27 Tháng Mười Hai, 2024

Nhớ mẹ Biển ở xóm cá Vạn Giã – Ngữ Yên Trần Công Khanh

Sộp là cây bán biểu sinh. Hột giống của nó nứt mộng và tự sống chung trên những nhánh cây mẹ, nhưng không ký sinh với cây mẹ, nên gọi là bán biểu sinh (hemiepiphyte). Nó sống độc lập như một cây và ra rễ vừa tòn teng trên không, vừa đâm xuống đất.

Nhớ mẹ Biển ở xóm cá Vạn Giã – Ngữ Yên Trần Công Khanh
Mỗi lần về quê thăm mẹ, tôi đều xuống thăm cái bến cá nhỏ. Coi như tôi có hai người mẹ. Một người Mẹ sinh thành và một người Mẹ thiên nhiên nuôi dưỡng tôi bằng cái khí quyển yên yên bình bình của cái bến cá nhỏ này.

Một số bài viết gọi nó là làng chài. Cả hai từ ‘làng’ và ‘chài’ đều không đúng. Dân trong Nam thực ra không có làng đúng nghĩa như ngoài Bắc, mà chỉ có xóm. Ban đầu là xóm của những người cùng nghề, thường gọi là ‘vạn’.[1]

Chài là một loại hình đánh lưới chụp trong số nhiều cách bắt cá các loại. Người dân ở xóm cá Vạn Giã phần đông làm nghề ghe lưới mành. Đó là loại lưới chuyên bắt các loài cá nổi như chim, trích, nục, cơm, bạc má, chỉ vàng, v.v. Khi ghe mành về bến ta thường thấy đặc trưng của ghe là những máng đèn huỳnh quang 1,2m với 5, 6 bóng. Người nghèo hơn nữa sắm bộ lưới chài quanh quẫn kiếm sống gần bờ. Một số có điều kiện khá mới sắm nổi cặp ghe lưới dã cào – một loài lưới làm tan nát ‘đời’ biển, vì cào từ dưới đáy không sót thứ gì.

Như chúng ta biết, ‘vạn’ này có nhiều ‘giã’. Giã được Huỳnh Tịnh Paulus Của giải thích qua từ ghép ‘chiếc giã’: thuyền mành; giã vọng: thuyền câu.[2] Do đó cái tên Vạn Giã hình thành cả mấy trăm năm.

Ban đầu cá đánh được đem bán ngay cho nậu rổi[3] ngay tại bến neo ghe. Một số rổi sẽ gánh lên trên xa heo hút gần chân núi bán lẻ. Vạn Ninh là huyện trên cơm dưới cá. Dạo khốn khó của nửa sau của thập niên 1970 có chuyện mắc cười. Vào nhà những người ở xóm giã người ta sẽ thấy nồi cơm có chút xíu, nồi cá thiệt to. Còn những nhà phía trên đường sắt, nồi cơm thiệt to, nồi cá có chút xíu, vì là dân ‘vạn đồng’.

Ngoài ra, một số mua cá vụn đủ thứ từ ghe giã cào về, ngồi phân loại, bán tại chỗ cho người nuôi heo, cho một số người muốn mua thấp hơn ở chợ cách đó chừng một cây số một, hai giá. Trong số những thứ nuôi heo này là tôm tít nhỏ to chừng ngón tay cái. Mua một rổ về cho heo và người. Con trọng và chắc thì người. Còn lại cho heo.

Những rổi lựa cá này có nhu cầu ăn sáng tại chỗ. Thế là hình thành ban đầu là chợ cá. Lâu dần chợ thành ‘bách hóa’ đáp ứng như cầu dân xóm cá, dân đi chợ mua cá trực tiếp. Những người này đều muốn khỏi mất công mua cá rồi lộn lên chợ trên mua những thứ khác.

Tôi vẫn không quên được thời chợ cá còn nhỏ, vào những buổi sáng sớm. Ghe đánh cá qua đêm lần lượt tựu về. Dưới những gốc dừa mọc gie ra biển, có những hàng bánh căn. Đó là loại bánh nướng của miền Trung. Nó theo dân khẩn hoang vào đến Vũng Tàu, thay vì nướng, lại chiên ngập dầu, tên là bánh khọt. Hai phương thức chế biến món ăn phân rõ nghèo giàu. Hàng bánh căn bãi biển Vạn Giã chỉ có một bàn rộng thấp tới đầu gối. Ghế cho khách là những cái đòn kê hình chữ U, hai chân ngắn thấp, mặt ngang dài gấp ba. Khách xuống ăn tại bến là khách biết thưởng thức cái ngon. Ăn bánh căn với mực cơm tươi hấp. Khách xuống thẳng dưới chỗ rổi đang phân cá thành từng mẹt nhỏ để gánh đi bán, mua một mẹt mực cơm. Quay lên nhờ người bán đúc bánh cho một, hai con mực vào khuôn bánh đã đổ bột. Ôi ngọt làm sao cái bánh căn mực. Cho tới giờ, ở trong Nam, tôi vẫn chọn bánh căn. Không chọn bánh khọt. Vì nó hồn hậu, không béo, lâu ngấy.

