Có thể thói quen đó phát xuất từ thời văn-hóa bất-thành-văn, người ta phải kể lại cho nhau nghe để ghi nhớ từ dòng-dõi cổ-lai cho tới những tập-tục, nghi-lễ và nếp sống noi theo như là đặc-điểm của dân-tộc mình. 

Người Việt thường tự-hào với truyền-thống Tiên-Rồng.  Nếu phải kể ra xem những đặc-điểm nào thực sự truyền từ Lạc Long Quân và Âu Cơ thì hơi khó kể ngoài sự kết-hợp Rồng-Tiên giữa người Kinh (dưới đồng-bằng) và người Thượng (trên miền núi) cùng một số tục lệ trầu cau, xâm mình.  Truyền-thống Tiên-Rồng sau này được mở rộng ra là ý-chí đoàn-kết và bất-khuất chống ngoại xâm để giữ-gìn hay khôi-phục độc-lập dân-tộc.  Chữ truyền-thống này gọi là mở rộng vì chúng ta chưa có dữ-kiện hay câu chuyện nào liên-quan đến việc chống ngoại-xâm vào thời Lạc Long Quân và Âu Cơ, có chăng chỉ là những câu chuyện Vua Lạc Long đánh ma trừ quỉ để bảo-tồn an-ninh trong nước. Mãi cho tới thời Hùng Vương thứ Sáu ta mới ghi nhận câu chuyện thánh Gióng chống giặc Ân mà truyền cho nhau để làm gương giữ nước. Câu chuyện đề- kháng chống giặc Ân này có một chi-tiết gắn với Lạc Long Quân là khi vua Hùng Vương gọi: “Bố ơi về cứu chúng con” như lời truyền của Lạc Long Quân dặn con cháu khi Ngài trở về với biển thì đêm đó thấy xuất hiện một cụ già đi trong mưa gió như đó là Vua Lạc Long trở về.  Một lời Hịch đơn-giản “Bố ơi về cứu chúng con” có thể là câu chuyện thần-thoại nhưng trong đó ngụ ý một truyền-thống từ người mở nước đến nhiều thế-hệ giữ nước về sau như là dòng-dõi chính-thống Lạc-Việt.

Bên cạnh những truyền-thống mở nuớc, giữ nước, những truyền-thống văn-hóa, nghi-lễ, phong-tục và ngôn-ngữ, thi-ca, còn có những gương danh-nhân. Mỗi danh-nhân là tấm gương của một thời-đại. Thánh Gióng với cuộc tập-hợp nhân-dân cả xứ, làm nên sức mạnh lớn nhanh như vũ-bão, và một kỹ-thuật mới là ngựa sắt và lửa để đánh đuổi giặc Ân.  Hai Bà Trưng là hai phụ-nữ trẻ tuổi vừa quá 20 đã tập hợp nhân-dân cả xứ rầm-rập khua vang trống đồng làm dậy cả 65 thành trì, đuổi giặc Hán chạy dài trong chớp nhoáng. Bà Triệu Thị Trinh cũng ở tuổi vừa quá 20 từ Nghệ An, một vùng đất tận biên thùy phía Nam cũng quật dậy “cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém con tràng kình ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang- sơn, cởi ách nô lệ,…”.  Ngô Quyền đã phát-kiến và thực-hiện kỹ-thuật tân-kỳ, đóng nhiều cột chớp nhoáng giữa dòng Bạch Đằng mênh-mông nước luôn cuồng chảy, chận đường xâm-lăng của Thái-tử cướp nước Hoàng Thao. Dòng sử Việt qua gần năm ngàn năm từ thời lập quốc cho đến nay kể hoài khó hết.  Tất cả quyện lại tạo thành một dòng sinh-mệnh dân-tộc, một dòng truyền-thống Rồng-Tiên.

