13 Tháng Mười Hai, 2024

Chuối – BS. Nguyễn Ý Đức

BS. Nguyễn Ý Đức


Chuối là loại cây thân nhiều nước, lá to và dài.

Chuối mọc hoang  đầu tiên ở vùng Đông Dương, Mã Lai, Miến Điện với những trái chuối đầy hạt. Ngày nay chuối không hạt, vô tính được trồng khắp những vùng  có khí hậu nhiệt đới.

Chuối nhập cảng vào Hoa Kỳ hầu hết từ các trại ở Nam Mỹ Châu và Phi Luật Tân.
Cây chuối cũng rất quen thuộc với người Việt nam, với chuối hương, chuối ngự, chuối sứ, chuối mường…
Chuối thường được thu hoạch nguyên buồng  khi còn xanh, nhưng khi để nơi có nhiệt độ trung bình, hoặc trong túi nhựa kín với quả táo, chuối chín rất mau.

Chuối xanh có vị chát, thịt cứng nhưng khi chín, tinh bột chuyển hóa thành chất ngọt, thịt mềm và thơm. Chuối xanh cũng có một chất đạm làm mất tác dụng của diếu tố amylase, một loại men tiêu hóa trong nước miếng,  khiến cơ thể không hấp thụ được carbohydrat.

Nhìn vỏ chuối đoán được chuối chín hay chưa chín. Khi vỏ còn xanh vàng là chuối chưa chín; khi vỏ vàng đều là chuối đã chín, sẵn sàng để ăn. Chuối chín thì hầu hết tinh bột được chuyển hóa  thành các loại đường.
Dinh dưỡng

Chuối là loại trái cây nhiệt đới được ăn nhiều nhất.
Chuối có đủ 8 loại amino acid cần thiết mà cơ thể không tổng hợp được;. Ngoài ra, chuối có nhiều đường glucose, fructose, sucrose và là nguồn năng lượng đáng kể. Chuối chỉ đứng sau trái bơ (avocado) về lượng kali, một khoáng chất rất cần thiết cho sự vận hành của bắp thịt. Chuối còn có sinh tố B, C, Folate, chất xơ. Đặc biệt chuối không có cholesterol và rất ít chất béo.
Trong 100g chuối tươi có khoảng 70 g nước, 1 g đạm, 25g carbohydrat.
Ngoài ra, còn có loại chuối lá (plaintain), vỏ xám vàng, nhiều tinh bột, không đường, không ăn như chuối thường  mà phải chiên. Bên Ấn Độ, bột chuối này được dùng để chữa viêm loét bao tử, đầy bụng, khó tiêu.
Một quả chuối cung cấp khoảng 100 calori.

Công dụng y học.
Kết quả nghiên cứu tại Đại học Harvard năm 1998 cho hay khi ăn thực phẩm có nhiều kali như chuối, thì nguy cơ tai biến mạch máu não có thể giảm tới 36 % so với người ít ăn chuối. Kali cũng có thể giúp hạ thấp huyết áp.

Chuối có khá nhiều pectin nên rất tốt để làm giảm cholesterol trong máu, do đó giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Chuối làm tăng khả năng chịu đựng của cơ thể với các căng thẳng về thể xác và tâm thần nhờ nhiều chất đường thiên nhiên.
Trên 70 năm về trước, y giới đã quan sát thấy rằng chuối có khả năng chữa loét bao tử ở  loài chuột. Gần đây, các khoa học gia Anh quốc và Ấn Độ chứng minh là chuối có hóa chất chống acid trong bao tử giống như thuốc Cimetedine. Hóa chất này cũng giúp tăng sức chịu đựng của niêm mạc bao tử mạnh hơn để ngăn chặn sức phá hoại do độ acid của  dịch vị.
Nhiều người còn tin rằng ăn chuối sẽ ngủ ngon hơn, tâm thần thư giãn, yêu đời hơn.


Lựa và cất giữ chuối
Trừ phi mua chuối chín cây trong vườn, còn đa số chuối bán ở siêu thị, chợ đều được hái khi còn xanh để dễ vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Chuối có vỏ mầu nâu thì có thể để lâu hơn.

Muốn ăn ngay thì lựa chuối có vỏ mầu vàng nhạt là sẵn sàng để ăn; mầu vàng xanh ở hai đầu thì phải đợi hai ba ngày. Tránh mua chuối có chỗ mềm nhũn trên vỏ, hoặc vỏ đã bị rách nứt, bầm hoặc xám.
Nhiều người thích chuối chín trứng cuốc, vỏ vàng có lấm tấm chấm đen đều nhau giống như mầu trứng con chim quốc.
Thường thường ai cũng thích ăn chuối chín trên cây, nhưng nhiều người lại cho là chuối chín cây không ngon bằng chuối hái xanh rồi để cho chín. Âu đó cũng là sở thích cá nhân.
Chuối chín cần được cất ở ngăn ít lạnh nhất trong tủ lạnh để tránh thâm da, nhũn ruột. Ở ngoài phòng, nhiệt độ cao làm chuối mau mềm hư.

Chuối đã cắt hay bóc vỏ đều bị oxy hóa, chuyển sang mầu nâu đậm. Muốn tránh bị oxy hóa, ngâm chuối đã bóc vỏ trong nước pha giấm hoặc chanh.
Chuối có thể ăn nguyên trạng khi chín, hoặc chiên, nấu chè.
Chuối xanh thái mỏng, ăn với thịt lợn ba chỉ, mắm tôm nguyên con, rau xà lách, hoặc nấu um với lươn, cá, ốc, trạch hoặc đậu rán…
Hoa chuối thái chỉ là món ăn sống rất giòn và bùi nhất là khi ăn với bún ốc riêu cua. Hoa chuối luộc lên rồi trộn với lạc rang hoặc vừng, chanh, đường làm món nộm cũng rất ngon.
Thân chuối non thái mỏng ăn ghém, hoặc người Mường  có món thân chuối hầm với lòng dồi động vật cũng rất hấp dẫn.
Củ chuối cũng được dùng để nấu lươn, ốc ăn rất bùi.
Chuối còn được phơi hoặc sấy khô để dành. Chuối chín ăn với pho mát các loại là món tráng miệng tuyệt hảo của người sành ăn

Vài điểm cần lưu ý.
Chuối có chất serotonin, một hóa chất làm co bóp hay giãn nở mạch máu.
U bướu tuyến nội tiết, ruột, phổi cũng tiết ra nhiều serotonin và thường được đo trong nước tiểu để xác định bệnh. Vài ngày trước khi thử nước tiểu định bệnh ung thư mà ăn nhiều chuối có thể làm thử nghiệm không chính xác.
Chuối chín ủng có chất tyramine, có thể gây tương tác với thuốc chữa bệnh trầm cảm MAO inhibitor. (Monoamine oxidase inhibitor ).

BS. Nguyễn Ý Đức


****