13 Tháng Mười, 2024

Trước mắt và sau lưng Tô Lâm

Tô Lâm lôi dân ra làm “bình phong” che đậy thất bại của đảng trong công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng. Nhờ Tô Lâm mà người dân Việt Nam thấy ro không làm gì có chuyện “quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân”. Nhờ Nguyễn Phú Trọng mà người dân Việt Nam thấy ro hon bộ mặt thật của Đảng cộng sản.

Trước mắt và sau lưng ông Tô Lâm

13/08/2024
Phạm Trần

Một bài viết ngay sau khi được bầu vào chức Tổng Bí thư đảng CSVN cho thấy ông Tô Lâm đã hiện nguyên hình một người giáo điều, bảo thủ và  hoài nghi  trong “hợp tác quốc tế” với các nước. Trước hết ông cáo giác: “Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.”

Lời tố cáo này không mới vì chỉ “nói cho có” và “không trưng ra được bằng chứng cụ thể nào”, giống hệt như những người tiền nhiệm.
Ông Tô Lâm, một Đại tướng Công an chuyên về an ninh nội bộ còn nghi ngờ cả các nước và Tổ chức quốc tế có quan hệ với Việt Nam. Ông nói bâng quơ rằng rằng các lực lượng này đang “ráo riết tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc; triệt để lợi dụng hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để thâm nhập nội bộ, thúc đẩy các yếu tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ bên trong.” (báo ĐCSVN, ngày 04/08/2024)
Đây là “tố cáo” mạnh nhất của một tân Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước đối với các quốc gia có quan hệ ngoại giao và kinh tế với Việt Nam. Tuy nhiên, tướng Tô Lâm không dám chỉ đích danh nước nào đã thực hiện kế hoạch “diễn biền hòa bình” chống đảng CSVN.
Đáng chú ý là trong tuyên bố này, ông Tô Lâm còn cáo buộc nước ngoài đã “thúc đẩy các yếu tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ bên trong.”
Nên biết “các yếu tố” của tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đã và đang xẩy ra trong nội bộ đảng, Công an và Quân đội. Lý do của xoay chiều này là do chính đảng viên đã quay lưng chống lại Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh và đường lối cầm quyền của đảng.
Những đảng viên “chệch hướng” này cho rằng Chủ nghĩa Cộng sản không đem lại cơm no áo ấm và thịnh vượng cho đất nước. Họ đã trưng dẫn thất bại và tan rã của Nga và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu từ 1988 đến 1991 cho thấy Chủ nghĩa Cộng sản đã lỗi thời.

TÌM TÒI CÁI KHÔNG CÓ

Vậy mà, ông Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn tiếp tục “Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… và không ngừng tìm tòi, mở ra triển vọng mới to lớn để phát triển con người và xã hội.”
Nhưng tìm tòi cái gì? Chính ông cựu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” (24/10/2013)
Thế là ông Tô Lâm lôi dân ra làm “bình phong” che đậy thất bại của đảng trong công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng. Ông nói huyên thuyên: “Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.”

Ông còn rêu rao chủ trương được gọi là “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.”
Đúng ra là “của Đảng, do Đảng và vì Đảng”. Nhân dân chỉ là “hình nộm” của chiêu bài mỵ dân, cầu tài. Nhân dân cũng chỉ là cái bóng mờ sau lưng đảng, không làm gì có chuyện “quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân”, hay như câu tuyên truyền “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”. Có chăng là “cán bộ ăn trước, làng nước theo sau hốt rác”.

