21 Tháng Mười Một, 2024

Vì tôi là con của mẹ – Trương Văn Dân

Mẹ chỉ yêu cầu có thế. Nhưng ngay cả điều nhỏ nhoi này tôi cũng không làm được, do lòng ích kỷ thấp hèn. Bởi vì tôi là con; và trong sự ích kỷ của kẻ làm con tôi đã không cần biết là mình đã thương mẹ bao nhiêu.

Vì tôi là con của mẹ
Nguyên tác: “I due autisti” của Dino Buzzati (Ý)
Dịch giả: Trương Văn Dân

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn thầm hỏi hai người tài xế đã nói gì trên đường chở linh cữu mẹ tôi đến nghĩa trang.

Ðó là một cuộc hành trình dài hơn 300 km, tuy đường vắng người nhưng xe đi rất chậm. Lũ con chúng tôi theo sau bằng xe hơi, giữ khoảng cách chừng 100 thước, và đồng hồ đánh dấu tốc độ 60 km/giờ. Có thể loại xe tang được chế tạo để di chuyển chậm nhưng sao tôi cứ nghĩ là có một quy luật nào đó, xem tốc độ là một điều bất kính với người đã khuất. Ðiều này hơi vô lý – bởi tôi tin mẹ tôi sẽ rất thích nếu xe chạy 120 km/giờ, ít ra cũng tạo cho người cái cảm giác về một chuyến đi bình thường như những dịp hè về Belluno nghỉ mát.

Bữa đó là một ngày tháng sáu tuyệt vời, hai bên con đường quen thuộc mà mẹ tôi đã đi qua lại hằng trăm lần đang hiện ra những cánh đồng bát ngát mà bây giờ người không nhìn thấy nữa. Mặt trời lúc ấy đã lên cao, hơi nóng trên đường nhựa bốc lên làm đoàn xe phía trước giống như đang lửng lơ trong không khí.

Ðồng hồ vận tốc chỉ 60 km/giờ, xe tang như đứng yên một chỗ vì có nhiều xe qua mặt, trên đó chở những người đang sống tự do, hay những cô gái thả tóc bay trong gió, ngồi cạnh các thanh niên trên xe mui trần. Rồi những xe cam nhông, kể cả loại kéo rờ mọt cũng vượt qua phía trước… Tôi nghĩ sao mà dại thế, phải chi người ta chở linh cữu mẹ tôi trên một xe thể thao màu đỏ, phóng hết tốc lực để hiến dâng cho người thêm chút nữa về đời sống thực, thay vì chậm chạp lăn trên đường như một đám tang.

Bởi những lý do đó nên tôi muốn biết là hai người tài xế đã nói những gì; một người khoảng ba mươi lăm tuổi cao chừng thước tám, khuôn mặt hiền lành, còn người kia cũng to con với màu da sạm nắng. Tôi thoáng thấy họ ngay từ lúc khởi hành và chợt nghĩ với vóc dáng như thế, họ không mấy phù hợp với việc lái xe tang; một chiếc cam nhông chở ống sắt có lẽ sẽ thích hợp với họ nhiều hơn.

Sở dĩ tôi muốn biết là họ đã nói với nhau những gì bởi vì đó là câu chuyện cuối cùng của loài người, những lời lẽ cuối cùng của cuộc sống mà mẹ tôi còn nghe được; vì trong cuộc hành trình dài và nhàm chán đó thế nào mà hai gã tài xế không nói chuyện với nhau. Còn việc sau lưng họ có linh cữu mẹ tôi thì đối với họ nào có quan trọng gì, dĩ nhiên, công việc này đã quá quen với họ, nếu không chắc họ đã chọn nghề khác.

Ðó là những lời cuối mà mẹ tôi còn nghe được vì sau khi đến nghĩa trang, các nghi lễ của nhà thờ sẽ bắt đầu, và từ lúc ấy những âm thanh và lời lẽ sẽ không còn dành cho cuộc sống này nữa, mà dành cho một thế giới khác.

