21 Tháng Mười Một, 2024

Đường Dây – Hạ Yên Thư

LTG: Đây là bài viết kể lại một đoạn đời của nạn nhân. Chị là một trong những người dân Việt hiện sống tại đất nước mình với một cuộc sống đầy bi thương uất hận. Chị là một trong số những người dân đang oằn mình trong nghiệt ngã, trong sự chà đạp nhân quyền của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Mời bạn đọc để thấy cảnh đời của người dân bị bóc lột và hà hiếp bởi các quan lớn (và bà lớn, bà bé) những người đang “nắm vận mệnh đất nước”…..  ĐỚN ĐAU THAY!

Tiếng xe ngừng lại rồi tiếng chốt cửa xe kêu lách cách. Trái tim của Thoa như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi chị nghe thấy tiếng xê dịch của những chiếc thùng hàng chất trong lòng xe tải. Ánh đèn điện mờ mờ bắt đầu len vào chỗ ngồi tối thui của bảy người đang trốn sâu trong thùng xe. Tên tài xế với giọng Bắc sền sệt: ”Con kia, ra đây ngay!”. Run rẩy vì sợ, chị co người lại mặt tái mét. Đó là phản ứng đầu tiên của chị mỗi lần bị kêu ra khỏi xe. Cứ như là làm thế thì tên khốn nạn kia sẽ không thấy chị.

Suốt ngày ngồi co người một chỗ chân chị bị cứng đơ và đau nhức, gần như không lết nổi ra tới cửa xe. Tên tài xế giận dữ nhảy lên xe kéo lết chị và lôi xuống đất. Cuối cùng chị cũng bị lôi ra ngòai. Chị sợ hãi tránh đôi mắt lóe tia hung hãn dữ tợn làm cho gương mặt đen đúa cục mịch đầy xương xóc của tên tài xế càng ghê rợn thêm. Nháy mắt liên tục vì bị chói bởi ánh đèn đường, chị chưa kịp hoàn hồn và đứng vững thì tên tài xế đã dụt mạnh mảnh chăn xuống đất và đẩy chị chúi nhủi xuống đó. Tuy yếu sức chị vẫn cố gượng lại. Bốp! môt cái tát như trời giáng làm chị chúi đầu xuống đất, ngã lăn quay cạnh chiếc chăn dơ dáy nhàu nát. ”Mẹ kiếp, con điếm thối, tụt quần ra ngay! Ông địt một cái, ông còn đi ngủ!”. Tên tài xế dữ tợn đè tay chân chị ra. Hung hăng như con dã thú nó hiếp chị như mọi lần.

Đã nhiều lần chị cố chống cự và đều bị cho ăn đấm ăn tát tới tấp. Mặt mũi chị đau rát cả lên, chị nghe mùi vị mặn trên lưỡi. Dòng máu chảy từ mũi lăn vào mồm. Thân thể chị ê ẩm. Chị ê chề cắn răng chịu đau. Chị không dám kêu cứu trong khi bị tụi nó liên tục cưỡng dâm. Không lần nào tụi nó tha chị với những cái thoi cú đấm vào người. Người đàn ông già và đứa trẻ trong xe đã bao lần chứng kiến cảnh chị bị cưỡng hiếp. Họ không có phản ứng. Chị quay đầu qua một bên tránh gương mặt của thằng tài xế xe tải khốn nạn. Chị nín thở, nhưng không tránh được luồng hơi thở hồng hộc hôi hám của thuốc lá cà phê từ cái mồm hôi thối của tên tài xế đang liên tiếp phà vào mặt chị. Mùi mồ hôi chua nồng đến phát lợm từ thân thể của gã ập vào mũi chị.

Chị nuốt hai hàng nước mắt không trào ra được, chảy ngược dòng trôi xuống cổ họng đắng nghét khô ran của mình. Chị chỉ còn biết cắn răng chịu đựng và uất hận khóc thầm. Trên chặng đường xe chạy hằng ngàn cây số, ban đêm khi ngừng xe để ngủ, tên tài xế lôi chị ra hãm hiếp. Hiếp xong, nó gọi mấy thằng cùng ngồi trong thùng xe tải với chị ra khỏi xe và ra dấu cho tụi kia hiếp chị trước khi nó vào chỗ ngồi ở tay lái.

Đi chung xe với chị có bốn người đàn ông trong khỏang tuổi từ 25 đến 40, một ông già 70 và một đứa bé trai 9 tuổi. Ba thằng hiếp chị là bà con anh em của tên tài xế. Hai người đàn ông còn lại tuy đi chung nhưng không bao giờ đụng đến người chị, đó là người đàn ông 40 tuổi và ông già. Hai người nầy thường ngồi yên nhìn chằm chằm xuống sàn xe hoặc nhắm mắt lại, im thin thít. Đứa bé trai 9 tuổi đã mấy lần bị ăn tát đến chảy máu mồm, nên hết dám hó hé. Mỗi ngày mọi người trong xe được phát cho một chiếc túi có vài ổ bánh mì thịt và một chai nước lạnh cùng một chiếc túi ny-lông để tiểu và đại tiện vào đó. Họ ăn uống ngay trong thùng xe tối hù, không thấy bóng mặt trời, nồng nặc mùi phân và nước tiểu. Ban đêm khi tên tài xế ngừng xe để ngủ, là thời gian độc nhất của ngày đó họ được hắn cho ra khỏi xe một chốc để duỗi chân. Ánh sáng họ thấy được trong ngày là tia sáng lạnh lẽo của những ngọn đèn đường.

