13 Tháng Mười Hai, 2024

PHẠM CÔNG THIỆN – Sống Chết Với Điêu Tàn Vờ Vĩnh (Uyên Hạnh)

Phạm Công Thiện viết: “… tất cả đời sống văn xuôi tẻ nhạt, những công thức, những danh vọng, những khuôn mòn lối cũ, những địa vị xã hội, những mẫu mực khuôn xếp đã thụt lùi ra đằng sau, chỉ còn lại nước chảy của dòng sông và mây chiều của đại dương.

PHẠM CÔNG THIỆN – SỐNG CHẾT VỚI ĐIÊU TÀN VỜ VĨNH
UYÊN HẠNH 
“Buồn sát na phiếu diễu
Gíó mùa xưa nổi đóa sen hồng” (Thơ Phạm Công Thiện)

Phạm Công Thiện từ trần ngày 8 tháng 3 năm 2011, hưởng thọ 70 tuổi. Ông ra đi thân tâm nhẹ nhàng bước chân an lạc. Ông nhắm mắt từ giả cuộc đời trong hương thơm tỉnh thức của ”Giải thoát tri kiến hương” . Ông đã từng nhiều lần xác nhận trong thơ văn của mình “Trên các đỉnh cao là im lặng”, ông đã ngộ nhập! Chỉ người ở lại mới bàng hoàng mất mát, mang tâm trạng đầy hệ lụy trần tục “buồn sát na phiếu diễu” mà ông đã từng nói về bạn của mình trong thơ. Xin đốt nén nhang kính tiễn đưa người.

PHẠM CÔNG THIỆN (1/6/1941- 8/3/2011)

Phạm Công Thiện đã viết: “Từ 30 tuổi trở đi cho đến 40 tuổi thì tôi sẽ không là tôi nữa. Đó là điều bí mật chỉ có tôi mới biết rõ vì sao tôi sẽ không là tôi nữa. …Từ 70 tuổi cho đến 80 tuổi thì núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới”.

Bí mật mà ông nói đến chắc hẳn là sự quay về, trở về với bản lai diện mục: Đi từ giả ngộ đến thực chứng, và bản chất của thực chứng không thể diễn đạt được bằng ngôn từ. Ông mất năm ông gần 70 tuổi. Từ 70 tuổi cho đến 80 tuổi thì núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới”. Vũ trụ sẽ sụp đổ khi người ta chết đi. Sự sụp đổ của vũ trụ là ngôn từ nói về sự sụp đổ hoàn toàn cái thế giới vật chất của một người. Thế giới loài người chúng ta đang sống có chừng bảy tỉ vũ trụ. Một vũ trụ sụp đổ không làm trên bảy tỉ vũ trụ kia tan vỡ. Từ cái nhìn ngộ nhập của ông, ông đã viết về vũ trụ của mình.

Hy Mã Lạp Sơn là ví von, là lời giải thích cho một sự vĩ đại to lớn đối với nhận thức thông thường của con người. Ông đã không thể dùng ngôn ngữ nào khác ngôn ngữ của chúng ta để nói về những gì chồng chất kiên cố như núi đá trong tư tưởng và hành động của con người. Hy mã lạp sơn là hình tướng của sự kiên trì vững chắc trong tư tưởng giàu hình ảnh đan kết bằng hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục làm nên “Cái Tôi” vĩ đại của chúng ta. Qua cái nhìn vật lý sự sụp đổ vỡ nát của một dãy núi kiên cố, một dãy núi chiếm một diện tích quá to lớn là một điều không tưởng vì không thể xảy ra ngọai trừ ngày tận thế. Sự huân tập và cái nhìn dị biệt tạo nhiều phân biệt của chúng ta to lớn vĩ đại và kiên cố như dãy Hy mã lạp sơn. Khi óc phân biệt và tư tưởng hình tướng không còn thì một dãy núi hùng vĩ như thế chảy thành đại dương mênh mông xanh ngát. Từ một khối đá cứng khô khan hóa thành một dòng nước uyển chuyển tươi mát là một sự chuyển hóa khó có thể làm được, nhưng vẫn làm được, đó là ý nghĩa trong lời nói của ông.

