2 Tháng Mười Hai, 2024

HỮU LOAN và “Màu Tím Hoa Sim” – Uyên Hạnh

Màu hoa tím, tình yêu của ông và người vợ trẻ, là hình ảnh quê hương Việt Nam với những ngọn đồi hoa sim và khói lửa chiến chinh.

Thơ Hữu Loan không chỉ là những vần thơ tình bất hủ lại còn mang tính lịch sử và giáo huấn. Chúng ta đã học hỏi ở Nhà thơ Hữu Loan rất nhiều. Ông sáng suốt trong tình yêu nước của mình, đã sống một cuôc sống có tình người và trách nhiệm, không vì lợi ích cá nhân vì đồng tiền vì danh vọng mà mất đi chính nghĩa.

                                                                NHÀ THƠ HỮU LOAN 02/04/1914 – 18/03/2010

HỮU LOAN MÀU TÍM HOA SIM 
UYÊN HẠNH

MỘT MỐI TÌNH
Nhà Thơ HỮU LOAN tác giả bài thơ nổi tiếng ”Màu Tím Hoa Sim” từ giã cuộc đời đã gây nhiều luyến tiếc trong lòng những người yêu thơ ông và ái mộ một nhà thơ có tài. Ông đã để lại trong tim chúng ta hình ảnh những đọan đời một nhà thơ chính trực với tình yêu tổ quốc bền chặt và một màu hoa sim tím của tình yêu lãng mạn thời tuổi trẻ không phai tàn. Màu hoa tím, tình yêu của ông và người vợ trẻ, là hình ảnh quê hương Việt Nam với những ngọn đồi hoa sim và khói lửa chiến chinh.
Người vợ trẻ Lê Đỗ thị Ninh qua đời năm 1948, bị con nước lớn của dòng sông Chuồn ở Thị Long, Nông Cống cuốn trôi. Sáu chục năm sau cái chết của người vợ trẻ nhà thơ Hữu Loan vẫn ôm trong tim hình ảnh người vợ dấu yêu: ”Con nước lớn đã cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi nỗi đau không gì bù đắp nổi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi”.

                                                                 Bức họa chân dung nhà thơ HỮU LOAN
Được biết trên giấy tờ ghi ngày sinh là 2/4.1916 nhưng theo tuổi thật thì ông sinh năm 1914. Ông mất ngày 18/3.2010, chỉ 14 ngày trước khi ông đầy 95 tuổi. Ông đã từng nói ”95 tuổi mà mất là đẹp lắm rồi”. Vừng trán cao,
sóng mũi dọc dừa, đôi môi cân đối tạo cho ông một gương mặt điển trai. Ở tuổi gần 95 ông vẫn quắc thước với đôi
mắt sáng. Nếu được bình chọn chắc hẳn ông phải được đưa vào danh sách nam nhân đẹp lão của thế kỷ nầy.
Một người của thế giới văn bút như ông đã phải trải qua bao cơ cực nhọc nhằn của cụộc sống lao động vẫn cho
người đối diện một nụ cười ấm áp. Ông có nụ cười không chỉ nở trên môi mà còn nở sáng trong ánh mắt và thể hiện cả trên phong cách của ông. Điều nầy chứng tỏ dù trải qua nhiều khốn khó khổ đau trong đời, lòng ông thực sự đã có tình yêu có hạnh phúc.

