-
Được đăng: 02 Tháng 7 2014
Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Bưởi - Chu Văn An Nam California thuyết trình về “Hành Động Cần Thiết Của Người Việt Trước Hiểm Hoạ Tàu Cộng”. Hai chữ “Người Việt” dùng cho bài thuyết trình để chỉ tất cả người Việt Nam, những người còn biết yêu quê hương, dù cho ở trong hay ở ngoài nước.
Hành Động Cần Thiết Của Người Việt
Trước Hiểm Hoạ Tàu Cộng
GS Nguyễn Xuân Vinh
Câu chuyện mở đầu.
Tuy là một nhà giáo nhưng tôi cũng là một cựu chiến binh, nên mỗi lần thấy lãnh thổ và lãnh hải bị ngoại bang xâm chiếm lòng tôi cũng thấy đau sót, hận mình không có thể đứng trong hàng ngũ chống quân xâm lăng như thời còn trai trẻ. Cũng vì vậy mà tôi nhận lời mời của qúy anh trong Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Bưởi - Chu Văn An Nam California để thuyết trình về “Hành Động Cần Thiết Của Người Việt Trước Hiểm Hoạ Tàu Cộng”. Tôi cần nói thêm là hai chữ “Người Việt” tôi dùng cho bài thuyết trình là để chỉ tất cả người Việt Nam, những người còn biết yêu quê hương, dù cho ở trong hay ở ngoài nước.
Tôi thật cũng không xa lạ với đề tài của buổi hội luận ngày hôm nay. Trong những năm qua, nhân danh là Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện của Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà/Hải Ngoại, tôi đã nhiều lần chính mình đứng ra tổ chức hay tham dự những buổi thuyết trình hay hội thảo về những diễn biến đã xẩy ra chung quanh những quần đảo Hoàng Sa và Trưởng Sa. Tập Thể chúng tôi đã là những người đầu tiên tổ chức một buổi Hội thảo về Hoàng Sa ở ngay Quận Cam này, nói cho đúng là vào ngày 23 tháng 12 năm 2007 ở Hội Trường của Đài Little Saigon Radio, lúc đó còn ở phía cuối đường Brookhurst. Những diễn giả ngày hôm ấy có những người dầy công khảo cứu về luật biển như học giả Vũ Hữu San và luật sư Đỗ Thái Nhiên. Buổi hội thảo được thu hình và vẫn còn được coi qua những đoạn phim ngắn trên trang mạng Ánh Dương. Sau buổi hội luận dể đáp lại sự hưởng ứng của người người đồng hương chúng tôi đã in ra năm trăm tấm băng nhựa để dán trên khung đụng xe làm quà tặng và đã chủ tâm in bằng Anh ngữ cho người ngoại quốc biết là chúng ta đòi hỏi Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam
Hoạt động tiếp theo là cách đây 4 năm, vào tháng Giêng năm 2010, chúng tôi yểm trợ và tham dự một buổi thuyết trình về những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tổ chức ở Bắc Cali. Điều đặc biệt là với sự hướng dẫn của một số quân nhân thuộc ngành chiến tranh chính trị, ban tổ chức gồm các bạn trẻ đã đón tiếp đuợc một số đồng bào tham dự lên tới khoảng 6 trăm người.
Thuyết trình về những Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Tôi ghi nhận trên đây tấm hình chụp khung cảnh hội trường, và những quan khách ngồi ở hàng ghế đầu chúng ta có thể nhận thấy những người đã đích thân ra lệnh và điều khiển trận hải chiến lịch sử ở Hoàng Sa vào ngày 19 tháng Giêng năm 1974, là Đề đốc Trần Văn Chơn và Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Chúng ta cũng thấy Giáo sư Nguyễn văn Canh là người thuyết trình ngày hôm ấy và ông đã trình chiếu những tài liệu chỉ rõ những khu vực Tầu cộng chiếm đóng và xây cất trước và sau trận chiến để thấy rõ mưu đồ xâm lược của kẻ thù truyền kiếp của chúng ta ở Bắc phương. Tôi đưa vào trong bài viết hình ảnh này để lưu ý bạn đọc là ở cuối hội trường có một tầm băng ngang đề những chữ “Tuổi Trẻ Việt Nam Đứng Lên Bảo Vệ Tổ Quốc”. Chính vì những lời cam kết này của các em trẻ mà khi Ban Tổ Chức được giới thiệu với những khuôn mặt của thế hệ tương lai mà hội trường đã chào đón các em bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt. Đó cũng là ý chính của sự trình bầy của tôi ngày hôm nay là hành động cần thiết của chúng ta để chống Tầu cộng là làm sao vận động được sự tham gia của mọi người dân Việt ở trong nước cũng như ở ngoài nước, già cũng như trẻ, thế hệ này phải truyền sang thế hệ sau.
