slogan-01

Sống quãng đời cuối cùng bằng trợ cấp hàng tháng của Tấn triều. Những cuộc vui thâu đêm suốt sáng đã làm ông quên hẳn nước Thục, nơi cha chú ông đã lao khổ cả đời để gây dựng, nơi còn tập hợp nhiều đền miếu mồ mả tổ tiên ông, nơi những thần dân đã từng hi sinh chiến đấu cho cơ nghiệp của ông đang sống..
 NuiSong
 
LẠC BẤT TƯ THỤC
   Cuối đời Tam Quốc Ngụy Thục Ngô, nước Thục bị rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân sự rất nặng. Ở cung đình nước Thục xuất hiện một viên hoạn quan có nhiều tham vọng nổi bật: Hoàng Hạo. Y vừa hầu hạ vua vừa là cố vấn của vua. Hoàng Hạo có khả năng thuyết phục nhà vua, nói gì vua cũng nghe, xúi gì vua cũng làm. Dĩ nhiên hầu hết việc của Hạo đều nhắm mục đích thỏa mãn dục vọng của vua và chính bản thân Hạo, luôn đi ngược lại quyền lợi quốc dân. Triều đình Thục không còn ai đủ bản lĩnh để cứu vãn tình trạng đó. Những bậc trung thần đều lần lượt bị hại hoặc tự động xin về ở ẩn. Tướng giỏi trụ cột của Thục là Khương Duy phải xin đưa quân ra Đạp Trung lập đồn điền mà cũng là để lánh họa.
   Được cơ hội này, tướng Ngụy là Tư Mã Chiêu sai Chung Hội, Đặng Ngải chia quân hai đường tiến đánh đất Thục. Khương Duy một mặt điều động quân chống giữ, một mặt dâng thư cáo cấp về triều xin viện binh và xin tăng cường đề phòng các nơi hiểm yếu. Nhưng bao nhiêu văn thư cáo cấp đó đều bị Hoàng Hạo dìm hết. Triều đình nhà Thục vẫn an nhiên không hay biết gì. Không có viện binh, không được tiếp tế lương thực, quân Thục ở biên cương lần lượt tan rã. Cuối cùng thì tin dữ cũng lọt đến tai Thục chúa Lưu Thiện, nhưng Hoàng Hạo lại rào đón:
-Chẳng qua là Khương Duy muốn lập công nên phao tin nhảm. Ở đây có một bà đồng nói về việc thịnh suy rất hay, bệ hạ nên mời đến để hỏi việc an nguy quốc gia.
   Thục chúa nghe lời, triệu bà đồng đến. Sau một hồi nhảy múa, bà đồng xưng là Thổ thần Tây Xuyên báo cho Thục chúa biết là đã gần ngày ngài thống nhất được cả ba nước. Thế là Thục chúa mừng lắm, cứ yên chí vui chơi, không cần lo tiếp viện hay đề phòng gì cả. Trong lúc Khương Duy đang lo cầm cự với Chung Hội ở mặt Kiếm Các thì Đặng Ngải ngầm đưa quân qua ngả Âm Bình, mạo hiểm vượt Ma Thiên Lãnh tiến vào Thành Đô, kinh đô nước Thục. Cuộc hành quân bất ngờ của Đặng Ngải tiến vào Thành Đô được sự tiếp tay của nhóm tay chân Hoàng Hạo đã làm cho tinh thần người Thục rất hoang mang. Thục chúa hoảng hốt vội vã xin hàng. Đặng Ngải sai Thục chúa xuống lệnh cho Khương Duy giải tán quân đội nhà Thục. Thế là bao nhiêu công lao gian khổ
một đời của vị anh hùng Lưu Bị cộng với sự cúc cung tận tụy của nhà đại mưu lược Khổng Minh Gia Cát Lượng tiêu vong.
   Diệt Thục xong, đặc sứ của Tư Mã Chiêu là Giả Sung bắt Thục chúa cùng một số nhân vật tên tuổi như Phàn Kiến, Trương Thiệu, Tiêu Chu, Khước Chính, Hoàng Hạo cùng một số quan lại cấp nhỏ và cung nữ khoảng một trăm người đưa về Lạc Dương.