Đại dương mới nầy, sự tự do không vướng mắc. Sự trong sáng thong dong của dòng nước mênh mông được ông nói đến như một khám phá của con người sau khi đã tự mình đạp đổ được những gì ăn sâu vào tim óc chúng ta. Cá nhân ông đã thấy để làm sụp đổ dãy núi kiên cố trong tâm, cho tư tưởng biến thành dòng nước bao la chảy và chảy không ngừng, khi tiểu ngã nhập vào đại ngã. Đó là sự giả ngộ mà ông nói đến, có phải là nhận thức ông viết về sự tỉnh lặng. Trên tất cả đỉnh cao (của cuồng vọng, tham vọng, danh vọng) là sự im lặng. Phạm Công Thiện đã cho chúng ta một nỗi vui mừng, hiểu được ông đã ngộ và đã rời bỏ thế giới nầy bằng bước chân an lạc.

Đi đâu mà lại lên đường
An Ma ni bát di hồng!
Om mané padmé hum!
Sấm vừa nổ cháy cả thinh không
Gió mùa xưa nổi đoá sen hồng
Hắt hiu em chết bên kè đá
Anh vụt hiện về trên biển đông(Thơ PCT)

”Em” là tôi trong ”Gió mùa Xưa” và ”Anh” là tôi nở rộ trong ”Đóa Sen Hồng”. An Ma ni bát di hồng! Câu chú trong bài chú của Đức Phật dạy, có sức mạnh tạo tỉnh tâm và niềm tin.    

Trong lần Phạm Công Thiện nhập thất ba năm tu thiền, Nguyên Sa đã viết bài thơ gọi là “Nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện”. Bài thơ được kết thúc bằng những câu thơ:

Sáng dậy ta nhìn tục lụy ta
Những đi không tới đến không ngờ
Xóa luôn thì dứt nhưng tâm thức
Kinh Pháp Hoa nào dậy cách xa?
Trong chín ngàn âm có hải triều
Còn thêm một kiếp nữa phiêu lưu
Này người bỏ sóng sang thuyền tĩnh
Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu…”

Kinh Pháp Hoa nào dạy cách xa?” Kinh Pháp Hoa không dạy cách xa, vì Kinh Pháp Hoa phá đổ khoảng cách. Còn đứng chờ nhau thì bờ tỉnh hãy còn cách xa, vẫn còn ở thế giới động, chưa vào “cõi siêu” (thoát). Thế giới tỉnh là Trung Đạo, là Con Đường nằm giữa các trạng thái của giả – thật, có – không, phải – trái, tĩnh – động (tĩnh dấu ngã). Trung Đạo là Đại Viên Cảnh Trí là Tiểu Ngã đã nhập vào Đại Ngã.  Không còn trí phân biệt là tỉnh thức là chân lý. Tỉnh trong thơ của Phạm Công Thiện là Chân Lý là cái hồn nhiên mà ông đã từng nói đến rất nhiều. Còn thương còn nhớ còn ngậm ngùi là thế giới động của chúng ta. Cái tình của Nguyên Sa đối với Phạm Công Thiện làm ông viết nên lời thơ trên. Thực chất thì đã qua bên ấy sẽ…không còn chờ nhau!

Trời Paris chiều nay nhân loại ngủ
Em đi đi và nhớ quên anh

(Trích “Anh Sẽ Hiện” – Thơ PCT)

Đã đi rồi có đi không
Thượng phương trùng điệp cỏ hồng thúy hương

(Trích PCT “Thơ sấm kè đá quán tự tại”1985)

Trên con đường đi tìm để nhận chân Cái Tôi, ông sống theo cách người đời gọi là phá đổ, bất cần, hoang phí. Có phải cách sống của ông thời gian đó là sự đi tìm một cái gì ông đã mơ hồ cảm nhận được qua sách vở ông đọc mà thực sự chưa nắm bắt được nên ông “nổi loạn” với cuộc sống với cái bơ vơ  lạc lõng không đáp ứng không thỏa mãn được óc tò mò và sự tìm tòi của ông. Nói về điều nầy ông viết: “Tuổi trẻ không cô đơn gì cả. Tuổi trẻ là nạn nhân của sự cô đơn của người lớn”.