Thêm một tài liệu nữa để bổ xung cho bài viết này là tấm hình tôi mượn của Đại Tá Vũ Văn Lộc là người đã dựng được Viện Bảo Tàng Việt Nam ỡ San Jose, Bắc Cali. Nhân một chuyến sang Hoa Kỳ thăm ái nữ ở Đại Học Stanford của Luât sư Vương Văn Bắc, là Tổng Trưởng Ngoại Giao những năm cuối của Đệ Nhị Cộng Hoà, và cũng là người đã đệ trinh văn bản tố cáo với Liên Hiệp Quốc về sự xâm chiếm lảnh hải Việt Nam của Tầu cộng sau hải chiến tại Hoàng Sa, ông Vũ Văn Lộc đã mời Đề Đốc Trần Văn Chơn là vị Tư Lệnh Hải Quân VN cũng là người đã ra lệnh khai pháo để cùng đứng chụp chung một tấm hình mà ông gọi là hình lịch sử để lưu trữ tại Viện Bảo Tàng. Vào dịp này Đại Tá Vũ Văn Lộc đã mời tôi từ miền Nam lên miền Bắc để cùng đứng chung trong tấm hình có cả Tư Lệnh Hải Quân và Tư Lệnh Không Quân, cùng đứng với vị Ngoại Trưởng của VNCH tuy rằng lúc xẩy ra hải chiến Hoàng Sa tôi đã rời quân ngũ. Dù sao vào dịp này tôi cũng đã có dịp nói chuyện với cả hai giới chức là những người trong cuộc, và những điều tôi biết đã được ghi lại để mở đầu cho bài viết này.
Đề Đốc Trần Văn Chơn và Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc
Tâm sự của Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc.
Sau 40 năm, kể từ ngày hải chiến ở Hoàng Sa, đã có không biết bao nhiêu là tài liệu, kể từ hàng trăm năm về trước để chứng tỏ rằng những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Nhưng ở trong thời khoảng lịch sử trước đây, vị ngoại trưởng cũng là một luật gia, đã phải theo dõi tình hình ở Biển Đông, hàng ngày và hàng giờ, kễ từ ngày 11 tháng Giêng năm 1974, khi nhà cầm quyền Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố là các quần đảo Hoàng Sa va Trường Sa thuộc chủ quyền của nước họ, và tiếp theo đó trong tuần lễ sau khi những chiến hạm của Tầu cộng xuất hiện với khí thế rõ ràng là một cuộc xâm lăng có hoạch định. Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà, theo truyền thống bảo vệ giang sơn có từ hàng ngàn năm, với chiến công hiển hách phá quân Nguyên xâm lăng trên Bạch Đằng Giang năm 1288 của vị Thánh Tổ là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đã khai pháo bắn vào tầu địch theo lệnh của Đô Đốc Trần Văn Chơn là vị Tư Lệnh đương thời. Hành động của Hải Quân Việt Nam đã rõ ràng là hành động bảo vệ hải phận chống xâm lăng. Tiếp theo trận hải chiến, Bộ Ngoại Giao VNCH đã cấp tốc sưu tầm tài liệu và viết ra bạch thư công bố chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo vị Ngoại Trưởng thì ông không có một chút nghi ngờ gì về vấn đề này. Những năm sau này nhiều sữ gia và các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều tài liệu bằng nhiều thứ tiếng chứng tỏ hiển nhiên là những quần đảo nói trên đã là những miền của đất nước ta, mặc dầu Tầu cộng luôn luôn tìm cách để chiếm làm sở hữu.
