-
Được đăng: 12 Tháng 1 2014
Không nhìn đời bằng đôi mắt thành kiến, anh viết rất bình dị. Viết như đang kể chuyện. Viết đơn giản như anh là một nghệ thuật khá cao. Văn phong đơn giản, văn thức sâu sắc diễn đạt một lập trường vững và rộng, truyện anh viết đi ngay vào lòng người.
NHỮNG THẰNG GIÀ NHỚ MẸ
của Vũ Thế Thành
UYÊN HẠNH đọc và giới thiệu
“Những Thằng Già Nhớ Mẹ” của Vũ Thế Thành chào đời tại Việt Nam, cách nơi tôi ở là đường dài hun hút và biển cả ngút ngàn, giữa hai không gian với sắc thái khác biệt, không đơn thuần cho một chuyến viễn du, có đi sẽ có đến. Có lẽ vì thế mà lần thứ nhất khi tác giả gửi sách cho tôi, chẳng hiểu vì lý do gì hay bởi vì nó còn đang du Sài Thành nên sách gửi hơn một tháng vẫn chưa chịu đến. Tác giả đã phải gửi lại lần thứ hai. Anh vui vẻ gửi sách biếu, không gặn hỏi, không một lời trách móc.
Nhận được sách đã khá lâu tôi lại chưa có thể viết bài giới thiệu. Vì bận một số công việc nhà việc sở nên đành tạm thời gác lại việc viết lách. Tôi tự hứa khi mọi việc lo xong sẽ đọc và viết bài giới thiệu với độc giả về quyển sách đầu tay của anh. Hôm nay có dịp đọc sách anh, tôi bắt tay viết bài giới thiệu.
Bình thường đọc một quyển sách và viết bài giới thiệu, tôi thích đọc về tác giả trước khi đọc tác phẩm. Vì thế việc đầu tiên là lật tìm ở trang cuối vài nét về Vũ Thế Thành để biết được “Anh là ai?”. Không thấy, tôi trở lại trang thứ nhất và bắt gặp nét phát họa chân dung của anh. Ngay bên dưới là câu viết đã gây cho tôi một sự chú ý. Anh viết: “Đời lắm nỗi truân chuyên, coi vậy chứ không phải vậy. Thôi, thà chết dưới phát súng của kẻ gian ác, còn hơn sống quằn quại dưới nhát dao (cùn) của tên đạo đức giả”. Anh đã cho tôi câu trả lời.
Vũ Thế Thành là cây bút chuyên nghiệp hay là cây bút tài tử? Anh đã viết báo gần 20 năm rồi, nhưng lại cho mình là cây bút tài tử, bởi vì “vui viết buồn ngưng!”. Tác phẩm “Những Thằng Già Nhớ Mẹ” là quyển sách đầu tay được anh viết, sau khi Mẹ anh mất, giữa hai mùa Vu Lan của năm 2011 và 2012. Sách được phát hành khoảng giữa năm 2013 gồm 18 mẫu chuyện ngắn, được thâu thập và đem đi in ấn theo lời khuyến khích của bằng hữu. Đọc “Đôi Lời” của chính anh về quyển sách nầy, đã thấy rõ được khái niệm của anh về tư tưởng, văn phong, kiến thức, lập trường văn học và quan niệm của anh với cuộc đời.
Câu kết trong bài “Đôi Lời” ngay trên dòng chữ ghi tên họ tác giả đã làm lòng tôi ấm quá. Tôi từ từ lật những trang sách của truyện ngắn thứ nhất và đọc cho đến câu chuyện cuối cùng. Tôi thấy tiếc là mình đã không viết bài giới thiệu sớm hơn. Một phần cũng là để đáp lại thịnh tình của tác giả đã “kiên nhẫn” gửi sách biếu, theo con đường “an toàn” hơn vào lần thứ hai, khi biết được trong lần gửi thứ nhất, sách đã “chu du Ta Bà thế sự”.
Vũ Thế Thành viết đơn giản, nhẹ nhàng, khôi hài, đôi khi châm biến mỉa mai, nhưng không tiêu cực. Một cái châm biếm mỉa mai theo nhận xét của riêng tôi là con đường lách vào hiện trạng rất thực. Đọc Vũ Thế Thành chúng ta thấy anh rất cởi mở, không nhìn đời bằng đôi mắt thành kiến, trọng tình người, tình bạn, yêu thương và kính trọng Mẹ vô cùng. Những mẫu chuyện anh viết rất bình dị. Anh viết như đang kể chuyện. Viết đơn giản như anh là một nghệ thuật khá cao. Văn phong đơn giản, văn thức sâu sắc diễn đạt một lập trường vững và rộng, truyện anh viết đi ngay vào lòng người.
Trong lối hành văn đơn giản gần như thản nhiên không sôi nổi của anh ẩn tàng căn bản đạo đức và giá trị cuộc đời rất sâu rộng. Ẩn sâu trong các câu chuyện là niềm đau, sự cô đơn, sự tiếc nuối, các nghiệt ngã của mỗi hoàn cảnh, mỗi cuộc đời. Mười tám mẫu chuyện trong sách chứa rất nhiều thăng trầm, hoàn cảnh buồn qua nhiều khúc quanh oan trái của cuộc sống.