CHỈNH ĐỐN MỆT NGHỈ

Cuối cùng, Tổng Bí thư Tô Lâm lại ca bài “xây dựng, chỉnh đốn đảng” và “chống tham nhũng”  với lời hứa “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”.
Nhân dân đã nghe những lới hứa tương tự từ miệng các Tổng Bí thư tiền nhiệm, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng. Cũng chính ông Trọng từng  than phiền chống nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu vì “những kẻ tham nhũng cứ trơ ra”.
Dù vậy, thêm lần nữa, ông Tô Lâm vẫn hứa bừa “xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

10 CĂN BỆNH NGHIÊM TRỌNG

Cả hai tiêu chuẩn “đạo dức” và “văn minh” đã được nói nhiều trong nhiều năm, nhưng thực tế của tình hình suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là thành phần lãnh đạo, đã làm cho đảng mất uy tín trong nhân dân và lạc hậu hơn bao giờ hết.
Đáng chú ý là trong khi Tổng Bí thư Tô Lâm “say sưa” với bài viết để giới thiệu mình thì báo điện tử của Trung ương đảng đã nêu ra công khái 10 chứng bệnh “chữa hoài không hết” của cán bộ, đảng viên.
Đó là các chứng bệnh: Quan liêu, tham lam, lười biếng,  kiêu ngạo,  hiếu danh, tham danh, trục lợi,  địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại.
Ngoài ra còn có bệnh cận thị: “Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chút những việc vụn vặt.”
Cuối cùng là 3 chứng bệnh: Tỵ nạnh, xu nịnh a dua: “Những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”. Thêm váo đó là “bệnh kéo bè kéo cánh: Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đạy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người ta xuống.”
Với 10 chứng bệnh nghiêm trọng do ông Nguyễn Phú Trọng để lại, liệu tân Tổng Bí thư Tô Lâm có khả năng “thanh toán”, hay ông cũng sẽ bị “các thế lực nội thù” đánh gục như bao nhiêu người đi trước?

– Phạm Trần

(08/2024)

__________

 

Tô Lâm và tương lai của Đảng cộng sản

Việt Hoàng
08/08/2024

Di sản Nguyễn Phú Trọng

Ông Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời ngày 19/7/2024 và được Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức quốc tang trọng thể trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Báo chí Việt Nam đã không tiếc lời ca ngợi tài năng và đức độ của ông Nguyễn Phú Trọng, vậy ông Trọng đã để lại những di sản nào ?

Theo chúng tôi thì ông Trọng để lại hai di sản. Thứ nhất là chiến dịch chống tham nhũng với tên gọi dân dã là ‘đốt lò’. Chiến dịch này đã đưa hàng trăm tướng tá quân đội, công an (đủ các binh chủng), bí thư chủ tịch tỉnh các tỉnh thành (đương chức cũng như đã nghỉ hưu), nhiều ủy viên trung ương đảng (bao gồm nhiều bộ trưởng), gần một nửa ủy viên bộ chính trị (trong đó có hai chủ tịch nước, một chủ tịch quốc hội, một thường trực ban bí thư) và nhiều phó thủ tướng…vào lò. Người nhẹ thì bị cho thôi việc, người nặng thì bị truy tố với những bản án lên đến hàng chục năm tù.

Với người dân Việt Nam thì ông Trọng đã làm được những việc phi thường mà trước đây không ai làm được, đó là tống giam và kỷ luật nhiều quan chức cấp cao của Đảng cộng sản. Bất cứ một quan chức cộng sản nào bị truy tố hay bị kỷ luật đều làm người dân ‘mát lòng hả dạ’. Người dân không cần biết và không quan tâm người bị nạn đó có tội hay có bị oan ức không. Người dân có lý do chính đáng để vui mừng khi một quan chức cộng sản nào đó bị hạ bệ.

Chúng ta có thể hiểu được tình cảm của người dân đối với ông Nguyễn Phú Trọng. Ông đem đến cho họ niềm vui trong cuộc sống khi tuần nào cũng có tin quan chức cộng sản bị bắt và khởi tố. Tuy nhiên chúng tôi không thể nào hiểu được vì sao Đảng cộng sản lại ca ngợi và tổ chức đám ma cho ông Trọng to và hoành tráng đến vậy ? Trong lịch sử Đảng cộng sản từ trước đến nay chưa có một ông tổng bí thư nào đập phá Đảng cộng sản dữ dội đến như vậy. Trước thời ông Trọng, Đảng cộng sản chỉ kỷ luật những người từ thứ trưởng trở xuống (tắm từ vai), từ bộ trưởng trở lên và những người đã về hưu coi như hạ cánh an toàn. Cựu đại tá Phạm Quế Dương vừa có ý định thành lập ‘Hội chống tham nhũng’ là bị bắt giam ngay lập tức.