Chúng ta cần lên tiếng.
Kể từ khi Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh để triểu kiến Tập Cận Bình và ký kết văn bản dâng nước gồm 8 điểm vào ngày 21-06-2013, và tiếp theo đó một năm sau, vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, khi Tầu Cộng đặt giàn khoan HD 981 tại một địa điểm cách đảo Tri Tôn của Việt Nam 18 hải lý, và cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi 119 hải lý thuộc Quần Đảo Hoàng Sa để hoạt động, tuy nói là để “thăm dò” dầu khí, nhưng rõ ràng là một hành động xâm lăng có kế hoạch hành quân khi chúng đưa theo một hạm đội với khoảng 80 tàu trong số này có 7 tàu hải quân, 33 tàu hải giám và ngư chính, còn lại là tàu đánh cá chở tiếp liệu, thì nhiều hội đoàn và nhóm người ở trong nước và ở hải ngoại đã lên tiếng và có những hành động phản đối qua những cuộc biểu tình lớn hay nhỏ. Để lấy vài thí dụ tượng trưng, chúng tôi ghi nhận:
1/ Bản Lên Tiếng của Hội Sử Học Việt Nam nhắc tới cuộc Hội Thảo Tình Hình Đất Nước và Biển Đông ngày 22-06-2014 tại New York của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ và kêu gọi hình thành cơ chế lâm thời điều hợp tổng quát cuộc đấu tranh chống Tầu Cộng và Việt Cộng.
2/ Bản Nhận Định của Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN về sự mất chủ quyền Việt Nam trên Biển và trên Đất.
3/ Những cuộc biểu tình chống Tầu Cộng nổi lên ở khắp các đô thị trên đất nước, từ Hà Nội vào tới Sàigòn. Ở hải ngoại nhiều cuộc biểu tình đông đảo người Việt ở trước những toà lảnh sự và đại sứ của Tầu Cộng và Việt Cộng. Ở nhiều nơi có đông người Việt cư ngụ, Cộng Đồng Người Việt đã tổ chức những đêm thắp nến thật cảm động và trang trọng với sự cầu nguyện của Hội Đồng Liên Tôn.
4/ Tất nhiên chúng ta cũng phải ghi nhận sự lưu tâm kiên trì tới Hiện Tình của Đất Nước của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An Nam Cali qua những buổi Hội Luận, mà lần này là lần thứ ba ở vùng này và đã có tiếng vang truyền đi các nơi.
Giàn Khoan HD 981
Chúng ta phải làm gì?
Mới đây chúng tôi đã viết một bài nhận định về tình hình đất nước, và đã mở đầu như sau:
“ Tầu Cộng đã đưa giàn khoan dầu khổng lồ sâu vào vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý, theo luật Quốc Tế là cuả VN để xác định chủ quyền hải phận trên toàn bộ Biển Đông bằng sức mạnh qua các hoạt đông quân sự rầm rộ bảo vệ giàn khoan, hầu cắt đứt Hải Lộ Quốc Tế Malacca từ Nhật Bản qua Ấn Độ Dương và Trung Đông. Việc làm này đã vi phạm luật biển Quốc Tế mà chính Tầu Cộng đã ký kết. Tầu Cộng đã đưa ra các lý luận ngang ngược là tính từ hải đảo hiện có đã chiếm cuả VNCH năm 1974, TC xác định hải phận 200 hải lý tính từ các đảo này là chủ quyền cuả mình, giá trị như các thềm lục điạ khác.”
