-
Được đăng: 29 Tháng 4 2014
Con đường viết sử hay viết tiểu thuyết lịch sử đều không dễ dàng, bởi vì muốn có một quyển sách trung thực, nhà văn phải bỏ công tìm tòi nghiên cứu rất nhiều tài liệu. Chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử, ông đã khéo léo dùng tiểu thuyết, loại văn sáng tạo làm nền, để đưa chân sử đi vào cuộc đời của chúng ta và con cháu chúng ta, để có thể thay thế những loại sách sử sai sự thật. Ông viết gọn gàng, giản dị và đó là điểm đặc biệt của sách ông. Hình như mục tiêu chính của ông là giới trẻ hải ngoại. Những trang sử trung thực được viết dễ hiểu sẽ tạo cơ hội sách được xử dụng trong lãnh vực giáo dục giới trẻ ngày nay.
UYÊN HẠNH đọc và giới thiệu
ĐẦU VOI PHẤT NGỌN CỜ VÀNG
của Ngô Viết Trọng
Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng là một quyển tiểu thuyết lịch sử với bối cảnh xã hội Việt Nam trong Thời kỳ Bắc thuộc lần Thứ Nhất. Sách viết về cuộc khởi nghĩa của vị anh thư Nước Việt Triệu Thị Trinh với một thành tích chiến đấu dũng cảm can trường. Triệu Thị Trinh còn có tên là Nhụy Kiều Tướng Quân, một tên gọi dân chúng yêu mến phong cho vị nữ tướng trẻ đẹp tuổi mới ngoài 20. Triệu Thị Trinh còn được gọi là Bà Triệu, tiếng gọi kính ngưỡng đối với vị thủ lãnh trẻ, giỏi võ nghệ đã can đảm cầm quân khởi nghĩa năm 248 TL, chống lại ách thống trị, sự bóc lột và chính sách hà khắc nhà Đông Ngô đã đè nặng lên cuộc đời và sự sống của người dân Việt thời đó.
Trong suốt một ngàn năm bị Tàu đô hộ hà hiếp, một cuộc khởi nghĩa chống Tàu đầu tiên của dân Việt (năm 40 TL) do hai vị nữ lưu lãnh đạo là Hai Bà Trưng và hai trăm năm sau một cuộc khởi nghĩa chống Tàu khác lại diễn ra (năm 248 TL), do vị anh thư Triệu Thị Trinh khởi xướng. Những gương sáng dũng cảm của các vị nữ anh hùng đã được người dân Việt ghi nhớ, và ghi lại trong sử sách. Vấn đề là lịch sử Việt trước tiên do người Tàu viết và có nhiều điểm bị bóp méo sự thật.
Nhìn lại giòng lịch sử nước Việt, chúng ta thấy rằng suốt ba phen Bắc thuộc kéo dài một ngàn năm và từ khi Ngô Quyền mở đầu thời kỳ tự chủ của nước ta (939), tiếp đến là Nhà Đinh (968-980) rồi đến Nhà Tiền Lê (980-1009) và Nhà Lý (1010-1225) và trong suốt bốn triều đại này nước ta chưa có một bộ sử. Mãi đến năm 1272, Bảng nhãn Lê Văn Hưu là người đầu tiên cho ra đời bộ sử đầu tiên của nước ta, bộ Đại Việt Sử ký. Kể từ đó đến nay đã có nhiều bộ sử được viết với những sử gia tên tuổi. Một số đã dày công tra cứu và biên soạn, nhưng vẫn còn có những điểm sai, ví dụ như do cách dùng từ ngữ của Người Tàu với ý đồ miệt thị dân tộc ta, họ đã gọi Bà Triệu là Triệu Ẩu. Chữ Ẩu có nghĩa là Bà già hoặc Con Mụ, và trong sách sử của họ một nữ tướng trẻ đẹp như Triệu Thị Trinh lại được nói đến bằng hình ảnh một người đàn bà hình dáng thô bạo với cặp vú dài ba thước, ác độc giết người. Nhiều sử gia Việt phải mượn sử liệu từ những ghi chép của Trung Hoa và những điểm sai trong sử sách không được thay đổi.
Đi vào lãnh vực viết tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Ngô Viết Trọng đã cố tâm làm công việc chỉnh sửa những khuyết điểm nói trên. Đầu năm nay, 2014, ông cho hoàn tất quyển tiểu thuyết lịch sử thứ sáu, Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng.Sách dày trên 200 trang, viết về vị nữ anh hùng đã chiêu mộ binh lính đứng lên đánh lại quân Tàu, giành độc lập cho đất nước. Khởi đầu bằng một bối cảnh gia đình của những thường dân là Triệu Thành và Phạm Thị. Từ khởi điểm nầy ông đưa chúng ta đi vào một bối cảnh xã hội mang tính lịch sử với những cảnh huống người dân bị ức hiếp bởi những quan lại Tàu, và những tên tham quan ô lại Việt là tay sai của giặc Tàu tại các huyện, phường, làng, xã. Để rồi sau đó, chúng ta biết đến Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh.
Triệu Thị Trinh là con thứ của Triệu Thăng và Phạm Thị. Cô là em gái của Triệu Quốc Đạt. Nhờ khí chất thông minh và gặp duyên may, cô đã được một bậc trung niên thuộc dòng dõi của Tể Tướng Lữ Gia truyền hết võ nghệ và binh pháp ngay từ khi cô còn bé. Lớn lên trong một nền tảng đạo lý vững chãi qua sự giáo dục của cha mẹ và vị thầy gia phong, cô đã từng chứng kiến những bất công hà hiếp ở đời trong cuộc sống đầy bất hạnh của người dân lương thiện. Một tình yêu quê hương dân tộc nẩy sinh và lớn mạnh trong lòng cô. Uất hận vì cảnh tượng người dân bị trù dập và oằn người trong nghiệt ngã dưới sự tàn độc của giặc Tàu, Triệu Thị Trinh đã chiêu binh mãi mã và với sự giúp sức của anh trai Triệu Quốc Đạt, cô đánh bật được lũ giặc Tàu tham ô. Nhưng vì sức yếu thế cô, cô đã không cầm cự được lâu và cuối cùng phải thua về tay Lục Dận. Sa cơ thất thế, cô đã chọn cái chết để khỏi bị nhơ thân vì lũ man rợ Tàu phù, bởi vì từ ngày còn nhỏ, cô đã chứng kiến cảnh bị ức hiếp và hãm hiếp mà người dân Việt phải chịu dưới sự lạm dụng quyền uy của giặc Tàu và những tên tham quan ô lại người Việt “duồng gió bẻ măng” đã làm cho đời sống người dân càng khốn khổ cay đắng hơn.
Đọc Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng của nhà văn Ngô Viết Trọng chúng ta không khỏi liên tưởng và kết nối thảm cảnh của người dân trong Thời kỳ Bắc Thuộc với tình hình đất nước hiện nay dưới sự cai trị tàn độc của một thể chế bất nhân tại Việt Nam. Ngoài việc ức hiếp dân lành, cướp đất giết người, đảng CSVN còn cắt đất dâng biển cho Tàu cộng. Là con cháu Bà Trưng Bà Triệu, là con cháu của những anh hùng hào kiệt đã dày công dựng nước và giữ nước, chúng ta và con cháu chúng ta không thể làm ngơ trước những hành động hại dân bán nước của một bè lũ mua danh hám lợi đang cầm vận mạng đất nước Việt Nam trong tay. Tinh thần Trưng Triệu không cho phép chúng ta nhắm mắt bỏ mặc.
............
Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng là một đề tựa dễ làm giao động và rung động lòng người ngay trong thời điểm nầy. Nhà văn Ngô Viết Trọng đã chọn cho tác phẩm thứ mười hai của mình một cái tên rất đơn giản nhưng giàu hình ảnh của những hoài bão to lớn, ý chí bất khuất, sự can trường và lòng yêu nước cao độ, được tôi luyện bằng nỗi khổ cùng cực của con người, tạo nên sức mạnh vô biên giúp người dân hiền vùng lên quật khởi dưới ngọn cờ chỉ huy của vị nữ tướng Triệu Thị Trinh, cưỡi trên lưng con bạch tượng một ngà đánh ngã ách thống trị bạo tàn của người Tàu. Bà Triệu là một hình ảnh quật cường, làm sống dậy niềm tin và lòng yêu nước của chúng ta.
...........
Nhà văn Ngô Viết Trọng viết đơn giản không dùng câu văn trau chuốt với chữ nghĩa mượt mà. Đôi lúc đọc văn ông, chúng ta thấy đơn giản đến độ không sống động, và ta vội vàng kết luận rằng ông viết “khô” quá. Ví dụ một đoạn trong sách kể lại câu chuyện Triệu Thị Trinh ngày còn bé đã phải chứng kiến cảnh quan lại Tàu hãm hiếp một cô gái trẻ đẹp. Câu chuyện chỉ được ông kể lại bằng 2 dòng. Nếu là một nhà văn khác, viết tiểu thuyết để tiểu thuyết hóa cuộc đời, chắc hẳn cảnh tượng đó sẽ được “linh động và màu mè hóa” và được trải dài trên nhiều trang sách với những tình tiết éo le mục đích làm người đọc thích thú và gây căm phẫn bằng lối diễn tả chú trọng việc làm sống dậy trò bỉ ổi nầy một cách cặn kẻ để lôi kéo người đọc. Với ông, hình như ông không màng về khía cạnh nầy, thế nên lời văn có vẻ “khô khan”. Tiểu thuyết lịch sử của ông ngoài mục đích viết lại những trang sử trung thực, còn cho thấy ông muốn làm công việc bảo tồn văn hóa bằng cách viết đúng câu văn, đúng chữ, dùng đúng văn phạm và giữ trọn vẹn ý nghĩa đạo đức luân lý dù trong bối cảnh nào vẫn với lối hành văn đứng đắn. Với lối viết văn nầy, ông đã đáp ứng phần nào những khắc khoải của các nhà thức giả đang quan tâm rất nhiều về ngôn ngữ hằng ngày cũng như lối hành văn không đúng văn phạm, cách dùng chữ sai đến thảm hại hiện nay trong sách vở và tại trường học ở Việt Nam.
...........
Một người đã viết liên tiếp nhiều tác phẩm tiểu thuyết lịch sử như ông, chắc hẳn đã chiếm được một chỗ đứng vững chãi trong lòng mọi người. Và giới độc giả nầy không ai khác hơn là những người đọc để thẩm định rằng, loại tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Ngô Viết Trọng đáng được đưa vào tủ sách gia đình, tủ sách nhà trường, tủ sách của các trường dạy Việt Ngữ cho lớp trẻ hải ngoại. Sách ông là chất xúc tác nối tư tưởng và nổi khát khao đang cuồn cuộn trong lòng mọi người dân Việt hiện nay. Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng ghi lại thành quả của một tấm lòng quật cường cùng sự hy sinh cho lý tưởng bảo vệ lãnh thổ và tranh đấu cho sự sống của người dân của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Từ ngàn xưa cho đến thực tại hôm nay những đày đọa áp bức thời đó và bây giờ sẽ làm sống mạnh những gì chúng ta đang ấp ủ: “lật đổ một thể chế tàn độc vô nhân” của hiện tại, như nữ tướng Triệu Thị Trinh đã khởi xướng và thực hiện trong giai đoạn bị người Tàu đô hộ.
...........
Thường khi viết sách nhà văn nhắm vào giới tiêu thụ. Họ viết cho người đọc, và cầu mong có nhiều người đọc để sách họ bán được số lớn. Viết tiểu thuyết là mở rộng lối đón người tiêu thụ, bởi vì tiểu thuyết thường được viết theo nhu cầu của người đọc. Ngược lại viết lịch sử là tự mình giới hạn số độc giả và người tiêu thụ sách mình. Chỉ những người ôm ấp một hoài bão xây dựng đất nước trên khía cạnh xã hội, văn học, lịch sử mới không đặt nặng vấn đề bán sách.
...........
Con đường viết sử hay viết tiểu thuyết lịch sử đều không dễ dàng, bởi vì muốn có một quyển sách trung thực, nhà văn phải bỏ công tìm tòi nghiên cứu rất nhiều tài liệu. Chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử, ông đã khéo léo dùng tiểu thuyết, loại văn sáng tạo làm nền, để đưa chân sử đi vào cuộc đời của chúng ta và con cháu chúng ta, để có thể thay thế những loại sách sử sai sự thật. Ông viết gọn gàng, giản dị và đó là điểm đặc biệt của sách ông. Hình như mục tiêu chính của ông là giới trẻ hải ngoại. Những trang sử trung thực được viết dễ hiểu sẽ tạo cơ hội sách được xử dụng trong lãnh vực giáo dục giới trẻ ngày nay.
...........
Tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Ngô Viết Trọng có giá trị lịch sử, giáo dục, văn học và văn hóa. Sách ông có thể đáp ứng mọi tầng lớp trong mọi lãnh vực và xứng đáng được xử dụng trong chương trình giáo dục tại các Trường Việt Ngữ Hải ngoại. Giá trị tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Ngô Viết Trọng phải được thấy rõ và đáng được trân trọng đón nhận.
...........
UYÊN HẠNH
28/4.2014
...........
Mua sách xin trực tiếp liên lạc Nhà văn Ngô Viết Trọng: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.