   Tới Lạc Dương, Giả Sung đưa Thục chúa Lưu Thiện vào ra mắt Tấn công Tư Mã Chiêu. Lưu Thiện khúm núm trình diện. Tư Mã Chiêu chỉ mặt Thiện mà mắng:
   - Cha ông là một vị anh hùng có tài dựng nước, ngang dọc không chịu khuất phục ai, thế mà ông vô đạo, bỏ người hiền, phế chính sự, đến nỗi mất cơ nghiệp, theo lẽ phải đem giết đi!
   Lưu Thiện run cầm cập, mặt tái như màu đất, không nói năng gì được.
   Các quan thấy vậy thưa với Tư Mã Chiêu :
   - Lưu Thiện mất nước sớm biết đầu hàng xin tha tội chết.
   Chiêu nghe lời, phong cho Thiện làm An Lạc Công. Một số người đi theo Thiện cũng được phong tước Hầu. Chiêu lại ban cấp nhà cửa, phát lương bổng hàng tháng cho tất cả.
   Hoàng Hạo cũng được phong tước Hầu. Hạo vô cùng tự đắc vì công lớn của mình.  Trong tám lần phạt Ngụy của Khương Duy, có hai lần nước Ngụy bị khốn đốn đều được Hoàng Hạo giải nguy bằng cách xúi Thục chúa buộc Khương Duy rút quân về.  Mới đây Hạo lại lũng đoạn nhân sự triều đình Thục, dìm yểm các biểu văn cáo cấp từ biên ải khiến quân Thục mau thua, nước Thục bị mất nhanh chóng. Từ khi Lưu Thiện mất quyền, Hạo ngày càng lên mặt. Đến nỗi nhiều lần Hạo đã nói những lời mất lòng Lưu Thiện mà không thèm dè dặt. 
   Ba hôm sau, Lưu Thiện dắt đám bầy tôi đến phủ Tấn Công để tạ ơn. Tư Mã Chiêu cho bày tiệc lớn để đãi đằng. Vào tiệc, Chiêu cho nhạc công cử nhạc nước Ngụy lên giúp vui. Lưu Thiện, Hoàng Hạo vừa ăn uống, vừa thưởng thức, mặt mày hớn hở vô cùng.  Chiêu thấy vậy lại cho nhạc công cử nhạc nước Thục và khiến một số cung nữ Thục ra múa hát. Nhiều viên quan nước Thục thấy cảnh đó thì cau mày, sầm mặt, đau đớn rơi nước mắt. Chỉ có Lưu Thiện, Hoàng Hạo thì vẫn hể hả nói cười. Tư Mã Chiêu thấy vậy hỏi:
   - Này, An Lạc Công ! Có nhớ Thục không?
   Lưu Thiện đáp không ngập ngừng:
   - Ở đây vui lắm, tôi không nhớ Thục.
   Chung quanh Lưu Thiện nổi lên vài tiếng sụt sịt uất nghẹn. Đám cung nữ đang hát giọng cũng sụt sùi. Thình lình đám cung nữ vừa múa vừa bao quanh một nàng đẹp như tiên tên Linh Nhi. Linh Nhi cất cao giọng thánh thót:
   - Trượng phu hề mất nước,
   Vợ mình hề người ta hiếp!
   Con mình hề người ta sai!
   Được chút ơn huệ hề quên ngay tủi nhục,
   Cung nữ yêu của vua Thục hề,
   Múa hát giúp vui trước Ngụy triều,
   Trượng phu hề ! Trượng phu hề!       
   Cử tọa đều bàng hoàng ngơ ngác. Chưa ai kịp phản ứng gì thì Linh Nhi đã đập đầu vào một cột nhà và gục xuống. Cùng lúc đó viên vệ sĩ của Lưu Thiện là Cảnh Quán hét lên thống thiết:
   - Trời đất ơi!  Sao nhục nhã thế này được!
   Y hộc máu mồm và cũng ngã sóng sượt. Hai kẻ bất hạnh liền được đưa ra ngoài.  Không khí bữa tiệc lại ổn định mặc dù phần lớn những người dự tiệc còn xúc động. Lưu Thiện, Hoàng Hạo thì vẫn tỉnh khô tiếp tục cuộc vui. 