Vì sao ông Trọng lại đập phá Đảng cộng sản tan tành như vậy ? Thường thì người ta chỉ đập phá những gì không thích hoặc thứ đó đã đến lúc cần phải vứt bỏ nhưng ông Trọng thì ngược lại, ông đập phá Đảng cộng sản vì ông quá yêu nó. Trong những người thật lòng ‘yêu đảng, yêu bác’ nhất, chắc chắn có ông Trọng. Nhờ có đảng mà ông đã được sống một cuộc đời viên mãn. Từ lúc học xong cho đến khi lìa đời ông chỉ làm mỗi công việc duy nhất là ‘hầu việc cho đảng’. Từ một nhân viên trong ‘Tạp chí cộng sản’ qua ‘Hội đồng lý luận trung ương’ rồi trở thành bí thư Hà Nội, chủ tịch quốc hội và cuối cùng là Tổng bí thư đảng, ông Trọng không hề tham gia vào những công việc thực tế, tức là không va vấp với cuộc sống thường ngày. Chính vì suốt đời đắm mình trong đống sách vở giáo điều của chủ nghĩa cộng sản mà ông trở nên mê muội và cuồng tín. Đảng cộng sản gọi ông là ‘người cộng sản trung kiên’, điều này chỉ đúng một phần. Nếu trung thành và kiên định với những cái đúng thì rất tốt nhưng nếu trung kiên với cái sai, cái ác thì đó là cuồng tín.

Chính vì cuồng tín và mê muội, tin vào tương lai của Đảng cộng sản nên ông Trọng đã học ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc mở chiến dịch ‘đốt lò’. Chiến dịch này thực chất là ‘đốt nhà’, nhà đây là Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Trọng thành thật tin rằng chống tham nhũng sẽ cứu được đảng. Đó là điều hoang tưởng như chính chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngày xưa vì thiếu hiểu biết nên nhiều người tham gia vào Đảng cộng sản vì lý tưởng giải phóng dân tộc và mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân nhưng ngày hôm nay hầu hết những người vào đảng là để có chức có quyền và để được tham nhũng, chỉ có một bộ phận nhỏ ‘vào đảng’ để được yên thân.

Tham nhũng vì vậy là hệ quả tất yếu của chế độ cộng sản. Nếu không được tham nhũng thì không ai vào đảng để làm gì. Chống tham nhũng tức là chống đảng. Ông Trọng không hiểu điều đó. Nhiệt tình cộng với ngu dốt đương nhiên sẽ trở thành phá hoại. Không phải tự nhiên mà ông Trọng có bí danh là ‘Trọng lú’ từ hồi còn làm bí thư Hà Nội. Các đảng viên cao cấp của Đảng cộng sản bị kỷ luật thời gian qua đang trả giá cho việc chọn một người thiếu hiểu biết làm lãnh đạo cao nhất của đảng.

