-
Được đăng: 15 Tháng 9 2014
Trong những ngày vừa qua hình ảnh một cô gái xinh xắn xách lè kè bên mình một tấm nệm màu xanh đi lên giảng đường hay đi luẩn quẩn trong khuông viên trường đại học danh tiếng Columbia của Mỹ trên các phương tiện truyền thông quốc tế báo chí, trang web, TV đã dấy lên sự chú ý và mối nghi ngờ về đạo đức của các nam sinh viên và ngay chính của ban giám đốc các đại học ưu tú lừng danh của Mỹ. Cô cho biết cô bị một nam sinh viên cùng lớp hiếp dâm trên tấm nệm này.
Emma Sulkowicz, 21 tuổi nữ sinh viên năm cuối khoa nghệ thuật trường đại học Columbia, là một trong tám trường đại học thuộc Ivy League và cũng là một trong hai mươi đại học hàng đầu ưu tú nhất của Mỹ bị một nam sinh viên cùng lớp hãm hiếp vào ngày đầu tiên năm thứ hai đại học trong cư xá đại học (năm 2012). Ban đầu, như đa số phụ nữ khác, Emma Sulkowicz cũng xấu hổ không dám công khai việc mình bị hãm hiếp nhưng sau khi cô gặp được hai cô gái cùng trường cũng bị chính tên sinh viên ôn dịch này lạm dụng, cả ba liền đi đến ban giám đốc nhà trường trình bày vụ việc.
Ngược với sự chờ đợi, Emma Sulkowicz thất vọng khi ban giám đốc nhà trường cho rằng chẳng có bằng chứng cụ thể về vụ hiếp dâm, nhà trường quyết định đóng hồ sơ. Tháng năm vừa qua, Emma Sulkowicz cùng 23 nữ sinh viên cùng trường đệ đơn lên bộ giáo dục Mỹ phản đối thái độ của trường đại học Columbia đối với những vụ nữ sinh viên bị tấn công tình dục và bị hãm hiếp[1]. Các nạn nhân cho rằng, nhà trường cố tình dìm các vụ án, cứ lửng lơ xem những chuyện tố cáo là chuyện bịa đặt của các cô ngoài ra còn tạo áp lực để các cô khỏi “bươi” rộng ra. Không những vậy nhà trường còn đặt ra điều kiện, các cô không được đưa những chuyện tố cáo cho người thứ ba chẳng hạn như thố lộ cùng bạn bè hoặc gia đình “Những gì xảy ra trong khuôn viên nhà trường thì phải giữ yên trong khuôn viên trường”.
Bất mãn với thái độ của nhà trường cộng thêm tên hiếp dâm ngày ngày vẫn nhỡn nhơ đến trường, cách đây không lâu cô đã tố cáo vụ việc bị hãm hiếp cùng cảnh sát. Ngoài ra để tạo áp lực cùng nhà trường, Emma Sulkowicz đưa ra chiến dịch phản kháng “Carry that Weight” và đây cũng sẽ là đề tài cho luận án tốt nghiệp của cô. Qua chiến dịch phản kháng này, đầu tiên Emma Sulkowicz muốn vượt qua cơn ác mộng của chính mình: „Tôi bị hãm hiếp ngay trên giường của mình trong cư xá sinh viên. Tôi sẽ mang tấm nệm này đi cùng để cho mọi người thấy, việc này có thể xảy ra khắp mọi nơi.“
Để thực hiện chiến dịch “Carry that Weight” được dự trù kéo dài cho đến ngày „tên hiếp dâm phải biến mất khỏi nhà trường“, Emma Sulkowicz tự đưa ra nguyên tắc: Chỉ tự mang tấm nệm, không được kêu gọi người khác giúp đỡ ngoài trừ những người nào tự nguyện giúp. Hiện cô cũng đang nóng lòng để biết „liệu chiến dịch phản kháng này có mang lại thay đổi nào không?“
Trong các đại học tại Mỹ những vụ hiếp dâm như trên thì không thể kể hết. Một thí dụ điển hình xảy ra trong quá khứ là vụ hội sinh viên Sigma Phi Epsilon thuộc University of Vermont tại Burlington phân phát bảng phỏng vấn cho 45 hội viên trong đó có câu hỏi „Ai là người bạn thích hãm hiếp nhất?“. Do bị áp lực của báo chí địa phương, nhà trường phải giao vụ việc cho cảnh sát điều tra. Riêng nhà trường chỉ đưa ra lời tuyên bố „Nội dung vô cùng xúc phạm và không thích hợp“.
Tại Dartmouth College với 6000 sinh viên vào năm 2011 đã xảy ra 25 vụ hiếp dâm[2]. Những vụ „Xì Căng Đan“ như sinh viên ma mới bị sinh viên ma cũ hành hạ trong „nghi lễ nhập môn truyền thống“, bị bắt uống cho đến „chết“, bị bắt ăn trứng gà ốp la đến khi ói mữa, thử thách „can đảm“ như phải bơi sông vào ban đêm lạnh lẽo, nữ sinh viên thường xuyên bị hãm hiếp sau những đêm cuồng loạn trong hơi rượu và ma túy được các hội nhóm sinh viên tổ chức ngay trong khuôn viên trường là chuyện không có gì mới. Theo thống kê của bộ tư pháp Mỹ cứ mỗi năm nữ sinh viên trong suốt thời gian theo học tại đại học Mỹ thì có một cô bị hãm hiếp. Trong đó chỉ có 5% đâm đơn truy tố tại cảnh sát[3].
Người bị hãm hiếp thường không dám đứng lên tố cáo vì một phần do mặc cảm cũng đã từng say sưa chung trong nhóm, một phần lo sợ sẽ bị bạn bè đồng môn tẩy chay không cho tham dự các sinh hoạt khác và nhất là nếu có tố cáo đến ban giám hiệu thì nhà trường cũng sẽ giao vụ việc cho các “Safety and Security” của nhà trường rồi cũng lại đâu vào đó.
Không thể phủ nhận các đại học nhất là các đại học ưu tú nỗi danh của Mỹ đã đào tạo vô số nhân tài về các ngành chuyên môn, những người lãnh đạo tài ba cho nước Mỹ và ngay cả cho thế giới nhưng đại học Mỹ và cũng nhất là các đại học „tốt“ lại là nơi thường dùng mọi mánh khóe để che dấu những sinh hoạt ngoài quy định của pháp luật của sinh viên nhà trường cũng như vượt qua đạo đức của con người với mục đích giữ danh giá cho trường trong đó có sự hổ trợ ngầm của phụ huynh vì tâm lý không ai muốn nghe những lời phê phán xấu cho trường đại học mà mình đã bỏ ra hàng trăm ngàn Dollar cho con cái theo học.
Phương Tôn
(Nguồn: khoahocnet)