Việc này đã làm người Việt phải đặt vấn đề là chúng ta chống Tầu Cộng cùng một lúc tiếp tục chống Việt Cộng, hay phải giúp Việt Cộng để chống Tầu Cộng. Câu trả lời thật dễ dàng nếu chúng ta trở lại khung cảnh lịch sử hơn bốn mươi năm về trước khi theo chỉ thị của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard M. Nixon, cố vấn chính trị Henry Kissinger đã bí mật bay sang Bắc Kinh và gặp Thủ Tướng Tầu Cộng là Chu Ân Lai, những ngày 9 và 10 tháng 7, năm 1971 và đề nghị rằng Hoa Kỳ sẵn sàng triệt thoái các lực lượng quân sự và để cho mọi diễn biến chính trị tại miền Nam Việt Nam sẽ do người Việt Nam quyết định với nhau. Đó là bề mặt như
tất cả các hãng thông tin trên thế giới đã rầm rộ loan báo. Nhưng về sau này, khi nhiều tin tức đã được giải mật, chúng ta mới biết là chỉ sau đó mấy ngày, vào ngày 13 tháng 7, năm 1971 Chu Ân Lai bí mật bay qua Hà Nội để báo cáo về chuyến thăm viếng của Kissinger. Theo Chu Ân Lai nói với các đồng chí Việt Cộng thì quân đội Hoa Kỳ sẽ rút hết khỏi Việt Nam, và phiá Hoa Kỳ không bắt buộc quân đội Bắc Việt phải rút ra khỏi miền Nam, nhưng phải rút ra khỏi Lào Quốc và Cam Pu Chia. Thủ Tướng Trung Cộng cũng nhắn nhủ các đồng chí Bắc Việt phải làm áp lực quân sự để giúp cho cuộc đàm phán ở Ba Lê vì Kissinger sẽ tiếp tục họp kín với Lê Đức Thọ để tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Cộng sản Bắc Việt đã nghe theo những lời khuyến cáo này nên họ đã mở những cuộc tấn công tại nhiều nơi ở miền Nam, và người dân còn nhớ mãi vào tháng 5 năm 1972 là “Mùa Hè Đỏ Lửa” riêng tại tỉnh Quảng Trị ở địa đầu giới tuyến, khi chiếm đóng thị xã và dùng đại bác bắn đuổi theo những người dân chạy nạn giết hại hàng ngàn người, già trẻ lớn bé, trên một đoạn đường hơn mười mấy cây số của đại lộ liên tỉnh số 1 chạy vào Huế, sau này được các ký giả gọi là “đại lộ kinh hoàng”. Nói tóm lại là theo kế hoạch rút quân của Nixon-Kissinger, Tầu Cộng và Việt Cộng đã biết trước được rằng quân đội miền Nam sẽ bị trói tay vỉ thiếu quân trang tiếp liệu, viên đạn cuối cùng cũng không còn để chống trả. Để kết luận phần này tôi xin đề nghị 5 điều để hướng dẫn việc làm của chúng ta như sau:
1/ Việt Cộng đã bán đất nước chúng ta cho Tầu Cộng. Những lời tuyên bố hời hợt của Nguyễn Tấn Dũng là cốt để che đậy bề ngoài và làm giảm sự phẫn uất của người dân. Những sự đi lại trao đổi của những giới chức hai nước giữa Hà Nôi và Bắc Kinh thực sự chỉ để đi đến một thoả hiệp cốt để chặn lại cao trào yêu nước của người Việt đang bùng phát ở tất cả mọi nơi, trong và ngoài nước, chống nạn Hán hoá, và hiện tại để tránh không cho Việt Cộng kiện Tầu Cộng xâm chiếm hải đảo ra Toà Án Quốc Tế. Cũng vì thế nên khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ là John F. Kerry mời Bộ Trưởng Ngoại Giao của Việt Cộng là Phạm Bình Minh sang Hoa Thịnh Đốn để hỏi ý kiến về Biển Đông mà hiện nay Bộ Chính Trị Việt Cộng không dám cho đại diện chính thức đi hội kiến mà định cho một Thứ Trường đi thay thế và cũng chưa quyết định sẽ để cho nói lập trường chính thức của Việt Nam ra sao. Vì vậy Việt Cộng hay Tầu Cộng sự thực chỉ là chung một đối tượng chúng ta cần chống để bảo vệ giang sơn và văn hoá Việt Nam.