Những lần nghe tiếng xe dừng lại rồi tiếng người và tiếng lạch cạch của nắp xăng được mở ra, bảy người ngồi trong thùng xe tải nín thở không dám gây tiếng động. Tên tài xế đã dặn dò kỷ lưỡng, mỗi lần xe ngừng để đổ xăng, nếu gây tiếng động, bị phát giác, sẽ đi tù cả lủ. Ở tù sẽ bị chết rục xương vì không ai biết mình là ai mà can thiệp. Khi còn trong nước, tụi Đường Dây lịch sự lắm, không giải thích được đàng hòang, thì hù cho chị hãi. Không nói ngon nói ngọt được thì đánh trống lảng.

Sau khi tụi nó đã nhận tiền rồi và ngày chị bước chân xuống hầm tàu thủy, chị đối mặt với cái địa ngục sâu thăm thẳm, không đường thối lui. Thằng tài xế xe tải hăm he: ”Hãy liệu cái thần hồn chúng mày nhé. Không có giấy tờ tùy thân, không nói được tiếng của người ta, bị chộp chúng mày chết chắc!”. Và hắn tiếp: ”Coi như chấm hết, chúng mày không còn đến được quốc gia Đường Dây đã hứa hẹn đưa chúng mày đến”. Thật tình mà nói, Đường Dây chưa hề nói đi đâu. Có lần chị hỏi, tụi cò mồi bảo: ”Cứ đi thôi, chị không phải lo. Qua đến Âu Châu có người của Bà lo, cho biết nước nào nhận vào là mình vào xin ở. Có cả khối, thiếu gì!”

Thời gian ở Hải Phòng sau khi chị đã trả đủ số tiền và được cho hay sẽ ra đi trong nay mai thì tên tài xế xuất hiện. Hắn dẫn đường đưa nhóm năm người gồm bốn người đàn ông và chị, người đàn bà độc nhất trong nhóm, ra khỏi Việt Nam. Cái đêm trước ngày tàu nhổ neo hắn đưa mọi người xuống dấu kín dưới hầm chiếc tàu thủy. Tàu trôi lênh đênh trên biển khơi không biết bao lâu. Chỉ biết một ngày rất lâu sau đó năm người được lén lút đưa ra khỏi hầm tàu, chui vào một chiếc xe con, một đêm trời thật tối. Họ được đưa đến một căn nhà ở một nơi khá hẻo lánh.

Chủ nhà là một ông tây, ở tầng trên, làm phận sự đưa thức ăn nước uống xuống cho năm người ở dưới tầng hầm. Sau hầm tàu thủy là hầm nhà tối tăm. Bước vào căn hầm mờ tối chị gặp 2 người Việt khác. Ông già 70 tuổi và đứa bé trai 9 tuổi đã ở sẳn đó. Bảy người ở trong căn hầm đó liên tục khoảng hai tháng, không được đi ra ngòai. Một hôm thằng tài xế xuất hiện, báo tin sẽ đưa bảy người đi đến một nước tự do. Trong khi tên tài xế nói chuyện với mấy tên kia, chị tình cờ nghe nó bảo đây là Mốt Cơ Va.

Gặp lại tên dẫn đường và sau nầy chính là tài xế lái xe tải đưa nhóm bảy người cùng đi, chị thấy buồn nôn lẫn sợ hãi, khi nghĩ đến suốt thời gian trốn dưới hầm tàu thủy trên đường rời khỏi Việt Nam, tên khốn nạn nầy đã hãm hiếp và đánh đập chị như thế nào. Chị nhắm mắt không dám nghĩ tiếp cái cảnh bị ba thằng anh em của nó thay nhau hãm hiếp chị nhiều ngày trời. Vì sợ bị người trên tàu phát giác việc năm người họ trốn dưới hầm tàu, chị đã không dám kêu cứu. Trong bốn người đàn ông xa lạ đi cùng, người đàn ông 40 tuổi là người độc nhất không hãm hiếp chị, đã ra tay can thiệp khi thấy tên khốn nạn bắt đầu giở trò. Anh ta bị tụi nó đánh và đá vào lưng đến nổi hộc máu mồm và ngất đi.