Sách bắt đầu bằng câu chuyện của một “Nàng Kiều” già. Anh đặt tên cho truyện ngắn nầy là “Kiều Lão Đà Lạt”. Chuyện kể về cuộc nói chuyện giữa anh và một “gái ăn sương” anh tình cờ gặp tại một xe bán gỏi khô bò. “Nàng Kiều” nói về hoàn cảnh chua xót của mình trong thực trạng hiện thời của xã hội và anh kết thúc mẫu chuyện bằng câu: “Phải nhìn vào góc tối mới thấy bộ mặt thật của xã hội. Cô điếm già có thể móc túi khách làng chơi với nhiều thủ thuật, nhưng họ hành xử “chính danh” và ở tận cùng của xã hội rồi. Còn những thứ điếm khác được người đời tôn vinh, xum xoe, điếu đóm, nhưng họ có khả năng làm tiêu tùng cả vài thế hệ như chơi. Nói nữa thêm buồn…” (trích NTGNM/tr.14).
Câu chuyện chính của tập sách hẳn là chuyện “Những Thằng Già Nhớ Mẹ”. Vũ Thế Thành kể những câu chuyện nhỏ về Mẹ mình, Mẹ người để nói lên một thứ tình thiêng liêng cao quý, sự hy sinh vô bờ của người mẹ. Anh cho chúng ta thấy rõ hạnh phúc nhất cuộc đời là khi ta đang còn mẹ, mà nhiều người không thấy hoặc... "không có thì giờ" để trân trọng giữ gìn thứ tình yêu vô điều kiện đó. Anh đi đến kết luận “Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thấy mình còn biết bao điều thiếu sót và ray rức…” (tr.35) “Thời gian chẳng quay lại, và cũng chẳng làm nguôi ngoai nỗi nhớ đâu! Những giọt lệ già mà nhớ mẹ, như nuốt ngược vào tim, mặn biết chừng nào! (tr. 36)
Với những truyện ngắn khác trong sách, Vũ Thế Thành viết về những câu chuyện đời tuy bình dị lại đặt chúng ta vào vị thế một quan tòa nhìn sự kiện bằng đôi mắt đạo đức công tâm. Anh viết về vị thế nghiệt ngã của cuộc đời, vì thời cuộc đã du con người vào vị thế đó. Với nhận thức khách quan và sâu sắc “Những Thằng Già Nhớ Mẹ” của Vũ Thế Thành vẽ nên một xã hội với những hình ảnh thật sống sau năm 1975. Đọc Vũ Thế Thành chúng ta thấy rõ lập trường của anh trong lãnh vực ngôn ngữ văn học được anh xử dụng khi viết lách, đặc biệt anh giữ vững được một ngòi bút trong sáng: anh viết thật.
Câu chuyện cảm động nhất theo nhận xét của riêng tôi, là mẫu chuyện thứ 16 của sách. Bài “Đừng như tôi, còn ray rứt với những điều thiếu sót”. Nỗi lòng thật sâu tâm tình thật đậm của anh hiện rõ nét trong bài bút ký. Anh viết: “Nhưng kiến thức dù to lớn đến đâu cũng chỉ là phương tiện, chỉ có tấm lòng đơn sơ mới tạo ra nhân cách. Tôi chợt thấy mình nhỏ bé, quá nhỏ bé so với bà” (tr. 124).
Qua những đoạn văn kể lại thời gian Mẹ anh bị bệnh, anh đã săn sóc Mẹ như thế nào, và những gì chúng ta đúng ra nên làm cho mẹ mình ở chặng cuối của cuộc đời. Vũ Thế Thành đã viết để gửi gấm kinh nghiệm của mình, cho chúng ta thấy yêu thương mẹ phải hiểu nhu cầu của mẹ. Yêu thương mẹ không phải là làm theo hy vọng và nhu cầu “giữ mẹ” lại với chúng ta. “Tôi úp mặt vào đôi bàn tay. Tôi biết mình đang ray rứt và sẽ còn ray rứt…” (tr. 125).
Câu chuyện anh viết cho chúng ta rõ một điều, nụ cười ấm lòng nhất, an bình cho ta nhất chính là nụ cười của Mẹ. Mẹ dù có già nua yếu đuối bệnh hoạn vẫn đem lại cho chúng ta một sự ấm áp. Đó là hạnh phúc qúy báu của chúng ta khi thấy mình thực sự có mẹ, không lẻ loi đơn độc giữa cuộc đời.
Những câu chuyện như Áo xưa dù nhầu, Hồi đó tụi mày ở đâu?, Câu chuyện trồng hoa, Con gái rượu, Chuyện của một thời… và nhiều câu chuyện khác nữa trong tập truyện ngắn “Những Thằng Già Nhớ Mẹ” của Vũ Thế Thành dường như đã cho chúng ta cơ hội chạm vào được không gian vật lý, tâm lý và tâm linh. Ở đó chúng ta gặp được rất nhiều những cảnh đời, ngập tràn những cảm xúc và cảm nhận. Ngòi bút của tác giả làm sống lại nỗi đau của nhân vật trong truyện, và ta tự hỏi, ta đang đau hay người đã đau. Có một điều ta không cần tự vấn, đó là cảm giác xót xa đau, đôi lúc phải nói là quá mãnh liệt chúng ta có, khi đọc “Những Thằng Già Nhớ Mẹ” của Vũ Thế Thành.
UYÊN HẠNH
11.01.2014
Giá bán
- Trong nước : 50.000 đ (tặng cước phí)
- Ngoài nước : 50.000 đ ( + cước phí)
Mua sách xin trực tiếp liên lạc với tác giả qua Email: vThis email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.