Trong đám tang của ông Trọng có rất nhiều người đã bày tỏ sự thương tiếc trong đó có cả những người ủng hộ dân chủ. Đó là quyền của mỗi người. Tuy nhiên theo chúng tôi không có lý do gì để thương tiếc những người lãnh đạo cộng sản. Họ chưa bao giờ suy nghĩ và hành động vì quyền lợi của người dân, họ chỉ biết đến quyền lợi của bản thân họ. Mọi người đừng quên định luật ‘hai trong ba’: Trong ba thứ Cộng sản, Lương thiện và Hiểu biết luôn luôn chỉ có hai thứ đi cùng nhau, không thể có cả ba. Tức là một người Cộng sản mà Lương thiện thì không thể là người có Hiểu biết, một người Hiểu biết mà lại Cộng sản thì chắc chắn không Lương thiện và nếu một người vừa Lương thiện lại vừa Hiểu biết thì không thể là người Cộng sản. Ông Trọng không mang tiếng tham nhũng và khá hiền lành và ông là một người cộng sản nên chắc chắn ông không phải là một người có hiểu biết. Tất nhiên là như vậy. Chỉ có những người quá mê muội mới còn tin vào chủ nghĩa cộng sản. Đừng bao giờ quên rằng đã có hơn 100 triệu người chết vì chủ nghĩa cộng sản. Không chỉ sai lầm và nhảm nhí mà chủ nghĩa cộng sản đã bị Nghị viện Châu Âu lên án là ‘tội ác chống lại nhân loại’.

Nhờ ông Nguyễn Phú Trọng mà người dân Việt Nam thấy được bộ mặt thật của Đảng cộng sản. Xưa nay Đảng cộng sản luôn tuyền truyền rằng nếu đâu đó có cán bộ làm sai, làm bậy thì chỉ vì người đó thiếu tu dưỡng đạo đức và không chịu học tập tấm gương ông Hồ chứ ban lãnh đạo đảng luôn đúng đắn và trong sạch…thì nay đến cả ba ông trong ‘tứ trụ’ cũng vi phạm pháp luật và phải kỷ luật cho thôi việc…thì thử hỏi liệu còn ai trong sạch ? Người dân còn biết tin vào ai ?

Đến cả ‘tứ trụ’ còn tham nhũng và bị kỷ luật thì người dân còn tin vào ai?

Di sản thứ hai của ông Nguyễn Phú Trọng là đã tách hoàn toàn Đảng cộng sản ra khỏi quần chúng Việt Nam. Nếu dưới thời ông Lê Khả Phiêu, Đảng cộng sản còn có ý định đưa những người ngoài đảng (không phải đảng viên) lên nắm những chức vụ như bộ trưởng hay thậm chí là phó thủ tướng thì đến thời ông Trọng, nếu không phải là đảng viên thì không thể lên nổi chức phó phòng. Những ý kiến trái chiều trong nội bộ đảng đều bị dập tắt. Ông Trọng đã vạch ra một làn ranh đỏ cho đảng viên : Hoặc là đứng về phía đảng hoặc là đứng về phía dân, không thể đu dây hoặc đi hàng hai. Hơn 25.000 đảng viên đã bị kỷ luật vì tội ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’. Phong trào dân chủ bị đàn áp thẳng tay, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở Nghệ An bị tuyên án 11 năm tù chỉ vì phổ biến một bài hát. Nữ nhà báo trẻ, bị thương tật do chính công an gây ra, Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Các Bloggers quen thuộc chỉ vì lên tiếng chỉ trích những cái sai của chính quyền mà bị tuyên đến 6 năm tù như Nguyễn Lân Thắng hay Lê Dũng Vova, Nguyễn Chí Tuyến…Không chỉ những người bất đồng chính kiến mà ngay cả những người bảo vệ môi trường cũng bị bắt giam như Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách…

Ông Nguyễn Phú Trọng đã hoàn tất việc biến Đảng cộng sản thành một đội quân chiếm đóng người bản xứ, đúng như nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Tô Lâm sẽ dẫn Việt Nam đi về đâu ?