Lần đó chị sợ đến hoảng hồn vì tưởng anh ta đã chết. Tỉnh dậy anh ta ngồi im lìm bất động trước cảnh chị bị bốn tên bất lương thay nhau hãm hiếp ngay trước mắt. Chị đã âm thầm khóc và cắn răng nuốt nỗi khổ của mình. Giá mà làm được, chị đã giết bốn tên chó má đó ngay đêm đầu tiên chị bị tụi nó hành hung hãm hiếp. Một đứa bịt mồm, hai đứa kia chia hai bên đè tay và banh chân chị ra sau khi thằng đầu đảng khốn nạn lột quần của chị. Bốn thằng luân phiên hãm hiếp, và chị ngất xỉu hồi nào không hay. Đến khi tỉnh dậy chị lợm cả người và ói ra mật xanh mật vàng. Thấy vậy tụi khốn nạn chửi thề và cất tiếng cười đểu giả.

Ở dưới hầm không có ánh mặt trời, tối thui, không biết hồi nào là ngày hồi nào là đêm. Chị chỉ biết tụi khốn nạn ăn ngủ xong, lại thay nhau hãm hiếp chị. Người chị đau nhức và cảm giác nhầy nhụa thối tha vì đã nhiều ngày không được tắm rửa, rồi bốn thằng đàn ông thay nhau hãm hiếp liên tục, làm chị kinh tởm chính thân thể mình và hận bọn khốn nạn đến muốn trào máu ra đôi mắt. Chị đau đớn và chỉ biết khóc. Chị là người miền Trung, lấy chồng người miền Bắc và lưu lạc ra Hải Phòng rồi vượt biên mùa hè năm 2008. Cuối tháng mười một 2009 chị được đưa vào trại tị nạn, và cho lập hồ sơ. Đầu tháng tư năm nay, 2010, Sở Ngọai Kiều thông báo quyết định bác đơn xin định cư của chị và cho hay chị sẽ bị trả về nước.

Có hai cách để được trả về. Cách thứ nhất, chấp nhận với Sở Ngọai Kiều sẽ hợp tác cùng Lãnh sự quán Việt Nam tại đây để làm thủ tục, sẽ được tự do lên máy bay trở về nước. Cách thứ hai, không hợp tác, Lãnh sự quán Việt Nam ở đây vẫn cấp giấy tờ về nước theo yêu cầu của Sở ngọai Kiều và chị sẽ được áp tải lên máy bay, giao về cho chính quyền tại Việt Nam. Lý do bác đơn của Sở Ngọai Kiều là: ”Việt Nam hiện nay là một nước đã có nhiều thay đổi. Người dân tự do kinh doanh, tự do tín ngưỡng, tự do đi du lịch. Người Việt ở nước ngòai về thăm quê hương, vui vẻ với gia đình bạn bè làng xóm. Tình hình tại Việt Nam đã khả quan, không còn lý do xin tị nạn”. Để dẫn chứng, Sở Ngọai Kiều vào Mạng tải xuống những thông tin của cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam, đưa cho chị đọc. Họ còn bảo với chị: ”Hội Hồng Thập Tự và các cơ quan thiện nguyện nước ngoài có văn phòng đặt tại Việt Nam. Chúng tôi biết những thông tin nầy là đúng và đáng tin cậy!” 

Năm 1988 bà mẹ nuôi đã già yếu bệnh hoạn và chị đã lớn. Với cái lý lịch con của một sĩ quan cao cấp của chế độ cũ, nếu bà qua đời, chị sẽ sống trong một tương lai bấp bênh đầy nguy cơ, bởi vì chị đã lọt mắt xanh của tên cán bộ chủ tịch phường. Hắn ta là một quan chức người miền Bắc có gương mặt hiện vẻ độc ác với làn da xám xịt, hai gò má đầy xương nhô ra như muốn rơi xuống đất. Mặt hắn ta trông thật hắc ám do cái mồm vẩu và hàm răng cải mả. Thật lòng lo lắng nên bà thu xếp cho chị vượt biên.

Đây là chuyến vượt biên đầu đời. Chị theo ghe vượt biển và đến được Thái Lan. Một thời gian sau đó chị bị đuổi về nước. Một số người cùng bị đuổi về với chị không chấp nhận việc trở về sống ở Việt Nam, đã rủ nhau trốn khỏi Thái Lan bằng cách hùn góp tiền để tậu một chiếc ghe, tiếp tục vượt biển. Từ Thái Lan họ may mắn đến được Nhật. Nhưng không lâu sau đó, Chính phủ Nhật ra lệnh đưa ghe chị trở về Việt Nam. Năm đó chị được 22 tuổi.