Thuở đó, mực nhiều đến nổi người đi mành than trời. Ghe vừa đậu ở một chỗ khơi nào đó, thắp đèn lên là mực bâu lại dày đặc. Mực bán không có giá nên họ đánh một hai lưới rồi chạy ghe đi chỗ khác kiếm cá bán có tiền hơn.

Chợ cá này sáng sớm những ngày tết muộn năm nhuần thường ít cá do biển động. Nhưng tôi vẫn muốn dạo chợ cá. Muốn ngửi mùi mặn tanh của chợ cá. Muốn hít thở những cơn gió từ biển. Muốn lắng đọng mùi người, mùi nậu rổi. Nhìn những ‘chiếu’ cá nơi khu vực bán lẻ với đủ loài cá như đã kể ở trên từ ghe mành đánh về. Vẫn thèm món gỏi cá nhái nước lèo, dân Sài Gòn gọi là cá xương xanh… Dân giã bắt cá nhái không bằng đánh lưới, mà đâm bằng chĩa hai. Họ dùng đèn đội trên đầu chạy ghe. Cá ăn đèn xáp lại, họ đâm vào mình nó. Nên con nào cũng có dấu chĩa.

Ngày xưa muốn xuống bến cá phải đi qua Chùa Tàu và đình Tân Mỹ. Đình và chùa gần như đối diện không xa nhau. Khoảng cách ấy là không gian rộng ngang với một ‘bùng binh’ ở Sài Gòn, có ‘chèn’ một cây sộp. Cây cổ thụ ấy được suy đoán đã gần 400 tuổi. Tán cây rộng khoảng 20m đường kính, cao gần 30m. Cây sộp gắn với đình Tân Mỹ.

Mỗi lần về quê, tôi thường ăn sáng dưới tán cây này. Ở đây bán đủ thứ món. Chỉ có mỗi món tôi không bao giờ rớ tới: phở Vạn Giã dở đệ nhất.

Sộp còn có tên là ‘sung biển’, thuộc chi vả giống như sanh, si, đề. Chi cây đã hình thành  lịch sử nhân loại. Chúng nuôi cả xác và hồn con người. Đức Phật không phải đã ngộ dưới gốc một cây họ này sao! Sau này người ta mới đặt tên nó là ‘vả tôn giáo’ (Ficus religiosa).

Sộp là cây bán biểu sinh. Hột giống của nó nứt mộng và tự sống chung trên những nhánh cây mẹ, nhưng không ký sinh với cây mẹ, nên gọi là bán biểu sinh (hemiepiphyte). Nó sống độc lập như một cây và ra rễ vừa tòn teng trên không, vừa đâm xuống đất. Chùm rễ của cây sộp đình Tân Mỹ như một thứ kỳ quan. Những cái rễ tòn teng của cây sộp là ‘nhà tiên tri’ về thời tiết. Mỗi lần rễ nó đổi màu trắng là trời sắp mưa. Người dân đi biển ở xóm này mang ơn ‘dự báo’ này, nên coi cây ấy như một thần bổn cảnh. Nhiều người đi qua cúi đầu.

Người dân ở đây gốc Bình Định, Quảng Ngãi. Khi vào đây họ sống bên kia Cầu Huyện. Cầu bắc qua dòng sông chia ranh thị trấn Vạn Giã và xã Vạn Thắng. Sau họ lấn dần qua bên này cầu, sống nghề hạ bạc. Bắt đầu xây đình Tân Mỹ năm 1851. Cây sộp đã có trước đình. Đình nương bóng cây, tuy đã cũ kỹ nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc đình làng ở Khánh Hòa thời kỳ đầu triều Nguyễn.

Tôi đã từng đến đây dự hội hè trước cổng đình vào những ngày tết. Vì là dân gốc Bình Định, nên hội hè là phải có hô bài chòi. Và chòi được dựng lên hẳn hoi. Lúc đó, tuy chả hiểu gì, nhưng nghe hô hát cũng hay hay.

Trước đình là chùa Tàu. Thực ra đó là cái miếu Trung Hoa hội quán. Dân xóm biển gọi là chùa Tàu, người Tàu gọi là Chiêu Ứng từ. Miếu xây vào năm 1851, thờ Sơn Thủy Nhị Loại Ngũ Tánh Cô Hồn Chi Thần. Chủ yều thờ 108 thương gia người Hải Nam bị quan quân Tự Đức cướp sạch hàng hóa và giết chết trên biển Đông vào năm 1851.[4]

Vạn Giã còn là bến đưa khách đi ra hòn Điệp, một đảo nhỏ cảnh đẹp, đang là điểm đến nóng. Nhưng hòn Điệp lại là chuyện khác.

Ngữ Yên

[1] Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, tome II, tr. 538. Imprimerie Rey, Curio & Cie, 1895.
[2] sđd, tome I, tr. 359.
[3] sđd, tome II, tr. 73, bọn buôn cá.
[4] Ngô Văn Ban, Địa danh Khánh Hòa, tr. 723, NXB Đà Nẵng, 2018.

Chợ cá ở ngay bến cá Chùa Tàu, Vạn Giã. Ảnh: Thu Nguyễn. Ngu yên