Hội chứng Mệt Mỏi Kinh Niên (Chronic Fatigue Syndrome) không phải là vấn đề mới lạ.
Bệnh đã được mô tả từ thế kỷ thứ 19. Rồi trong thập niên 30 tới 50 của thế kỷ trước, có nhiều trường hợp bệnh xẩy ra tại các quốc gia trên thế giới. Vào năm 1980, sự lưu tâm tới hội chứng này tăng lên và đã có nhiều triệu người đi khám bác sĩ với than phiền luôn luôn mệt mỏi, không có sinh lực.
Định nghĩa
Hội chứng này được định nghĩa như tình trạng mệt mỏi kéo dài quá sáu tháng, gây ảnh hưởng xấu tới các sinh hoạt hàng ngày và không do một bệnh nào về thể xác gây ra.
Đặc tính của tình trạng mệt mỏi là:
a- Phải trầm trọng đến nỗi nghỉ và ngủ không làm thuyên giảm.
b- Mệt mỏi không gây ra do làm việc hay tập dượt nặng nhọc.
c- Mệt mỏi ảnh hưởng tới mọi công việc thường lệ.
đ-Mệt mỏi phải là hiện trạng mới chứ không phải do một bệnh tật nào đó, và phải kéo dài liên tục.
Hội chứng Mệt Mỏi Kinh Niên khá phổ thông nhất là tại các quốc gia kỹ nghệ cao.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu, hội chứng này vẫn được coi như là một bệnh kinh niên có nhiều điều chưa được sang tỏ. Khác với các bệnh truyền nhiễm vì hội chứng không do một vi khuẩn rõ ràng nào gây ra. Không như bệnh tiểu đường, bệnh thiếu hồng cầu vì mệt mỏi kinh niên không thể đo lường. Lại chẳng như bệnh tim mạch vì phương thức trị liệu rất hiếm hoi.
Bệnh có nhiều ở nữ giới hơn nam giới, trong khoảng tuổi từ 20 tới 50, thường thấy ở lớp người có kiến thức tương đối cao, khá hiểu biết về bệnh tật, có bảo hiểm sức khỏe và thường hay đi khám bác sĩ. Nữ giới có kinh kỳ bất thường bị chứng này nhiều hơn.
Riêng đối với dân Mỹ, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh cho hay cứ 100.000 người thì 3 người bị bệnh.
Nguyên nhân
Đã có nhiều thuyết được nêu ra để giải thích nguyên nhân của hội chứng này và các thuyết đều cho nó là tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Tuy vậy một số người trong y giới vẫn nghĩ rằng hội chứng chỉ là dấu hiệu của vài bệnh về tâm thần hay về thể xác, giống như sự thiếu hồng cầu, cao huyết áp trong một vài bệnh. Hầu như bất cứ một bệnh trạng kinh niên nào cũng gây ra mệt mỏi được như bệnh tiểu đường, u bướu giáp trạng, phong thấp khớp, viêm cơ tim, bệnh trầm cảm, lo âu.
Sau đây là một số giải thích:
1- Thay đổi trong hệ thần kinh trung ương như viêm não, rối loạn sự điều hòa giấc ngủ, trung tâm kiểm soát căng thẳng, Cấu tạo dưới đồi” (hypothalamus) bị xáo trộn; giảm chất cortisol hoặc hóa chất trung gian thần kinh.
2- Nhiễm độc đặc biệt là với các loại virus.
3- Suy yếu hệ thống miễn nhiễm phòng vệ cơ thể.
4- Ở một số người bị Mệt Mỏi Kinh Niên, huyết áp xuống thấp khi họ đứng lên. Nguyên do là có một thay đổi ở hệ thần kinh khiến nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm, máu dồn xuống chân, gây ra chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu.
5- Sự suy yếu chung của các bắp thịt và hệ thống xương cốt cũng được nêu ra như một giải thích cho hội chứng.
6- Nhiều người đôi khi bị rối loạn hô hấp, hơi thở dồn dập, căng thẳng quá mức, có thể đưa đến ho suyễn, lo âu, tức ngực, tê đầu ngón chân tay vì mất thăng bằng giữa dưỡng khí và thán khí trong cơ thể.
7- Sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990, nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ nhất là nữ giới bị hội chứng này. Sự việc được giải thích là sự căng thẳng cơ thể khiến máu lưu thông trên óc giảm, virus dễ xâm nhập và gây ra hội chứng.
8- Một số dược phẩm gây ra mệt mỏi như thuốc chữa bệnh cao huyết áp, đau nhức, thuốc tâm thần, thuốc trị dị ứng.
Triệu chứng
Việc chẩn đoán bệnh đều căn cứ vào lời khai của bệnh nhân về các dấu hiệu, y sử cá nhân, gia đình, các thuốc đang dùng.
Ngoài sự mệt mỏi, hội chứng cần có ít nhất bốn hay nhiều hơn những dấu hiệu sau đây để được xác định bệnh:
1-Mất trí nhớ ngắn hạn, kém tập trung vào việc làm, sự học hay các sinh hoạt khác;
2- Đau cuống họng;
3- Nổi hạch ở nách và cổ;
4- Đau nhức các bắp thịt;
5- Một số khớp xương bị đau nhưng không sưng hay đỏ;
6- Nhức đầu trầm trọng;
7- Mệt mỏi rã rời suốt ngày sau bất cứ một gắng sức nào;
8- Ngủ không ngon giấc hoặc có nhiều nhu cầu ngủ hơn thường lệ.
Kết quả thử nghiệm thường không có gì đặc biệt và ít giúp ích cho việc định bệnh.
Ta cũng cần lưu ý là có nhiều bệnh có thể nhầm lẫn với hội chứng này như trầm cảm, nhiễm độc, mang thai, chứng mất ngủ, tâm thân thường xuyên căng thẳng, sử dụng sức lực quá đáng, tiếp xúc với hóa chất môi trường độc, nghiện rượu, ma túy và nhiều bệnh khác.
Cho nên khi ta bị mệt mỏi kéo dài cả tháng không bớt thì cần đi tham khảo bác sĩ.
Tương lai của người bị bệnh rất khó đoán.
Có trường hợp trầm trọng khiến phải nằm liệt giường vì không còn sức di chuyển, sinh hoạt. Nhẹ hơn có người cũng nói là không hoàn tất chu đáo được công việc hàng ngày. Nhiều người than phiền làm việc mà tâm trí để ở đâu đâu hoặc không làm được việc có tính cách tỉ mỉ. Cũng có người cảm thấy tự cô lập, giảm sinh hoạt, rơi vào tình trạng trầm buồn, ưu phiền.
Điều trị
Điều đáng tiếc là cho tới nay chưa có phương thức điều trị nào được coi như hữu hiệu, đáng tin cậy để chữa hội chứng mệt mỏi mà chỉ có thể làm nhẹ bớt khó khăn ngõ hầu bệnh nhân có thể tiếp tục các sinh hoạt hàng ngày.
Các lời khuyên về việc áp dụng một nếp sống lành mạnh với tập luyện cơ thể vừa phải, ăn uống cân bằng bổ dưỡng, giữ tâm thân an lạc, hoạt động vừa sức, tất cả đều có ích.
Bác sĩ có thể cho dùng vài loại thuốc an thần, chống đau để làm bớt trầm cảm, đau đớn thể xác.
Vài trung tâm điều trị khảo cứu có dùng mấy loại thuốc mới như Ritalin, Corticosteroid…Ta có thể xin bác sĩ gia đình giới thiệu tới các trung tâm này để dung thử.
Ngoài ra, một số người bệnh còn tìm sự chữa trị ở các phương pháp khác như châm cứu, Đông y cổ truyền, thuốc ta.
Có bệnh thì vái tứ phương là vậy.
Nhưng nên đề phòng khi có người khoe khoang rằng họ có thuốc chữa dứt hội chứng,. Để khỏi rơi vào tình trạng tiền mất, tật mang.
Chẳng hạn như là muốn khỏi bệnh chỉ nên dùng thuốc của họ. Rằng muốn hết mệt mỏi thì phải sinh hoạt thường xuyên với họ cũng như mua thuốc trực tiếp qua các cơ sở thương mại của họ, với giá tiền quá cao.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.
Texas-Hoa Kỳ