Trở về lại căn nhà người mẹ nuôi, chị sống với bà được mấy tháng thì bà bị bệnh qua đời. Kể từ đó tên cán bộ tìm đủ mọi cách ép chị lấy hắn. Hắn ta già hơn chị rất nhiều, nhắm ra không hàng bác cũng hàng chú. Gọi là lấy chồng chứ thực sự hắn chỉ muốn đưa chị về nhà làm lẻ. Làm vợ ban đêm làm tôi tớ ban ngày. Hắn có thành tích được nhà nước ghi nhận là đã vác súng giải phóng quê hương. Học lực của hắn chỉ mới lớp sáu, đủ để biết đọc biết viết. Mỗi lần hắn mở miệng là lòi nguyên si cái gốc bần hàn ít học. Hạch tội các nhà trí thức cùng giới sĩ quan miền Nam hắn bảo ”chúng mày là lủ thiếu văn hóa”. Đối với nhà nước hắn là anh hùng giải phóng. Hắn vô Nam năm 1975 theo chỉ thị của nhà nước để nhận công vụ mới là thẳng tay quét sạch ”ngụy quân ngụy quyền miền Nam và cải tạo tư tưởng bọn phản động”. Hắn để lại vợ con sống ở miền quê ngòai Bắc.

Vào Nam, vừa cậy có thế lực vừa là tay sai chạy việc của cấp trên, hắn tác oai tác quái đè đầu cưỡi cổ dân trong vùng. Hồi đó, khi từ Thái Lan và Nhật Bản trở về, chị bị bắt nhốt trên phường. Hắn thấy chị có nhan sắc, bèn kiếm cách ép chị phải lấy hắn ”để được che chở, bằng không với tội phản quốc, sẽ chết rục xương trong tù”. Hắn đến nhà chị giờ nào hắn muốn. Hắn trấn áp khủng bố tinh thần chị. Hắn đập cửa ầm ầm vào ban đêm, đòi lục sóat nhà để xem chị có chứa tụi phản động hay không.

Một đêm lấy cớ vào soát nhà, hắn đã bóp miệng chị và cưỡng dâm. Đời con gái của chị bị cướp trong tay hắn. Mang cái bụng bầu lúp lúp chị đành về làm vợ hắn. Hắn là cửa quan. Hắn là trời! Có dân đen nào ngờ nghệch làm đơn kiện với quan là đã bị chính quan hiếp dâm. Chị là người đàn bà có diện mạo khá thu hút. Thân hình chị mảnh khảnh, dáng đi khoan thai cử chỉ từ tốn, ăn nói nhẹ nhàng và có gương mặt khá xinh.

Cha của chị ngày xưa là sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1975 khi Sài Gòn thất thủ, quân dân cán chính của Miền Nam bị lừa và lùa đi học tập cải tạo. Ngày đó, chị mới 10 tuổi, là con út một gia đình có ba con. Mẹ chị có cửa hàng bán dụng cụ điện ở phố. Gia đình chị thuộc hàng khá giả. Cha chị bị bắt đi học tập cải tạo, gia đình chị đã tưởng rằng sẽ hội ngộ với ông khỏang 10 ngày sau, như lời tuyên truyền của cán bộ Miền Bắc. Không lâu sau đó ngôi nhà khá rộng lớn của gia đình chị bị cán bộ nhà nước dọn vào ở, bốn mẹ con bị đuổi về sống tại vùng kinh tế mới. Lao động cực khổ không đủ ăn đã làm mẹ chị gầy hẳn đi và mang trọng bệnh. Cha chị đã bị tra tấn tàn nhẫn, ông chết trong tù vì bệnh họan và kiệt sức. Bệnh của mẹ chị trở nặng từ đó. Một năm sau bà qua đời để lại ba đứa con côi cút.

Trước khi mất, mẹ chị đã gửi gấm chị cho một người bạn gái rất thân của bà. Người nầy tuy hoàn cảnh chẳng khá giả gì, nhưng vì bà không có con và rất yêu thương chị, nên sẵn sàng nhận chị làm con nuôi. Người anh và chị gái của chị phân tán hai nơi. Anh trai sống với bà nội và chị gái về  sống với ông bà ngoại. Người anh trai chẳng may thiệt mạng năm 1995 trong một tai nạn lao động. Người chị gái theo chồng đi làm ăn ở Lào. Hai chị em chẳng còn gặp nhau nữa. 

Một năm sau chị sanh thêm đứa con trai thứ hai. Tên cán bộ bắt đầu trở chứng hành hung và đánh đập chị mỗi lần hắn thua cờ bạc và say rượu. Bẵng đi một dạo không còn thấy hắn về nhà nữa. Dọ hỏi chị được biết hắn đang ăn ở với một cô gái 20 tuổi. Bị hắn bỏ rơi không cấp tiền nuôi con, chị phải tự kiếm cách sinh sống. Tần tảo buôn bán nuôi hai con, chị tưởng rằng sẽ yên thân vì hắn đã có người đàn bà khác. Nhưng cái bất hạnh chưa chịu rời chị. Khi thằng con út được 2 tuổi, hắn xuất hiện và đem hai đứa bé trai đi mất. Chị đau đớn vật vả, tìm tới nhà hắn đòi con thì bị mấy tên côn đồ du đảng tay chân của hắn chận ngòai cửa đánh cho chảy máu đầu. Bà giúp việc nhà hắn thương tình bảo cho chị hay, là bà nội hai đứa bé đã bắt hai đứa cháu trai đưa về Hải Phòng nuôi, để có người thừa tự. Người đàn bà già vợ của hắn ta sống dưới quê với năm đứa con gái được xem như không hiện diện trên quả đất nầy, chỉ vì bà ta sinh cho hắn toàn con gái.