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ
Nhà thơ Hữu Loan qua đời ngày 18/3.2010 tại sinh quán ở Nga Sơn Thanh Hóa. Tên ông là Nguyễn Hữu Loan. Tìm đọc về ông, chúng ta sẽ đọc qua phần nghề nghiệp của ông là nhà thơ, làm ruộng, đánh cá, thồ đá. Đôi bàn tay ông một thời đã từng cầm bút viết những dòng thơ bất hủ, về sau lại phải vất vả cày bừa, bắt cá, đục và đập đá để kiếm tiền mưu sinh nuôi vợ nuôi con. Theo lời kể của ông, thì “Tôi đã trải đủ nghề kiếm sống từ nghề đi xe thồ, xe cút kít, vác đá, mò cua, bắt ốc, không thể từ nan việc gì…”
Không phải vì viết văn làm thơ không đủ sống phải làm nghề đập đá kiếm tiền, mà theo phát biểu của chính ông là vì “không thể hòa mình chung sống với cái sai, cái xấu”. Ông đã không chấp nhận việc bẻ cong ngòi bút của mình viết những điều sai trái. Viết những mỹ ngữ mơ hồ, ngụy tạo dữ kiện, bịt mắt và đóng kín tất cả sự thật để những thế hệ của ông của con và cháu không nhận chân được mình bị lầm, sẽ sống mù lòa trong cuộc đời mình, đặt sức  mạnh và tình yêu tổ quốc của chúng ta vào việc ủng hộ một thế lực coi thường mạng sống người dân, thay vì bảo vệ dân lo cho dân một cuộc sống no ấm.


                                                   Bàn thờ cúng nhà thơ Hữu Loan – Photo courtesy Saigon

Ông đã khí khái chọn cho mình một cuộc sống ”tự do” trong thể chế cộng sản không dân chủ. Đó là cái ”tự do” phủ nhận sự kiện dùng sở học của mình qua tài viết văn làm thơ để viết lời giả dối ca tụng một chế độ giả dối, lôi kéo nhiều tầng lớp thanh niên đi vào con đường phụng sự cho một chế độ mị dân, mà thực tế là một thể chế đã không ngần ngại chôn vùi tinh hoa dân tộc giữa bốn bức tường đá, hoặc trong cuộc sống đầy đày ải gian nan trên những thửa ruộng cằn cổi của các vùng núi đồi đầy chướng khí. Thay vì giúp dân tự do phát triển tài năng và khả năng của họ để cùng chung xây dựng và bồi đắp một đất nước Việt Nam thịnh vượng hòa bình trong bình đẳng và tình nhân lọai.

Hữu Loan là một người có sở học cao và có tài, chỉ vì không chấp nhận cái sai cái xấu của một chế độ, ông cương quyết không hợp tác và cam tâm sống đời nghèo khổ khốn khó. Về sở học ông đã có tú tài Tây năm 1938 tại Hà Nội. Sau khi có được bằng tú tài, ông được mời vào làm trong Sở Dây thép Hà Nội, nhưng ông từ chối và đi dạy học. Về ngành văn bút ông đã từng cộng tác với các tập san văn học xuất bản tại Hà Nội. Về tình yêu tổ quốc nghĩa vụ dân sự ông tham gia Mặt trận Bình Dân, rồi Mặt trận Việt Minh tại thị xã Thanh Hóa, và năm 1943, ông gây dựng phong trào Việt Minh ở quê nhà. Khi cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, ông làm Phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn, rồi ông được cử làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính.Trong kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan tình nguyện đi bộ đội, phục vụ trong sư đoàn 304 và làm chính trị viên tiểu đoàn và là chủ bút tờ Chiến Sĩ của sư đoàn 304. Đầu năm 1955 sau khi rời quân đội ông về Hà Nội làm việc tại báo Văn Nghệ, ông tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm (1956-1957) do nhà văn Phan Khôi chủ trương và một số
văn nghệ sĩ và trí thức Việt Nam khởi xướng tranh đấu cho tự do dân chủ. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị nhà cầm quyền Hà Nội chính thức dập tắt vào tháng 6 năm 1958, lúc mãn tù ra ông bỏ Hà Nội về sống tại quê nhà ở Nga Lĩnh Nga Sơn Thanh Hóa vào núi ngày ngày đục đá sống đời lao động lam lủ. Theo lời Bà Phạm thị Nhu vợ ông thì hồi đó họ nghèo đến độ ông chỉ ”ăn toàn cháo khoai mà phải đẩy từng xe đá to đi khắp làng để bán, và cứ mỗi vài chục bước lại hoa mắt, dừng nghỉ một lúc mới đẩy tiếp được”.

