21 Tháng Mười Hai, 2024

Câu Chuyện Mở Đầu

        Một cuốn truyện, một cuốn sách học, một mạng lưới điện tử, hay bất kỳ một chuyện gì cũng phải có những lời mở đầu. Tôi được giao cho việc viết những Lời Mở Đầu cho Chính Luận Hải Ngoại có lẽ vì tôi là người lớn tuổi nhất, đã có mặt cùng những người thiết lập nên trang mạng này ngay từ buổi họp thân mật đầu tiên ở thành phố Sydney, dưới Nam bán cầu.

Tôi đã tới Úc châu nhiều lần, nhưng lần nào cũng vì công việc như lần đầu tiên là để tham dự đại hội quốc tế hàng năm của International Astronautical Federation (IAF), họp vào cuối tháng 9 năm 1998 ở Melbourne. Mỗi lần đi tới một bến trời xa lạ, bao giờ tôi cũng có một ao ước muốn đạt được, và lần đi trước đây tôi đã thầm mong sẽ có một buổi tối trời ít mây để tôi có thể nhìn thấy sao Nam Cực. Đó là một chùm sao hình chữ thập có tên là Southern Cross ở cách đỉnh Nam cực chừng 30 độ, và có hình trên cờ của Úc châu.

Đối với Úc châu, vì Melbourne ở về phía Nam, với vĩ tuyến 37 49’ S  nên tôi đã nhìn thấy chòm sao như trên lá cờ treo ở Hội Nghị cùng với cờ của các nước khác tham dự. Chỉ tiếc là không có lá cờ vàng thân yêu với ba sọc đỏ của quê hương mình. Tuy vậy, tôi cũng đã chính thức được những khoa học gia tham dự, đến từ nhiều nước, biết đến như là người gốc Việt ở Hội Nghị vì tên tôi cũng đã được ghi nguyên vẹn với họ Nguyễn trên chương trình như là người chủ toạ một khoá hội thảo về Qủy Đạo Tối Ưu. Nhân dịp đến Melbourne, giáo sư Kiều Tiến Dũng ở Swinburne University of Australiacũng đã tổ chức cho tôi một buổi gặp gỡ và nói chuyện với người đồng hương. Tuy tôi chỉ ở Úc châu vào khoảng một tuần lễ, nhưng trước đó chừng hai tháng, một giáo sư Úc ở Queensland University of Technology (QUT), khi coi trên chương trình của IAF Congress mà ông nhận được, thấy tôi sẽ trình bầy về một đề tài ông đang hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, nên đã liên lạc mời tôi chọn một ngày bay lên Brisbane để thuyết trình tại phân khoa của ông. Cùng một lúc, QUT cũng thông báo cho cộng đồng người Việt ở miền Bắc được biết, nên tôi lại có dịp làm diễn giả ở một bữa cơm gây qũy của Hội người Việt ở Brisbane nhằm giúp cho Đại Hội Học Sinh- Sinh Viên Thế Giới sẽ được tổ chức ở Queensland trong năm tới với chủ đề là Tuổi Trẻ & Quê Hương. Đến đây tôi cũng xin mở một dấu ngoặc để tâm sự rằng những chuyến đi của tôi đều do Đại Học Michigan tài trợ, lấy trong ngân sách khảo cứu của tôi, và những công việc làm ngoại vi này giúp cho người đồng hương, giới chức ở đại học đều biết và hết lòng hỗ trợ vì với thiên chức của một nhà giáo, tôi luôn nghĩ rằng những gì mình học được nếu có dịp thì nên truyền bá lại ở khắp nơi. Mấy năm sau, khi tôi nghỉ hưu, trong bảng vinh danh của Đại Học Michigan, đặc biệt còn có một đoạn tuyên dương như sau:

‘‘Besides his outstanding career as a researcher and educator, Professor Vinh is widely recognized for his leadership and mentor-ship to the Vietnamese community. A widely-read novelist and poet, he was awarded the prestigious Vietnam National Literature Prize in 1961. He has been much in demand as a speaker for Vietnamese organizationson such topics as education, culture, society, and the future of Vietnam and the Vietnamese people. He is widely recognized as a role model within the Vietnamese community in North America and elsewhere’’.

