19 Tháng Mười Một, 2024

Cánh Hồng Trắng Cho Mẹ – Uyên Hạnh

Tình thương là nắng ấm trong tim, là khả năng cảm nhận được sự hòa điệu và nét thẩm mỹ của vũ trụ để thấy được sự điều hợp và tiến hóa của tất cả giữa đất trời. Thấy được vô thường của vạn vật để trân qúy những gì mình đang có. Nếu còn mẹ, anh hãy sống trọn vẹn và vui hưởng tình nầy.

CÁNH HỒNG TRẮNG CHO MẸ Uyên Hạnh

Tôi xa quê hương đã lâu lắm rồi, nhưng kỷ niệm của quê hương không bao giờ xa tôi cả. Tình quê và kỷ niệm lấp đầy rất nhiều những trống vắng trong tôi khi tôi thấy mình lạc lõng. Quê hương là đất mẹ, là nơi mình được sinh ra và lớn lên trong tình thương dịu dàng và ngọt mát không bao giờ cạn của người mẹ. Cái tình đậm đà, là cội nguồn tạo niềm vui cho đời sống của tôi hôm nay và một tin tưởng tôi có trong tôi, khi tôi hòa nhập vào một xã hội nơi xứ lạ quê người. Một cộng đồng không cùng mầu da và ngôn ngữ, nhiều khi đã cho tôi không ít những cảm giác bơ vơ. Qua những tiếp xúc hằng ngày trong công việc làm, tôi đã từng ước mơ mình được vây bọc bởi những người có cùng tiếng nói, cùng văn hóa và cùng mầu mắt. Cái mầu của một đôi mắt nâu, của một chiều sâu, là cái mầu của một cảm giác yên ổn ấm cúng và của sự gần gủi quen thuộc.

Trước đây tôi không hề nghĩ đến việc tại sao đối với tôi mầu nâu của mắt lại có sức lôi cuốn như thế, chỉ biết rằng đó là một cảm nhận. Sau nầy, khi một trong những bất hạnh nhất trong đời xảy đến cho tôi, tôi biết được mầu nâu của mắt đã cho mình cái cảm giác thân quen gần gủi và một sự yên ổn, là mầu nâu trong đôi mắt mẹ. Đôi mắt mình đã lớn lên trong đó, đã soi bóng mình trong đó. Đôi mắt đã tỏa những vui mừng rộn rã phản chiếu những nụ cười đầu đời của mình. Đôi mắt mà từ đó, mình đã học được ý nghĩa của sự yêu thương, của một tình người, và từ đôi mắt đó mình biết được ý nghĩa của ân tình và cảm nhận được hơi ấm của một vòng tay.

Vào một Mùa Vu Lan của nhiều năm về trước, mẹ tôi đã khép đôi mắt nâu dịu hiền, trút hơi thở cuối cùng, buông xuôi vòng tay yêu thương rời Ba tôi và chúng tôi mà đi. Mẹ tôi từ giả cõi đời ngày 16 tháng 7 Âm Lịch. Hằng năm đúng Ngày Rằm Tháng Bảy, ngày Lễ Vu Lan, tôi tụng Hồng Danh Sám Hối, Kinh Vu Lan và cúng mẹ tôi. (*1)

Vài năm sau đó vào mùa Vu Lan, trên bàn thờ tôi cắm thêm hai cành hoa trắng, đóa nầy cao hơn đóa kia một chút. Thắp nén nhang thơm tôi cúng mẹ. Mùi hương trầm lan tỏa, tôi nghe lòng mình bình yên trong thương nhớ. Tôi yên tỉnh trong nhịp điệu của hồi chuông tiếng mõ, tụng phẩm kinh sám hối và cầu nguyện cho người mẹ đã mất.

Lời kinh đi sâu vào cái hiểu của tôi, cho tôi thấy được, cái khổ của mình nói riêng và của con người chúng ta nói chung, do đâu mà có. Thấy được rằng tự ái, cố chấp, kiêu ngạo, tham lam, mê đắm là căn bản tạo khổ đau cho chúng ta. Thấy được rằng có nhiều điều đơn giản mà khó dứt bỏ. Cần ý thức được sự buông xả, thực hành được sự thương yêu tha thứ lòng mình sẽ nhẹ bớt, và những người sống gần ta, chung quanh ta, được ta chia sẻ được sự thoải mái nhẹ nhàng nầy. Tụng kinh cho ta có được thời gian trở về lại với chính mình, tìm lại dần dần cái tình thương trong sáng bất vụ lợi của con người, mà mình đã học được nơi mẹ mình, cũng là tình thương ta học được trong lời dạy dỗ của Đức Bổn Sư đã có cách đây trên 2500 năm.