NHÀ THƠ BẤT KHUẤT
Nhà thơ Hữu Loan là người khí khái bất khuất không hề cúi đầu trước bất cứ sức mạnh nào trong cuộc sống, ông mang cái hiên ngang của một kẻ sĩ chân chính. Thời gian Hữu Loan tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, ông đã sáng tác những tác phẩm lên án chỉ trích hành động và việc làm tham nhũng hại nước hại dân của cán bộ quan chức. Sau khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt vào năm 1958, nhà thơ Hữu Loan bị cải tạo vài năm và rồi bị giam lỏng tại địa phương mấy chục năm không được quyền cầm bút. Ông kiên cường chịu đựng sự nghèo khó mà không hề cúi đầu
trước thế lực của kẻ khác.
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Hai câu thơ của Phùng Quán viết năm 1957 cho thấy khí khái của những nhân vật trong Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Hữu Loan bằng những tháng ngày cơ khổ đục đá mưu sinh đã khắc sâu lời thơ cùng hình ảnh thân phận người dân Việt bất hạnh qua phong trào Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm trong lòng chúng ta. Bằng quyết tâm và chí khí, ông và những văn nghệ sĩ cùng thời đã nuôi dưỡng niềm tin và quyết tâm họat động cho một Việt Nam an bình.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật

CÂU CHUYỆN ĐAU XÉ LÒNG
Người bạn đời đã cùng ông chia sẻ nhiều khổ cực đắng cay là người vợ thứ hai. Ông kể: ”Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954 -1955”.
Cuộc Cải Cách Ruộng Đất được tuyên truyền là ”chính” sách giảm tô cải cách để có ruộng cho người nông dân cầy. Mục đích là ”đánh đổ địa chủ, cải tạo tư sản, tư bản”.
Theo lời của nhiều nhân chứng còn sống kể lại thì thời đó, chánh án là một đội viên trong đội cải cách là cán bộ của nhà nước, biện lý hay công tố là một bần nông đã từng làm gia nhân trong nhà của bị cáo, biết rõ lý lịch khổ chủ, đứng ra chửi rủa kêu tội trạng, là kịch bản do đội cải cách biên sọan và đồng diễn trước cái gọi là ”Tòa án nhân dân”, một phiên xử nhóm giữa 2 mô đất trong làng.
Nhiều nạn nhân bị tra tấn từ bỏ đói, bỏ khát, sỉ nhục, mắng chửi, hành hạ, thậm chí đào một cái hố bắt nạn nhân nằm xuống rồi tiểu và đại tiện lên người nạn nhân, giựt tóc, đánh đập, dìm nước rồi kéo lên cho tỉnh lại, dùng tre nhọn đâm xuyên thủng tay chân, thân thể. Nhiều người không chịu được sự tra tấn đã chết hoặc tự tử. Xác nạn nhân bị buộc phải để phơi nắng, phơi mưa giữa các cánh đồng sình thối không cho gia đình đem chôn.
Một thời kỳ hỗn lọan, không còn đạo làm người, con đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng, lãnh đạo khát máu thẳng tay bắn giết dân. Cuộc Cải Cánh Ruộng Đất thực sự là một hình thức hợp pháp hóa hành động cướp đất giết dân. Giới lãnh đạo Việt Minh theo đường lối cải cách của Trung Cộng trên lý thuyết tịch thu đất nhà ruộng vườn của các thành phần bị gán cho cái tên “Thực dân Pháp”, “Việt gian”, “địa chủ phản động”, “phú hộ ác ôn”, chia cho dân cày có đất. Thực tế sau đó các nông dân phải đưa đất ruộng ”mới tậu được” của họ vào chương trình hợp tác xã, và nhà nước quản lý toàn bộ đất đai. Nông dân sau đó vẫn trắng tay và nhà nước thâu hái ”thắng lợi” đáp ứng nhu cầu có lương thực nuôi quân.