Nửa năm trời chị quay quắt khóc lóc trong nỗi khổ hai đứa con bị bắt đi mất. Về sau chị dọ hỏi và tìm được nhà bà nội của hai đứa bé trai con chị. Xin vào thăm thì bị người làm chửi bới xô đuổi xịt chó cắn. Hằng tuần chị đến ngồi núp trong bụi cây trước nhà để được nhìn con cho đỡ nhớ. Một bà già cùng xóm thương cho hoàn cảnh của chị nhận lời cho chị ở đậu, và làm việc trong quán ăn của bà. Mười năm dành dụm chị có được một số tiền kha khá. Thế là chị lại tìm cách vượt biên. Bà cụ già chủ quán ăn thương chị như con, đã cho chị thêm một số tiền và giúp hỏi thăm đường dây để thu xếp cho chị vượt biên. Mùa hạ năm 2008 ”nhắm mắt đưa chân” chị bán căn nhà của người mẹ nuôi đã mất để lại cho chị ở miền Trung và tất cả nữ trang của mình. Có đủ 12.000 đô la góp cho ĐƯỜNG DÂY, chị chấp nhận ra đi không còn đường trở về.

Họ bảo đi như thế này là đi bán chính thức. Nghe nói đi bán chính thức rất chắc chắn, bởi vì sẽ đi bằng tàu thủy rất lớn, có quan chức chính quyền cấp cao thông qua quá trình đi chui, nên không sợ bể. Bán chính thức là trả tiền chuyến đi cho chủ đường dây là người có thế lực. Một người môi giới tỏ ra thân tình thì thầm với chị rằng, đi như vậy chắc ăn 100%.  Người nầy muốn chị yên lòng đã không ngần ngại hở môi cho chị hay một thông tin rất quan trọng. Chị ta dặn dò kỷ lưởng là chị không được bép xép. Hể chị lẻo mép côn đồ du đảng sẽ gây chuyện với chị, hoặc quan sẽ kiếm cách cho chị ngồi tù rục xương: ”- Đường Dây rất an tòan bởi vì do quan chức tai to mặt lớn đỡ lưng và bà lớn nắm Công ty Đường Dây. Hối lộ các cửa quan khác là việc của họ, nên ra đi như thế không cần phải có giấy tờ xuất cảnh hợp lệ mang theo bên người”. Nghe lời nhỏ to như thế chị bán cửa bán nhà kiếm đủ tiền trả cho họ để thóat ly cảnh khổ ở Việt Nam.

Chị nuôi trong lòng ước mơ đến được xứ người, sống trong sự bảo vệ của luật pháp, như lời kể của những người ở nước ngòai về thăm quê nhà ở Việt Nam. Trong ước mơ chị ấp ủ có hình bóng hai đứa con trai của chị. Ra định cư ở nước ngòai, chị sẽ xin cho chúng đoàn tụ với chị. Mẹ con sẽ sống bên nhau. Chị sẽ đi làm và kiếm tiền nuôi dưỡng giáo dục các con thành người. Nghĩ đến hai đứa con, lòng chị quặn đau. Chị sợ loại người không tim như cha nó. Với tiền của và chút quyền hành trong môi trường sống hiện nay ở Việt Nam, cha nó dễ dàng dạy cho chúng trở thành quái thai của xã hội, thành những con người bất nhân. 

Một cách đi bán chính thức khác hòan tòan không vất vả, đó là đi có thông hành và vé máy bay. Giá một chuyến đi thế này sẽ cao gấp 3 lần, là 40.000 đô la. Nghe nói con cháu bà con mấy ông bà quan chức giàu có mới đi cách nầy. Đi như vầy cũng gọi là đi bán chính thức. Bởi vì có được hộ chiếu và giấy phép xuất cảnh thật. Thông hành thì thật một trăm phần trăm vì do nhà nước cấp, nhưng xuất cảnh giả nên gọi là bán chính thức. Khi đáp xuống một sân bay ở Âu Châu, sẽ có người của Đường Dây đến đón. Người đi bán chính thức trong trường hợp nầy sẽ được người của Đường Dây chở xe đến thả trước một cổng trại tị nạn. Cảnh sát hoặc nhân viên trại tị nạn sẽ dẫn vào văn phòng làm giấy tờ nhập trại và điền đơn xin tị nạn. Sau đó là thời gian trong trai tị nạn, ăn ở miễn phí, được phát tiền túi mỗi tuần. Sau khi được phỏng vấn và lập hồ sơ, Sở Ngọai Kiều sẽ xét đơn và xử lý.