Ngày Vu Lan vào chùa lễ Phật, tôi được cài hai đóa hoa mầu trắng trên áo, bởi vì tôi mất mẹ và tôi cũng đã mất cha. Nhận hai đóa hoa mầu tang trắng, tôi thấy tủi thân và thầm khóc cho mình. Sau buổi lễ tại chùa, nhìn vào 2 đóa hoa cài trên áo của các Phật tử đến chùa lễ Phật, tôi thấy nhiều người tuy lớn tuổi vẫn còn diễm phúc hơn tôi, khi trên áo họ cài hai đóa hồng mầu đỏ, hoặc có người trên áo cài một cành hoa trắng và một cành hoa đỏ. Cha/mẹ còn sống, mình sẽ được cài trên áo cánh hồng mầu đỏ. Cha/mẹ mất đi, mình sẽ được cài cánh hoa hồng mầu trắng. Hai đóa hoa cài trên áo, không nằm song song với nhau, vì đóa hoa cho Cha nằm cao hơn đóa hoa cho Mẹ. Nhìn vào vị thế và mầu sắc hai đóa hoa cài trên áo một người, chúng ta biết được người đó còn hay đã mất cha/mẹ.

Rằm Tháng Bảy là ngày lễ lớn, Mùa Vu Lan Thắng Hội, là ngày mà các chùa đều sửa soạn trai chay cúng tế. Đại Lễ Vu Lan tiếng Phạn (sanscrit) gọi là Ullambana. Vu Lan có nghĩa là cứu đảo huyền, nghĩa là cứu nạn treo ngược. Vu Lan Thắng Hội là Pháp Hội cứu khổ cho cha mẹ đã thác khỏi cái nạn treo ngược ở địa ngục. Mùa Vu Lan các chùa khai Kinh Vu Lan và tụng Hồng Danh Sám Hối. Kinh Vu Lan gọi là Ullambana sutra, do vị sư gốc người Thiên Trúc tên là Pháp Hộ (Dharmaraksa) đời Tây Tấn thế kỹ thứ ba-thứ tư dịch chữ Phạn ra chữ Tàu.

Mùa Vu Lan còn gọi là Mùa Báo Hiếu, là mùa nhắc nhở chúng ta sống đúng đạo nghĩa của người con Phật hiếu thảo. Không phải suốt năm mình ơ thờ lãnh đạm không săn sóc mẹ, đến Mùa Vu Lan mình mới nhớ đến mẹ mình mà trả hiếu cho cha cho mẹ. Cái tình của người mẹ vô biên, vô lượng,  không đong không cân được. Tình thương của mẹ là món quà trời đất dành cho mình, là tình thương chỉ biết cho mà không cần đòi trả. Ngày xưa khi còn bé, những lúc mình bệnh, ban ngày khóc nhè vì đau yếu khó chịu trong người, ban đêm không ngủ yên, thường trăn trở khóc lóc. Mỗi lần mở mắt ra chúng ta đều thấy được nụ cười của mẹ với đôi mắt nâu sẫm u buồn lo lắng, cùng vòng tay thương yêu trìu mến của mẹ ôm ta vào lòng, như muốn lấy cái đau từ thân thể bé nhỏ của ta, chuyền qua thân thể mẹ. Ta đau mẹ cũng đau. Ta buồn mẹ cũng buồn. Ta mệt mỏi mẹ cũng mệt mỏi. Ta không ngủ không ăn mẹ cũng không ăn không ngủ. ”Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng…”.

Đạo Phật dạy rằng, cái cần nhất ở người Phật tử là sự hiếu đạo. Ơn cha nghĩa mẹ quá to lớn, tình thương của cha mẹ không lấy gì trả được. Cha mẹ là người đã hy sinh cho ta, thương yêu nuôi nấng dạy dỗ chúng ta. Ơn nghĩa nghìn trùng như thế, nếu không thấy được và đền đáp thì không thể nào thấy được chư Phật, chư bồ tát, chư hiền thánh.