Theo sách Lịch sử Kinh tế Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 2004 cho biết cuộc Cải Cách Ruộng Đất đợt 5, thời gian 1955-1956 được thực hiện ở 3.563 xã với khoảng 10 triệu dân, và tổng số người bị sát hại trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất đợt nầy lên đến 172.008 người.
Thời Hữu Loan còn là Trưởng ban Tuyên Huấn của sư đoàn 304, do tướng Nguyễn Sơn phụ trách, biết quân đội đói khổ chỉ ăn toàn khoai sắn, không có gạo ăn nên ông địa chủ bố của cô Phạm Thị Nhu giầu có lại từ tâm, hằng tháng đem gạo nuôi quân, và được tướng Nguyễn Sơn đều đặn vinh danh và ban thưởng huân chương cho ông. Năm 1953, hai ông bà bị đấu tố và bị giết chết. Nhà thơ Hữu Loan biết tin đi qua làng ấy ghé tìm, gặp cô Nhu đi mót sắn mót khoai ở ngoài đồng mà ăn sống, quần áo lại rách rưới bẩn thỉu, lang thang ngủ ở đường ở đình làng. Ông thương hại đem về nhà
nuôi, và sau đó cưới cô làm vợ. Dù rằng thời đó có lệnh cấm giúp đỡ hoặc lấy con địa chủ đã bị giết trong cuộc đấu tố của phong trào Cải Cách Ruộng Đất.
Hữu Loan cưới cô Phạm Thị Nhu 17 tuổi vào năm 1954, thời gian khi ông còn làm ở báo Văn Nghệ, và sau đó bị ngồi tù vì ngòi bút kiên cường dám nói lên sự thực xấu xa của giới lãnh đạo. Sau khi ở tù về, ông rời Hà Nội về quê ngày ngày đục và bán đá kiếm sống nuôi vợ và con. Cuộc hôn nhân của ông với cô Phạm thị Nhu đã cho ông 10 người con và hơn 30 người cháu.