Họ đang nói với nhau về chuyện gì? Về sự oi bức? Về thời gian cần thiết khi quay lại? Họ kể chuyện gia đình hay bàn về kết quả các trận túc cầu bữa trước? Họ chỉ cho nhau những quán ăn ngon nằm rải rác trên đường rồi tiếc rẻ vì không ngừng lại được? Hay bàn tán về xe hơi với những hiểu biết về cơ giới như những tay sành sõi? Tuy là tài xế xe tang, nhưng có mấy ai dính líu đến ngành cơ khí mà không đam mê máy móc? Hay họ tâm sự với nhau về những cuộc phiêu lưu tình ái? Mầy còn nhớ con bé tóc vàng bán nước ở cái quán cạnh cây xăng mà bọn mình thường dừng lại? Ðúng là con đó đó. Thôi đừng xạo cha nội, tao không tin. Thiệt mà, tao thề liền đó… Hoặc họ đang kể cho nhau những chuyện tiếu lâm tục tĩu? Bỡi vì hai gã đó cứ tưởng chẳng có ai; cái hòm gỗ đóng kín nằm đằng sau như không hiện hữu, vì họ đã quên rồi…

Và mẹ tôi phải nghe những lời đùa bỡn ấy cùng với những trận cười khoái trá? Chắc thế, người đã nghe và con tim đớn đau của người lại co thắt thêm lên, chẳng phải vì xem thường hai gã đàn ông lạ mặt mà chính vì nỗi cay đắng là phải nghe những lời lẽ đó thay vì nghe giọng nói của những đứa con mà người hằng yêu thương.

Tôi còn nhớ lúc gần đến Vicenza, khi cái nóng trưa tròn bóng làm rung mờ bóng hình mọi vật, đã bàng hoàng nghĩ lại là thời gian sau này tôi đã sống quá ít bên cạnh mẹ. Rồi chợt nghe một mũi nhọn buốt đau giữa ngực, như người ta thường gọi là niềm ân hận.

Ngay lúc ấy – không hiểu sao trước đó vẫn chưa hề xảy ra – âm vang giọng nói của người bắt đầu dội lại trong tôi, của những buổi sáng đến phòng người trước khi ra tòa soạn: “Mẹ có khoẻ không? “Đêm qua mẹ ngủ được “(mà tôi biết là nhờ những mũi thuốc an thần) “Con đi làm nghen mẹ” “Ừ thôi con đi đi”.

Tôi bước được vài bước trong hành lang thì giọng nói đầy sợ hãi của người vọng đến: “Dino!” Tôi quay lại. “Con về ăn trưa chứ?” “Dạ” “Còn bữa cơm chiều?”.

“Còn bữa cơm chiều?” Chúa ơi, trong câu hỏi bình thường đó có ẩn chứa một ước vọng nhỏ nhoi. Người không yêu cầu cũng không đòi hỏi gì ở tôi, chỉ nói để hỏi thăm một tin tức thế thôi.

Nhưng tôi đang có những cuộc hẹn hò ngu xuẩn, với những đứa con gái chưa chắc đã thương yêu gì tôi, thậm chí còn cóc cần đến tôi nữa… nhưng ý nghĩ trở về nhà lúc tám giờ ba mươi tối trong căn nhà buồn thảm, đượm không khí già nua bệnh hoạn như nỗi chết cận kề đã làm tôi sợ hãi; mà đã có mấy ai can đảm thú nhận những điều kinh khủng này, dù rằng rất thật? “Con cũng không biết nữa, con sẽ điện thoại về sau” Tôi thường trả lời như thế. Và tôi chắc thông báo là sẽ không về. Có lẽ người cũng biết là tôi sẽ nói thế nên hai tiếng “đi đi” mang một nỗi buồn vô tận. Nhưng tôi là một đứa con ích kỷ. Ích kỷ như tất cả mọi đứa con.

Lúc đó tôi không hề ân hận, không hề ăn năn hay có một ray rức nào. “Con sẽ điện thoại về” và người đã thừa hiểu là tôi sẽ không về nhà ăn tối.

Mẹ tôi già nua, bệnh tật và biết là ngày tàn sắp đến nên rất hài lòng nếu tôi về ăn tối ở nhà để bà bớt cô đơn. Bà chỉ cần tôi hiện diện, dù không nói lời nào hay đôi khi gắt gỏng về những việc bất như ý trong ngày. Nằm bất động trên giường nhưng bà sẽ thấy ấm lòng và được an ủi nếu nghe tiếng lục đục của tôi ăn cơm trong bếp.

