21 Tháng Mười Hai, 2024

Cái Ti Vi! – Đoàn Xuân Thu

Cả Tàu và Tây đều thất bại trong việc đồng hóa người Việt, do cái đầu của người Việt rất cứng. Ông bà mình không muốn làm cha ai; cũng không muốn ai làm cha mình.

Cái Ti Vi! – Đoàn Xuân Thu

Bà con mình ai cũng biết: Phục Ba tướng quân Mã Viện (Ma Yuan) của nhà Hán dập tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 43. Mãi tới năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mới kết thúc hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Để “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.” Rồi Pháp bắn phá Đà Nẵng 1858, cai trị Việt Nam tới 1954 gần cả trăm năm.

Cả Tàu và Tây đều thất bại trong việc đồng hóa người Việt. Sự thất bại nầy là do cái đầu của người Việt rất cứng. Ông bà mình không muốn làm cha ai; cũng không muốn ai làm cha mình. Với những sắc dân khác đều là bà con, bạn bè: chú Ba (Tàu) anh Bảy Chà (Và), anh  Tây, anh Mỹ. Nguyên nhân thứ hai là Tàu, Tây ghen tuông không chịu gả á xẩm hay bà đầm cho Mít. Nếu bớt ngu đi, bất chiến tự nhiên thành, chỉ hai đời, nước mắm sẽ hòa tan vô tàu vị yểu, vô Maggi vì con của Á Xẩm, mother’s tongue, tiếng mẹ đẻ, tiếng Tàu; con của vợ đầm thì nó nói tiếng Tây.

Bộ không thấy Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, gả Công  chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chettha II vào năm 1620, hậu quả là Campuchia mất luôn Thủy Chân Lạp, Miền Tây, vô tay mấy thằng ‘Duôn’ tức người Việt chúng ta? hậu tố)

Dẫu không biến mất nhưng tiếng Việt có tới 60% từ gốc Hán. Có tới 5% gốc Pháp. Tiếng Pháp có nhiều chữ chôm tiếp đầu ngữ ‘télé’ của Hy Lạp. Nhứt là trong ngành Bưu Điện, nghề của ba tui nuôi đám con mình đông như kiến chỉ biết ăn với học: như telephone (điện thoại), télégramme (điện tín)…

Xem truyền hình công cộng – nguồn facebook

(Nhớ năm 1964, ba tui đang làm ở Bưu điện trung tâm gần Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn phải lên đáo nhậm Bưu Điện Ban Mê Thuột. Thủ phủ cao nguyên, xứ ‘Bụi Mù Trời’, xứ ‘Buồn Muôn Thuở’ nằm nghe chim kêu, vượn hú. Lâu lâu buồn, thả vô rinh con gái Êđê để ngực trần đi tắm suối).

Xem thêm:   Cà phê bít tất?

Hết 2 năm đi đày vô chỗ thâm sơn cùng cốc, thượng cấp thưởng công cho ba về quê cũ Mỹ Tho. Chờ sắp xếp, ba về lại Sài Gòn, về với đèn cao áp thủy ngân sáng lòa đường Hai Bà Trưng để đêm qua nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi tui bớt sợ ma.

Cùng lúc đó, văn hóa vật chất theo đoàn quân viễn chinh Yankees đổ bộ vào Sài Gòn. Trong đó có ‘television’.Tele là tiếp đầu ngữ (prefix), gốc tiếng Hy Lạp, tiếng Nôm là ở ‘xa’; tiếng Hán Việt là ‘viễn’. Như ‘télégraph’: điện báo. téléphone: điện thoại: télévision: truyền hình. Tụi Anh cũng chôm tiếp đầu ngữ ‘télé’ nhưng tụi Hồng mao vụt hai cái dấu sắc đi; chỉ còn trơn lùi hai chữ ‘tele’ tiện đánh máy. Television, mẫu tự T đứng đầu. Vision mẫu tự V đứng đầu. Television thành TV, đọc là Tivi, là máy truyền hình.

Thiên hạ đã chế ra cái ra dô (radio) có tiếng; giờ thêm được cái hình thành cái ti vi (television). Ra dô phải có đài phát thanh. (CSBV gọi ‘ra dô’ là cái đài? Thiệt là ngu hết biết?) Truyền hình phải có đài truyền hình nhưng hồi đầu năm 1966, chưa có, Mỗi tối 2 chiếc máy bay luân phiên bay trên không phận Sài Gòn 4 tiếng đồng hồ để phát sóng truyền hình.

