Một lời phát biểu đầy chân tình, hun đúc sự gắn bó giữa các gia đình quân đội tại Úc Châu nói chung và tại tiểu bang NSW nói riêng. Có thế mới hiểu được rằng, các gia đình quân đội tại Úc luôn giúp đỡ lẫn nhau và họ rất vững vàng về lập trường chống cộng.
NGÀY KHÔNG LỰC 01/07/2025
30/04/1975 – 30/04/2025: Tưởng Niệm 50 Năm Ngày Mất Nước
01/07/1955 – 01/07/2025: Kỷ Niệm 70 Năm Ngày Không Lực QLVNCH
Tiệc Tưởng Niệm 50 Năm Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Định Cư tại Úc cùng buổi lễ Kỷ Niệm 70 Năm Ngày Không Lực QLVNCH được tổ chức tại Nhà Hàng Liberty ở Bankstown vào hôm Chủ nhật, ngày 29/06/2025 với sự tham dự của khách mời là thân hữu của Hội Ái Hữu Không Quân (HAHKQ) QLVNCH/NSW, cùng các hội viên HAHKQ/QLVNCH/NSW. Đặc biệt trong đêm tiệc hôm nay HAHKQ/QLVNCH/NSW không mời những tổ chức chính trị.
Chào Quốc Kỳ, hát Quốc ca và Không Quân Hành Khúc
Sau phần chào cờ và hát quốc ca Úc Việt là nghi thức Một Phút Mặc Niệm. Mọi người lắng lòng nghe giọng nói mạnh, rõ, trầm ấm của MC Đào Huy Thái: “Một phút mặc niệm cho các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, các chiến sĩ đồng minh Úc, đặc biệt cho các chiến sĩ Không Quân”. Nghi thức Một Phút Mặc Niệm thường được nghe trong bất cứ một bữa tiệc nào của CĐNVTD/NSW, nhưng sao hôm nay lại đem đến cho người tham dự quá nhiều cảm xúc, có phải vì trong phần cuối của lời mặc niệm có lời tri ân hướng đến các chiến sĩ Không Quân đã bỏ mình vì đất nước.
MC Nguyễn Đăng Minh và Đào Huy Thái
Trong lời nói rõ ràng vững chải của người MC, mọi người cảm nhận được một cái tình đơn giản không màu mè, một chân tình của những người đồng đội, những người sống sót sau cuộc chiến dai dẳng đầy máu và nước mắt, và sau thời gian tù đày nghiệt ngã kể từ năm 1975 do nhà cầm quyền Cộng sản VN giáng xuống đầu các chiến sĩ QLVNCH. Nghi thức tuy đơn giản nhưng đã cho người tham dự cảm nhận được các chiến sĩ Không Quân, đang sống nơi đất khách quê người vẫn luôn ấp ủ một nỗi nhớ và lòng tri ơn chân thành.
Hội trưởng HAHKQ/NSW ông Mai Văn Khánh khai mạc buổi tiệc bằng lời chào mừng quan khách và quý thân hữu.
KQ Nguyễn Hứa Chữ, KQ Đinh Quốc Hùng, KQ Mai Văn Khánh
Lời khai mạc khá dài vẫn làm mọi người vui vẻ chăm chú lắng nghe. Người tham dự thật sự ấm lòng vì sự chào đón thân tình của ông Hội Trưởng. Tiếp đến, MC Nguyễn Đăng Minh mời quan khách phát biểu. Các bài diễn văn lần lượt được trình bày, Chủ tịch Hà Cao Thắng, đại diện Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW (BCH/CĐNVTD/NSW), Dân Biểu Võ Trí Dũng, và ông Lâm Xuân – Tân Chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH/NSW.
Qua bài diễn văn của mình, ông Lâm Xuân phát biểu: “Nói đến Không Quân (KQ) của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) trong chiến tranh Việt Nam, không ai là không mang ơn họ. Từ những vấn đề như là trợ chiến, tải quân, tải lính nhảy dù, tải thương, tải đạn dược, vũ khí, tiếp tế thực phẩm, quân trang, quân dụng, tải xác của tử sĩ từ chiến trường v.v..
Ở đây tôi muốn nói đến vấn đề trợ chiến của KQ. Đặc biệt Bộ Binh với những tiểu đoàn Địa Phương Quân đóng đồn như chúng tôi. Vì đóng đồn nên thường bị Cộng sản chọn những đêm tối trời để bao vây và tấn công bất ngờ với lượng vũ khí và hỏa lực hùng hậu… Dĩ nhiên vì đã nghiên cứu kỹ, CS biết rõ tình hình của chúng tôi, nên chúng dùng các đơn vị có cấp số lớn hơn đông hơn với lượng vũ khí và hỏa lực mạnh hơn mình. Những lúc lâm trận như thế này chỉ cần nhìn thấy bóng dáng hoặc tiếng gầm thét của một vài con diều hâu sắt thấp thoáng trên bầu trời thì thật sự tinh thần của anh em trong đơn vị chúng tôi lên cao, chúng tôi an tâm và hăng say hơn và phần lớn chúng tôi thắng trong các trận chiến đó, khi có Không Quân tham chiến với chúng tôi.