Hồi còn ở Việt Nam Đường Dây có hứa sẽ lo cho người đi chui được cấp quyền tị nạn tại đây. Người đi chui chỉ việc làm theo mọi xếp đặt của Đường Dây. Đó là học thuộc lời khai đã được Đường Dây bày vẽ. Chị nhớ rõ, khi nhận lời khai để học thuộc, thì những điều cần khai căn bản là: ”độc thân, cha mẹ chết hết, là con độc nhất, không có bà con anh em cô dì cậu mợ gì cả. Hỏi cha mẹ tên gì, chỉ việc khai mồ côi từ nhỏ không biết tên cha mẹ. Hỏi giấy tờ đâu, cứ việc bảo mất hết trong chiến tranh. Hỏi tên gì, dĩ nhiên khai tên giả. Hỏi địa chỉ ở quê nhà là đâu, chỉ việc khai sống lang thang nay đây mai đó, làm thuê làm mướn từ Nam ra Bắc, không có hộ khẩu”. Chị đã nghi ngờ và hỏi thì được tụi cò mồi cho hay: – ”Đường Dây Nước Ngòai gồm những người biết luật lệ tại đó. Bảo khai thế nào thì làm thế đấy, sẽ được định cư”.

Sau một thời gian ẩn mình trong lòng xe tải, trải qua biết bao nhục nhã, chị được đưa đến một khu rừng. Tên tài xế thả người đàn ông già và đứa trẻ xuống trước. Hắn bấm máy điện thọai cầm tay nói chuyện bằng tiếng ”tây” một hồi, rồi ngồi chờ. Hai mươi phút sau một chiếc ô tô con xuất hiện. Một ông tây đưa hai người đó lên xe lái đi mất. Tên tài xế xe tải chạy xe vào một đoạn đường ngắn nằm giữa khu rừng. Một căn nhà gạch mái ngói hiện ra. Tên tài xế dừng xe bảo mọi người ngồi yên trong xe không được lên tiếng, rồi hắn bảo chị đi cùng.

Đến trước cửa nhà hắn bấm chuông, một người đàn ông to béo xuất hiện. Ông tây chào hắn, xí xô xí xào với hắn một hồi, xong hắn quay sang chị và bảo: ”Mầy ở lại đây với thằng tây. Tao chở tụi nầy giao đúng chỗ, sẽ trở lại đón mầy”. Chị sợ hãi lí nhí: ”Tui không nói chuyện được với hắn”. Thằng tài xế xe tải chửi đổng: ”Mẹ kiếp, mầy mà cũng biết nói sao? Cần gì nói”.  Ông tây hình như thấy hắn dữ quá, tò mò hỏi gì đó. Hắn xuống giọng: ”Mầy ở đây với ông tây. Giặt giũ nấu ăn dọn dẹp cho hai cha con ông. Ông tây sẽ trả tiền cho mầy. Vài tháng nữa tau giao tụi nầy xong, sẽ quay lại đón và đưa mầy đến một nước giàu có để xin tị nạn”.

Hắn nói vài tháng mà năm tháng sau vẫn chưa thấy hắn trở lại. Hằng ngày chị làm những việc trong nhà, và đi lại trong căn nhà đó như một bóng ma, không nói không cười. Đứa con gái nhỏ của ông tây béo đi học mỗi buổi sáng, và đến buổi chiều thì về nhà. Chị nấu thức ăn nóng và dọn cho mọi người cùng ăn. Ông tây béo hằng ngày lái xe đi làm. Nhìn bộ áo quần ông ta vận trên người và những dụng cụ mang theo, chị đoán hắn ta là thợ sơn.

Mỗi ngày khi ông tây và đứa con gái về nhà chị đã dọn xong bữa ăn khói bốc nghi ngút. Thức ăn trong nhà do ông tây mua để sẵn, chị chỉ việc nấu nướng và dọn ra bàn ăn. Suốt một năm ba tháng ở tại đây chị chỉ được ông tây chở ra một khu phố khá xa, mua cho một đôi giày cùng mấy cái áo ấm, một chiếc áo khoác mặc mùa đông. Mùa hè chị cắt cỏ trong vườn. Mùa đông cần có áo ấm để khỏi bị lạnh run mỗi lần ra xúc tuyết trước sân nhà, dọn sạch lối cho ông tây béo lùi xe ra và chạy xe vào.

Mỗi cuối tuần con bé biến mất hai ngày. Chị không rõ nó đi đâu. Về sau khi lên trình diện ở Cơ quan Chống Nạn Buôn Người, chị mới biết cuối tuần con bé về nhà mẹ nó. Ngày thường đi học con bé ở với cha nó là ông tây béo.