Hai nữ xướng ngôn viên sẵn sàng để thâu hình bản tin thường nhật. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967.

Rồi tháng 3 năm 1968, Đài truyền hình Sài Gòn ở số 9 Hồng Thập Tự phát trên băng tần số 9. Số 9 số nhà, số 9 băng tầng. Muốn coi là phải ra truyền hình công cộng cho muỗi cắn. Đang coi ké của hàng xóm, mà nó vặn nút tắt là nó đuổi mình về. Không có gì quý hơn độc lập tự do, muốn coi nơi khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn muối không có điện, trước hết phải mua cái bình ắc quy (accu). Nơi điện chập chờn, lúc mạnh lúc xìu, hình nhảy ‘lam ba da’ là phải mua cái xuyệt (sur).

Xem thêm:   Mẹ mìn văn nghệ

Lại nhớ nhà trong hẻm ở Sài Gòn, khu lao động, lấy số nhà ngoài đường cộng thêm nhiều cái ‘xuyệt’. Như hẻm Vạn Chài thông ra đường Paul Bert (nay là Trần Quang Khải) “Đường về đêm nay tối thui. Mà sao cô không thấy tui? Cô đụng tui cô nói tui đui. Đường về đêm nay tối thui. Mà sao cô không thấy tui? Cô sờ tui cô nói tui cùi”

Survolteur gốc tiếng Pháp, tiếp đầu ngữ ‘sur’ có nghĩa là trên hay vượt quá. Volteur gốc tiếng Pháp, trong đó ‘volt’ theo tên nhà vật lý người Ý Alessandro Volta là đơn vị đo hiệu số điện thế. Còn tiếp vĩ ngữ (suffix) ‘eur’ trong tiếng Pháp thường chỉ người hay thiết bị thực hiện một hành động nào đó. Vì vậy, ‘volteur’ có thể hiểu là một thiết bị để điều chỉnh điện thế.

TV hiệu Denon, 19 inch, Made in Japan

Năm 1969, vàng 18,000 đồng lượng; một chiếc Honda SS 67 giá 36,500. Còn một lít gạo giá 58 đồng, thịt ba rọi 240 đồng một kg. Ba tui bấm bụng xuống tiệm ‘bazaar’ Huỳnh Căn Ký gần rạp chiếu bóng Định Tường trên đường Trưng Trắc rước về cái TV hiệu Denon, 19 inch, Made in Japan, 27,000 đồng cho đám con mình coi Việt nhi của Nguyễn Đức và Tuổi xanh của Kiều Hạnh, tuồng cải lương, thoại kịch Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng. Tùng Lâm, Phi Thoàn trong chương trình Tạp lục…Tân nhạc: Nhật Trường, Thanh Lan, Hoàng Oanh, Trung Chỉnh, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền v.v.

Xem thêm:   Miệt Ngàn!

Nếu quy về giá vàng để so sánh thì một cái ti vi ngày đó mắc gấp 4, 5 lần cái ti vi màu đời mới LG hoặc Samsung bây giờ. Tui tội nghiệp ba tui quá!

Trong sách Đại Học của Khổng Tử có câu: “Nhựt tân, nhật tân, hựu nhật tân” nghĩa là “Mỗi ngày mới, lại càng mới, và mỗi ngày đều mới hơn”. Ý nghĩa khuyến khích con người luôn luôn tự đổi mới, hoàn thiện bản thân mỗi ngày để trở nên tốt hơn.

Không chỉ con người đổi mới mà đồ dùng trong nhà nó mới hơn, nó tối tân hơn nhưng lại rẻ hơn như cái ti vi chẳng hạn. Nhưng có cái tui không muốn nó mới tui muốn nó cũ hoài trong tâm tưởng. Đó là cái ti vi đen trắng 19 inch hiệu Denon, Made in Japan. ngày thơ ấu đó; cái ngày có ba, có má, có anh, có em, có bạn bè, có lối xóm, có những ngày vui. Hu hu! Nhiên ơi! (Anh tui từng chở tui đi coi truyền hình công cộng ở góc đường Hai Bà Trưng, Phan Thanh Giản đã đền nợ nước năm 1971 rồi)! Má ơi! Ba ơi!