ISRAEL và IRAN: Mỹ sẽ điều binh đến Israel với hệ thống chống phi đạn tối tân của Mỹ. Đây là một sự điều động nhằm tăng cường khả năng phòng không của Israel sau các cuộc tấn công của Tehran với hơn 180 phi đạn bắn vào Israel ngày 01/10/2024.
NGA và UKRAINE: Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Rossiya-1 của Nga vào ngày 14/06/2024 Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết nước ông đã bắt đầu nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, trong đó có một số vũ khí mạnh gấp 3 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945.
Belarus đã cho phép quân đội Nga sử dụng đất nước mình tấn công Ukraine. Lukashenko nói rằng việc triển khai hạt nhân sẽ đóng vai trò ngăn chặn những kẻ xâm lược. Belarus có biên giới giáp với ba nước thành viên NATO là Litva, Latvia và Ba Lan. Lukashenko cho rằng phương Tây đã muốn xé nát họ từ năm 2020. Mãi cho đến nay, chưa có ai chống lại một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Lukashenko 68 tuổi, đã cai trị Belarus từ năm 1994, trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở châu Âu. Ông ta nói rằng ông đã giành chiến thắng một cách công bằng, đồng thời tiến hành một cuộc đàn áp sâu rộng đối với các đối thủ của mình.
Hôm 10/10/2024 tờ Kyiv Independent, nhóm giám sát quân sự độc lập Belaruski Hajun cho hay tiêm kích đánh chặn MiG-31K thứ hai của Nga có khả năng mang theo tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đã hạ cánh xuống sân bay Machulishchy của Belarus. Trước đó, chiếc MiG-31K đầu tiên của Nga cũng đã hạ cánh xuống sân bay Machulishchy vào ngày 9/10. Đây là lần đầu tiên MiG-31K của Nga xuất hiện ở Belarus kể từ tháng 4/2023.
Xung đột giữa Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.
Hoa Kỳ và các đồng minh cũng như Trung Quốc đã chỉ trích quyết định của Putin và đã nhiều lần cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine.
Lính Bắc Hàn chiến đấu cho Putin ở Ukraine!
Nhà độc tài Kim Jong-un đã gửi binh lính Bắc Hàn đến Ukraine, ông Wolodymyr Selenskyj khẳng định. Tổng thống Ukraine cáo buộc Bắc Hàn giúp nhà độc tài Điện Kremlin, Vladimir Putin trong cuộc chiến xâm lăng của Nga.
Trong những ngày gần đây, đã có các báo cáo về việc lính Bắc Hàn được đưa đến các mặt trận ở miền đông Ukraine.
Báo Kyiv Post của Ukraine đã đưa tin vào tuần trước, dựa trên các nguồn tin tình báo cho rằng, sáu lính Bắc Hàn đã bị giết trong một cuộc tấn công bằng đạn pháo hỏa tiễn của Ukraine vào khu vực do Nga chiếm đóng gần Donetsk. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể xác định rõ liệu những người bị giết có phải là thành viên của quân đội Nga hay không.
Ngoài ra, Viện nghiên cứu chiến tranh Mỹ ISW (Institute for the Study of War) cho hay hàng ngàn lính Bắc Hàn đã đến Nga và đang được chuẩn bị để tham gia chiến đấu tại Ukraine.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Kim Yong-hyun cho rằng Bình Nhưỡng có thể đã cử lực lượng đến chiến đấu cho Nga sau khi nước này ký một hiệp ước an ninh chung với Moscow. Ông Kim mô tả khả năng triển khai như vậy là rất có thể và cho rằng một số binh lính Bắc Hàn dường như đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Ukraine.
TRIỀU TIÊN VÀ BÌNH NHƯỠNG: Chính quyền Triều Tiên hôm 11/10/2024 đã cáo buộc Hàn Quốc dùng thiết bị bay không người lái (drone) xâm nhập Bình Nhưỡng nhiều lần để rải truyền đơn.
Tờ Yonhap dẫn thông cáo từ chính quyền Triều Tiên cho biết drone mang theo truyền đơn của Hàn Quốc đã bay qua thủ đô Bình Nhưỡng trong vào các đêm 3, 9 và 10/10/2024. Triều Tiên phát biểu “Đây là hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền và an toàn quốc gia của Triều Tiên, đồng thời vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế”. Triều Tiên kêu gọi Hàn Quốc phải lập tức chấm dứt hành động khiêu khích nêu trên, nếu không có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang.
14/10/2024: Quân đội Triều Tiên đã ra lệnh cho các đơn vị pháo binh tiền tuyến “chuẩn bị sẵn sàng khai hỏa” vào Hàn Quốc sau khi máy bay không người lái từ Seoul được cho là thả tờ rơi tuyên truyền ở Bình Nhưỡng.
15/10/2024: Theo Ajupress Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) đã thông báo về việc Bình Nhưỡng cho nổ một phần tuyến đường bộ nối liền bán đảo Triều Tiên, trong tình trạng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đang leo thang vì vấn đề máy bay không người lái.