Tại Úc châu, từ ngày thành lập Hội Cựu Quân Nhân (HCQN), KQ luôn đóng một vai trò quan trọng. Hiện tại từ Gia đình Không Quân có Chiến hữu KQ Phan Huy Bách là Chủ tịch Liên Bang của HCQN/QLVNCH. Vừa rồi Chiến hữu KQ Mai Văn Khánh được bầu vào Ban Cố Vấn của Hội CQN/QLVNCH Tiểu Bang NSW. Với tâm tình lo lắng của Hội KQ tôi xin cảm ơn Chiến hữu KQ Mai văn Khánh và Hội KQ luôn kề vai sát cánh với Hội Cựu Quân Nhân/QLVNCH”
Một lời phát biểu đầy chân tình, hun đúc sự gắn bó giữa các gia đình quân đội tại Úc Châu nói chung và tại tiểu bang NSW nói riêng. Có thế mới hiểu được rằng, các gia đình quân đội tại Úc luôn giúp đỡ lẫn nhau và họ rất vững vàng về lập trường chống cộng. Qua lời phát biểu của ông Lâm Xuân, chúng tôi “những nàng dâu” trong Gia Đình KQ thật sự hãnh diện về lực lượng KQ/QLVNCH. Chân thành tri ân và cảm tạ sự đóng góp không ngừng nghỉ của các anh KQ trong thời chiến, cũng như trên xứ người hôm nay.
Sau phần diễn văn là Chương trình Văn nghệ Tưởng Niệm Ngày 30 Tháng 4 Đen và Kỷ Niệm 70 Năm Ngày Không Lực 01/07/2025.
Một điểm đặc biệt là đêm tiệc hôm nay không có chương trình khiêu vũ. Đây là điều làm nhiều người nể trọng. Nói đến KQ là nói đến “dân hào hoa bay bướm”, “dân nhảy đầm không biết mệt”. Quan điểm làm họ không tổ chức khiêu vũ, theo Ban Chấp Hành HAHKQ/QLVNCH/NSW đương nhiệm, là bởi vì Ngày 30 Tháng 4 là NGÀY QUỐC HẬN. Tổ chức buổi tưởng niệm Ngày Quốc Hận là để chúng ta cùng đến với nhau, cùng nhớ và nghĩ về những tang thương của đất nước. Vì thế không lý gì phải mở “LỄ HỘI” nhảy nhót ăn mừng. Chúng ta ngồi lại để tưởng niệm và ghi nhớ, để cùng thấy và cho con cháu chúng ta thấy được sự tàn độc của Cộng sản Việt Nam với người dân, để cùng nhau tiếp tục giữ vững ý chí tranh đấu cho một Việt Nam Tự do Dân chủ Nhân quyền.
KQ Nguyễn Văn Nhân, Ban nhạc VIỆT RYTHM và Phi Lê (âm thanh)
Chương Trình Văn Nghệ hôm nay do KQ Nguyễn Văn Nhân đảm trách, với sự đóng góp của những tên tuổi trong giới ca sĩ tại Sydney như Thanh Thúy, Hoàng Phương và Nhất Luân. Ban nhạc VIỆT RYTHM gồm có Trinh – Guitar Solo, Thành – Guitar Bass. Thọ – Drumer và Duy – Keyboard. Phần âm thanh do Phi Lê phụ trách. Phần Slideshow do KQ Vũ Nguyên Hùng thực hiện. Chương Trình Văn Nghệ hôm đó đã gặt hái một thành công mỹ mãn.
Từ trái qua phải: Hữu Nhu, Nhất Luân, Thanh Thúy, Hoàng Phương, Trần Đạt cùng Ban nhạc VIỆT RYTHM
Người tham dự lặng im thưởng thức những bài ca viết cho ngày Miền Nam bị CSVN cưỡng chiếm. Nhiều bài hát đưa người nghe trở về sự tàn khốc của những ngày khói lửa năm xưa, cho chúng ta thấy lại sự tàn độc của Cộng sản Việt Nam về dã tâm xâm chiếm Miền Nam của chúng ta. Trong không gian của Tám Nẻo Đường Thành, Sài Gòn ơi Vĩnh Biệt, Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, Quê Hương Bỏ Lại, Đêm Nhớ Về Sài Gòn, Một Lần Miên Viễn Xót Xa… Dòng nhạc với cung bậc và âm điệu tha thiết chuyển tải được nỗi đau qua giọng ca truyền cảm của Thanh Thúy, Hoàng Phương, Nhất Luân, Hữu Nhu, Trần Đạt, Tâm Tâm cho người nghe sống lại một thời xa xưa đầy kinh hoàng và những xót xa với những nỗi đau chất ngất ngậm ngùi, những kinh khiếp của mốc điểm tang tóc đau thương kể từ Ngày 30 Tháng 4 của 50 năm về trước.
