19 Tháng Chín, 2024

Tây Nguyên: Nước mắt và máu (Bài 1)

Ngày 20/5/2024, người dân thôn K’Rèn biểu tình phản đối dự án nâng cấp lưới điện hồ Ta Hoét, trong khi chính quyền chưa giải quyết vấn đề tái định canh cho người sắc tộc K’Ho bị thu hồi đất (Nguồn: Người Thượng vì Công lý).

LTS: Nhân việc một thông cáo báo chí gần đây của Liên Hiệp Quốc gọi người Thượng ở Tây Nguyên là người bản địa, với cụm từ “Montagnard Indigenous Peoples” (người Thượng bản địa), chúng tôi xin chia sẻ một bài viết của Việt Nam Thời Báo về khu vực Tây Nguyên.

Bài 1: Tây Nguyên và thú dữ
Tác giả: Quang Nguyên (VNTB)

Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như người Êđê, Ba Na, Gia Rai, M’Nông …. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ, phong tục và tín ngưỡng riêng.

Theo sự phân chia hành chánh của chính phủ hiện nay, thứ tự vị trí địa lý 5 tỉnh Tây nguyên trục Bắc-Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chiếm khoảng 55 ngàn cây số vuông, 17% diện tích cả nước, Tây Nguyên phía bắc giáp Quảng Nam, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, phía tây giáp với các tỉnh Attapeu (Lào) và Ratanakiri, Mondulkiri (Campuchia).

Tây Nguyên là bàn đạp thuận lợi từ Việt Nam qua Lào, Campuchia, và đó cũng là hành lang xâm nhập Nam và Trung phần Việt Nam dễ dàng từ bên ngoài. Trong thời chiến tranh Nam Bắc trước 1975, việc kiểm soát Tây Nguyên giúp cắt đứt các tuyến đường tiếp tế và liên lạc của quân đội miền Bắc vào Nam.

Ngược lại, miền Bắc có thể làm suy yếu khả năng phòng thủ của miền Nam Việt Nam nếu họ làm chủ được một phần cao nguyên với địa hình đồi núi phức tạp, thuận lợi cho cả hai việc phòng thủ và tấn công. Việc kiểm soát được khu vực này chiếm lợi thế chiến lược quan trọng.

Tài liệu giải mật của CIA công bố ngày 9 tháng 8. 1999 cho biết Tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Trưởng Quốc Phòng Bắc Việt nói, “Việc chiếm giữ và kiểm soát vùng Cao nguyên là giải quyết toàn bộ vấn đề của Nam Việt Nam.”

Trước năm 1975, Vùng ll Chiến Thuật của Việt Nam Cộng Hòa, gồm Tây Nguyên và 5 tỉnh duyên hải nam Trung phần, giám sát và ngăn chận quân đội Bắc Việt xâm nhập miền Nam dọc theo dẫy Trường Sơn và Campuchia, Lào. Tháng 3 năm 1975, quân Bắc Việt chiếm được thành phố Ban Mê Thuột, thủ phủ Daklak, mở đầu cho cuộc tiến chiếm miền Nam VN với 21 sư đoàn quân thừa thế tràn vào.

Tiến sĩ Gerald C. Hickey, một nhà nhân chủng học người Mỹ nổi tiếng với công trình nghiên cứu sâu rộng về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên trong những năm 1950-1960. Tiến sĩ từng làm việc cho Tập đoàn RAND, một tổ chức tư vấn chiến lược cho chính phủ Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Ông đánh giá Tây Nguyên là “chìa khóa” cho việc kiểm soát toàn bộ miền Nam. Đây là lý do mà cả Việt Nam Cộng Hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) đều tìm cách chiếm lĩnh khu vực này trong suốt cuộc chiến.

So với các vùng khác ở Việt Nam, Tây Nguyên phải đối mặt với những khó khăn lớn về điều kiện kinh tế – xã hội như dân trí, thiếu lao động được huấn luyện chuyên môn có tay nghề, cơ sở hạ tầng kém, và bất lợi hơn cả là các nhóm dân tộc thường xảy ra bất hòa, không ít lần dẫn đến xung đột với nhau và cả xung đột với chính quyền Việt Nam.

Trong cuốn “Shattered World: Adaptation and Survival among Vietnam’s Highland Peoples during the Vietnam War” 1982 Tiến sĩ Gerald C. Hickey cảnh báo rằng việc áp dụng các chính sách phát triển không phù hợp và thiếu sự hợp tác với các dân tộc bản địa sẽ dẫn đến xung đột và bất ổn.

Những cảnh báo của Hickey về việc áp dụng các chính sách phát triển không phù hợp và thiếu sự hợp tác với các dân tộc bản địa vẫn rất đúng đến ngày nay. Vấn đề về đất đai, thiếu nhạy bén văn hóa, và phát triển bền vững vẫn là những yếu tố chính dẫn đến sự xung đột và bất ổn tại Tây Nguyên.

1. Chiếm dụng đất và tài nguyên: Chính quyền Việt Nam đã tiếp tục thực hiện các dự án phát triển lớn ở Tây Nguyên, khai thác tài nguyên và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều dự án loại này đã dẫn đến việc thu hồi đất của các cộng đồng bản địa mà không tham vấn nhân dân địa phương, hoặc bồi thường không thỏa đáng. Đây này luôn là nguồn gốc chính gây ra sự bất mãn và xung đột giữa các dân tộc thiểu số và chính quyền.

2. Không đáp ứng văn hóa và nhu cầu của cộng đồng dân tộc bản địa: Chính sách phát triển đôi khi thiếu sự nhạy bén với các nhu cầu văn hóa và xã hội của các dân tộc bản địa. Điều này gồm việc không tôn trọng các phong tục tập quán và cách quản lý truyền thống của họ. Việc thiếu sự hợp tác và tham vấn với các cộng đồng dân tộc bản địa dẫn đến sự xa cách và nghi ngờ đối với chính quyền.

3. Không quản lý và phát triển bền vững: Nhiều dự án phát triển ở Tây Nguyên không luôn được thực hiện theo hướng bền vững, dẫn đến các vấn đề môi trường như mất rừng và suy thoái đất. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của các dân tộc bản địa mà còn làm tăng sự bất ổn và xung đột.

4. Căng thẳng chính trị và xã hội: Vấn đề về đất đai và các chính sách phát triển đã dẫn đến một số cuộc biểu tình và xung đột tại Tây Nguyên trong những năm gần đây. Các cuộc biểu tình này thường liên quan đến việc các cộng đồng địa phương phản đối các dự án mà họ cảm thấy không được hỏi ý hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ.

5. Quyền tự trị và đại diện chính trị: Các vấn đề về quyền tự trị và sự đại diện chính trị của các dân tộc bản địa vẫn là một vấn đề quan trọng. Mặc dù có những cải cách và nỗ lực để tăng thêm sự tham gia của các dân tộc thiểu số trong chính quyền, nhưng nhiều cộng đồng vẫn cảm thấy rằng họ không có đủ quyền quyết định về các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ.

Theo nhà Dân tộc học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên nhân những cuộc nổi dậy của người Thượng trên cao nguyên miền Trung, tóm tắt nguyên nhân cụ thể khiến cho Đời sống của người Thượng ngày càng xuống cấp, nếu không muốn nói đang trên bờ tuyệt chủng: (1)

– Mức sống của người Thượng hiện nay quá thấp so với người Kinh,
– Tỷ lệ người Thượng thiếu đói tăng cao so với toàn quốc,
– Ðất đai cổ truyền quanh những buôn làng Thượng mất đi ngày càng nhiều, người Thượng mất đất canh tác, bị dồn ép vào rừng sâu,
– Cộng đồng người Thượng luôn bị coi là những thứ dân hạng hai, bị khinh khi và lợi dụng.

Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đất đai của người Thượng ở Tây Nguyên ngày càng thu hẹp do bị người Kinh nhập cư và công ty nông nghiệp [quốc doanh] lấn chiếm bắt đầu từ khoảng năm 1975-1977. Đỉnh điểm của xung đột đất đai diễn ra trong nửa cuối những năm 1990.

Tuy nhiên, nhà nước tịch thu đất đai hoặc ép dân phải bán đất với giá bán hay mức bồi thường rẻ mạt. Đã vậy những đồng tiền còm cõi này lại còn bị các quan chức địa phương ăn bớt.

Trong các cuộc phỏng vấn và đơn khiếu nại gửi đến Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, người dân vùng cao nguyên cho biết thường là Sở Giáo dục tỉnh thay mặt chính quyền địa phương cho tịch thu các rẫy cà phê nhỏ để xây dựng trường học hoặc nhà hành chính mà không khoản bồi thường một đồng nào.

Ở huyện Đăk Đoa, Gia Lai, đầu những năm 1980 các dòng suối mà người Jarai sử dụng để tưới tiêu bị nhà nước ngăn chuyển hướng để sử dụng cho các vườn trà và cà phê của nhà nước. Kể từ năm 1981, vào mùa khô thì người Jarai không có nước để trồng trọt, tới mùa gặt thì ruộng đồng lại bị ngập nước.

Ông Y Phic H’dok, một nhà đấu tranh cho nhân quyền viết trên Facebook ngày 21 tháng 8.

“. ..cùng với việc thu hồi đất đai một cách bất công do tham nhũng, đang tạo ra những lo ngại lớn. Người dân ngày càng mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

… Từ sau 1975, khi chiếm toàn bộ miền Nam Việt Nam, cộng sản cần làm chủ hoàn toàn Tây Nguyên về an ninh, quản lý chặt chẽ con người và khai thác triệt để kinh tế khiến vùng chiến thuật này càng bị đàn áp hơn nữa.

Người dân Tây Nguyên sống tự do như thú rừng nay bị sập bẫy, càng giãy giụa, càng bị thợ săn siết chặt dây trói. Những cuộc kháng chiến chống cường quyền trong các dân tộc bị trị đã từng xảy ra, và đến nay bởi nhiều nguyên nhân bị bóc lột, áp bức vẫn đang xảy ra.”

_______________________________

Tham khảo:

1. https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/29046-c-ng-d-ng-ngu-i-thu-ng-tren-cao-nguyen-mi-n-trung

2. https://www.hrw.org/reports/2002/vietnam/

https://www.hrw.org/reports/2002/vietnam/viet0402-02.htm

https://www.voanews.com/a/deadly-conflict-in-vietnam-s-central-highlands-ramps-up-persecution-of-ethnic-minorities-/7183904.html

Nguon MACH SONG Media