Nỗi bơ vơ sự tìm tòi và những tháng năm qua đi, được đọc thấy trong thơ ông. Đừng nghĩ  rằng đó là một sự phí phạm, vì “Cái Tuổi trẻ” đã nuôi dưỡng một “Người lớn” sai lạc. Đó là những bước đi phải có do những thao thức trăn trở được ông nói về trải nghiệm của đời mình. Hy vọng chúng ta sẽ tư tưởng về những khắc khoải của ông, theo bước chân ông để tìm và gặp được những gì ông đã gặp:

những chiếc cầu tuổi dại
mười sáu năm tôi thức trong đời
mười sáu con kinh đào không bao giờ chảy ngược
đứng ngang cầu pont-neuf
nhìn sông seine tôi thấy cửu long
Paris đuổi mất mây mộng hoang đường
đập vỡ cơn điên trên triền đá sương

Thời gian qua đi không chờ ai. Thời gian không bao giờ trở lại. Hãy thực sự sống cho một tuổi trẻ hồn nhiên. Sống thực sự nghĩa là không sống như đã chết, là không sống say chết mộng.

mười sáu năm tôi thức trong đời. mười sáu con kinh đào không bao giờ chảy ngược”. Cho dù bạn có là người ở tuổi 20, 30, 40, 50, 60 hay 70, 80 đi nữa, bạn vẫn có cơ hội trở về với con người hồn nhiên (tuổi trẻ được ông nói đến)  không vướng mắc của mình, sẽ không phải sống qua những chuổi ngày buồn chán vô vị là “những con đường quen thuộc không mây”, hoặc là những con đường không người những con đường chim chết” được nói đến trong thơ ông:

tôi lái ô tô buýt giữa thành phố new york
mỗi ngày tôi lái ô tô buýt đi trên những con đường không người những con đường chim chết
những con đường của mỗi ngày

mười lăm xu mỗi chuyến
xa hay gần hay mau hay chậm
tôi vẫn lái cuộc đời tôi trên những con đường quen thuộc không mây

Ông cũng không quên nói đến trăn trở và những khắc khoải của một kiếp người:

tay còn ôm giữ tình yêu
tôi về phố động những chiều hư vô
đời đi trên những nấm mồ
đau tim em hát cơ hồ khăn tang
phố chiều tôi bước lang thang
nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh
nửa đêm khói đốt đời anh
yêu em câm lặng khô cành thu đông
lời ca ru cạn dòng sông
trọn đời chạy trốn mống vồng cầu điên

“Người lớn” được ông đề cập đến là sự huân tập và tăng trưởng của những ham muốn vật chất, là những ràng buộc của cảm xúc, tri thức và nhận thức đầy hình tướng và màu sắc. “Tuổi trẻ” là sự hồn nhiên chưa nhiễm độc tố của nhu cầu người lớn. “Người lớn” là những Cái Tôi rối rắm cần gạt bỏ, Cái Tôi chiếm hết không gian và thời gian làm cho chúng ta quay cuồng trong thế động, và làm con người ngộp thở trên đỉnh cao:  tôi đứng trên đồi mây trổ bông… tôi long đong theo bóng chim gầy… tôi đau trong tiếng gà xơ xác… tôi nằm cho rã chiếu cạp điều… tôi mửa máu đen…  tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng… tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người… tôi chết giấc… tôi long đong… tôi yêu… tôi cúi đầu… tôi không nghe…” 

Những cái “TÔI” trong thơ ông là tri thức, sự rung động của cá nhân ông, của một triết gia một nhà thơ lỗi lạc có cảm nhận cùng cái thấy sâu rộng vượt trên cái thường tình của con người. Nó không là Cái Tôi bình thường cần nuôi dưỡng cần đề cao như có người lầm tưởng. Ông nói về “Cái Tôi” nầy để buông bỏ! Mới có thể gặp được cái James Joyce gọi là “epiphany” – sự linh hiện.  Phạm Công Thiện viết rằng “…Tôi có khắc khoải, có xao xuyến trước cuộc đời; đó là tại tôi, tại tôi không mở mắt ra mà nhìn vào lòng mình. Chính mình tự tạo ra bóng ma hãi hùng: chính tôi đã giết đời tôi; đến lúc hấp hối tôi chạy loanh quanh lẩn quẩn để tìm kẻ cứu tôi, nhưng thật sự không có ai có thể cứu tôi được, ngay đến Phật, đến Chúa, đến Mahomet: chỉ có tôi là mới có thể cứu tôi được, chỉ có tôi mới là kẻ thù của tôi, muốn tìm giải thoát, muốn tìm thanh bình cho cõi lòng; chính tôi, phải tự tìm cho tôi; tôi có thể tìm được nếu tôi có đủ đức tin nơi tôi, nếu tôi tự tin”.

