22 Tháng Mười Hai, 2024

Siêu Bão YAGI

Bắt nguồn là một cơn bão nhiệt đới ở phía tây Biển Philippines vào ngày 01/09/2024, bão Yagi đổ bộ vào đất liền Philippines vào ngày kế tiếp

Siêu Bão Yagi càn quét gây tàn phá nặng nề cho Đông Nam Á

Bão Yagi được coi là cơn bão mạnh nhất Châu Á trong năm 2024. Cơn bão Yagi đã gây tàn phá khủng khiếp trên khắp miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á trong tuần đầu tiên khiến nhiều người thiệt mạng. Cơn bão đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia như Philippines, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Bắt nguồn là một cơn bão nhiệt đới ở phía tây Biển Philippines vào ngày 01/09/2024, bão Yagi đổ bộ vào đất liền Philippines vào ngày kế tiếp với xu hướng giảm tốc độ. Tuy nhiên, do nước biển nóng bất thường ở Biển Đông bão Yagi trỡ nên mạnh hơn và ngày 04/09/2024 Yagi trở thành bão cấp 3. Qua đến ngày 05/09 Yagi trở thành siêu bão cấp 5, với sức gió mạnh liên tục ở mức 260 km/h.

Yagi di chuyển khắp khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc và đã gây thiệt hại nặng nề tại các khu vực nó đi qua. Cơn bão Yagi có lượng mưa rất lớn và gió mạnh tạo thiệt hại lớn về nhân mạng, tài sản và an toàn của người dân.

Đầu tiên, cơn bão Yagi đổ bộ vào Philippines, cướp đi sinh mạng của 16 người và gây thiệt hại 4 triệu USD. Sau đó, Yagi tiếp tục di chuyển về phía tây, càn quét qua miền nam Trung Quốc, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và gây thiệt hại lớn về tài sản. Bão tiếp tục đi qua Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Lào, gây ra lũ lụt, lở đất, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Gần một tuần sau khi cơn bão đổ bộ, nhiều khu vực ở miền bắc Việt Nam và miền bắc Thái Lan vẫn còn ngập nước. Lũ lụt liên tục đã gây ra sự gián đoạn trên diện tích rộng và nhiều nơi dân cư trong vùng bị cơn bão càn quét phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và hậu quả nặng nề do cơn bão để lại.

Hàng triệu người trên khắp Đông Nam Á đang phải đối mặt với hậu quả tàn phá của Yagi khi nhiều khu vực đã bị cô lập, mất điện, mất nước. Sự kết hợp giữa lũ lụt nghiêm trọng và nguy cơ lở đất tạo khủng hoảng ở những khu vực và ảnh hưởng của cơn bão trở nên rất đáng lo ngại. Tại Thái Lan, tỉnh Chiang Rai ở phía bắc đã phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng, khiến nhiều ngôi nhà và làng mạc ven sông đã bị ngập, vì thế hoạt động cứu trợ trở nên rất khó khăn. Myanmar thông báo vào ngày 13/09 rằng ít nhất 36 người đã thiệt mạng và 235.000 người phải dời chỗ ở do hậu quả của cơn bão gây ra.

Ở Việt Nam, theo thống kê từ ngày 08/09/2024 do mưa lớn, mực nước trên nhiều sông, suối ở Miền Bắc đã tăng rất nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gầm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long… đều vượt báo động 3.

Đặc biệt mưa lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt mức lũ lịch sử  trong 53 năm qua. Mức lũ tại Yên Bái lên đến 35,73m (16h ngày 10/09), trên mức báo động 3 với con số 3,73m, vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m. Đồng thời nước lũ trên Hồ thủy điện Thác Bà cũng đạt mức lịch sử, đe dọa đến sự an toàn của đập.

Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mực nước cao nhất kể từ 20 năm qua. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình – hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên một diện tich rất rộng với mực nước hiếm thấy. Theo thống kê đã có từ 20 đến 25 tỉnh thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Do mưa lớn nên đất bị sạt lở, lũ lụt quét qua nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về nhân mạng và tài sản. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của lũ quét sạt lở đất nghiêm trọng là các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh… Đặc biệt là tại Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về nhân mạng.

Từ lâu các chuyên gia về hiện tượng thay đổi khí hậu đã cảnh báo rằng nhiệt độ của đại dương tăng cao đang dẫn đến những cơn bão dữ dội và sự tàn phá sẽ nghiêm trọng hơn. Và theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7, biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão hình thành gần bờ biển hơn, mạnh và nhanh hơn và lưu lại trên đất liền lâu hơn.

Theo các chuyên gia về hiện tượng thay đổi khí hậu thì các quốc gia đang phát triển không góp phần vào quá trình gây biến đổi khí hậu nhiều như các nước phát triển nhưng lại phải gánh chịu những tác động và hậu quả nghiêm trọng nhất. Điều này cho thấy cần phải thực hiện những sự kiện và nhu cầu cấp thiết để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và hỗ trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng này gây ra.

Tin Tổng Hợp – Chính Luận Hải Ngoại