2/ Đoàn Kết dân Việt là để gây sức mạnh. Chúng ta có rất nhiều hội đoàn, thường là những Hội Ái Hữu, những Hội Đồng Hương, những Hội Quân Binh Chủng, vân vân. và những hội gây được sự tín nhiệm của hội viên là những hội có
quy luật, ban chấp hành hay ban đại diện là do phiếu bầu trong những phiên họp công khai. Mỗi khi có những hoạt động có ích lợi chung mà được nhiều hội đoàn cùng tham gia là chúng ta có thể thành công dễ dàng. Chúng ta nên có những chương trình hoạt động, có mục đích rõ ràng và kêu gọi tất cả các hội đoàn cùng hợp tác để thực hiện. Trong hiện tại, cá nhân tôi nghĩ rằng những danh xưng quá vĩ đại bao trùm cả thế giới với hình thức độc tôn, không phải là điều đắc nhân tâm.
Tôi lấy một trường hợp mà sự cộng tác của các hội đoàn đã đưa đến thành công là cùng nhau phá những kế hoạch theo Nghị Quyết 36 của Việt Cộng. Đối với những biến cố tại Biển Đông, thái độ của CS Hà Nội lại rất lúng túng, mập mờ, một mặt thì tổ chức trong nước những cuộc biểu tình giả tạo để ngầm chặn lại sự phẫn uất của toàn dân, mặt khác thì lại tung ra hải ngoại những đoàn văn nô dùng những chiêu bài biểu diễn thời trang, thi hoa hậu, trình bầy ca vũ, để làm giảm tinh thần đấu tranh chống sự bán nước của tập đoàn Thái Thú ở Hà Nội. Cộng Đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản ở khắp nơi, cũng như các Hội Đoàn cựu chiến sĩ Quân Lực VNCH đã sớm biết những điều này và đã tổ chức những cuộc biểu tình chống sự bành trướng bá quyền ở Biển Đông của Tầu Cộng với sự thoả hiệp ngầm của Việt Cộng, trước những toà Đại sứ và Lãnh sự Tầu Cộng và Việt Cộng. Đồng thời ở khắp mọi nơi, ở Âu cũng như ở Mỹ hay Úc châu đã có những sự phối hợp các Hội đoàn, quân và dân, để lên án và tẩy chay những chương trình ca vũ nhạc của Việt Cộng trình diễn theo kế hoạch của Nghị Quyết 36. Vì thế mà trong những tời gian gần đây nhiều chương trình có sự tham gia của văn công cộng sản đã phải bãi bỏ.
3/ Đề phòng sự chia rẽ của Việt Gian Cộng Sản (VGCS) . Trong dịp này chúng ta phải cảnh giác chống lại những mưu mô thâm độc của bọn nằm vùng loan những tin tức thất thiệt đầy ác ý để chia rẽ và làm nhụt tinh thần chống cộng của đồng bào. Trên phương diện đấu tranh để loại trừ chế độ CS là kẻ thù và là nguyên nhân của mọi khổ đau và bất hạnh cho dân tộc, thì cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn có lập trường rất thuần nhất và kiên quyết, nên luôn sát cánh với nhau trong mọi hành động. Vì thế Cộng Sản luôn luôn tìm những kẽ hở, căn cứ vào những bất đồng tiểu tiết giữa chúng ta để gây chia rẽ. Chúng ta rất cần có một nhóm ngừoi lập ra một “Ủy Ban Kế Hoạch” để phân tích những biến cố liên hệ tới Việt Nam và viết ra những bản nhận định làm sáng tỏ cội nguồn. Chúng ta cũng cần có sự tham gia của những bạn trẻ gíỏi về vi tính làm thành “Nhóm Truy Tầm” đểtìm trên mạng những VGCS luôn đăng tin chia rẽ, và khi biết được thì cần tố cáo những nhân vật nằm vùng này trước công luận để chúng ta biết mà đề phòng.