Qua đến tháng thứ sáu, một hôm thằng tây béo say khước khi về nhà. Hắn kêu chị lại gần, rồi đột nhiên ôm chầm lấy chị, đưa tay sờ sẩm trên người chị, chị chống cự và chạy thoát về phòng. Thằng tây béo chạy theo vô phòng, đè chị xuống giường và hãm hiếp chị. Đứa con gái nhỏ nghe chị la hét, bèn chạy vào, chứng kiến cảnh cha nó đang làm trò tồi bại với chị, nó nói gì chị không rõ, chỉ nghe cha nó khóat tay bảo nó đi đi. Con bé cứ đứng đó, nghe chị la hét chống cự, và nhìn cha nó cưỡng dâm chị.

Kể từ đó thằng tây béo đều đặn làm việc cưỡng dâm. Chị la hét mỏi cổ cũng chẳng có ai nghe, vì nhà thằng tây nằm sâu trong rừng, cách xa đường cái quan. Chỉ tội con bé, mỗi lần chị vùng vẫy la hét là nó xuất hiện, đứng nhìn cha nó đang hãm hiếp chị và nghe chị la hét mà không biết phải làm gì. Không chịu nổi cảnh bị cưỡng dâm, chị đã mấy lần bỏ trốn. Nhưng bị thằng tây bắt lại và đánh cho  nhừ người.

Một hôm nó say đến không còn biết trời trăng là gì và dỡ trò hiếp dâm chị. Hôm đó là ngày thứ bẩy, con bé gái không có ở nhà. Chị càng la hét chống cự, nó càng cố sức đè chị xuống giường. Chị vùng vẫy dữ quá, nó không tài nào làm gì được chị. Tức giận nó đạp ngay vào lưng chị. Thằng tây nặng cả trăm ký, cái đạp của nó làm máu từ mồm của chị phun ra thành vòi, rồi chị ngất đi. Sợ quá thằng tây bỏ trốn khỏi nhà nó. Hai ngày liên tiếp nó biến mất.

Ngày thứ hai chị tỉnh dậy, lau máu khô trên mồm, chị nghiến răng chịu đau, gượng đi ra khỏi nhà và nhắm đường mòn trong rừng mà chạy. Không dám chạy ngoài đường cái, sợ sẽ bị nó bắt lại như những lần trước. Chạy mãi chị nghe tiếng xe lửa, và lần mò theo hướng đó mà đi. Đến khi thấy được một nhà ga, chị mừng rỡ đi bọc lên sân ga và leo lên một chiếc tàu lửa ngồi thu mình trong đó. Tàu chạy mãi và chạy một đoạn đường khá xa. Khi tàu đến một sân ga thật to lớn đông đúc người, chị ngơ ngác bước xuống và gục ngay trên sân vì đói và đuối sức.

Một số người xúm quanh chị hỏi han. Chị không biết họ nói gì, thều thào chị nói: ”Tôi đói quá, cứu tôi với!” Một người đàn bà tách ra khỏi đám đông tiến đến gần chị và đỡ chị dậy. Chị mừng rỡ khi nghe bà ta hỏi: ”Làm sao ra cơ sự thế nầy? Chị tên gì, ở đâu đến?” Chị thều thào nói: ”Chị ơi em đói và khát nước quá. Em bị thằng tây đánh hộc máu, nên em bỏ nhà nó trốn đi.” Người đàn bà cở bằng tuổi chị, ăn vận áo quần đắt tiền và khá diêm dúa lòe loẹt. Đỡ chị đứng lên, bà ta dìu chị đến ngồi trên một băng ghế tại sân ga. Năm phút sau bà ta trở lại với một chai nước và một ổ bánh mì thịt. Ăn uống xong, bà ta đề nghị đưa chị về nhà của bả.

Tại đây chị được cho tắm rửa và dùng áo quần của bà ta để thay. Bà ta to con, nên chị gần như đang lội trong bộ áo quần của bả. Khi tỉnh dậy sau cái đạp vào lưng đến ngất đi, chị đã hốt hoảng tìm đường bỏ trốn, không kịp mang theo gì cả. Đến đây được người đàn bà giúp đỡ chu đáo, chị mừng lắm.

Mệt quá chị ngủ một giấc. Khi tỉnh dậy được bà ta dọn cho ăn một tô mì nóng khá ngon. Trong khi chị ăn, bà ta bắt đầu hỏi chuyện. Cảm tình với sự giúp đỡ của bà ta, chị thật thà kể hết. Qua ngày sau chị đã kể hết chuyện. Bà nầy đề nghị chị nên ở lại nhà bả, và cứ sống ”chui” như thế nầy cho thoải mái. Bả hứa sẽ kiếm việc cho chị làm. Chị không muốn như thế, và xin bà ta hãy giúp đưa chị vào trại tị nạn. Bà nầy bèn nghiêm giọng bảo: ”- Khỏi phải vào trại tị nạn làm gì. Có vào cũng chẳng ích lợi. Hãy sống ở nhà nầy và đi làm chui là chắc ăn”. Bà ta kể rằng bả có nhiều quan hệ tốt lắm, có khối việc để làm, nhưng là việc làm đen. Bà còn bảo chị cứ tự nhiên thoải mái ở đây. Nghe qua chị có hơi nghi ngại. Hồi ở trong nước có mấy người về thăm quê đã kể cho nghe rằng, ở nước ngòai cũng có người của Đường Dây. Họ làm ăn bất hợp pháp, thường tổ chức những nhóm người đi vào các cửa hàng sang trọng, các siêu thị lớn, đánh cắp nước hoa áo quần giày ví đắt tiền và nhiều thứ nữa. Là hàng hiệu lại bán rẻ nên dù là hàng ”nóng bỏng tay” cũng bán rất chạy và kiếm lời vô số kể. Đường Dây còn có những ổ gái mại dâm, những sòng bài tư nhân, hoặc những phòng hút thuốc phiện chích ma túy.