Danh-từ truyền-thống trong tiếng Việt lần hồi thông-dụng đến độ người ta đặt xuống một cấp gọi là truyền-thống gia-tộc.  Danh-từ này hơi khác với từ gia-truyền.  Gia-truyền là nói đến cái gì gần như bí-mật chỉ truyền trong gia-đình, thí-dụ thuốc gia-truyền.  Gần đây ra Hà-Nội người ta còn ngạc-nhiên hơn khi thấy một sự lạm dụng chữ nghĩa đến chua-chát khi đọc bảng quảng-cáo treo trước quán ăn: “Cơm tấm gia-truyền.” Khác với gia-truyền, chữ truyền-thống có ý-nghĩa tinh-thần hơn là vật-chất, thí-dụ truyền-thống văn-gia, truyền-thống võ-nghiệp.  Trong mỗi ngành, nghề cũng dùng chữ truyền-thống. Thí-dụ truyền-thống Không-Quân là những tập-tục đặc-biệt làm người chiến-sĩ Không-Quân tự-hào.  Chẳng hạn các buổi lễ biểu-diễn máy bay, để tưởng nhớ các phi-công tử-nạn người ta lập màn một chiếc phi-cơ đang bay chung với phi-đội chợt tách đoàn bay cao như biểu-hiệu chia tay.  Trong nghề hát cải-lương, nhiều người trước khi ra sân khấu đã đến bàn thờ Tổ để thấp nhang cúng vái.  Hay truyền-thống nghề võ trước khi giao đấu là phải bái tổ và bái nhau chứ nếu không, sẽ bị gọi là lục-lâm chứ không phải là anh-hùng có trường-phái.  Cho đến đây thì chữ truyền-thống đã đi vào một số hình-thức tập-tục. Các tập-tục này thường có ý-nghĩa tinh-thần nhưng đã mang ít nhiều nghi-thức hơn là chữ truyền-thống trong truyền-thống Tiên-Rồng.

Hồi trẻ học ở trường Trung-học Petrus Trương Vĩnh Ký tôi thường nghe người ta nói đến truyền-thống Petrus Ký, và tôi đã tò-mò muốn hiểu mà không biết hỏi ai.  Bạn-bè đàn anh dẫn tôi đi đá banh thì cứ gặp chuyện là gây lộn nhiều khi đánh lộn với học-sinh các trường khác.  Một đứa tài khôn giải-thích cho tôi là mình phải bảo-vệ “truyền-thống Petrus Ký chứ nếu không tụi nó khi dể mình.”  May mà tôi không to lớn vạm-vỡ hơn ai để tham-gia cách bảo-vệ “truyền-thống bạo-lực gang up bè đảng” như vậy.  Sau này tới lớp Đệ Nhị, trong buổi phát phần thưởng cuối năm, thấy diễn-giả nhắc đến truyền-thống Petrus Ký mà máy vi-âm ồn quá tôi nghe không rõ. Chừng hết buổi lễ tôi mon-men đến một thầy giám-thị lấy can-đảm để hỏi truyền-thống Petrus Ký là gì, thầy trả lời làm tôi chưng-hửng: “Thì mấy con học giỏi là theo truyền-thống của ông Petrus Ký đó!” Tôi không dám hỏi thêm nhưng thật sự không hài lòng chút nào.  Đành rằng ông Petrus Ký là thần-đồng biết thông-thạo trên hai chục thứ tiếng, là bác-học thời Napoléon III và năm 1873 được Pháp xếp vào danh-sách 18 người nổi tiếng về Văn-hóa và Khoa-học trên thế-giới “Dix-huit Sommités Culturelles et Scientifiques du Monde,” ông cũng là cột trụ hình-thành nền quốc-ngữ Việt viết bằng chữ la-tinh, nhưng đâu nhất thiết phải là học trò Petrus Ký mới phải ráng học giỏi, học trò trường nào, xứ nào, từ xưa tới giờ cũng phải ráng học giỏi chứ. Vào ngày ra trường lớp Đệ Nhứt, cũng sau buổi lễ phát phần thưởng, tôi cùng vài người bạn còn quyến-luyến trường cũ mới rủ nhau thả bộ khắp trường, đi nhìn từ góc sân đến cây cột, nhắc nhau những kỷ-niệm trong suốt bảy năm học, để ghi nhớ hình ảnh trường mình vào tâm-tưởng, tôi bắt gặp câu đối chữ đỏ trước cổng trường mà tôi nghĩ là truyền-thống Petrus Ký, chưa biết có đúng ý với tiền-nhân không. Câu đó là: “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt – Tây Âu khoa-học yếu minh tâm.” Sau này biết ra, câu đối đó là do Giáo-Sư Ưng Thiều đặt năm 1951 để khắc lên hai cây trụ chào ở cổng trường chứ không phải là câu nói hay câu đối của chính ông Petrus Trương Vĩnh Ký viết ra (hai câu đối bây giờ đã bị Việt Cộng đục bỏ và trường cũng đổi tên khác).  Từ  đó tôi phải tự an-ủi mình, câu đối đã được các bậc Thầy Cô gần thế-hệ với ông Petrus Ký bình chọn hẳn cũng thể-hiện rất gần đời sống và chí-hướng của nhà bác-học Petrus Trương Vĩnh Ký vậy. 