Kỷ niệm tại Brisbane

Sau chuyến đi đầu tiên này, hình ảnh chòm sao được nhìn thấy, và sự chào đón ân cần của người đồng hương và những giáo chức người Úc tôi đã gặp, đã in lại những cảm tình sâu đậm trong lòng tôi để tôi nghĩ rằng sẽ có dịp trở lại miền đất nắng ấm tình nồng ở Nam bán cầu. Lần mới đây tới Sydney, vào năm 2013, tôi lại có dịp may gặp một số bạn trẻ, và trong một buổi họp thân mật, có một bạn nhắc đến là mới đây đọc được ở trên mạng điện tử một bài thơ viết tặng tôi có mấy câu

Gió mây lưu lạc về chưa,
Để anh gom lại làm mưa xuân hồng.
Trời xưa, thư kiếm vẫy vùng,
Quê hương mở hội, anh hùng là ai?

           Người bạn trẻ đã hỏi tiếp là theo nhận xét của tôi thì đến bao giờ Đảng Cộng Sản Việt Nam mới sụp đổ để quê hương tưng bừng mở hội, những người con dân xa xứ mới có thể trở về để góp phần xây dựng lại quê hương. Tôi đã trả lời là mới đây tôi có tham dự một buổi thuyết trình do Hội Ái Hữu cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An Nam Cali tổ chức với đề tài là “38 Năm Nhìn Lại – Hiện Tình Trên Đất Nước” và bài nói chuyện của tôi cũng đề cập đến ngày chúng ta có thể trở về khi trên đất nước không còn bóng cộng sản. Tôi cũng nói thêm là để đáp tạ lại những câu thơ nhận được, tôi cũng đã viết một bài thơ dài nói về “Ngày Trở Về” trong đó có những câu

Ngày về ta đợi từ lâu,
Hẹn nhau từ buổi giang đầu kết thân,
Anh hùng gặp hội phong vân,
Giang sơn còn có mùa Xuân dựng cờ.

           Nghĩ đến ngày trở về, tất cả đều đồng ý là bây giờ hơn lúc nào hết chúng ta phải cùng đứng bên nhau, tìm thêm bạn cùng chí hướng, và câu chuyện tiếp theo bàn đến việc thiết lập một Trang Điện Tử để có thể phổ biến những bài viết như tôi vừa nói, một trang mạng với người cộng tác và người đọc ở khắp năm châu, bằng tiếng Việt cho người Việt ở trong và ngoài nuớc. Trang mạng này sẽ là nơi hẹn gặp nhau của tất cả mọi người còn nghĩ đến quê hương xưa. Khi đưa ra ý kiến này, mấy người bạn trẻ có mặt ngày hôm ấy đều là những chuyên gia và các bạn đều hăng hái nhập cuộc, người thiết kế, người trình bầy và tôi tình nguyện viết bài mở đầu và cùng một lúc tìm thêm người cộng tác, những người bạn có lòng nghĩ đến một ngày mai tươi sáng cho quê hương. Một ý kiến mà tôi thấy nên cổ võ là mỗi tháng nên dành một trang bằng tiếng Anh, là một ngôn từ thông dụng, cho các bạn trẻ nào muốn đóng góp có thể chấp bút để giới thiệu với những độc giả Anh ngữ một vấn đề có ích lợi chung cho tất cả mọi người.