MÀU TÍM HOA SIM
Những cánh hoa tím trong thơ Hữu Loan phối hợp sắc màu của hiện thực và dĩ vãng. Dĩ vãng của những trải nghiệm sống làm căn bản cho một cái thấy rõ ràng vào hiện thực. Bài thơ ”Màu Tím Hoa Sim” mang nét đẹp thiên nhiên của quê hương là bối cảnh tạo nên tình yêu lãng mạn, là tuổi thanh niên đầy sức sống và chân tình với tổ quốc đang trong thời chiến chinh. Bài thơ mang tâm sự và tâm trạng của mọi hoàn cảnh trong những gia đình Việt Nam, vì thế bài thơ được yêu chuộng khi tất cả chúng ta đều có thể soi mình trong đó. Bài thơ mang nỗi đau lẫn những ước mơ và mong đợi. Qua
bài thơ chúng ta còn biết được rằng ngòai nhiệt huyết qua sự tranh đấu chống ngọai xâm của người tuổi trẻ, còn nói lên được tinh thần vượt thoát trong sự học đem lại cho người tuổi trẻ một địa vị trong lòng người khác. Chúng ta chạm được cái đẹp của Nhân đạo và Từ ái từ người dân, cũng như đối mặt với sự tàn độc bất nhân của hàng ngũ lãnh đạo chỉ biết mưu lợi cho cá nhân.
Bài thơ ”Màu Tím Hoa Sim” mang nét đẹp đồi núi quê hương, mang cuộc tình thơ mộng của tuổi mới lớn, mang sự tròn đầy của một ước mơ, mang tinh thần phóng khóang của một tầng lớp cha mẹ có cái nhìn sáng suốt biết nhận chân tình yêu và hạnh phúc của con mình. Ông bà Lê Đỗ Kỳ đã làm đẹp vai trò cha mẹ yêu thương con đúng nghĩa. Họ là những người hiểu rõ thế nào là ý nghĩa và hành động đáp ứng được nghĩa của bốn từ ”môn đăng hộ đối”. Đó không là một cân lường của sự giàu có trên tiền bạc, mà là sự tương quan tương tức giữa hai gia đình sống trong căn bản nhân, nghĩa, lễ,
trí, tín. Một gia đình giàu có nhờ đồng tiền tham nhũng hoặc làm giàu bằng máu và mồ hôi nước mắt người khác không thể gọi là môn đăng hộ đối với một gia đình giàu có nhờ sức lực và có cuộc sống đầy nhân cách.
Ngàn hoa sim mang hình ảnh đồi núi Việt Nam trùng trùng hoa tím đi vào cuộc đời chúng ta qua con đường văn học, đến với ta bằng một tình yêu mà ai trong chúng ta cũng mơ, còn là hình ảnh một cuộc sống nghèo khổ lao lực mà ông và những nhà đấu tranh cho Việt Nam tự do dân chủ, vì không khuất phục, vì lý tưởng đã cùng sát cánh trong Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đã bị Tố Hữu ”chém” thẳng tay, ghép tội và bị tù đày, đi cải tạo tư tưởng. Những nhà văn nhà thơ nhà báo yêu Việt Nam tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ, đã bị cho gát bút quay về sống đời lao lực nhể nhại mồ
hôi hốc hác xanh xao và nghèo khó, hoặc bị giam mình trong tăm tối đọa đày chốn ngục tù của khốn khó và bệnh tật phát sinh. Những người tù lương tâm nầy, những tài hoa đất nước từ đó đã hết đường phát huy. Những sĩ khí những bất khuất những kiên cường bị dập tắt tiếng nói. Những lời hô hào của thế hệ Hữu Loan động viên và giáo huấn các thế hệ trẻ tiếp nối một đời sống đầy nghị lực dựng xây gia đình xã hội và đất nước Việt bị dập tắt, thay vào đó nhà cầm quyền du thế hệ trẻ vào một nỗi sợ hãi của viễn ảnh ”đấu tranh và ngục tù” bằng những tuyên truyền rả rích đầy khủng bố và hăm dọa.
Đạo đức, trung trực, thủy chung và khí khái theo con đường văn học dẫn dắt chúng ta hướng về một cuộc sống chân thiện mỹ. Những người làm văn hóa đúng nghĩa là những người mang vị thế giáo huấn đưa các thế hệ con cháu hướng đến những cuộc sống lành mạnh, hun đúc được những cá thể với ý hướng sống để xây dựng một xã hội đẹp, thay vì những lối sống chật hẹp đóng khung trong sự sợ hãi hoặc đồi trụy đáng thương, đưa thế hệ trẻ đi vào ngõ cụt. Khi những cái đẹp của cuộc đời trong một tầm nhìn rộng lớn không hiện hữu, chỉ còn những mê dục tiểu tiết, những thỏa mãn tầm thường, không làm phát huy được giá trị của một con người, xã hội sẽ đi vào những mê lầm lôi kéo theo giới trẻ đi vào con đường đồi trụy. Khi đạo đức luân thường nhường chỗ cho những tham vọng đáng sợ của cá nhân giới lãnh đạo sẽ làm hủy họai và tổn thương đời sống các tầng lớp trẻ.