   Chốc sau Lưu Thiện đi thay áo. Khước Chính cũng nối gót bước theo và nói nhỏ:
   - Khi Tấn Công hỏi có nhớ Thục không thì bệ hạ phải khóc mà nói mồ mả tổ tiên còn ở đấy cả sao không nhớ được may ra Tấn Công thương tình mà cho về Thục chứ sao lại nói không nhớ?
   Lưu Thiện nhẩm đi nhẩm lại câu ấy mấy lần. Khi ông trở lại tiệc, Tư Mã Chiêu lại hỏi:
   - Thế nào! Chẳng nhớ Thục chút nào ư?
   Lưu Thiện đáp y như lời Khước Chính nói. Nhưng Thiện không giả khóc được, đành đưa tay bưng mặt làm bộ thôi. Chiêu thấy vậy cười hỏi:
   - Sao giống như lời Khước Chính vậy?
   Lưu Thiện hoảng hốt cất tay mở bừng đôi mắt ráo hoảnh ra:
   - Bẩm, bẩm quả đúng như thế!
   Cử tọa không ai nhịn cười được. Chiêu quay sang bảo nhỏ Giả Sung:
   - Người như thế thì dù Khổng Minh còn sống cũng không giúp nổi huống là Khương Duy!
   Mãn tiệc trở về Hoàng Hạo nói với Lưu Thiện:
   - Hành động ngu xuẩn của bọn Linh Nhi, Cảnh Quán đã làm mếch lòng Tấn Công rồi đấy! Ông ấy mà nổi giận thì mình cũng khó sống yên. Bệ hạ nên triệu tập một cuộc nói chuyện phải trái cho mọi người nghe hầu ngăn ngừa chuyện như thế đừng xảy ra nữa.
   Lưu Thiện bằng lòng.
   Hôm sau, một cuộc nói chuyện giữa nội bộ thầy trò Lưu Thiện được tổ chức. Hoàng Hạo đại diện cho Lưu Thiện để hiểu dụ mọi người. Với dáng vẻ kiêu hãnh nghểu nghện, Hoàng Hạo coi như tất cả các quan cựu trào nước Thục đều là kẻ dưới của y.
   "Các ngươi nghe đây,
   Con người ở đời không có gì quí hơn sự an nhàn, ăn ngon mặc ấm, sướng xác, thỏa lòng. Muốn đạt những điều đó thì phải thuận theo lẽ trời. Luôn luôn phải có một khuynh hướng dứt khoát là phù thịnh bài suy. Như ngọn cỏ tranh khi gió mạnh thì uốn mình theo gió, thế mà có mấy khi gẫy đâu! Đừng quá câu chấp theo đạo lý! Đạo lý chỉ là những danh nghĩa suông để đánh lừa những kẻ chất phác. Người khôn phải vượt lên đạo lý để thực hiện những ý nguyện của mình. Ta ví dụ cụ thể như ông Thái sử Tiêu Chu đây. Ngày xưa ông ấy phò Lưu Quí Ngọc. Khi Tiên Chúa ta vào Thục, thấy thế yếu ông ta đã khuyên Quí Ngọc đầu hàng. Thế là ông Tiêu trở thành công thần của nhà Thục Hán. Mới đây Đại Ngụy đánh nhà Thục Hán ông Tiêu lại theo thời mà khuyên vua ta đầu hàng. Rốt cục giờ này ông Tiêu vẫn giữ được tước Hầu.  Đó không phải là một hành động khôn ngoan sao? Còn như con cháu Khổng Minh, Gia Cát Chiêm, Gia Cát Thượng, vì câu nệ chữ trung hiếu, như Bắc Địa Vương Lưu Thầm vì câu nệ chữ khí tiết, anh hùng, đều bỏ mình một cách oan uổng. Đến như hai tên khốn kiếp Cảnh Quán và Linh Nhi kia, các ngươi thấy chúng có ngu không?  Đã tới đây rồi, hàng tháng được cấp lương hậu, ngồi không mà hưởng, lại còn bày đặt hoài nọ vọng kia. Nhớ! Nhớ cái gì? Rượu mời không uống đòi uống rượu phạt! Thục là cái gì? Tổ quốc là cái gì? Hãy xem đàn dê kia kìa! Chúng cũng được mang từ Thục đến đây đấy! Bây giờ thả vào đám dâu non ấy chúng vẫn cứ sung sướng nhởn nhơ hưởng thụ. Ở đâu chúng cũng sống vui vẻ, đâu cần gì tổ quốc quê hương?