Tất cả những chế độ độc tài trong những ngày cuối cùng luôn làm những việc không giống ai và không thể nào tưởng tượng được. Như chúng tôi đã phân tích, Đảng cộng sản vì mất đồng thuận và chia rẽ nên họ phải chọn một người duy nhất còn tin vào chủ nghĩa cộng sản để làm người lãnh đạo cao nhất là ông Trọng và rồi họ không thể chọn được người thay thế ông Trọng khi ông bị bệnh và đã làm hai nhiệm kỳ tổng bí thư. Sai lầm nối tiếp sai lầm, trong ba năm qua ông Trọng gần như ‘đăng ký hộ khẩu thường trú’ trong bệnh viện nên mọi chuyện lớn nhỏ đều giao phó hết cho Tô Lâm, bộ trưởng Công an. Tô Lâm nhân cơ hội này đã thâu tóm hết mọi quyền lực về tay mình bằng cách loại bỏ hết những đối thủ tiềm năng như ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ…

Tô Lâm đã trở thành người lãnh đạo tối thượng của Đảng cộng sản với hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư. Liệu Tô Lâm có thể chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua sóng gió trong thời gian tới hay không? Câu trả là của chúng tôi là không. Ông Tô Lâm không phù hợp với cả hai chức vụ đó. Tô Lâm xuất thân là một công an mà chức năng của công an là đàn áp. Không chỉ Tô Lâm mà bất cứ một ông tướng nào dù là công an hay quân đội cũng đều không phù hợp với những chức vụ trên. Chúng tôi nói vậy không phải vì có thành kiến với mấy ông tướng công an và quân đội mà đơn giản là vì nó không phù hợp. Không thể bắt một ông quan văn cầm kiếm và tất nhiên cũng không thể bắt ông một quan võ cầm bút. Ở các nước văn minh thì ngay cả chức bộ trưởng quốc phòng hay nội vụ cũng thuộc về các chính trị gia chứ không thuộc về các ông tướng. Những ông tướng được đào tạo để thi hành các mệnh lệnh chứ không phải đưa ra các mệnh lệnh. Cái tay, cái chân không thể thay thế cho cái đầu.

Tô Lâm đã làm một cuộc ‘đảo chính cung đình’ để dành lấy ngôi vị đế vương.

Lãnh đạo của quốc gia phải là những chính khách, những người dùng cái đầu để suy nghĩ, bàn luận và đưa ra những quyết sách quan trọng cho đất nước trong khi giới tướng lĩnh chỉ thích ‘hành động’ chứ không thích nói nhiều. Khi lãnh đạo đất nước chỉ thích hành động chứ không thích nói nhiều thì đó sẽ là tai họa cho tất cả mọi người. Việt Nam sẽ trở thành một nhà nước công an trị dưới thời Tô Lâm và nếu giới quân đội nắm quyền thì đó sẽ là chính quyền quân phiệt như Myanmar.

Ông Trọng là một nhà ‘độc tài miễn cưỡng’ vì nhận được sự tín nhiệm của tất cả các phe phái trong đảng nhưng ông Tô Lâm thì không. Tô Lâm đã làm một cuộc ‘đảo chính cung đình’ để dành lấy ngôi vị đế vương. Từ nay trở đi ông sẽ không còn kiêng nể bất cứ ai mà chỉ làm theo bản năng và sự tư vấn của tay chân thân tín mà tay chân của ông cũng đều là công an nên ông sẽ không nói nhiều mà sẽ ‘bắt hết, hốt hết’. Đối tượng đầu tiên mà ông Tô Lâm nhắm đến sẽ là các sân sau của các quan chức ngã ngựa và tất cả những quan chức cộng sản không cùng phe. Những người cộng sản giàu có và các doanh nhân lớn không thuộc phe của Tô Lâm sẽ sớm bị truy tố và thâu tóm.

Người dân Việt Nam cũng không thể yên thân. Các loại thuế phí sẽ tăng cao trong thời gian tới. Không đâu như Việt Nam khi mà công an giao thông có quyền giữ cho mình đến 80% số tiền phạt trong khi họ đang ăn lương của người dân, ngay cả đôi tất của họ đi cũng lấy tiền từ ngân sách. Sau khi ông Trọng qua đời ông Tô Lâm đã tăng cường khả năng trấn áp dân chúng bằng việc ra mắt lực lượng ‘an ninh, trật tự cơ sở’ với quân số lên đến 300.000 người trên cả nước. Lực lượng này là ‘cánh tay nối dài’ của công an.