20 Tháng Mười Một, 2024

Người Việt Dạy Con – Phạm hy Sơn

“Hậu quả là các em lớn lên ra đời khi bị thất bại hay làm những điều sai trái không bao giờ nhận ra khuyết điểm của mình. Một gia đình biết dạy con cái nên người, thành đạt, gia đình ấy có đời sống tốt đẹp, tương lai mở rộng về phía trước. Một quốc gia có chính sách giáo dục đúng hướng để nâng cao dân trí, phát triển khoa học kỹ thuật thì quốc gia ấy trở nên thịnh vượng, dân chúng có đời sống an lạc…”

Con hơn cha là nhà có phúc . Trong chúng ta ai cũng thương yêu, quý mến con cái và mong sau này chúng trở thành người tử tế, thành công trong cuộc sống. Muốn được như thế, chúng phải được dạy dỗ mới nên người chứ không phải tự nhiên mà có.
Quan Niệm Giáo Dục Xưa và Nay:
Nói về vấn đề giáo dục, quan niệm xưa khác, nay khác. Ngày xưa ảnh hưởng của đạo Nho, cha mẹ rất nghiêm khắc với con cái, chúng phải tuyệt đối vâng lời và trong gia đình em phải vâng lời các anh, các chị (quyền huynh thế phụ).
Có những giai thoại như vua Tự Đức một hôm vì ham săn bắn trở về cung trễ . Thấy mình có lỗi, nhà vua đã tự đặt một cây roi lên mâm son rồi nằm sấp chờ mẹ là thái hậu Từ Dũ trừng phạt. Hay một ông tri huyện bị người anh cả làm ruộng ở quê nhà trách cứ một lỗi lầm nào đó cũng tự trở về làng với một cây roi để tạ lỗi và xin anh dạy bảo.
Người xưa quan niệm “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi “. Ghét cho ngọt cho bùi có nghĩa là tưởng nuông chiều làm cho con cái sung sướng mà thực ra vô tình làm hại chúng, có cha mẹ nào thâm hiểm đến mức “cho ngọt cho bùi” để đưa con đến chỗ hư hỏng?
Người ta quan niệm dạy con bằng roi vọt hay bằng những lời mắng chửi nặng nề với mục đích làm cho chúng đau đớn, sỉ nhục, sợ hãi mà chừa bỏ tính hư, tật xấu. Cách dạy này mang nặng tính trừng phạt và muốn con cái phải tuyệt đối vâng lời trước uy quyền của người cha, người anh.
Phương pháp này làm cho con người thụ động, bảo sao làm vậy, không có ý kiến riêng, mất hết sáng kiến, đưa xã hội đến tình trạng lạc hậu vì không có những cải tiến.
Bên Trung Hoa, đạo Nho lập ra thuyết Tồn Cổ. Thuyết này cho rằng tư tưởng của người xưa là đúng, là khôn ngoan người đời sau chỉ việc nghe theo và bắt chước. Nếu có ý kiến khác là mắc tội bất kính với tiền nhân. Hậu quả là xã hội Trung Hoa ngưng đọng cả hơn hai ngàn năm không tiến bộ được vì những sáng kiến bị phê phán hay trừng phạt.
Xã hội Việt Nam xưa bị ảnh hưởng nặng nề của đường lối giáo dục này, nhất là trong giới nho học hay tầng lớp quan quyền.
Vào thời vua Tự Đức cai trị (1848 – 1883) có biết bao nhiêu bàn điều trần của các sĩ phu xin đổi mới đất nước như của ông Nguyễn trường Tộ, cụ Phan thanh Giản . . . đều bị nhà vua và các quần thần theo đạo Nho bác bỏ làm Việt Nam mất một dịp canh tân như Nhật Bản, nên mới bị mất nước vào tay người Pháp:
Từ ngày đi sứ tới tây kinh,
Thấy việc châu Âu phát giựt mình .
Kêu gọi đồng bào mau tỉnh thức,
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin.
Phan thanh Giản
Sau khi tiếp xúc với văn hóa phương tây vào thế kỷ 19, quan niệm giáo dục theo nho học từ từ giảm dần và nhiều người hướng về phương cách giáo dục mớ . Nhưng lại có những sai lầm hay đúng hơn là hiểu lầm khi cho rằng con trẻ phương Tây được hoàn toàn tự do, muốn làm gì thì làm, cha mẹ không được can thiệp hoặc phải để cho trẻ em phát trỉển tự nhiên. Đây là những hiểu lầm tai hại vì người phương tây (Anh, Pháp, Mỹ . . . ) dạy con cái họ ngay từ lúc chúng mới được vài tháng hay một năm như đọc sách cho chúng nghe mỗi ngày- mục đích làm cho chúng quen với sách vở – và phải sống ngăn nắp, trật tự như dọn dẹp đồ chơi khi chơi xong hoặc trước khi đi ngủ, ăn nói sao cho thanh lịch, không
được nói những lời thô tục . . . Luật pháp phương tây cũng qui định trẻ em dưới 18 tuổi phải đặt dưới sự giám hộ của cha mẹ, tức là cha mẹ phải ngăn cản, cấm đoán những hành vi sai trái của con cái, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của chúng. Nhưng con trẻ phương Tây được tôn trọng ý kiến riêng tư, không bị cha mẹ áp đặt như trẻ con Việt Nam. Chúng có thể chọn kiểu mẫu hay màu quần áo, chúng có thể chọn môn thể thao chúng thích và lớn lên tùy chúng chọn nghề nghiệp, chọn ngành học trên đại học . . . .