   Hoàng Hạo chẳng thèm theo dõi nét mặt người nghe. Giọng mỗi lúc mỗi lớn, Hạo cứ hăng say nói tràn.
   - Tại sao các ngươi lại ưa chuộng những danh hão như khí tiết, anh hùng kia chứ!  Kể như Tiên chủ ta, tiếng thì đạo đức, anh hùng, có khả năng gây dựng được nuớc Thục nhưng cả đời cứ lao khổ, đâu có bữa ăn nào ngon, đâu có giấc ngủ nào yên? Dựng được nước Thục rồi nước Thục cũng mất thôi! Chẳng bằng như vua ta bây giờ, khi còn nước thì cứ làm vua chơi, cứ hưởng thụ. Nước mất rồi thì giữ tước Công, cũng cứ tiếp tục hưởng thụ mọi lạc thú trên đời. Như vậy chẳng hơn đời sao? Các ngươi phải ôm cứng lấy những quyền lợi thực tại. Đừng ngu xuẩn có hành động làm mếch lòng Tấn Công. Nếu không, quyền lợi đã mất mà tính mạng cũng khó toàn! Các ngươi có khôn ngoan thì liệu lấy mà giữ mình! ...".
   Sau khi lên lớp xong, Hoàng Hạo vênh váo chẳng thèm ngó ngàng tới ai, chỉ xá Lưu Thiện một cái rồi về phủ riêng. 
*
   Hôm sau Tư Mã Chiêu gọi Giả Sung lên dặn :
   - Ông hãy cho người bắt tên Hoàng Hạo khép tội xử lăng trì để răn dạy những kẻ bất trung hại nước hại dân.
   Giả Sung ngạc nhiên hỏi :
   - Hoàng Hạo đối với Thục thì bất trung hại nước hại dân thật, nhưng với Đại Ngụy ta, hắn đã hai lần xúi Thục chúa buộc Khương Duy lui quân trong khi quân ta đang khốn đốn. Mới đây hắn lại lũng đoạn triều Thục, làm cho nước Thục sớm bại vong trước tay ta. Cớ sao chúa công lại chẳng dung tha cho y?
   Chiêu nói :
   - Cái giống phản vua hại nước để sống làm gì cho bẩn đất lại nêu gương xấu cho người đời? Kể cả thằng Lưu Thiện và lũ tay chân của hắn ta đều muốn tiêu diệt hết!  Cha hắn là bậc anh hùng cả một đời gian nan lao khổ mới dựng nên được nước Thục hùng mạnh. Nếu Thiện biết trọng dụng người hiền, chăm lo chính sự thì ta làm gì nổi nước Thục? Phút chót Khương Duy còn nắm đại binh ở Kiếm Các, tại Thành Đô cũng còn hơn năm vạn tay cầm gươm giáo, thế mà Thiện nghe lời bọn chủ bại cầu an, vội vã đầu hàng trước mấy ngàn quân  của Đặng Ngải! Với cái lũ bình thời thì lòe mồm mép dối đời, tranh ngôi vị, mưu đồ lợi lộc, lúc lâm nguy thì tìm đường chuồn trước để an thân, hoặc cúi đầu rụt cổ trước kẻ thù, sẵn sàng làm tay sai không nề đến chuyện làm hại lại chính đồng bào, đồng liêu của chúng, ta đều muốn giết hết. Tủi nhục cho cái đám học cao hiểu rộng chung quanh Lưu Thiện phẩm hạnh lại không bằng được một anh võ biền thiếu học như Cảnh Quán hay một người đàn bà như Linh Nhi! Nhưng ta vẫn tha chết và nuôi chúng đàng hoàng giống như những kẻ có công, vì sao ông biết không? Để tránh cho chúng ta