Lật từ-điển tiếng Mỹ tìm chữ tương-đương với chữ truyền-thống trong tiếng Việt, tôi tìm ra một chữ có định-nghĩa tương-tự, là chữ tradition.  Từ-điển viết tradition là “the handing down of statements, beliefs, legends, customs, information, etc., from generation to generation, especially by word of mouth or by practice; a story that has come down to us by popular tradition.”  Những từ legacy hay bequest thường chỉ một cái gì cụ-thể hơn như một gia-tài nên tiếng Việt mình hay dịch là di-sản.  Đời nay người ta cũng nói tới legacy của một tổng-thống, nó có tính bao gồm nhưng vẫn có ý cụ-thể, ý muốn nói tới một tình-trạng an-ninh về quốc-phòng, xã-hội hoặc tình-trạng tài-chánh dồi-dào hay kiệt-quệ của quốc-gia sau khi vị tổng-thống đó mãn-nhiệm hay từ trần.

Vấn-đề đáng nói là mặc dù danh-từ tradition hàm ý tương-tự như truyền-thống nhưng hiếm khi nào người Mỹ xử-dụng như trong tiếng Việt.  Kiến-thức tôi hạn hẹp nhưng hình như tôi chưa gặp một hội đoàn Mỹ nào mang tên là hội truyền-thống của một người hay một tập-tục.  Người Mỹ thường mở ra một hội, từ trong sinh-hoạt của hội người ta lập một truyền-thống thí-dụ họp mặt hàng năm vào một ngày lễ nhất-định nào đó, sự họp mặt hàng năm đó là một truyền-thống của hội.  Cũng có nhưng rất hiếm tổ-chức mở ra nhằm gìn-giữ một số điểm tinh-thần hay sinh-hoạt của một người hay một tập-thể trong đó có thể gọi là truyền-thống.  Ngay trong trường-hợp  đó người Mỹ vẫn không đặt danh-từ tradition trong danh xưng của họ. Nói khác đi, Việt và Mỹ có thể có cùng một ý-niệm về chữ truyền-thống nhưng cách xử-dụng khác nhau. Tôi nghĩ vì người Mỹ không quan-tâm nhiều lắm về truyền-thống. Người Mỹ có lịch-sử và văn-hóa thành-văn chỉ mới hai trăm năm nên những tập-tục của họ không đủ dài để lập nên truyền-thống.  Họ chưa từng qua giai-đoạn lịch-sử bất-thành-văn, lại không cùng trong một dòng máu, một chủng-tộc mà lớn lên, trừ những người Mỹ thổ dân Indians mà ảnh-hưởng của họ trên xã-hội Mỹ rất nhỏ, họ không có những truyền-thống truyền miệng cho nhau để mọi người cùng nhớ nằm lòng tạo thành truyền-thống tinh-thần từ thế-hệ này qua thế-hệ khác.  Hơn thế nữa, tinh-thần tìm kiếm cái mới còn thắng thế hơn là bảo-thủ cái cũ. Những tiến-bộ khoa-học kỹ-thuật như những bước nhảy vọt với đôi hia bảy dậm khiến đời sống ở Mỹ phải tìm cách thích-ứng không ngừng để sống còn chứ đừng nói chuyện bảo-tồn. Cứ xem trong một gia-đình bình thường, con cái hấp-thụ và xử dụng những tiến-bộ kỹ-thuật và nghệ-thuật mới nhanh đến độ thế-hệ cha mẹ chưa kịp thích-ứng hay làm quen là đã qua đời.  Sự xung khắc cũ và mới hầu như luôn luôn đem thắng lợi về cho cái mới. Tâm-lý xã-hội đó khiến những quan-niệm giữ truyền-thống phải dè-dặt. Tôi nghĩ thái-độ văn-hóa đó là lý-do chánh khiến người ta ít thấy những danh-xưng truyền-thống trong các hội-đoàn Mỹ, nếu không nói là họ tránh danh-từ đó để không bị coi là chậm tiến trong việc thích-ứng với cái mới hay tìm thêm cái mới.

Người Mỹ thường lấy tên các nhân-vật nổi tiếng để đặt cho các phi-trường, building hay hội đoàn, hoặc cho các giải thưởng là để kỷ-niệm tên người đó hơn là lấy tinh-thần của người đó làm truyền-thống tinh-thần.  Hoặcngười đó là một mạnh-thường-quân tặng tiền cho một sinh-hoạt hay cho giải-thưởng thì giải-thưởng hay sinh-hoạt đó sẽ mang tên của người đó. Lối đặt tên này không áp-dụng trong nhiều trường-hợp của các hội-đoàn Việt-Nam, và hoàn-toàn không áp-dụng trong trường-hợp danh-xưng của một hội đoàn truyền-thống như Hội Khuyến-Học Truyền-Thống Nguyễn Xuân Vinh.