Nhưng tôi thì không. Tôi quả thật là thằng khốn nạn và ngu đần vì trong khi tôi đi khắp thành phố Milano để vui chơi cùng bè bạn thì chính đấng sinh thành, điểm tựa thật và duy nhất, sinh vật có một không hai trên cõi đời có khả năng thông cảm và yêu thương, trái tim duy nhất có thể rướm máu vì tôi (và tôi sẽ không bao giờ tìm được dẫu sống thêm ba trăm năm nữa) đang nằm chờ chết.

Tôi chỉ cần nói vài lời với người trước bữa ăn tối về công việc và sinh hoạt trong ngày, tôi ngồi trên đi văng và mẹ nằm duỗi cẳng trên giường. Rồi sau bữa cơm tối, mẹ vui lòng để tôi đi đâu mặc kệ; người đâu có tiếc gì, trái lại, còn vui mừng nữa nếu tôi có những cơ hội giải khuây. Nhưng trước khi ra khỏi nhà để lao mình trong đêm tối tôi sẽ đến chào người “Mẹ đã chích thuốc chưa?” “Chích rồi, mẹ hy vọng là đêm nay ngủ được”.

Mẹ chỉ yêu cầu có thế. Nhưng ngay cả điều nhỏ nhoi này tôi cũng không làm được, do lòng ích kỷ thấp hèn. Bởi vì tôi là con; và trong sự ích kỷ của kẻ làm con tôi đã không cần biết là mình đã thương mẹ bao nhiêu. Ðể bây giờ, trong khoảng khắc cuối đời, trên đường ra nghĩa trang, người phải nghe những lời tán gẫu, những chuyện tiếu lâm và tiếng cười thô lỗ của hai gã đàn ông lạ mặt. Ðấy là món quà cuối cùng mà cuộc đời đã dành cho mẹ.

Giờ thì quá muộn rồi. Không còn gì nữa. Đã muộn quá rồi. Gần hai năm qua, tảng đá đã hạ xuống để mãi mãi đóng kín ngôi mộ trong lòng đất, nơi ánh sáng lờ mờ có linh cữu của ông bà, cha mẹ nằm chồng chất lên nhau. Ðất đã lấp kín những đường rãnh, đây đó mọc lưa thưa vài chùm cỏ dại. Mấy chậu hoa mới đặt trong chậu đồng vài tháng trước giờ phai tàn đến nỗi không còn nhận ra hình dáng. Không. Những ngày mẹ bệnh hoạn và biết mình sắp chết chắc chắn sẽ không bao giờ lùi lại. Mẹ vẫn câm lặng, mẹ không trách móc gì tôi và có thể là người đã tha tội cho tôi, bởi vì tôi là con của mẹ. Mà chắc là mẹ đã tha tội cho tôi. Thế nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến, tâm hồn tôi lại bất an.

Mỗi một niềm đau sẽ được khắc lên tấm bia bằng chất liệu diệu kỳ, so với nó cẩm thạch vẫn còn mềm như đất sét. Và thời gian dù vô tận cũng chưa đủ để làm nó phai mờ. Sau một triệu thế kỷ niềm đau và nỗi cô đơn của mẹ do tôi gây ra sẽ còn mãi mãi. Và tôi sẽ không thể nào cứu vãn. Tôi chỉ còn biết thở dài, và hy vọng là người nhìn thấy.

Nhưng mẹ không nhìn thấy tôi. Người đã chết, xác thân bị huỷ hoại, không còn sống nữa hay đúng hơn là chẳng còn gì ngoài sự mục rữa hình hài đã bị tháng năm xúc phạm, theo sự phân hủy kinh hoàng và đau đớn của thời gian.

Không còn gì? Ðúng là không còn gì. Mà quả thật về mẹ tôi đã không còn gì nữa?

Biết đâu! Có khi, nhất là trong những buổi chiều đơn độc, tôi lắng nghe một cảm xúc lạ lùng. Có một điều gì đó xâm nhập trong tôi mà trước đó vài giây chưa hề có, như một bản thể mơ hồ ngự trị trong tôi làm tôi không còn cô độc, và mỗi cử chỉ, mỗi một lời đều như có chứng nhân của một linh hồn bí ẩn. Mẹ! Nhưng phép lạ chỉ kéo dài rất ít, chừng một giờ rưỡi chứ không hơn. Rồi sau đó dòng đời lại tiếp tục nghiền nát tôi dưới những bánh xe khô khốc và bạo tàn của nó.

Trương Văn Dân chuyển ngữ
Milano