-
Được đăng: 29 Tháng 10 2014
Họ đi gom xác người, an ủi, cứu chữa người bệnh và qua đó họ đang làm một cuộc phiêu lưu với tính mạng. Khi Kollie Nyilah ngồi trên xe vận tải chạy đến những căn nhà được báo cáo có người chết vì Ebola, anh có người bảo bọc bên cạnh, những người mà anh gọi là anh em của anh. Ba người tài xế, hai người đàn ông, bốn người khiên cáng, người phun thuốc tẩy trùng bằng dung dịch Chlor nơi có người chết. Họ là những người đi gom xác, như anh Kollie Nyilah.
Các anh hùng của Monrovia
Một thành phố chiến đấu chống lại bệnh dịch Ebola
Bài phóng sự của Christian Putsch/ DIE WELT
Phương Tôn dịch
Không có bất kỳ nơi nào lại có nhiều nạn nhân của virus Ebola như tại Liberia. Cuộc chiến đấu chống lại nạn dịch trong những ngày qua nảy sinh ra những người nổi bật đáng kính trọng từ những người thật bình thường trước đây. Họ đi gom xác người, an ủi, cứu chữa người bệnh và qua đó họ đang làm một cuộc phiêu lưu với tính mạng.
Phần I: Người lượm xác
Trong ngày, đi gom xác người chết lại là công việc giúp cho anh khỏi phải phát khùng lên. Khi Kollie Nyilah ngồi trên xe vận tải chạy đến những căn nhà được báo cáo có người chết vì Ebola, anh có người bảo bọc bên cạnh, những người mà anh gọi là anh em của anh. Ba người tài xế, hai người đàn ông, bốn người khiên cáng, người phun thuốc tẩy trùng bằng dung dịch Chlor nơi có người chết. Họ là những người đi gom xác, như anh Kollie Nyilah.
Những công việc được lập lại hàng chục lần trong ngày suốt nhiều tuần lễ vừa qua: Mặc bộ quần áo bảo hộ màu trắng nóng nực đến nỗi Nyilah thường xuyên rủa thầm. Bộ áo quần chỉ che được da khỏi phải tiếp xúc với virus Ebola nhưng lại không chống nỗi ánh mặt trời. Họ lượm xác người bỏ vào một cái túi đặc biệt rồi đưa vào lò thiêu. Mỗi vung tay là mỗi tập dợt cho vũ điệu của thần chết.
Kolli Nyilah (trái.) và một đồng nghiệp khi trước khi „xuất quân“ (Hình: Christian Putsch)
Có quá nhiều việc để làm, quá nhiều điều phải chú ý. Đó cũng lại là điều giúp Nyilah bớt nghĩ đến những khuôn mặt bị con virus khốn nạn cướp đi. Những khuôn mặt người chết cứ hiện ra vào buổi chiều tối, vào những đêm khuya… không rời khỏi anh. Một người đàn ông cao gầy 26 tuổi trước đây là thợ sửa điện thoại và Computer thì nay lại là người đi nhặt xác, người sống trong khu vực tử thần.
Nyilah điều hành đội 5 của bộ phận „Quản lý xác người“ (Dead Body Management), gọi tắt là DBM tại Monrovia, thủ đô của Liberia, thủ đô thế giới của thần chết. Virus Ebola quậy nát trên đất nước của anh không nơi nào bằng. Hơn một nửa trong số 5000 người chết trên thế giới vì Ebola (số liệu tính đến ngày 24.10.2014) trong tháng vừa qua là từ Liberia. Đấy chỉ là con số được nhà chức trách ghi nhận. Con số người bị lây nhiễm thật sự có thể cao gấp hai đến bốn lần theo đánh giá của các nhà dịch tễ học.
Các tổ chức từ thiện quốc tế sợ rằng, dịch bệnh sẽ không dễ gì bị thuyên giảm. Hàng ngày luôn có người bị nhiễm bệnh, con số lên cao nhanh chóng. Xác người chết phải được đem đi gấp, không thể để nằm yên như vậy được. Không có gì lây lan virus mạnh hơn như trên xác chết.
Công việc mới đã làm cho Nyilah trở nên cô đơn. Xong việc trong ngày đi về nhà, đón Taxi đi về nhà nhưng anh tài xế Taxi bỏ chạy thẳng vì ngửi thấy mùi dung dịch khô Chlor bám trên áo quần, trên thân thể anh. Bạn bè bổng nhiên không còn ai đến thăm anh nữa. Cô bạn gái cũng trốn biệt luôn. Những chuyện như vậy xảy ra không riêng gì cho Nyilah mà với tất cả „Burial Boys“, những cậu trẻ mai táng, cái tên mà người ta đặt cho những người đàn ông như Nyilah hiện nay tại Liberia. Nyilah nói, anh không thể làm khác hơn. Đây là chuyện của đất nước, người dân của mình. „Chúng ta sợ, con virus này đến với gia đình mình.“ Vâng, nhưng ai đó cũng phải làm công việc dơ bẩn này.
Vào một buổi chiều thứ bảy Nyilah đang chờ đợi trong một sân sau. Trước đây là cái sâu sau của Bộ Y Tế nhưng nay lại là nơi để một vài người của Hội Hồng Thập Tự điều hợp cuộc chiến chống lại Tử thần. Họ điều hợp 16 đội, mỗi đội có 10 thành viên. Những nhóm như nhóm của Nyilah tìm cách tẩy sạch thành phố không còn xác người bị nhiễm độc.
Hôm nay Nyilah có phiên trực. Bốn đội đang trên đường thi hành nhiệm vụ. Xem cũng đủ người vì hôm nay không có nhiều người chết như cách đây vài tuần lễ. Trước đây mỗi ngày có đến 60 người bị chết, bây giờ còn 30. Tuy vậy, Ebola vẫn tiếp tục bùng phát rất nhanh tại Tây Phi. Gần một phần ba con số chính thức 10.000 người bị lây nhiễm đưa ra là bị dính trong ba tuần vừa qua.
Kollie Nyilah có nghe rằng, rất nhiều người bị lây nhiễm đã bỏ trốn khỏi thành phố do họ sợ khi chết không được chôn cất theo truyền thống của người Liberia. Nyilah cùng người của anh lại đem xác chết vào lò thiêu. Thành phố có một triệu rưỡi dân sống chen chúc cùng nhau.
Chính quyền thành phố đưa lệnh cấm chôn cất do vào hồi tháng bảy khi con số người bị nhiễm bệnh tăng nhanh chóng mặt, thành phố có dành riêng một khu đất ngoài ven ngoại ô thành phố để chôn cất người chết nhưng trời lại mưa, mưa dầm, làm cho đất mềm vỡ vụn ra đặc biệt là tại các vùng đầm lầy. Không bao lâu sau đó báo chí đưa ra hình ảnh xác chết nổi lềnh bềnh trên mặt đất. Chính quyền đã học được từ cái sai lầm này. Vấn đề chỉ là, người ta không muốn người chết của họ bị thiêu. Nó không phù hợp với tập quán của họ.
Điện thoại reo vang tại trung tâm. Một xác chết được phát hiện bên bờ sông Du. Nguyên nhân: không rõ. Điều này có nghĩa, đội gom xác Ebola phải được điều tới. Đến khi những người gom xác lặn lội qua cánh đồng để đến bờ sông nơi có xác người thì đã có hàng trăm hiếu kỳ đứng xem. Đội gom xác biết những gì phải làm. Họ vây quanh vị trí một giải băng đỏ. Bốn người đàn ông tiến từ từ đến xác chết đã bị thối rữa một phần, rồi trải một túi bọc xác màu đen bằng nhựa dày. Họ đưa xác vào túi rồi đưa lên cán chuyển lên xe tải. Công việc chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Dịch vụ cho sự sống chỉ mới bắt đầu.
Những người như Nyilah cần hơn 30 cử động tay chân để cởi bộ áo quần bảo hộ. Mỗi một cử động đã được tính toán trước, mỗi lỗi sai đồng nghĩa với cái chết. Họ vặn vẹo thân thể, nhướng người ra khỏi bộ áo quần rồi được người bạn đồng nghiệp phun thuốc tẩy trùng. Bộ áo quần bảo hộ liền bị hủy ngay sau đó. Cởi ra, mặc vào đều phải đặt dưới mắt một người khác kiểm soát để không ai được sai lỗi. Nếu không thì sẽ giống như những người họ vừa đưa vào lò thiêu.
Ebola tạo Kollie Nyilah thành người hùng trong khu vực tử thần. Cũng có một vài người giống như anh. Thí dụ như một nữ tu sĩ, một bác sĩ, một phụ nữ trẻ ở ngoại ô thành phố, một cậu sinh viên len lỏi trong khu ổ chuột. Họ là những người đang chiến đấu chống lại con virus tử thần. Họ làm vì đó là những gì mà họ phải làm. Nhưng không phải mọi người đều có thể thấy và muốn thấy những gì họ làm. Và đôi khi đấy lại là nỗi đau cho họ.
Kollie Nyilah phải trả cái giá cho những gì xảy ra từ tháng cho đến tháng tám vừa qua: Dịch bệnh tăng nhanh, chính quyền bị „ngợp“ lại thêm có rất ít tổ chức từ thiện quốc tế giúp đỡ. Người dân gọi đến bệnh viện cầu cứu nhưng xe cứu thương lại không đến vì nguyên Monrovia chỉ có mười hai chiếc.
Người gom xác đến, khi đã quá trễ. „Chúng mày chẳng quan tâm đến người sống chút nào, đến khi người ta chết rồi thì chúng mày lại đến“, người ta la hét chửi mắng. Họ ném đá Nyilah, có người rút dao, súng đe dọa anh.
„Để được cái gì đây?“ Trong một phút yếu đuối anh tự đặt câu hỏi. Chính quyền Liberia cùng Hội Hồng Thập Tự nay đã đưa những tâm lý gia đến săn sóc cho những đội nhóm này. Tất cả thành viên đều tập họp mỗi buổi sáng vào lúc 7g30, hai tiếng trước khi lên đường, để cùng nhau ăn điểm tâm và bàn bạc trao đổi kinh nghiệm cùng nhau.
Những người như Nyilah lảnh lương 1000 Dollar mỗi tháng. Cao hơn so với thời gian anh ngồi vặn ốc máy Computer. Nhưng „cho cái công việc mà chúng tôi đang làm thì số tiền đó không phải là cao“. Chính quyền muốn giảm còn một nửa lương. Lý do tiền có được từ Quỹ Khẩn cấp của Ngân Hàng Thế Giới chừng 100 triệu Dollar. Tiền được trả cho phí rủi ro cho bác sĩ, y tá và những người giúp chuyên chở. Không riêng tại Liberia mà tại các nước khác như Sierra Leone và Guinea, hàng tháng Ebola cũng xóa sổ hàng trăm mạng người.
Viễn cảnh lương chỉ còn một nửa, 200 nhân viên của bộ y tế bị chết đó là tổng kết của những tháng vừa qua. Cách đây vài ngày, tại Liberia các nữ y tá của các trạm xá cách ly đã xuống đường biểu tình phản đối giảm lương. „Chỉ vì một vài Dollar mà họ bỏ rơi bệnh nhân“, Ông bộ trưởng y tế giận dữ lên tiếng. „Chúng tôi không thể dùng hết cho tiền lương, Chúng ta cũng cần phải có thuốc men nữa.“ Kollie Nyilah sẽ không tham gia đình công, anh đã suy nghĩ về điều đó. „Bằng mọi cách chúng ta phải làm cho xong nhiệm vụ.“ Cùng nhau mà làm. Cho đến nay vẫn chưa có một Burial Boys nào tại Monrovia bị nhiễm bệnh. Họ tự hào về điều đó.
Phần II: Người hoạt động
Bill Harris nhớ rõ những ngày tháng tám vừa qua, náo động, sợ hãi. Đang đêm khuya quân đội vây chặt khu vực của anh, binh lính chận con đường lớn duy nhất để ra vào West Point. Con đường ra biển cũng bị khóa chặt. Hải quân còn đẩy cả những con thuyền đánh cá nhỏ đang đậu trên bờ trở lui trên bãi biển. Tin đồn lan truyền hiện đang có hàng chục ca bệnh Ebola tại West Point, một khu ổ chuột rộng lớn tại Monrovia.
Chính quyền trở nên hoảng hốt. West Point bị phong tỏa, ngay cả những người canh gát vào ban đêm sáng hôm sau cũng bị chận lại không cho trở về cùng với gia đình. Trên trăm ngàn người sống chen chúc trong một khu vực chật hẹp, cứ mỗi bốn trong năm người có ít hơn 1 Dollar mỗi ngày.
Không khí tại đây ngột ngạt khác hẵn với những nơi đông đúc người trong thành phố. Trong đó mùi hôi rác rữa cộng với mùi phân người. Dân cư ngụ tại đây sống nhờ vào buôn bán nhỏ. Họ đi khắp Monrovia. Đối với những người từ thôn quê lên thành thị kiếm việc làm thì đây lại là một trong những nơi khởi đầu quan trọng.
„Đó là những ngày khủng khiếp, mọi người đều sợ hãi“, Harris nói. Hầu như không có thực phẩm lọt vào được West Point. „Giá gạo và nước tăng vọt bởi vì con buôn không đi ra mà cũng chẳng đi vào được.“ Nhưng thật ra chỉ là báo động lầm, tại West Point có ít ca bệnh Ebola hơn so với những khu vực khác trong thành phố. Sau mười một ngày quân đội chấm dứt phong tỏa.
Harris, 24 tuổi, một thanh niên trông rất thể thao, nói tiếng Anh tốt, len lỏi trong các ngõ hẻm của West Point. Anh ta sống tại đây từ hồi mới sinh ra đời, qua đó anh yêu thiên nhiên. Trước khi đại học đóng cửa vì đại dịch Ebola, anh đang học đại học ngành Lâm nghiệp. Đối với những người hàng xóm của anh thì ngược lại chẳng ai biết đọc biết viết. Đó là một trong những nguyên nhân, tại sao West Point lại trở thành địa điểm của một âm mưu lớn.
Không nơi nào trên toàn đất nước lại có nhiều người không tin tưởng chính quyền nhiều như tại đây. Một số người tại đây cho rằng, Ebola chẳng qua chỉ là một phát minh của chính quyền. Chẳng qua chỉ là mánh khóe để công khai gom xác người hầu bán nội tạng. Hỗn loạn bùng phát sau khi hai người dân cư ngụ bị giết. Có bao nhiêu người tại West Point bị chết vì Ebola, chẳng ai biết chính xác. Chính phủ chỉ đưa ra con số cho các tỉnh. Ngay cả bây giờ, tại Monrovia người lạ từ xa đến bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ, họ thường bị xua đuổi. Đặc biệt là những người đến từ những vùng có tiếng bị nhiều ca Ebola.
„Kể từ khi West Point bị phong tỏa, chúng tôi bị xem là những người mang bệnh Ebola, bị người ta tránh xa khi đến những khu vực khác trong thành phố“, Harris cho biết. Anh biết rõ, mối nguy như thế nào trong tình trạng như vậy, cho anh ta và cho gia đình của anh. Đại dịch có thể bùng phát tại đây bất kỳ giờ phút nào. „Chúng ta phải làm, những gì có thể làm được – Đấy chính là bổn phận của chúng ta.“
Anh đã tìm thấy con đường để cho mình trở nên hữu dụng hơn. Harris mang tấm áo thun Polo màu xanh nhạt như những thành viên của Tổ chức Giúp đỡ Trẻ em Unicef. Hàng tuần qua, hàng ngày cứ hai người mỗi nhóm họ kéo nhau đi xuyên West Poin. Trở thành mũi nhọn xung kích bảo vệ chống lại Ebola. Họ đi từ túp lều lợp tôn này sang chòi lợp tôn khác, họ gõ cửa, xin vào nhà để tìm cách gợi chuyện, giãi thích về Ebola, hàng ngàn lần trong ngày. Những người đang còn nghi ngờ về sự hiện hữu con con virus, ngày càng giảm đi. Họ không thích nói chuyện với người của chính quyền nhưng đối với thanh niên trẻ hàng xóm trong khu vực thì họ lắng nghe.
Harris có một nhiệm vụ cần nhiều cố gắng kiên nhẫn, không hứa hẹn đem lại kết quả nhanh chóng. Nhưng những sáng kiến như A-Life lại trở thành không thể từ bỏ tại Liberia. Thanh thiếu niên dán trên những bức vách tại những con đường chính hàng trăm tấm áp phích với những hàng chữ như là „Ebola có tại đây và chúng giết người“. Thông thường là những tấm hình với thông điệp: Người bị nôn, đau đớn vì sốt, nhức đầu nặng và chảy máu – Những dấu hiệu có thể bị căn bệnh chết người. Nhìn hình, những người không biết đọc cũng có thể hiểu được.
Những người dẫn chương trình trong Radio hầu như chỉ còn nói về Ebola, ngay cả chương trình nhạc cũng hướng về căn bệnh. Dân chúng có thể không tin tưởng các chính trị gia nhưng những nhạc sĩ nổi tiếng trên toàn quốc như Judie Andy với bản nhạc rất thời sự „Ebola là sự thật“ thì lại là khác. Nhạc nghe có vẻ như bản nhạc cho trẻ em nhưng lại là cho người lớn: „Không chửa trị được / Nhưng ta có thể ngừa nó được / Ebola, Ebola – Chúng ta đứng cùng nhau / Hãy nói với mọi người về Ebola“. Hầu như mọi nghệ sĩ nổi tiếng đều ghi lại những bản nhạc tương tự như vậy. Những bài hát có âm êm dịu, đôi khi lại ngớ ngẫn vui tươi.
Người dân, ngay tại West Point, cũng hiểu, những gì họ phải đối diện. Dù vậy không phải ai cũng tuân thủ những biện pháp phòng ngừa. Người ta phải đi làm việc, đi ra chợ. Thế là người dân Liberia lại phải chen lấn trên những chuyến xe buýt nhỏ, trên xe lại phải cố tìm cách giữ khoảng cách với người bên cạnh. Hay là họ lấy loại xe ôm rẻ tiền, đôi khi có bốn người ngôi ôm chặt cứng cùng nhau trên một chiếc xe gắn máy nhỏ.
Đó là những hình ảnh thường ngày tại Phi châu. Trong những ngày này nó lại mang một ý nghĩa khác. Tổ chức từ thiện Bác Sĩ Không Biên giới khuyên người dân hiện nay không nên dùng xe Taxis công cọng. Trong tháng tám, khi virus Ebola phát tán nhanh tại Monrovia, mười hai chiếc xe cứu thương của thành phố triệu dân chỉ có thể chuyên chở một phần nhò người bị nghi ngờ nhiễm bệnh. Trong lúc bối rối tuyệt vọng người thân phải kêu xe Taxis đến chở người bệnh chờ chết đến bệnh viện. Kể từ đó con số người tài xế Taxis bị nhiễm bệnh tăng rõ ràng. Ngoài nghề Bác sĩ và Y tá thì không có ngành nghề nào lại có nhiều người mắc bệnh như vậy.
Khi còn bé Harris sống sót qua trận nội chiến. Khi chiến tranh chấm dứt thì cậu ta vừa mới 13 tuổi, và bị trễ đi vài năm học, cậu ta đã từng thề vào thời đó rằng, sẽ làm tất cả để giảm bớt những đau khổ tương tự cho đất nước.
Phần III: Người bác sĩ
Dr. Jerry Brown cởi bộ áo quần bảo hộ, bây giờ với bộ cánh áo sơ mi và chiếc quần Jean ông đứng trước trạm xá cách ly Elwa-2 tại Monrovia sốt ruột nhìn đồng hồ đợi chiếc xe SUV đến đón. Cái hẹn kế tiếp là cuộc bàn luận với các bác sĩ khác trong thành phố. Brown, 44 tuổi, một người đàn ông nhỏ nhắn với đấu tóc hớt ngắn cùng bộ ria mép, người đã quen thuộc quản lý từ thiếu thốn ít ỏi để làm được những việc tốt nhất.
Cho đến cách đây một vài tháng ông vẫn còn là một bác sĩ giải phẫu tại một bệnh viện khác. Ông giải phẫu các loại xương gãy thường là do tai nạn giao thông mà ra. Giờ thì ông ta điều hành một trạm xá đặc biệt, nơi tìm cách chữa trị người bệnh Ebola. Đây chỉ là một trong sáu trạm xá cách ly hiện có trên toàn Liberia. Brown và người của ông có rất ít tiền, rất ít thì giờ, rất ít thuốc men.
Họ phải hủy một phần bộ áo quần bảo hộ sau khi đã sử dụng. Họ phải thiêu hủy những tấm nệm, ra trãi giường, bọc gối mền của mỗi bệnh nhân. Và đối với một y sĩ như ông ta, thật là khó để có thể chấp nhận, khi ông không nhận được dược phẩm chống lại Ebola.
Số thuốc Ebola tồn kho trên thế giới dù đang được thử nghiệm và chưa được chính thức chuẩn thuận hiện lại đang cạn kiệt. Brown thử nghiệm với các sản phẩm Vitamin. Ông có nghe nói một người bác sĩ tại miền tây Liberia gây tiếng vang trên thế giới sau khi thành công dùng thuốc chữa bệnh Aids cho người bệnh Ebola. Một bác sĩ khác lại dùng thuốc chữa ung thư cho bệnh nhân Ebola. Các chuyên gia lại cho rằng, cả hai phương pháp trên đều vô nghĩa, chẳng mang lại kết quả gì.
Dr. Brown thì lại chú ý cho bệnh nhân nhiều chất lỏng, một hổn hợp nước có khoáng sản, đến 12 lít mỗi ngày. Ngoài ra thật là tốt khi điều kiện vệ sinh bây giờ được giữ gìn bảo đảm. Trong những tuần đầu tiên các y tá còn phải đem phân bài tiết của bệnh nhân đi đổ bằng những cái xô.
Dr. Jerry Brown điều khiển trạm xá cách ly Elwa-2 (Hình ảnh: Christian Putsch)
Dr. Brown bị Ebola cướp mất hai bác sĩ lớn tuổi, hai đồng nghiệp mà ông không thể nào cứu giúp được. Ông thật là đau khổ. „Tôi quen hai vị này đã hàng chục năm nay, một vị từng là giảng viên đại học thầy của tôi“, Brown nói. „Tôi đã thử mọi cách.“ Vào lúc 8g30 sáng hôm sau ông lại đứng bên giường bệnh nhân Ebola. Vào lúc 21g đêm ông mới ra khỏi bệnh viện. Ông không có đủ thì giờ cho sự thương tiếc người ra đi.
Brown vui mừng khi gặt hái được những kết quả đầu tiên. Lúc ban đầu thì những Burial Boys, những người đàn ông như Kollie Nyilah trong bộ áo quần bảo hộ màu trắng đến thường xuyên. Bởi vì trong những tuần lễ đầu tiên của đại dịch không một bệnh nhân Ebola nào sống sót để rời khỏi trạm xá của Brown. Họ được đưa vào trạm xá khi bệnh đã tiến triển nhiều. Cộng thêm điều kiện săn sóc tại trạm xá vào ban đầu không được tốt trong khi vấn đề vệ sinh, ăn uống lại nâng cao hệ miễn nhiễm của nạn nhân rất nhiều.
Đến tháng chín thì cứ hai bệnh nhân lại có một người sống sót, tỷ lệ ngày càng tăng. „Chúng tôi học được nhiều điều“, Brown cho biết. Ông nói, sự giúp đỡ quốc tế cho Liberia có thể tạo ra bước ngoặc một khi được tiếp tục tăng cường hơn nữa. Ebola có thể bị chận đứng nhanh hơn so với dự đoán trước đây.
Brown liều lĩnh hết sức. Bà vợ muốn cấm ông không được làm việc trong trạm xá cách ly. „Xin đừng có làm ở đó“, bà nài nỉ. Có quá nhiều bác sĩ, y tá qua đời trong những tháng vừa qua, chừng 200 người. Dr. Jerry Brown ngậm miệng. Thật đau đớn để ông có thể nói ra, ông không thể nghe lời bà, lần này thì không. Suốt một tuần lễ ông tỏ vẻ cho bà biết là ông vẫn làm nghề giải phẫu. Đến khi bà hỏi ông, tại sao áo sơ mi lại bạc màu rồi người ông thì hôi toàn mùi Chlor, khi đó ông mới thú thật. Chất tẩy trùng không những chỉ đánh bạt những con virus Ebola mà ngay cả chất màu.
„Anh phải giúp vậy thôi“, ông nói. Và bà vợ hiểu điều đó. Lần này thì cả hai đều im lặng.
Họ đưa ra thỏa thuận. Ông không được ôm mấy đứa con. Ông phải thay áo quần, giày dép ngoài nhà chứa xe, ngay cả mấy đôi tất. Dù cho ông mặc áo quần bảo hộ trong trạm xá cách ly và những bộ áo quần này bị hủy ngay sau khi làm việc.
Hỏi, bộ ông không sợ hay sao? „Không“, Brown trả lời không chần chừ, „một khi người ta hiểu con đường truyền nhiễm như thế nào, thì khi đó người ta có thể bảo vệ hiệu quả hơn.“ Khi ông đặt chân vào khu vực bệnh nhân thì không một tấc da nào lại không được che kín. Ông mang bộ quần bảo hộ trắng từ đầu đến chân, mặt nạ bảo vệ đường thở, găng tay bọc đến khủy tay, bộ mũ che đầu kín chỉ chừa hai mắt để nhìn qua kính bảo hộ, giống như là bộ kính lặn dưới nước. Ông được bảo vệ như vậy nếu một khi bệnh nhân có ói mửa hay ho khạc lên mặt của ông thì cũng không sao. Brown nói, ông tập trung vào những người sống sót. Cứ mỗi người sống sót lại tạo cho ông động lực mới.
Nhưng ông cũng biết rằng, tai họa không chỉ chừng đó. Virus đang còn hoành hành tại nhiều vùng thôn quê, những nơi xa xôi mà sự giúp đỡ quốc tế rất ít hoặc không thể tới được. Ngay tại Monvoria cũng không thể bảo đảm, người bệnh nhận được sự giúp đỡ tốt nhất. Brown hiện còn một vài giường trống trong khi đó trạm cách ly của Tổ chức Từ thiện Bác Sĩ Không Biên Giới, nơi có tiếng nhất tại Monvoria thì lại chật cứng. Họ không nhận thêm bệnh nhân nữa.
Hiện chỉ còn bốn trạm xá cách ly khác. Năm trạm xá đang được xây, sáu trạm đang còn trong kế hoạch. Nhưng sáu trạm này lại không tìm ra người khai thác. Cứ mỗi người chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh lại gây sợ hãi cho các tổ chức từ thiện và các tình nguyện viên. Brown đã trãi qua vào hồi tháng tám. Sau khi hai y sĩ bị nhiễm bệnh, tổ chức từ thiện „Samaritan's Purse“liền rút ra khỏi lãnh vực chăm sóc bệnh nhân. Brown và người của ông vẫn bám giữ vững cơ sở hoạt động tốt trong giới hạn cho phép.
Cách đây một vài ba tuần Brown thức giấc nửa khuya. Mồ hôi toát đầy người. Dấu hiệu đầu tiên hiện nhanh trong đầu. Ông tỉnh người bật dậy, xoay sang bà vợ đang ngủ yên tay đặt trên ngực ông. Hoảng hốt ông vất tay bà sang một bên. „Cái gì vậy?“ bà giật mình thức giấc hỏi ông. Ông nín thinh.
Nỗi sợ hãi trong những giây phút như vậy làm cho ông nhớ rằng, ông đang đánh liều không chỉ riêng mạng sống của ông. Sau khi bình tỉnh trở lại ông mới nhìn thấy cái máy quạt không được đặt sát giường như thường lệ mà lại nằm trong góc phòng. Ông cầm lấy nhiệt kế đo thân thể, 37 độ, nhiệt độ không tăng chút nào. Chẳng qua chỉ là một đêm nóng oi bức và ông chỉ vừa có một giấc mơ không được đẹp mà thôi.
Phần IV: Người con gái
Cô Fatu Kekula ngồi trước căn nhà sơn xanh có đàn gà đang chạy tới lui, cách giếng nước của khu dân cư chừng 50 mét và điện thì lại không có. Trước của nhà treo tấm bảng ghi chữ “Jesus”. Căn nhà này đã trở thành nơi xảy ra một điều kỳ diệu.
Vào một ngày thứ hai trong tháng tám, tin chẩn đoán cho biết: Ebola. Cha của cô nhiễm bệnh và chẳng còn sống bao lâu nữa, Fatu Kekula dự đoán. Rồi đến mẹ của cô lại bị sốt cao, đến người em gái, thêm cậu em họ sống cùng trong nhà. Hầu hết bệnh viện đã đóng cửa sau khi hơn một trăm y tá bị lây nhiễm. Những trạm xá cách ly người bệnh hầu như không có trên toàn nước.
Con virus Ebola đe dọa xóa sổ nguyên cả gia đình cô nhưng Fatu Kekula lại không biết làm gì hơn. Đưa em gái, cha, mẹ, cậu em họ đi đâu? Bệnh viện kế đã đầy người không còn giường trống. Cả ngày cô đi tìm kiếm nơi này đến nơi nọ để cứu chửa cho gia đình nhưng vô vọng. Vậy thì cô phải quyết định, tự tìm cách cứu gia đình.
Cô không phải là bác sĩ nhưng lại là nữ y tá với ba năm học nghề chỉ còn thiếu một năm thực tập. Trung tâm huấn nghệ của cô đã đóng cửa như các trường khác trong nước. Cô không còn chọn lựa nào khác hơn.
Fatu đứng dậy đi vào trong căn lều lấy ra một vài túi rác lớn, một cái áo mưa, tất, giày bốt cao su. Đó là bộ áo quần bảo hộ và xem ra cũng là cái bảo hiểm nhân thọ của cô. Trong vòng hai tuần lễ lấy túi nhựa bọc đôi tất rồi cột chặc lại, một túi khác thì bọc bộ tóc, chùm cái áo mưa lên người, mang một lần bốn cái găng tay ngoài ra thêm một cái mặt nạ để thở rẻ tiền trước khi cô bước đến giường để săn sóc bệnh nhân người nhà của cô.
Cô đặt ra một vài quy định tối thiết. Cha, mẹ, em gái và cậu em họ đưa vào trong phòng ngủ vì ở đó có phòng tắm. Hàng xóm không được đến gần. Cô tự nhủ phải mạnh mẽ bất kể những gì sẽ xảy ra vì một khi can đảm bị đánh mất thì người bệnh của cô cũng chẳng còn.
Cô săn sóc cho gia đình suốt ngày. „Tôi không thể ngủ một giấc dài hơn mười hay mười lăm phút“ cô kể, „tôi cứ khóc hoài.“ Chẳng bao lâu sau thì cha mẹ, cô em, cậu em họ không còn ăn được đồ ăn cứng, đấy là một biến chuyển tiêu biểu của căn bệnh. Khởi đầu với dấu hiệu lên cơn sốt, có vấn đề với ruột và bao tử, cuối cùng thì chảy máu, nội tạng bị hủy hoại dẫn đến cái chết. Fatu mua thật nhiều nước trái cây cho cả nhà uống hầu có thêm một vài Calorie.
Đó là thời gian mà hàng loạt bệnh viện tại Liberia đóng cửa, kể cả trung tâm „Mareidi County Ebola Response Center“ gần nhà cũng đóng cửa vào hồi đầu tháng tám sau khi 14 nhân viên bị chết vì Ebola trong chưa đầy tuần lễ. Trung tâm đóng cửa một tháng. Hệ thống chăm sóc y tế xem như bị khóa chặt đối với hàng ngàn người sống tại các làng xã quanh Monvoria.
Đầu tiên ông cha mắc bệnh, rồi đến bà mẹ, đến cô em gái lại nhằm ngay trong thời gian hệ thống y tế của Liberia bị đe dọa sụp đỗ. Dù vậy cô gái trẻ vẫn tìm thấy lối thoát.
Từ tháng chín, các bệnh viện hoạt động trở lại. Giường bệnh bị đốt hết, vách tường được sơn quét mới, 200 y tá sống sót được huấn luyện. Kể từ đó không còn nhân viên bị nhiễm bệnh. Con số bệnh Ebola cũng giảm nhẹ. Trong tháng chín mỗi ngày vẫn còn chín bệnh nhân có Ebola dương tính nhưng nay chỉ còn hai. Số phận của các bệnh nhân được quyết định trong vài tuần lễ.
Vào đầu tháng tám con virus Ebola xâm nhập vào căn lều xanh. Đến cuối tháng tám, cha mẹ, em gái của Fatu bắt đầu ăn uống trở lại. Đưa đi thử nghiệm trong một bệnh viện tất cả đều âm tính. Điều này có nghĩa virus Ebola đã bị đánh bại. Riêng cậu em họ thì cô không thể cứu được. Cậu bé chết như trung bình hai phần ba bệnh nhân kề từ khi đại dịch bùng phát.
Fatu Kekula ngồi trên cái ghế màu trắng trước mặt nhà. Cha mẹ, cô em gái ngồi bên ngoài. Và Moses, một đứa bé mười tuổi. Cha mẹ của bé bị Ebola gạnh sổ. Gia đình Fatu nhận Moses làm con nuôi. Fatu có vẻ nóng ruột, cứ mỗi vài ba phút lại nhìn vào máy điện thoại, cô phải đi. Cô đi từ nhà này sang nhà khác trong mấy làng xã quanh Monrovia. Cô muốn kể cho thân nhân đang săn sóc người thân mắc bệnh, cô đã làm như thế nào khi không có áo quần bảo hộ. Bây giờ cô biết rõ phải làm như thế nào.
Phương Tôn