           Trang mạng điện tử nay đã được thành hình với một tên rất có ý nghĩa là tuy được đặt ở ngoài nước, xa cách muôn trùng, nhưng nội dung hướng về quê hưong và đón nhận ý kiến trung thực của tất cả mọi người có thể bầy tỏ làm cách nào để có ngày chúng ta trở về cố hương, khi đó thực sự có Tự Do và Dân Chủ, quyền làm người được tôn trọng. Ban biên tập sẽ mở rộng để chào đón những người viết ở mọi trình độ kiến thức, và tài năng diễn đạt. Diễn đàn tuy lúc đầu có đường lối rõ ràng, nhưng cũng phải ít lâu nữa, khi nhận được những điều góp ý của bạn đọc ở khắp mọi nơi, mới có dấu ấn là một diễn đàn trung thực về mọi vấn đề chính trị, và văn hoá. Những người cộng tác ban đầu sẽ giới thiệu với thân hữu và trách nhiệm của nhóm người khởi xướng sẽ nhẹ dần vì trong tương lai sẽ có nhiều bạn trẻ tham gia và gánh vác. Để phân phối công việc quảng bá và thu bài cho trang mạng, chúng tôi dự trù cho Bắc Mỹ là nơi tương đối có đông người Việt sẽ có hai người đại diện, một ở Hoa Kỳ và một ở Canada. Một vị trong nhóm khởi xướng của chúng tôi đã nhận làm đại diện cho Úc châu, và chúng tôi sẽ tìm thêm một đại diện ở Âu châu để bắt đầu khởi sự.

           Công việc tìm người cộng tác ở Hoa Kỳ đối với tôi thật không khó khăn cho lắm vì từ nhiều năm qua tôi đã viết bài cho nhiều nguyệt san, tuần san ở nhiều trung tâm có đông người Việt. Vấn đề trọng yếu là tìm ra được một một nhà bình luận để ít ra có thể đăng trên Chính Luận Hải Ngoại mỗi tháng một bài nói về tình hình trên đất nước.

           Canada là một xứ sở tôi thăm viếng nhiều lần. Tuy là một nước đất rộng, người thưa nhưng nhân tài lại có rất nhiều. Một người bạn tính tình hào sảng và rất tháo vát đã nhận lãnh trách nhiệm làm người đại diện lúc đầu, nhưng anh cũng đề nghị là khoảng cách xa từ miền Đông sang miền Tây trải ba múi giờ, và vì nơi cư ngụ của anh ở giữa thuộc tỉnh bang Alberta, anh sẽ tìm một người phụ giúp ở tỉnh bang Ontario về phía Đông và một người phụ giúp ở tỉnh bang British of Columbia về miền Tây để chia sẻ công việc.

           Mỗi lần tôi tới Châu Âu đều là có công việc trên đất Pháp, bây giờ không còn tiêu tiền Franc, mà dùng tiền Euro. Nói một cách khác, là người đại diện cho Trang Mạng có thể ở bất kỳ một quốc gia nào, ở Pháp hay ở Bỉ, ở Hoà Lan hay ở Cộng Hoà Liên Bang Đức. Tạm thời thì chúng tôi ủy nhiệm cho một bạn văn ở Paris để quảng bá cho Trang Mạng.

           Được một điều may là tuy Trang Mạng chưa có đại diện chính thức ở Âu châu, nhưng qua nhiều cuộc điện đàm và lại có sự may mắn là gặp vào kỳ mùa đông, nhiều bạn văn từ Âu Châu đã sang Cali để tránh khí hậu lạnh, và tiện dịp ghé thăm chúng tôi nên khi tôi mời cộng tác, viết bài, ai cũng nhận lời, Tôi chuyển lời lại với hai vị chủ nhiệm và chủ bút, là trên giấy tờ thì nay Chính Luận Hải Ngoại đã có đại diện ở nhiều nơi và một ban biên tập gồm nhiều cây bút có thành tích văn chương và chống cộng.

           Xin tất cả mọi người cùng bắt tay vào việc để giúp cho Trang Mạng là một nguồn phổ biến thông tin và văn học phục vụ cho Cộng Đồng Người Việt Tự Do ở Hải Ngoại.

GS Nguyễn Xuân Vinh
06/12/2013