Hội Khuyến-Học Truyền-Thống Nguyễn Xuân Vinh là một hội khuyến-học do phụ-huynh học-sinh tại địa-phương tự-nguyện thành-lập, sau đó, với sự đồng-ý của Giáo-Sư để đặt tên cho Hội và cho một Giải Thưởng học-sinh xuất-sắc nhất trong mỗi năm. Chủ-đích của các phụ-huynh học-sinh sáng lập là tìm gương sáng cho tuổi trẻ noi theo và đưa những tấm gương sáng đó về địa-phương để tuổi trẻ được tiếp-xúc trực-tiếp với những con người bằng xương bằng thịt có da vàng máu đỏ Việt-Nam đã vươn lên thành-công trong xã-hội này.  Tấm gương sáng chói nhất mà phụ-huynh ở Saint Louis tìm thấy là Giáo-Sư Nguyễn Xuân Vinh. 

Ở đây tôi không lập lại tiểu-sử của Giáo-Sư để chứng-minh cho việc tìm kiếm tấm gương sáng cho tuổi trẻ.  Về công-trình của Giáo-Sư thì quá nhiều và đều mang tầm vóc quốc-tế vượt ngoài sự hiểu biết về khoa-học của nhóm phụ-huynh ở địa-phương. Sự truyền-thừa về Toán-Học của Giáo-Sư thì ngành Khoa-Học Không-Gian quốc-tế đã là công-chứng. Vị-trí Viện-Sĩ Hàn-Lâm và các giải-thưởng danh-dự về Giáo-dục mà Giáo-Sư được trao tặng đều ở cấp quốc-gia, liên-bang, tiểu-bang hay tối thiểu cũng từ các thành-phố lớn.  Tất cả thành-quả đó thật khó cho bất cứ cá-nhân hay học sinh nào có thể theo dấu chân Thầy. Tư-tưởng này không phải là bi-quan nhưng chỉ nói lên một điều, trong giáo-dục nói chung, khi nêu một tấm gương cho tuổi trẻ, những công-trình và thành-quả của một cá-nhân là chuyên-biệt, không ai có thể bắt chước được. Người ta chỉ có thể nêu tấm gương tinh-thần, những bài học đằng sau cuộc đời đó.  Thí dụ nói đến Nguyễn Trãi, không ai trên thế-gian này có thể làm lại được công-trình lịch-sử chính-trị và văn-hóa của Người, nhưng tinh-thần yêu nước, thương nhà, cuộc đời hy-sinh và lòng tận-tụy của Người cho dân-tộc thì đời sau có thể ráng học theo.  Đến đây thì chữ truyền-thống có vẻ rõ hơn, đó là những tấm gương tinh-thần của một người mà đời sau có thể học hỏi.

Tìm ra được những đặc-điểm-truyền-thống khó hơn là tìm tiểu-sử của một nhân-vật mặc dù hai phần đó liên-hệ nhau như bóng với hình. Tiểu-sử là hình trong đó ghi chép những biến-cố trong cuộc đời, lúc thành khi bại, cùng những kết-quả cụ-thể và những liên-hệ gần xa với những biến-cố trên. Truyền-thống là bóng, cái tinh-thần hun-đúc nên những thành-quả lẫy-lừng nơi tiểu-sử. Một phi-thuyền bay lên cung trăng, ngày tháng phi-thuyền bay thành-công là tiểu-sử. Công-thức Toán để từ đó người ta vẽ phi-đạo cho phi-thuyền bay là truyền-thống. Thành-tích dừng lại ở chính nó. Khi nó trở nên một chứng-tích hiện-thực thì nó đi vào lịch-sử.  Truyền-thống thì khác, nó còn được truyền lại cho đời sau học-hỏi, xử-dụng để phát-triển tương-lai. 

Tiểu-sử chưa đủ để chứng-minh những đặc-điểm-truyền-thống. Tinh-thần của nhân-vật còn được tìm thấy và minh-chứng qua chính lối sống từ trong gia-đình ra ngoài xã hội, đặc-biệt nhất là từ những ước mơ ẩn tàng đây đó trong thơ, văn của nhân-vật đó. Trở về với Nguyễn Trãi, mặc dù ông đã thành-công tột đỉnh trong đường hoạn-lộ nhưng qua thơ văn của ông, như trong Ức-Trai Thi Tập, lác-đác ta bắt gặp biết bao tâm-trạng u-uất của ông, những dằn xé tâm can ông mỗi khi ông trở về với núi rừng Côn Sơn là nơi chôn nhau cắt rốn của ông mà ông coi như “một lời thề trở về với núi rừng.”  Nhìn được toàn bộ cuộc đời ông, tìm hiểu được những ẩn tình đó, thấy được hoài-bão của ông và so với những gì ông làm, từ đó chúng ta mới hi-vọng thấy được sợi dây truyền-thống văn-hóa mà ông để lại cho đời sau. Chẳng hạn sau khi tìm hiểu thơ văn và tiểu-sử của Nguyễn Trãi, người ta có thể nói truyền-thống của Người là một tinh-thần sống vì độc-lập dân-tộc chẳng những về lãnh-thổ mà còn về văn-hóa bao gồm ngôn-ngữ, lễ nhạc và luật-pháp.  Ngọn lửa hun-đúc cho truyền-thống đó là cha của ông thì bị giặc bắt mang gông dẫn về Tàu mất tích, nước nhà thì bị nô-lệ khổ đau, lòng dân thì ly-tán ngã nghiêng quên cả gốc nguồn.