Chiều ra biển đứng ngậm ngùi
Nhớ em và nhớ cả trời Việt Nam…
Xác em nay ở phương nào
Tấp sang đất Thái hay vào Nam Dương
Có khi xác vượt trùng dương…
Chưa dứt ngậm ngùi, người nghe được dẫn vào một không gian đầy tang tóc xót xa qua lời ca truyền cảm của ca sĩ Thanh Thúy và Hoàng Phương
Khóc quê hương suốt hai mươi năm ngoài lửa khói
Xót xa nhiều trào thêm nước mắt…
Súng nào giết trẻ đêm đen
Súng nào banh xác mẹ hiền
Chiến tranh nào mà không tan nát
Rồi những ca khúc như Con Đường Tôi Về, Một Lần Miên Viễn Xót Xa cùng tiếng kèn Harmonia của Hữu Nhu đưa người nghe trở về nơi chốn cũ đầy ắp bao thương nhớ
Mẹ ơi, con là người Việt Nam…
Tràng Tiền, mấy nhịp con vẫn nhớ
Thiên Mụ mấy tầng, con chẳng quên
Huế, Sài Gòn, Hà Nội những vết tích tan thương
Mậu Thân Mùa Hè đỏ lửa, đại lộ Kinh Hoàng
Ba mươi, ngày ấy tháng tư xưa
Con nhớ mãi trong lòng con bất diệt
Trong bài Không Quân Hành Khúc có câu: “Đi không ai tìm xác rơi”. Một câu hát rung động lòng người. Những chiến sĩ Không Quân dũng cảm hiên ngang lướt gió vượt mây yểm trợ không lực cho các trận đánh. Trong bộ áo bay hào hùng các anh quả cảm ra đi, đã có người hy sinh. Đó là hậu quả của một cuộc chiến, không thể nào tránh khỏi.
Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du…
Đất hoang vu khép lại hẹn hò
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang…
Những sớm mai, lửa đạn
Những máu xương chập chùng
Nơi đây một lần, nhìn anh đến
Những xót xa đành nói cùng hư không!
Còn bàng hoàng trong dư âm của bài ca trước, người nghe được dẫn vào một không gian thật não lòng qua lời ca ray rức buồn của Nhất Luân. Tiếng hát xuất thần, truyền cảm và não nuột của Nhất Luân lột tả những xúc động cực độ trong bài hát của Việt Dzũng, người nghe không khỏi rơi nước mắt và âm thầm gạt lệ. Tiếng hát của Nhất Luân nức nở và đau xót quá:
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy
Gởi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ
Cha chôn cuộc đời trong tử tù chung thân
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình
Trưởng Ban Văn Nghệ, KQ Nguyễn Văn Nhân đã chọn những bài hát rất thực với chủ đề hôm đó. Anh đã biểu hiện thật rõ sự tôn trọng của HAHKQ/NSW qua nỗi đau thật lớn cho sự kiện mất Miền Nam bằng những bài hát tạo nhiều xúc cảm và làm sống mạnh tình yêu nước, tình đồng đội, tình quê hương và tình người. Những yếu tố cơ bản này giữ lửa trong tâm hồn chúng ta, làm chúng ta nhận thức rõ những cám dỗ hời hợt và thủ đoạn của CSVN trong QĐ 1334 hiện thời, giúp chúng ta không quên được ân tình và sự hy sinh của bao người trong hàng ngũ quân, dân, cán, chính dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Chúng ta không thể phản bội những hy sinh cao cả đó. Chúng ta phải biết rõ rằng người dân Việt phải sống và thở trong tinh thần dân chủ tự do. Chúng ta phải nhìn để thấy những người thương binh của QLVNCH đang sống thiếu thốn lây lất tại quê nhà vì sự trả thù thấp hèn của nhà cầm quyền đảng CSVN.
Buổi tiệc thành công mỹ mãn. Rời bàn tiệc ra về, tôi được anh Lâm Xuân kể cho nghe câu chuyện yểm trợ không lực của Không Quân QLVNCH. Giọng nói của anh vui vẻ thân tình, mắt anh ẩn chứa sự hãnh diện và lòng tri ân sâu sắc.
Cảm ơn Ban Tổ Chức HAHKQ/QLVNCH/NSW đã tổ chức Đêm Tưởng Niệm 50 Năm Ngày Mất Nước thật đẹp với lòng tôn trọng một dữ kiện khó quên và không bao giờ quên được.
Chúng ta có cùng một giấc mơ và chúng ta hãy nuôi dưỡng giấc mơ đẹp đó. Một ngày đẹp trời, giấc mơ nầy sẽ trở thành hiện thực: “Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình”, như lời ca trong bài hát của Việt Dzũng.