4/ Phổ biến những tài liệu hữu ích vạch rõ âm mưu của Cộng Sản. Ý kiếnphát hành những đặc san tổng kết những buổi hội thảo của Hội Bưởi-Chu Văn An là một điểm son trong chương trình này. Cộng đồng người Việt nên giúp việc phổ biến rộng rãi những tin tức này. Lấy một trường hợp điển hỉnh nữa là mới dây tôi được thông báo là một nhóm chiến hữu và thân hữu chuyên gia ở miền Bắc Cali đã hỗ trợ cho học giả Trần Nhu là người đã dầy công nghiên cứu đễ thực hiện được một bộ sách đề là “Đại Hoạ Diệt Chủng” gồm có 2 cuốn I và II tổng cộng là 101 chương và tất cả dầy hơn 1200 trang. Theo người đã đọc bản thảo thì trong cuốn sách có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố và mỗi trang sách là một cáo trạng diệt chủng của Việt Cộng và Tàu Cộng. Tôi nghĩ là những tài liệu như thế này phải được hỗ trợ để được in ra và phổ biến rộng rải tới tất cả mọi người dân Việt.
5/ Liên Kết với những người dân tranh đấu ở trong nước. Ở hải ngoại, dù chúng ta tranh đấu, cố gắng đến bao nhiêu, dù có vận động được đến thế nào với những chíinh phủ các nước dân chủ trên thế giới, cũng không thể nào lật đổ được bạo quyền cộng sản nếu không có sự vùng lên của người dân trong nước. Hai nguồn nhân lực trong nước có thể lãnh đạo cuộc toàn dân nổi dậy là những nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền, những người đã từng bị nhà cầm quyền cộng sản thẳng tay đàn áp, bị tù đây khổ sai hay giam giữ nhiều năm mà không được đưa ra xét sử, và giới trẻ, mỗi ngày một đông và có tổ chức hơn, những bạn thanh niên đã đi tiên phong trong những cuộc biểu tình mà không dương cao lá cờ máu, chứng tỏ sự chán ghét chế độ. Những người đó là những thành phần chúng ta cần liên minh và trợ giúp. Xin các vị Chủ tịch các Cộng đồng địa phương nên tìm cách gửi tin tức hoạt động chống cộng các nơi về như là một cách thông tin, liên lạc với những tổ chức chống bạo quyền và Tầu Cộng ở trong nước. Khi mà chúng ta, ở ngoài và ở trong nước, cùng có một sự cảm thông phải chống Việt Cộng và Tầu Cộng thì sự liên minh sẽ đưa đến thắng lợi cuối cùng cho chúng ta.
Như là một kết luận cho bài viết này, và đặc biệt để nhấn mạnh sự cần thiết là chúng ta phải liên kết mọi thành phần già cũng như trẻ, dân cũng như quân, ngoài nước cũng như trong nước, tôi xin ghi lại dưới đây để tặng bạn đọc, đăc biệt là hai câu cuối cùng, một bài thơ lục bát tôi viết cách đây hơn mười năm trong một buổi hội ngộ với các chiến hữu KQVN.
Đêm Không Gian Hội Ngộ
Năm xưa xây mộng bến bờ,
Đêm nay dừng bước sông hồ liên hoan.
Thân chim nương gió bạt ngàn,
Cánh sơ sác phất, sương bàng bạc rơi.
Đưa theo mây gió đỉnh trời,
Kể cho nhau chút chuyện đời xa xưa.
Tây châu, mưa khói đương mùa
Dừng chân quán vắng, trời mưa lạc đường.
Quần hào quy tụ ngàn phương,
Không gian hội ngộ, trùng dương nghẹn ngào.
Mắt xanh tương ánh hoa đào,
Sênh ca réo rắt, anh hào bâng khuâng.
Gặp nhau nâng chén rượu mừng,
Nhớ xưa chắp cánh bay từng mây xanh.
Pháo đồn chặn địch tung hoành,
Thiết xa phi đạn, kinh thành ưu tư.
Đêm nay điệp khúc tạ từ,
Đêm mai còn nửa bài thơ gửi về.
Không gian hội ngộ, câu thề,
Nối vòng tay lớn, hướng về cố hương.
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh