21 Tháng Mười Hai, 2024

Viễn cảnh nhân quyền u ám thời Tô Lâm

“Việc Tô Lâm lên làm chủ tịch nước, Việt Nam giờ đây trở thành một quốc gia công an theo đúng nghĩa đen”. Bộ Chính trị cầm quyền của Việt Nam hiện do các quan chức an ninh hiện tại và trước đây thống trị. Ông Ben cho biết ông nghĩ rằng sự đàn áp và kiểm duyệt sẽ còn tăng cường hơn nữa trong nước Việt Nam 

RFI.org

Quan ngại về viễn cảnh nhân quyền u ám thời Tô Lâm

Một số chuyên gia nhân quyền bày tỏ quan ngại sâu sắc về một viễn cảnh nhân quyền Việt Nam đầy u tối trong tương lai, khi ông Tô Lâm – cựu Bộ trưởng Công an – hiện là người nắm quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Quan ngại nhân quyền dưới thời Tô Lâm

Ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam bày tỏ quan ngại khi ông Tô Lâm, vốn đã “khét tiếng” với những vụ đàn áp nhân quyền, nay lại thâu tóm hết quyền lực thì nhân quyền ở Việt Nam trong tương lai sẽ tồi tệ hơn rất nhiều:

“Có nhiều lý do để mà quan ngại lắm. Tôi nghĩ rằng nó (nhân quyền – PV) sẽ xấu đi rất nhiều. Trừ khi có những yếu tố ngoại cảnh mà nó tác động không lường trước được, chứ bình thường thì nó sẽ xấu đi rất nhiều vì nhiều lý do.”

Theo ông Thắng, ông Nguyễn Phú Trọng, trong 13 năm làm Tổng bí thư của Đảng gần như đã xóa bỏ hết tất cả những quy định, định chế trong nội bộ của Đảng Cộng sản, đặc biệt là trong Bộ Chính trị. Ví dụ như việc ông Trọng ở lại làm Tổng bí thư đến nhiệm kỳ thứ 3:

“Khi chuyển giao lại cho Tô Lâm thì các  định chế không còn nữa. Thành ra Tô Lâm rất dễ để dàng bước vào và ngồi trong cái ghế của ông Nguyễn Phú Trọng và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cái sự độc đoán của một cá nhân.”

Một nguyên nhân khác khiến ông Thắng tin rằng nhân quyền Việt Nam sẽ tụt dốc hơn nữa là vì ông Tô Lâm giờ đây đã làm Chủ tịch nước Việt Nam. Các nước trên thế giới thường ít khi chế tài chủ tịch của một quốc gia khác.

Bà Minh Trang, thạc sỹ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền, nhận định trong vòng ba đến năm năm tới, nếu không có một tác nhân nào đặc biệt xảy ra, thì tình hình nhân quyền sẽ tiếp tục xu hướng ngày càng xấu đi, dưới thời Tô Lâm điều hành đất nước:

“Cho đến thời điểm này thì tôi vẫn không thấy có bất kỳ  dấu hiệu gì cho thấy là tình hình nhân quyền của Việt Nam sẽ tốt lên trong thời gian gắn sắp tới, ít nhất là ba năm hoặc năm năm tới. Đấy là dựa trên những thông tin hiện tại và tình hình hiện tại.”

Hồ sơ đàn áp nhân quyền của Tô Lâm

Tháng 4/2016, ông Tô Lâm bắt đầu ngồi vào ghế Bộ trưởng Công an. Theo bà Trang, kể từ đó, các nhà hoạt động chính trị, nhân quyền phải chịu các bản án tù dài hơn, lên đến hơn chục năm trời. Đơn cử như nhà hoạt động môi trường Hoàng Bình, Lê Đình Lượng, nhà báo Phạm Đoan Trang, các thành viên Hội nhà báo độc lập…

Bà Minh Trang dẫn chứng một luận văn thạc sỹ hồi năm 2018 của tác giả Pearl Mulkerrins, hiện là giám đốc dự án của tổ chức United Nations Association of Sweden. Luận văn này kết luận rằng tình hình nhân quyền Việt Nam vào thời điểm đó đã rất tồi tệ rồi. Những người bảo vệ nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự đều bị ảnh hưởng bởi các luật và quy định nghiêm ngặt. Người dân bị hạn chế các quyền tự do ngôn luận, quan điểm và biểu đạt, hội họp và lập hội…

Bà Trang cho biết đó là kết quả năm 2018. Từ đó cho cho đến nay, Nhà nước Việt Nam ngày càng có nhiều hành vi vi phạm nhân quyền mạnh tay và trắng trợn hơn:

“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2023, 2024 còn tệ hơn rất nhiều so với năm 2018. Năm 2018 thì chưa có chuyện đàn áp trên diện rộng, chưa có việc nhân viên của các tổ chức phi chính phủ có đăng ký bị bắt.Tình trạng này nó đã bắt đầu xảy ra từ năm 2020, 2021 kéo dài cho đến bây giờ.”

Chính Bộ Công an, mà ông Tô Lâm là người đứng đầu đã đề xuất Luật an ninh mạng được thông qua vào năm 2018. Luật này đã ảnh hưởng lớn, vi phạm gần như tất cả các quyền dân sự – chính trị của người dân Việt Nam. Cũng theo bà Trang, thời ông Tô Lâm, Chính phủ Việt Nam còn bị xếp vào nhóm các quốc gia thực hiện hành vi đàn áp xuyên biên giới:

“Còn chưa kể là từ năm 2017 cho đến năm 2023, có ba người Việt Nam bị bắt cóc tại nước ngoài là Trịnh Xuân Thanh, Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái. Trong đấy có Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái được coi là nhà hoạt động và vừa là nhà báo độc lập.”

Đặc biệt là vụ án Đồng Tâm làm rúng động dư luận cả trong nước và quốc tế. Đêm 9/1/2020, hơn 3000 cảnh sát cơ động và các lực lượng công quyền khác đã nổ súng, tấn công vào thôn Hoành, xã Đông Tâm, giết chết cụ Kình và 29 người thân của vụ bị bắt.

Ông Nguyễn Đình Thắng cho biết ông Tô Lâm đã tham gia vào các vụ đàn áp nhân quyền diện rộng và đẫm máu từ khi còn làm thứ trưởng Bộ Công an. Nổi cộm nhất là vụ ông Tô Lâm chỉ đạo đàn áp 7000 người H’Mông ở Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vào năm 2011:

“Ông Tô Lâm không phải là khi lên làm Bộ trưởng Công an thì mới lộ ra những cái chuyện đàn áp, nhân quyền hết sức là thô bạo.

Chính ông ta là người điều động cả cái lực lượng công an để mà đàn áp 7.000 người H’Mông, có người già, phụ nữ mang thai trẻ em… Họ tập trung lại để cầu nguyện một cách hết sức ôn hòa. Họ (công an – PV) dùng đạn thật, họ đánh đập rồi họ dùng chất hóa học…”

Ông Ben Swanton, giám đốc tổ chức Dự án 88, từng phát biểu với AP rằng: “Với việc Tô Lâm lên làm chủ tịch nước, Việt Nam giờ đây trở thành một quốc gia công an theo đúng nghĩa đen”; Đồng thời cho biết thêm rằng Bộ Chính trị cầm quyền của Việt Nam hiện do các quan chức an ninh hiện tại và trước đây thống trị. Ông Ben cho biết ông nghĩ rằng sự đàn áp và kiểm duyệt sẽ còn tăng cường hơn nữa trong tương lai.

Nguồn: Hải Ngoại Phiếm Đàm