Vào những năm 1960 và 1970 tôi có hai người bạn giáo dục con cái của họ theo quan niệm sai lầm (về giáo dục
của phương tây) như đã kể. Một ông bạn là nhà văn có ba con, 1 trai 2 gái, coi con cái như bạn bè, nghĩa là chúng có thể nghe hay không nghe những lời hướng dẫn, khuyên bảo của cha mẹ. Anh bạn thứ hai theo học thuyết của một ông doctor Mỹ chủ trương để cho “Trẻ Con Phát Triển Tự Nhiên“. Hiện nay hai người bạn tôi vẫn còn sống và 5 đứa con của họ ở vào tuổi trên dưới 60. Dù cha mẹ cho các cháu học ở những trường tư danh tiếng, đắt tiền nhưng không thành công vì các cháu không chịu học, không có nghề nghiệp chuyên môn, bây giờ phải làm những công việc tạm bợ để sinh sống.
Trong nước hiện nay đang có một phong trào kết hợp cả hai quan niệm sai lầm này do những gia đình giàu có hay quyền thế theo đuổi . Họ chủ trương “nuôi con vô điêu kiện”, nghĩa là chúng hoàn toàn sống theo ý của chúng, tiền bạc được cha mẹ cung cấp muốn bao nhiêu cũng có, muốn I- pad, I- Phone, xe máy phân khối lớn được thỏa mãn ngay. Chúng có kẻ hầu người hạ không phải làm một việc nào cà, dù đó là những việc cá nhân như dọn giường, gấp mùng khi ngủ dậy, thậm chí kem và bàn chải đánh răng cũng do người giúp việc sửa soạn, ăn xong ở đâu thì đề bát đĩa ở đó. Người giúp việc có bổn phận thu gom đem rửa. Nên có những cô chiêu, cậu ấm được cha mẹ cho đi du học nước ngoài với nhà cửa, xe cộ mua cho đây đủ nhưng lại ăn chơi nhiều hơn học hành . Một bữa tiệc chúng đãi bạn bè hết hàng ngàn đô la, tới lui ở những nơi ăn chơi bài bạc và khi về nước đem mảnh bằng ma, hoặc mảnh bằng với những điểm hạng B, hạng C . Đem bằng cấp loại này đi xin việc ở Mỹ thì không hãng xưởng nào mướn. Nhưng khi về nước cha mẹ chúng là những người giàu có, bề thế dễ dàng xoay xở, gửi gấm chúng vào những nơi nhiều quyền hành, lợi lộc và nhanh chóng
thăng tiến.
Những Khuyết Điểm và Hậu Qủa:
Dù theo phái cứng (dùng roi vọt), mềm hay trung dung, hầu hết người Việt Nam có những khuyết điểm giống
nhau sau đây:
Tùy tiện: khi con cái xin điều gì vui thì cho, buồn thì cấm hoặc xin bố không được thì xin mẹ mẹ cho, hoặc bố phạt
mẹ tha. Việc này làm cho đầu óc con em chúng ta không phân biệt được thế nào là phải thế nào là trái, một việc mà lúc thì được, lúc thì không hoặc người này cho, ngươi kia cấm.
Hậu qủa là trong xã hội cùa chúng ta có nhiều người cãi ngang, đúng sai gì cũng cãi, cãi bạt mạng. “Một người
nói ngang ba làng không lại “ hoặc cãi nhau cho chán rồi “Huề cả làng” không ai được, không ai thua, không ai
đúng mà cũng chẳng ai sai!
Quan niệm sai lầm “trẻ con đã biết gì mà dạy” . Thực ra đứa trẻ ba, bốn tháng đã biết nhiều thứ: đòi ăn, đòi bế, khi chúng ta tươi cười hỏi chuyện thì chúng vui vẻ, khi chúng ta cau mặt, nhăn nhó thì chúng khóc và điều rõ ràng nhất là chúng phân biệt được người lạ, người quen. . . . Khi biết bò, biết đi nếu chúng ta dạy, các em đã biếtlàm cái gì và không làm cái gì, biết chỗ nào đến được và chỗ nào không đến được.
Chúng ta không “Dạy con từ thuở còn thơ” nên “Bé không vin, Cả gãy cành”, “Măng không uốn thì Tre trổ vồng” . Đứa trẻ lúc bé được nuông chiều, sáu bảy tuổi đã khó dạy. Khi chúng được mười một, mười hai càng khó dạy hơn. Lúc ấy nhiều bậc cha mẹ buông xuôi để “ Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào“, “Đói thì đầu gối phải bò“, nhưng vấn đề là có đào được không và bò như thế nào, bò đi đâu?
Sự vô ý thức: khi thấy một đứa trẻ mới chập chững biết đi va đầu vào bàn ghế hay té xuống nền nhà đau khóc thì mẹ hay bà vừa dỗ dành vừa lấy tay đánh cái bàn, cái ghế hoặc đánh xuống đất:
– Cái bàn (ghế) này hư làm em đau nhé.
– Cái đất này hư làm em té . . . .
Đúng ra khi vỗ về, an ủi các em chúng ta nên nói: ”Lần sau con đi cẩn thận đừng để bị té, hay bị đụng vào bàn, ghế làm con đau” không nên đổ lỗi cho cái bàn, cái ghế, mặt đất?
An ủi trẻ em như thế là gieo vào đầu óc non nớt của các em rằng sự việc vừa xẩy ra cho các em là tại cái bàn, cái ghế, mặt đất chứ không phải tại các em. Hậu quả là các em lớn lên ra đời khi bị thất bại hay làm những điều sai trái không bao giờ nhận ra khuyết điểm của mình.
Cách nay mấy ngày một bác sĩ nói với tôi hầu hết người Việt Nam làm sai thì đổ lỗi cho người khác hay tại hoàn cảnh, tại số mệnh, tại không được may mắn . . . hoàn toàn không phải tại mình!