Trong Thập Đại Đệ Tử, 10 vị đệ tử lớn của Đức Phật, A Nan Đà là vị sa môn đẹp trai là Đa văn đệ nhất.  Nhờ giỏi văn chương chữ nghĩa và trí nhớ vô song Ngài A Nan đã nhớ rõ từng lời giảng của đức Phật và ghi chép lại, chư tăng thời đó kết tập thành Kinh và truyền lại cho chúng ta đến bây giờ. Theo Kinh điển nhà Phật, Ngài Mục Kiền Liên (2*), một trong 10 vị đại đệ tử nầy, là Thần thông đệ nhất. Mục Kiền Liên xưa vốn dòng thanh lưu sang trọng, và rất có hiếu với mẹ. Khi ông phát tâm bồ đề, có ý muốn xuất gia, cha mẹ không cho phép, nên ông bỏ ăn. Cha mẹ ông đành thua thuận ý cho ông được xuất gia với đức Phật. Bà Mục Liên Thanh Đề, mẹ của Ngài Mục Kiền Liên, có lòng ghét bỏ chư tăng, nên đã có dã tâm trộn thịt vào thức ăn chay tịnh dọn mời khi các vị tăng ghé đến nhà bà. Đến khi mất, bà bị đọa xuống địa ngục, rất khổ sở. Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông tìm mẹ. Thấy được mẹ mình bị đói khát đày đọa dưới ngục sâu, đau lòng ngài đem cơm cho mẹ ăn. Được chén cơm, bà tỏ tánh tham lam, sợ những kẻ đói khát xung quanh thấy được, bà bèn dùng tay trái che kín chén cơm lại, và tay phải bốc ăn. Nhưng khi cơm vừa đến miệng thì biến thành lửa đỏ, không ăn được, nên bà vẫn khốn khổ chịu cảnh đói khát. Mục Kiền Liên bèn thưa hỏi xin Phật giải cứu cho mẹ. Đức Phật bảo phải nhờ lực thanh tịnh của chư tăng, sau 3 tháng hạ an cư tu tập, cầu nguyện cho bà thì bà sẽ được giải thóat.

Ba tháng an cư kiết hạ, là thời gian từ Rằm Tháng Tư đến Rằm Tháng Bảy, là mùa mưa chư tăng không đi khất thực, để tránh dẫm đạp giết chết côn trùng. Chư tăng nhập thất tụng kinh tu hành và sám hối. Sau 3 tháng hạ, chư tăng tổ chức Lễ Tự Tứ, gọi là Hoan Hỉ Nhật, cầu nguyện cho chúng sinh được thoát nạn khổ ở địa ngục, và chính những chúng sinh nầy cũng phải thành tâm sám hối thì mới được giải oan:

Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm đã tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không
Thế mới thật là chân sám hối
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát

Ngài Mục Kiền Liên đã theo lời dạy của Phật, nhờ lực thanh tịnh của chư tăng, cầu nguyện cho mẹ ngài và cho chúng sanh bị đày đọa dưới địa ngục. Kể từ đó mỗi năm, sau mùa An Cư Kiết Hạ 3 tháng, khi chư tăng ni ra hạ, các chùa tổ chức Đại Lễ Vu Lan vào ngày rằm tháng bảy. Tăng ni cùng phật tử cầu nguyện cho cha mẹ nhiều đời thoát cảnh khổ ở địa ngục.

Đã từ lâu theo quy luật của Giáo Hội, sau 3 tháng an cư kiết hạ, chư tăng được thêm một ”tuổi tu hành”, gọi là tuổi hạ. Người nhiều tuổi hạ và tùy theo Phật sự của mình, sẽ được Tăng Đoàn trong Giáo Hội tấn phong, theo thứ tự từ đại đức, thượng tọa, hòa thượng. An cư kiết hạ hay giữ giới là những hướng dẫn được chỉ bày để tu sửa và hành đạt. Tuổi hạ chỉ là một hình thức của Nhà Phật hướng dẫn việc tu hành, tạo đức từ bi cao cả và hạnh lành của người tu Phật.