Dựa trên những suy tư trên, chúng ta tìm lại về truyền-thống Nguyễn Xuân Vinh để thấy nhiều điều quí báu hầu truyền lại cho các thế-hệ sau.

          Về cuộc đời cá-nhân thì Giáo-Sư đã phấn-đấu từ nhỏ đến quá tuổi về hưu. Ở bất kỳ giai-đoạn nào Thầy cũng chất chứa suy-tư để vươn lên. Khi nhỏ, hoàn cảnh đất nước không cho phép Thầy tiến thân về khoa-học kỹ-thuật, Thầy tìm cách vượt qua như trong Đời Phi-Công đã mô tả. Điểm tinh-thần ẩn-tàng là một ý-chí vượt qua thay vì lênh-đênh than thân trách phận của người thanh-niên trong câu chuyện đã khiến Đời Phi Công có sức thúc-giục tuổi trẻ từ trang đầu ngoài những mô tả về cái hào-hùng của chàng sinh-viên phi-công ở hải-ngoại ở những trang sau. Sau khi Giáo-sư đã trở thành Tư-Lệnh Không-Quân, Thầy vẫn rũ áo từ quan dễ-dàng để tiếp-tục con đường Toán Không-Gian. Thái-độ từ bỏ chức tước, chức Tư-Lệnh Không-Quân của một quốc-gia, để trở lại sống đời sinh-viên du-học quả đã đòi hỏi một suy tư sâu, một đam-mê nặng và một ý-chí vượt qua kiên-cường.  Trong văn-chương của Thầy, không bao giờ người ta tìm thấy những bải-hoải chán-chường, những thê-lương sầu thảm. Đối với Thầy, vượt qua khó-khăn, vượt qua chính mình là lẽ sống vui đời. Chuyện học giỏi mà Hội Khuyến Học đề ra như một tiêu-chuẩn của học-sinh đoạt Giải Thưởng Danh-Dự Nguyễn Xuân Vinh không phải là chuyện tranh danh mà là một khuyến-khích vượt qua, vượt qua từ chuyện nhỏ như chuyên-cần học-tập lúc trẻ để đào-luyện ý-chí cho những vượt qua lớn hơn sau này.

Ý-chí vượt qua cộng với sự thông-minh sẵn có của Thầy đã đưa Thầy đến những thành công vượt bực trong mọi lãnh-vực mà Thầy tham-gia, từ đi học tới đi dạy, từ nghiệp võ tới nghiệp văn, từ  khoa-học kỹ-thuật tới đời sống xã-hội.  Dù Thầy đã sống thời-gian ở hải-ngoại gần cả đời người, dù trí-thức Thầy đã bay xa vào vũ-trụ mênh-mông, dù danh-vọng Thầy xem như tột đỉnh so với bao nhiêu tài-danh trong lịch-sử Việt-Nam, tinh-thần Thầy bao giờ cũng hướng về cội nguồn dân-tộc. Như nước sông ra biển vẫn bốc hơi và bay về nguồn, như cây cao đến đỉnh trời gốc vẫn bám vào đất mẹ, Thầy bao giờ cũng thể hiện lòng mình như vậy trong mọi cách ứng-xử giữa cuộc đời. Và trong thơ văn Thầy bao giờ cũng thể hiện điều đó. Thầy đã giành tên Nguyen Xuan Vinh nguyên vị, không hoán chuyển, để ký dưới các công-trình Toán Học đăng trên những tập san quốc tế.  Thầy tiếp-xúc với cộng-đồng từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất để nói chuyện, để khuyến-khích tuổi trẻ cũng không ngoài một tình yêu quê-hương. 