tiếng dữ, để người nước Ngô nhìn gương đó mà dễ qui thuận với ta đấy! Ta chỉ bỏ một ít trong cái kho lợi mà ta thu được của chúng để nuôi chúng thì có thiệt gì! Trước đây ta định lưu dụng Hoàng Hạo chỉ với mục đích để kiềm chế, kiểm soát vua Thục. Nhưng bây giờ ta đã thấy rõ Lưu Thiện chỉ là một thằng hèn hạng bét. Hắn chắc chắn không làm gì được nữa. Hơn nữa, lẽ thường một nước sau khi bại trận, lòng người thường chia năm xẻ bảy, nhỏ to coi nhau như một lứa, không còn ai sợ ai, không ai nghe lời ai, kẻ nào cũng muốn làm thầy đời. Xét thực tế thì bây giờ nước Thục còn kẻ nào xuất chúng đâu mà ngại?  Vậy, một tên bất nhân bất nghĩa hại nước hại dân như Hoàng Hạo không còn lý do để sống nữa!
*
Được tin Giả Sung mời, Hoàng Hạo vẻ mặt vênh váo, áo mũ xênh xang, cỡi ngựa, dẫn theo hai người hầu đến thẳng dinh Sung. Trên đường đi, nụ cười kiêu hãnh luôn đọng trên môi Hạo. Có lẽ Hạo đang sung sướng nghĩ tới những lời khen nồng nhiệt của Giả Sung. Khi tên lính gác ở dinh Giả Sung mở cổng cho vào, cái vẻ thượng khách của Hạo bổng tan biến: một toán lính võ trang đã đợi sẵn!
*
   Hoàng Hạo bị xử lăng trì vì tội bán nước hại dân. Cái xác sau khi bị lóc gần hết da của Hoàng Hạo được lần lượt chuyển qua các cửa thành Lạc Dương để dân chúng cùng thấy mà răn mình. Rất nhiều người cả Thục lẫn Ngụy đã nguyền rủa, khạc nhổ hoặc ném đất đá vào thây Hạo. 
   Năm sau, Tấn công Tư Mã Chiêu mất.  Con  Chiêu là Viêm lên thay rồi cướp ngôi nhà Ngụy, lại thắng cả Ngô, thống nhất nước Tàu lập nên nhà Tấn.
   Riêng Lưu Thiện, con vị anh hùng dựng nước Lưu Bị sống quãng đời cuối cùng bằng trợ cấp hàng tháng của Tấn triều. Khi ông còn là vua nước Thục, ông phải sống gò bó vì phải giữ phẩm cách, cứ bị người can kẻ gián khi ông muốn làm một việc gì theo ý riêng.  Ông lại phải mất rất nhiều thì giờ vì công việc triều chính.  Bây giờ thì ông tự do thoải mái quá. Những cuộc vui thâu đêm suốt sáng đã làm ông quên hẳn nước Thục, nơi cha chú ông đã lao khổ cả đời để gây dựng, nơi còn tập hợp nhiều đền miếu mồ mả tổ tiên ông, nơi những thần dân đã từng hi sinh chiến đấu cho cơ nghiệp của ông đang sống. Ông mất vào năm Thái Khang thứ bảy nhà Tấn, để lại cho đời một thành ngữ bất hủ LẠC BẤT TƯ THỤC (vì vui mà chẳng còn nhớ tới nước Thục).
 
Ngô Viết Trọng

Kỹ Thuật

Trồng Ớt Nhiều Trái

Tổng hợp các cách ...

Cách Trồng & Ghép ...

Mời độc giả theo dõi ...

Phá mật khẩu iPhone ...

Skorobogatov đã có thể ...

Sức Khỏe

Đau Thắt Lưng

 Đau lưng có thể ...

Dùng Cần Sa ở thanh ...

Trẻ em dùng cần sa đều ...

Cảm thấy Khỏe hoặc ...

“Sức khỏe là trạng ...

Cách phòng virus ...

Hình thức lây nhiễm ...

Gia Chánh

Cách Pha Nước Mắm ...

Thức ăn ngon phải có ...

BÚN THỊT NƯỚNG thơm ...

Một tô bún thịt nướng ...

Bánh Dầy

Món bánh dễ làm và rất ...