Giới luật của nhà Phật đặt ra để hướng dẫn để hạn chế. Giới luật không đặt ra để so sánh đo lường, cân cho thấy nặng nhẹ, vì như thế chỉ là hình thức. Có những thiền sư ngồi sâu trong rừng già, tu hành thanh tịnh và đạo hạnh tâm lành của các ngài tạo cân bằng cho cuộc sống nhiễu nhương ở trái đất chúng ta đang sống. Có những ngôi chùa nằm sâu trong những vùng heo hút, các tăng ni tu hành ở đó, với một lòng thanh tịnh, giúp người khốn khổ, tụng kinh niệm Phật, trồng rau cấy lúa để sống. Trong lúc làm việc ngoài đồng, khi mỗi cây lúa được trồng dưới ruộng, mỗi cây rau trồng xuống hoặc được hái lên trên rẫy trên nương, họ nhất tâm niệm Phật. Lòng họ thanh tịnh thì tuổi hạ của các vị không tính không đếm. Đời sống của họ trong một năm của 12 tháng sẽ là 12 tháng nhiều thanh tịnh. Các vị chân tu không phân chia thời gian tu hành của mình thành 9 tháng động và 3 tháng tịnh. Mỗi ngày họ sống là mỗi ngày tích cực làm việc, hướng về sự tinh tấn tu hành và nhiếp tâm trong chánh niệm.

Khi còn tại thế đức Phật cũng vô hạ với các đệ tử của mình để hướng dẫn các đệ tử tu hành. Một ông thầy giảng tóan, đứng trên bục giảng, phải làm những bài tóan cộng trừ nhân chia, không có nghĩa là trình độ của ông chỉ ngang đó. Ông có bổn phận hướng dẫn và thực hiện cái biết của mình cho học trò thấy rõ để hiểu và để học theo.

Đức Phật đặt ra mùa an cư kiết hạ tạo sự tu học cho tăng đòan và để giới hạn sự sát sanh. Sát sanh có nhiều cách: thân sát, khẩu sát và ý sát. Thân là hành động. Khẩu là lời nói. Ý là tư tưởng. Không phải chỉ là sự dẫm đạp trên thể xác của côn trùng mới gọi là phạm giới sát. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta chứng kiến sự sát sanh xảy ra từng giờ từng phút. Một lời nói cay độc của một đứa con bất hiếu, sẽ làm đau lòng người mẹ, người mẹ sẽ khô da héo thịt. Một hành động bất nhân của đứa con bất hiếu sẽ giết chết dần mòn người mẹ trong khổ đau trong tủi nhục. Sống một đời lành mạnh hữu ích cho cá nhân, cho gia đình, cho đoàn thể, là một sự báo hiếu cha mẹ rất cụ thể. Ước muốn của người cha và nhất là của người mẹ, là con mình có được một đời sống đầy đủ hạnh phúc. Nghĩa là biết đem thân mình làm việc hữu ích cho mình, cho đời và cho người. Hiếu thảo không gì bằng làm vui lòng cha mẹ.

Một đóa hoa hồng cài trên áo cho Cha và một đóa hoa hồng cài trên áo cho Mẹ trong Mùa Vu Lan là một nhắc nhở rất đẹp. Rằng, anh và chị có mẹ có cha, dù các vị đã mất hay còn tại thế, anh và chị hãy sống đúng danh nghĩa một người con.

Có một câu văn rất hay, viết rằng: ”ngày mẹ tôi mất là ngày tôi mất cả bầu trời”. Đúng rồi, vì bầu trời là không gian vô tận trong xanh thanh thoát, là dưỡng khí, là nguồn sống, là một nơi ta nhận thức được mình có một chỗ đứng. Mất mẹ là mất bầu trời xanh, là mất dưỡng khí, mất chỗ đứng, là hụt hẫng, là một thiệt thòi lớn nhất trong đời. Dù là người còn nhỏ hay đã là một người lớn tuổi, ta luôn luôn là con của mẹ, ta mãi hòai cần tình thương của mẹ. Thế nên ngày mẹ đi, sẽ là ngày ta nếm rõ mùi vị của cô đơn, lạc lõng. Tình thương là nắng ấm trong tim, là khả năng cảm nhận được sự hòa điệu và nét thẩm mỹ của vũ trụ để thấy được sự điều hợp sự tiến hóa của tất cả giữa đất trời, và thấy được lý vô thường của vạn vật để trân qúy những gì mình đang có. Nếu còn mẹ, anh hãy sống trọn vẹn và vui hưởng tình nầy.

UYÊN HẠNH