BÀI THƠ TÌNH HAY NHẤT THẾ KỶ
Màu Tím Hoa Sim được xem là bài thơ tình hay nhất thế kỷ 20. Bài thơ đã được các nhạc sĩ Anh Bằng, Dzũng Chinh và Phạm Duy phổ thành những nhạc bản nổi tiếng. Bài ÁO ANH SỨT CHỈ ĐƯỜNG TÀ của Phạm Duy đã được tiếng hát Thái Thanh chuyển đi trọn vẹn nỗi đau của người lính trẻ mất vợ và hùng khí của tinh thần chống ngọai xâm trong thơ Hữu Loan thành nỗi đau dân tộc. Và bài NHỮNG ĐỒI HOA SIM của Dzũng Chinh đã cho ca sĩ Phương Dung một thành công rực rỡ một chỗ đứng vững vàng trong giới ái mộ. Được biết nhạc sĩ Dzũng Chinh, người phổ nhạc thơ Hữu
Loan, là người Nha Trang và là sĩ quan Tâm Lý Chiến phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Dzũng Chinh mất tại chiến trường miền Nam năm 1969. Khi những người lính dưới quyền của Dzũng Chinh đem về trao lại cho mẹ anh chiếc đàn guitar của anh, bà đã khóc ngất. Những người mẹ của hai miền Nam Bắc nước Việt có cùng nỗi đau xé lòng khi mất con từ những cuộc chiến tàn độc vô nghĩa.
Nhà thơ Hữu Loan còn là tác giả những bài thơ nổi tiếng trong thời kháng chiến chống Pháp. Thơ ông có khoảng 40 bài, gồm có Đèo Cả, Yên Mô, Hoa Lúa, Những làng đi qua, Tình Thủ đô và tập Thơ Hữu Loan. ”Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mến chuộng sau năm 1956, khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm!” (trích lời tự thuật của nhà thơ Hữu Loan).

BÀI THƠ TÌNH BẤT HỦ
Màu tím hoa sim
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…
(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)
Tháng 10 năm 2004 bài thơ Màu Tím Hoa Sim được Công ty điện tử Vitek VTB, một doanh nghiệp trong nước mua bản quyền với giá 100 triệu đồng là giá cao nhất từ trước đến nay. Theo phát biểu của Công ty Vitek VTB thì ”Việc tham gia các sự kiện văn hóa – thể thao là mục đích phát triển thương hiệu. Đây cũng là một hình thức bảo vệ sản phẩm văn hóa. Cụ thể, chúng tôi sẽ lưu giữ và phổ biến bản chuẩn nhất để tránh tình trạng có rất nhiều dị bản của cùng một tác phẩm có thể sẽ khiến tác phẩm bị mai một, để bày tỏ sự trân trọng, biết ơn của mình đối với những tác phẩm nghệ thuật”. (trích lời phát biểu của giám đốc Công ty Vitek VTB).

BÀI THƠ TÌNH HAY NHẤT THẾ KỶ 20
Bài thơ viết tay dưới đây là di bút của nhà thơ Hữu Loan và hình vẽ ”Nhìn Hữu Loan” là tấm hình họa sĩ Đỗ Quang Em đã phác họa bằng bút chì chân dung của nhà thơ Hữu Loan năm 1988, trong lần gặp gỡ với nhà thơ Hữu Loan tại Sài Gòn. Và trong buổi gặp gỡ với những văn nhân nghệ sĩ hôm đó, nhà thơ Hữu Loan đã trao cho Dr. Nguyễn Đức Hiệp – chủ nhiệm báo Đất Nước ở Úc, bài thơ đã được chính Hữu Loan chép tay ngay ngày hôm đó để gửi tặng kiều bào ở Úc.


Màu Tím Hoa Sim viết từ những cảm xúc đớn đau mãnh liệt sau một biến cố sâu sắc xảy ra trong đời thi sĩ Hữu Loan. Thời kháng chiến, ông kết hôn với người vợ trẻ xinh đẹp nổi tiếng ở Thanh Hóa.
Nàng là con gái ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra nông lâm ở Sài Gòn. Cô Lê Đỗ Thị Ninh vốn là học trò cũ được Hữu Loan kèm dạy học tại tư gia. Cưới nhau trong kỳ nghỉ phép và sau hai tuần chung sống Hữu Loan phải trở về đơn vị. Ba tháng sau, ông nhận được tin vợ mất, lúc ấy cô chỉ mới 16 tuổi. Bài thơ Màu Tím Hoa Sim ra đời hơn nửa thế kỷ trước và đã được yêu chuộng từ đó đến giờ, từ Nam ra Bắc. Cuộc đời tranh đấu chống ngọai xâm và chống một quyền lực sai xấu tại Việt Nam của nhà thơ Hữu Loan cũng được nói đến. Những cánh hoa sim tím của đồi núi quê hương trong thơ Hữu Loan không chỉ nói về một cuộc tình đẹp một sự chia ly nảo lòng còn mang theo hình ảnh tang thương của một cuộc chiến vô nghĩa tại Việt Nam và sự tàn ác của con người thì không bút mực nào tả xiết.