Phía Triều Tiên đã cho nổ một phần của các tuyến đường Gyeongui và Donghae, phía bắc đường phân định quân sự (MDL). Quân đội Hàn Quốc đang ở trạng thái sẵn sàng, có thể đưa ra các biện pháp đáp trả.
Hai tuyến đường nêu trên là một phần của dự án hợp tác liên Triều trước đây. Trong đó, đường Gyeongui chạy từ Seoul đến Sinuiju dọc theo biên giới Trung Quốc, trong khi đường Donghae nối liền bờ biển phía đông của hai miền Triều Tiên.
PHI LUẬT TÂN VÀ TRUNG QUỐC
14/10/2024: Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bao gồm những khu vực mà Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Khoảng một phần ba thương mại toàn cầu đi qua vùng biển này, nơi cũng giàu trữ lượng cá, khí đốt và dầu mỏ.
Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro của Philippines nghi ngờ ý định của Trung Quốc. Ông Teodoro nói mặc dù Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã chấp thuận “các cuộc thảo luận có thiện chí” với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử hàng hải, song ông nghi ngờ sự chân thành của Bắc Kinh. Ông kêu gọi các cuộc đàm phán ASEAN-Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử để quản lý Biển Đông phải được thực hiện nghiêm chỉnh hơn, giúp tránh các cuộc đối đầu và ngăn ngừa sự xung đột.
Philippines phàn nàn việc tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng, các chiến thuật va chạm và đâm húc để ngăn chặn các chuyến tiếp tế và tuần tra ở vùng biển tranh chấp. Các thành viên ASEAN là Philippines và Việt Nam lo ngại rằng các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên các tuyến đường thủy có thể leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 11/10/2024 nói: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ quyền tự do hàng hải và quyền tự do hàng không ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”
HAN KANG và GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG 2024
Han Kang từ chối họp báo, ăn mừng giải thưởng Nobel văn chương 2024. Han Kang là phụ nữ Nam Hàn đầu tiên giành giải Nobel Văn học, đã từ chối lời đề nghị họp báo sau giải thưởng Nobel Văn chương và Han Kang cũng ngăn cản cha mình không nên tổ chức tiệc ăn mừng tại một ngôi trường văn học , vì cô nói rằng là chẳng có lý do gì để vui, khi cuộc sống chung quanh là những thảm kịch.
Việc Han Kang, nhà văn NamHàn đầu tiên giành giải Nobel Văn học, từ chối lời đề nghị tổ chức họp báo sau khi nhận giải là một hành động gây nhiều suy nghĩ về con người cô cũng như ý nghĩa sâu xa của giải thưởng này. Trong khi giải Nobel thường được coi là một vinh dự lớn, một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của các cá nhân được vinh danh, Han Kang lại chọn cách thể hiện một góc nhìn khác biệt, nhấn mạnh vào tình trạng đau khổ, chiến tranh, và bi kịch của thế giới xung quanh hơn là sự hân hoan cá nhân.
Thái độ của Han Kang cho thấy cô là một người nhạy cảm với thực trạng xã hội, đặc biệt là với các cuộc xung đột đẫm máu như giữa Ukraine và Nga, hay Israel và Palestine. Việc cô từ chối tổ chức họp báo không chỉ đơn giản là một hành động cá nhân mà còn phản ánh một thông điệp mạnh mẽ: trong bối cảnh những thảm kịch nhân loại vẫn đang tiếp diễn, niềm vui của thành công cá nhân dường như trở nên vô nghĩa.
Thay vì chọn cách hòa mình vào ánh hào quang của giải thưởng, Han Kang tập trung vào việc nêu lên những vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, nhắc nhở rằng văn học không thể tách rời khỏi đời sống quanh ta.
GIẢI NOBEL HÒA BÌNH 2024 và Tổ chức Nihon Hidankyo
Ông Toshiyuki Mimaki
Ông Toshiyuki Mimaki, đồng chủ tịch của Nihon Hidankyo, người sống sót sau khi một quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945, họp báo sau khi tổ chức này đoạt giải Nobel Hoà bình 2024 ngày 11/10/2024.
Tổ chức Nihon Hidankyo còn được gọi là Hibakusha của Nhật Bản, một cơ sở của những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, đã giành giải Nobel Hòa bình hôm 11/10.
Vụ ném bom nguyên tử vào Nhật Bản: Năm 1945, Hoa Kỳ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản để chấm dứt Thế chiến Thứ II, đã giết chết khoảng 120.000 người ở Hiroshima và Nagasaki, hàng nghìn người khác chết vì bỏng và thương tích do bức xạ trong những năm sau đó.
Phong trào này đã giúp thúc đẩy sự phản đối toàn cầu đối với vũ khí hạt nhân thông qua sức mạnh của lời khai từ những người sống sót, đồng thời tạo ra các chiến dịch giáo dục và đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc về sự lan truyền và sử dụng vũ khí hạt nhân. Tổ chức Nihon Hidankyo đã đóng vai trò giữ vững tác hại của sự kiện năm 1945 đã tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ Nhật Bản tiếp tục công việc này.