Tổ chức của Đường Dây nầy được người Việt nước ngoài nhắc đến với tên gọi là Xã Hội Đen. Một tổ chức làm giàu nhanh chóng và là tay chân của các bà lớn bà bé trong nước. Chị thấy lo quá, tụi Đường Dây đã đưa chị ra khỏi nước, hành hạ cưỡng hiếp chị tàn nhẫn, chị bỏ trốn, không lý lại rơi vào tay tụi Đường Dây lần nữa. Chị rùng mình kinh hãi, nhưng không dám lộ ra mặt, chỉ âm thầm tính đường rút lui.     

Chị đã thoát được những đề nghị của bà ta. Chị đã vào trại tị nạn. Chị đã làm đơn xin cấp quyền cư trú. Và chị đã bị bác đơn. Hôm nay ngồi trong trại tị nạn ở một vùng xa lắc xa lơ, chị nhìn lại cuộc đời mình mà ứa nước mắt. Cuộc sống của chị thế nầy là chấm dứt sao. Những hãi hùng chị đã trải qua, vẫn không cho chị cơ hội bước vào thế giới của một đất nước tự do dân chủ. Chị suốt đời khó vùng thóat được một cuộc sống bị ức hiếp. Làm thế nào họ nghĩ ra được cách tổ chức những đường dây ghê gớm như thế. Trong nước họ đè đầu cưỡi cổ dân lành, ra nước ngòai họ phè phỡn sống trên máu, nước mắt và thân xác của kẻ khác.

Qua đến đây chị lại biết thêm một việc. Khi đi khỏi Việt Nam, Đường Dây tháo bỏ tất cả giấy tờ tùy thân của chị. Chị đến một nước ở Âu Châu, có xin tị nạn cũng không được cấp. Có xin định cư cũng không có lý do vững vàng để được nhận. Bởi vì chị không có lý lịch không có giấy tờ chứng minh chị là ai. Chị chỉ có lời khai mơ hồ mông lung, chẳng đâu vào đâu.

Khi bác đơn tị nạn của chị, chính quyền tại nước Âu Châu liên lạc với Lãnh Sự Quán Việt Nam tại đây để đưa chị trở về. Lãnh Sự Quán Việt Nam trả lời: ”Cô ta là ai không có giấy tờ chứng minh, làm sao chúng tôi biết được chính là công dân của nước Việt Nam mà nhận về?”.

Nghe nói hai nước đã bắt tay và thỏa thuận. Khi nhà nước Việt Nam nhận một người không giấy tờ trở về, sẽ được chính phủ nước Âu Châu nầy trả cho Việt Nam một số tiền là 50.000 Mỹ Kim. Gọi là tiền giúp nhà nước Việt Nam thiết lập một đời sống tạm đủ cho người vượt biên nầy có nơi ở và có vốn làm ăn sinh sống khi trở về lại Việt Nam.

Một người ra đi như chị, phải mất cho Đường Dây 12.000 Mỹ Kim. Qua đến một nước ở Âu châu phải làm công không ăn lương ở tiệm ăn, hoặc tiệm mát-xa, sòng bài, phòng xì ke ma túy của ĐƯỜNG DÂY NƯỚC NGÒAI 3 năm liên tiếp mới xong phần giao kèo. Nhỡ không ở được và bị đuổi về, ĐƯỜNG DÂY TRONG NƯỚC sẽ ghi cho chị một số nợ trả dần sau khi chị trở về. Khi chị bị gửi trở về Việt Nam ĐƯỜNG DÂY còn được nhận 50.000 Mỹ Kim “trợ giúp” của Chính phủ từ quốc gia đã gửi trả chị về.

Một người đi chui theo xếp đặt của Đường Dây là món hàng không vốn đem lại vô số lợi nhuận cho tổ chức ĐƯỜNG DÂY nầy. Hóa ra ông lớn bà bé, ông lớn bà lớn làm giầu do khéo tổ chức ĐƯỜNG DÂY BUÔN NGƯỜI có cơ sở từ Việt Nam và chi nhánh làm ăn trùm khắp mọi nơi trên thế giới.  

HẠ YÊN THƯ