Những tài hoa của đất nước Việt Nam dần dần mai một, thầm lặng biến mất trong nghèo khó bệnh tật. Khi đất nước chỉ còn tham lam sân hận thống trị, đất nước sẽ đi thụt lùi. Thay vì vương lên để đứng vững trên đôi bàn chân của chính mình, Việt Nam lại đi dần đến hoạ diệt vong, đất nước có thể sẽ bị đặt dưới sự áp chế của một cường quyền khác, mà chúng ta đang dần dần cảm nhận được, đó là bá quyền Trung Quốc. Đọan đời của thế hệ Thi sĩ Hữu Loan là chặng đường nào, và đọan đường đời của thế hệ chúng ta sống qua nằm trong chặng đường nào của kế họach và mưu đồ là con đường xâm lặng do Mao Trạch Đông đề ra. Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Về lý luận, đảng Lao động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin, lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam. Tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Thơ Hữu Loan không chỉ là những vần thơ tình bất hủ lại còn mang tính lịch sử và giáo huấn. Chúng ta đã học hỏi ở Nhà thơ Hữu Loan rất nhiều. Ông sáng suốt trong tình yêu nước của mình, đã sống một cuôc sống có tình người và trách nhiệm, không vì lợi ích cá nhân vì đồng tiền vì danh vọng mà mất đi chính nghĩa. Một tài năng như ông không phát huy được trong tinh thần dân chủ tự do của thế giới văn bút để trực tiếp giúp đất nước, ông đã khí khái chấp nhận đời sống lao động nghèo khó nhưng thanh bạch. Không hổ thẹn với đời với gia đình và xã hội khi từ khước công việc bồi bút mà
nghĩa khí của một người dân yêu nước và sự giáo huấn ông huân tập được đã không cho phép ông làm. Không cúi đầu cong lưng như một số nhà thơ cùng thời là Tố Hữu, Xuân Diệu…
Ông ra đi trong sự thương kính của nhân dân Việt. Cuộc đời thanh bạch của ông là bài học là tấm gương đáng noi theo. Hữu Loan là thi sĩ tài ba đáng kính của Việt Nam. Hình ảnh của ông sẽ đẹp mãi trong màu hoa sim tím mang mối tình ông trong lòng người ái mộ và kính mến ông. Là một thi nhân, ông có được sự tôn trọng to lớn của đồng bào từ Bắc ra Nam, trong nước và tại hải ngọai, mà một số lớn những lãnh đạo giàu có những tên tuổi lớn của Việt Nam không bao giờ có được.
Gian nguy
Lòng không nhạt
Căm thù trăm năm xa
Máu nghiêng sôi dào dạt (Đèo Cả – Thơ Hữu Loan)
Thơ Hữu Loan được yêu chuộng và tinh thần yêu nước trọng sự thật của ông thể hiện rõ trong việc không hợp tác với một thể chế sai xấu. Những hình ảnh trong thơ Hữu Loan chính là sức mạnh tạo khí khái và niềm tin cho những thế hệ trẻ để thấy được con đường một người đã sống không thẹn với công ơn cha mẹ, với gia đình với tổ quốc, chết không nuối tiếc hối hận, và khi ra đi để lại tiếng thơm của một người đã từng sống đúng danh phận con dân nước Việt.

UYÊN HẠNH
Tháng 4/2010