Hồi còn ở Việt-Nam trước khi vượt biên, trong những buổi bàn phiếm với bạn-bè về chuyện vượt biên sao mà quá khó-khăn, về ước mơ ra nước ngoài tha hồ được học hỏi, thỉnh thoảng tôi và bạn-bè có nhắc đến tên Thầy như một vì sao ở xa tít trời cao.  Nói nôm-na là chúng tôi nói để thèm chơi như Đường Minh-Hoàng mơ du nguyệt-điện vì chuyện đó biết đời nào mới xảy ra. Chừng qua Mỹ sống mấy năm đầu ở Michigan, thỉnh-thoảng được tiếp chuyện với Thầy ở nhà một bác-sĩ đàn anh là Đặng Vũ Vương, tôi ngạc-nhiên thấy Thầy thật bình-dị. Tôi thật bỡ-ngỡ như vẫn còn đi trong mơ khi được bắt bàn tay mềm mại của Thầy. Cũng ngạc-nhiên khi lên trường đại-học Michigan University ở Ann Arbor chỗ Thầy dạy học để mừng Xuân, tôi thấy Thầy trên khán-đài quyên tiền cho Hội Hồng Thập-Tự để làm chuyện gì đó cho cộng-đồng. Và càng ngạc-nhiên hơn nữa khi năm 1980, một nhóm học-sinh ở Detroit tổ-chức Tết mời Thầy đến nói chuyện, Thầy vẫn lặn-lội từ Ann Arbor về Detroit để chúc Tết bà con cộng-đồng và các em học-sinh Detroit qua một bài thơ thất-ngôn bát-cú.  Sau này biết ra, có một vị Hàn-Lâm Học-sĩ nào từ xưa nay trong thế-gian, và riêng trong cộng-động Việt-Nam ở hải-ngoại, có một nhà khoa-học tài danh nào đã làm được như Thầy, cất công đến tiếp-xúc với tuổi trẻ và cộng-đồng trên khắp các thành-phố lớn nhỏ. Dĩ nhiên ai cũng bận rộn chuyện thường ngày trong đời, ai cũng hết nghiên-cứu rồi gia-đình, ai cũng có lý-do này hay lý-do khác, ai công đâu đi nói chuyện tứ xứ nếu không phải đằng sau những chuyến đi của Thầy là một tâm-tình chan-chứa với dân-tộc và tuổi trẻ. 

Tôi nhớ hồi nhỏ học sách hình như là Quốc-Văn Giáo-Khoa Thư, bìa truớc in một hình nhỏ người đội nón lá đứng gieo giống.  Hình ảnh Thầy lặn-lội đi khắp đó đây để tâm-tình với tuổi trẻ và đồng bào, để khuyến-khích xây-dựng cộng-đồng Việt-Nam, để khuyến-khích chuyện học cho con em, âu đó là cách gieo giống văn-hóa.  Thầy đã được vinh danh tại Quốc-Hội ở những tiểu-bang  Michigan và Oklahoma sau khi Thầy hoàn-mãn (Emeritus Professor) thành-công cả cuộc đời nghiên-cứu và dạy học ở các đại-học. Thầy đã được mời tới Toà Bạch Ốc để cùng với vào khoảng hơn một trăm người Mỹ gốc Á châu dự lễ tại Vườn Hồng khi Tổng Thống George H. W. Bush ký sắc-luật chỉ định tháng Năm hàng năm là tháng Truyền-Thống cho người Mỹ gốc Á-châu. Nhưng chính những cố-gắng dành-dụm từng giờ phút nhỏ của cuộc đời mình để tiếp xúc với tuổi trẻ Việt-Nam đã khiến Thầy cao lớn hơn nhiều và xứng đáng là một Vị Thầy trong truyền-thống văn-hóa Việt. 

Nhiều người cho rằng ở trong gia-đình, mình chằn-chằn dạy con hằng ngày hằng bữa còn chưa xong, việc đi diễn-thuyết nói chuyện năm bảy phút thì có ảnh-hưởng chi tới tuổi trẻ. Kỳ thực không phải vậy. Cá-nhân của mỗi trẻ đều phải trải qua giai-đoạn tự định-hình cái ngã của mình để trả lời câu hỏi mình là ai?  Trẻ em Việt-Nam còn đặc-biệt hơn, chúng lớn lên trong hai thứ văn-hóa khác nhau, Việt ở trong nhà, Âu hay Mỹ ra ngoài đường, nên chúng càng bối-rối hơn trong tiềm-thức. Sự hiện-diện của những gương mặt vừa đáng kính vừa thành-công trong xã-hội đều là những role model cần thiết. Các trẻ thông-minh như những trẻ đã học giỏi trong trường học thường rất nhạy cảm với những khích-lệ như vậy. Nhiều khi một câu nói, một dáng-dấp, một bài viết, một hình ảnh xúc-động đủ là kích-tố tạo sự nảy bật trong tâm thức các em. Chúng ta thử nghe lại giọng truyền-cảm của Tiến-Sĩ Cai Văn Khiêm trong lời mở đầu cho bài nói chuyện của ông khi ông đến chủ-tọa Lễ Phát Phần Thưởng Nguyễn Xuân Vinh năm 2001:

 “... Hôm nay tôi đến với các em trong một niềm hân-hạnh đặc-biệt. Cùng khoảng thời gian này 30 năm trước, tháng 6 năm 1971, tôi cũng có danh-dự lãnh phần thưởng Trung-Học. Được gọi tên lên lãnh phần thưởng xong, khi quay lại, tôi đọc được một hàng chữ lớn ghi phía sau Đại Thính Đường. Hàng chữ như sau:

‘Sách vở chỉ là xác khô.

Sinh-khí giáo-dục là lòng tự tin và tinh-thần phục-vụ quê-hương.’

Tôi ghi hàng chữ ấy lên tập sách thường như một kỷ-niệm. Nhưng hàng chữ ấy đã theo tôi suốt 30 năm nay, hướng-dẫn tôi trong suốt cuộc đời đi học và nghiên-cứu khoa-học.”

Trong đời thường, chúng ta hay học từ những cú chớp-nháng như vậy, nhất là đối với những ai còn giữ được bộ óc nhạy bén của tuổi trẻ.  Những hạt giống gieo ra có thể bắt mầm lúc nào khó biết, nhưng nhân-quả là một nguyên-lý bất-biến. Vai trò của Nhà Giáo là cứ tiếp-tục gieo mầm. Giáo-Sư Nguyễn Xuân Vinh đã làm tốt đẹp vai trò Nhà Giáo trong cộng-đồng Việt-Nam. Chúng ta cũng ước-ao những người thành-công dù ở cấp nào, dù trong nghề-nghiệp nào cũng đừng bỏ rơi tuổi trẻ Việt-Nam, xin mỗi năm giành ra vài ngày để đến với các cộng-đồng tuổi trẻ. Mỗi lời xây-dựng, mỗi kinh-nghiệm giữa trường đời, mỗi câu nói khích-lệ là mỗi viên gạch tạo-dựng tương-lai dân-tộc. Khuyến-học trước hết là làm gương rồi quảng-bá tấm gương tốt đẹp đó.

Khuyến-học cũng không phải chỉ để giúp từng cá-nhân các học-sinh học giỏi đặng rồi lớn lên các em tham-gia vào trời khoa-học, kỹ-thuật, văn-chương, nghệ-thuật thế-giới, mà còn hướng tầm nhìn tuổi trẻ trở về với quê-hương khi thuận-lợi cho dân-tộc. Riêng ở điểm này, Giáo-Sư Nguyễn Xuân Vinh cùng với bao nhà văn-hóa từng nặng lòng với quê-hương đã có những đêm phải thao-thức trong hoàn cảnh trớ-trêu của Việt-Nam. Chính-trị trong nước không tạo nổi một sinh-khí chung cho toàn bộ xã-hội phát-triển lành mạnh hầu mở đường cho tuổi trẻ phát-kiến tự-do. Xã-hội là một cơ-cấu trong đó mọi thành-phần đan-kết chằng-chịt với nhau.  Xã-hội chỉ phát-triển trong đồng bộ, như cái đồng-hồ chỉ chạy tốt khi phần lớn cơ-phận trong đó chạy tốt.  Mỗi cá-nhân học-sinh giỏi chưa đủ, ước-mơ của nhà văn-hóa là làm sao cùng xây-dựng một lớp người cùng quan-niệm phóng-khoáng, cùng tầm nhìn lớn cho đại cuộc.

Chúng ta hãy nghe nhân-vật Phong của Giáo-Sư trong tập truyện “Tìm Nhau Từ Thuở” (sách xuất-bản năm 2008) viết cho Mây, nhân-vật nữ tượng-trưng cho tuổi trẻ:

“Mây à, em có biết không, một con én không đem lại được cả mùa xuân.  Dù anh đã được huấn-luyện trọn vẹn ở cả hai trời Âu và Mỹ, và trong hơn mười năm qua lúc nào anh cũng cố-gắng làm hết sức mình, nhưng anh thật không xứng đáng với hai chữ anh-hùng như Mây đã trông đợi, và mong-mỏi cho anh gặp thời-thế để hoàn thành tâm-nguyện.  Theo anh nghĩ thì phải có cả một lớp người, cùng chung một lý-tưởng xây-dựng một quốc-gia thịnh-vượng, có một nền giáo-dục nhân-bản để nâng cao dân-trí, cải-tổ lại guồng máy hành-chánh cho hữu-hiệu, mới mong thực-hiện được những gì mơ ước cho đất nước.  Hiện giờ anh còn cô-đơn quá, vẫn là kẻ độc-hành đi trong đường đời…” 