Viết đến đây tôi nhớ tới ông Mỹ hàng xóm hay tâm sự với tôi khi gặp chuyện không vừa ý. Lần đầu, khi đứa con gái lớn có chuyện lục đục với người chồng, ông tâm sự : “Không biết vợ chồng tôi có điều gì sai lầm trong việc dạy bảo nó không?” . Lần thứ hai, khi con trai út của ông chơi với mấy đứa bạn hàng xóm cãi nhau om sòm, ông nhắc lại câu hỏi trên với tôi. Có lẽ người phương Tây tiến bộ hơn chúng ta bởi họ luôn luôn tự hỏi mình để tìm ra cái sai mà sửa chữa, còn chúng ta thì không.
Giáo dục là vấn đề quan trọng trong bất cứ thời đại nào, trong mỗi gia đình, mỗi quốc gia. Một gia đình biết dạy con cái nên người, thành đạt, gia đình ấy có đời sống tốt đẹp, tương lai mở rộng về phía trước. Một quốc gia có chính sách giáo dục đúng hướng để nâng cao dân trí, phát triển khoa học kỹ thuật thì quốc gia ấy trở nên thịnh vượng, dân chúng có đời sống an lạc, giàu có không bị thống khổ, đói khát.
Những tấm gương sáng ấy không phải chỉ ở Âu, Mỹ xa xôi mới có, mà ở ngay cạnh chúng ta như Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore.

Phạm Hy Sơn

(Chinh Luận Hải Ngoại xin đa tạ thịnh tình của Ông PHẠM HY SƠN đã gửi bài)