Trong văn-chương của Giáo-Sư Toàn-Phong Nguyễn Xuân Vinh, chúng ta thường nghe những tư-tưởng trầm-tĩnh để suy nghĩ, những hình ảnh lấy ý-chí hào-hùng để vượt qua những trở ngại, chứ hiếm khi nào, có thể nói là không bao giờ chúng ta nghe một tiếng kêu trầm-thống bi-thương đến như vậy. Mà có phải đó cũng là tâm-trạng nát lòng của sĩ-phu cả nước trong thời-đại này? Dĩ nhiên tự tiếng kêu đó không phải là truyền-thống Nguyễn Xuân Vinh nhưng chính một tấm lòng luôn luôn hướng về dân-tộc, mơ ước làm gì vinh-quang cho đất nước là một đặc-tính-truyền-thống Nguyễn Xuân Vinh mà tuổi trẻ trong cũng như ngoài xứ cần quan-tâm và suy nghĩ. 

Tóm lại truyền-thống Nguyễn Xuân Vinh một phần nằm chung trong truyền-thống Rồng-Tiên là yêu nước.  Phần khác, trong hoàn cảnh Việt Nam của thời-đại này, yêu nước là yêu sự toàn vẹn lãnh-thổ, là mến chuộng xã-hội nhân-bản và dân-chủ.  Con đường yêu nước là khi còn trẻ thì lập chí, vượt qua trở ngại, tôi luyện cá-nhân về võ lẫn văn mà quan-trọng nhất là khoa-học kỹ thuật. Lớn lên thì tham-gia phụng-sự cộng-đồng nhân-loại và dân-tộc, cùng góp phần tạo một lớp người cùng mang lý-tưởng xây-dựng một quốc-gia thịnh-vượng có nền giáo-dục nhân-bản, một guồng máy hành-chánh hữu-hiệu.

Phù hiệu Hội Khuyến-Học Truyền-Thống Nguyễn Xuân Vinh

            Nhân viết ít câu chuyện truyền-thống liên-hệ tới Hội Khuyến Học Truyền-Thống Nguyễn Xuân Vinh, tôi xin được nhắc lại một kỷ-niệm đi ăn kem tối với Thầy và những suy nghĩ tản-mạn trong những tối thao-thức về sau.  Truyền-thống Nguyễn Xuân Vinh mà Hội Khuyến-Học được vinh-dự mang tên Thầy đã nêu ra cho Giải Thưởng Nguyễn Xuân Vinh hàng năm đã được viết lại cho phù-hợp với tuổi trẻ là Học-giỏi, Phụng-sự xã-hội và Hướng về quê-hương.  Riêng tên tiếng Mỹ của hội bây giờ vẫn theo văn-hóa Mỹ là không có chữ tradition, mà là “Nguyen Xuan Vinh Scholarship Foundation”.  Còn quán kem Ted Drewes gọi là quán-kem-truyền-thống Saint Louis cũng chỉ là cách nói của người Việt ở địa-phương chứ Mỹ cũng không dùng chữ tradition, họ chỉ nói tên Ted Drewes là mọi người đều biết đó là quán kem nổi tiếng lâu đời nằm trên đường Chippawa và mà ai tới đây vào mùa Hè-Thu dự Lễ Phát Phần Thưởng cũng nên ghé một lần.

Hy-vọng Hội Khuyến Học Truyền-Thống Nguyễn Xuân Vinh không phải chỉ mở ở Saint Louis mà thôi mà nó sẽ có mặt trên nhiều thành-phố khác để ước-mơ của Phong trong “Tìm Nhau Từ Thuở” trở thành hiện-thực một ngày.

                                                                                   

Kỹ Thuật

Trồng Ớt Nhiều Trái

Tổng hợp các cách ...

Cách Trồng & Ghép ...

Mời độc giả theo dõi ...

Phá mật khẩu iPhone ...

Skorobogatov đã có thể ...

Sức Khỏe

Đau Thắt Lưng

 Đau lưng có thể ...

Dùng Cần Sa ở thanh ...

Trẻ em dùng cần sa đều ...

Cảm thấy Khỏe hoặc ...

“Sức khỏe là trạng ...

Cách phòng virus ...

Hình thức lây nhiễm ...

Gia Chánh

Cách Pha Nước Mắm ...

Thức ăn ngon phải có ...

BÚN THỊT NƯỚNG thơm ...

Một tô bún thịt nướng ...

Bánh Dầy

Món bánh dễ làm và rất ...