Tự đánh lừa mình bằng sự phiêu lưu vô định trong thế giới tư tưởng”

Phạm Công Thiện viết: “… tất cả đời sống văn xuôi tẻ nhạt, những công thức, những danh vọng, những khuôn mòn lối cũ, những địa vị xã hội, những mẫu mực khuôn xếp đã thụt lùi ra đằng sau, chỉ còn lại nước chảy của dòng sông và mây chiều của đại dương: mây ở trên cao trôi dưới dòng nước rong rêu của khe biển nhỏ. Thi nhân từ bỏ tất cả lại đằng sau lưng và bước tới trước băng qua cây cầu gỗ mong manh…”

“Cây cầu gỗ mong manh “ ông nói có phải là móc nối của sự dứt bỏ quá khứ, hiện tại, tương lai để can đảm đặt bước chân trở về con người hồn nhiên. Thế nào là “Con người hồn nhiên”? Hãy nghe ông nói: “Con người hồn nhiên là không có lý tưởng. Chỉ khi nào người ta mất mát thì người ta mới tạo ra lý tưởng để tự đánh lừa mình bằng sự phiêu lưu vô định trong thế giới tư tưởng. Lý tưởng là sản phẩm của lý trí; lý trí là ký ức; ký ức là quá khứ là kinh nghiệm; kinh nghiệm đánh mất hồn nhiên. Lý tưởng (dù lý tưởng nào) đều là nhà tù để nhốt lại sức sống vỡ bờ của tuổi xuân; lý tưởng là ảo tưởng; sống không lý tưởng là sống trọn vẹn, là lao mình vào cuộc đời với trọn sự hồn nhiên bỡ ngỡ của mình. Sống có lý tưởng là sống có quá khứ, lấy quá khứ mà nhìn dòng đời, dòng đời luôn luôn trôi chảy mới lạ từng giây phút; lấy quá khứ nhìn dòng đời là chận đứng dòng đời lại, là bắt dòng đời phải chảy ngược lại chỗ cũ mà nó đã chảy qua từ lâu rồi, như thế là đã giết chết sức sống phong phú”.

Nói về Phạm Công Thiện, Bùi Vĩnh Phúc viết: “Phạm Công Thiện đắm đuối, thiết tha và bùng vỡ”. Quả thật là một nhận xét rất đẹp!

Triết gia Thi sĩ Phạm Công Thiện viết về cảm nhận của mình như sau: “… Tiếng nói của thơ là dòng nước tuôn chảy bất tận, dù lòng sông có cạn khô chăng nữa thì hồn sông vẫn chảy mãi trên cao… Sông đang chảy trên cây và trong cây lá, và sự lắng nghe ở đây đã nhập lưu (sơ ư văn trung / nhập lưu vong sở), không phải chúng ta lắng nghe dòng sông mà chính dòng sông đã chảy vào trong thi nhân, lòng sông khô cạn ở dưới đã nhập vào con sông chảy trên cây; lòng sông khô cạn nửa đầy những chiếc lá thả hồn rào rạt với sông lá trên cao. (Hồ Dzếnh: ”có một nghìn cây rũ rượi buồn / Một nghìn sông rét vạn hoàng hôn. Vũ hoàng Chương “Đáy sông bừng dựng Lầu Thơ? Giấc mơ Hồ Điệp chẳng mơ cũng thành”… “Tại sao phải làm thơ? Tại sao phải lắng nghe một lần như chưa từng biết nghe trọn đời? Tại sao phải nhìn thấy được một lần duy nhất như chưa từng biết thấy bao giờ? Thi nhân đã một lần nhìn thấy, còn chúng ta thì hãy lắng nghe một dòng sông chảy bất tận trong rặng cây xào xạc chiều hôm nay…” 

Sự trôi chảy liên tục của giòng nước là điều được ông nói đến nhiều trong thơ văn. Theo bài viết của Bùi Vĩnh Phúc thì Phạm Công Thiện “điên chữ” và là người có tài dùng chữ tuyệt diệu. Tuy là nhà văn, thi sĩ, và một triết gia uyên bác vượt bực, đã tạo sự ngưỡng mộ và kính phục đối với các triết gia Anh, Pháp, Đức, cho thấy ông giỏi tiếng Pháp, Anh, Đức… vậy mà ông vẫn học hỏi không ngừng. Ngôn từ trong thơ ông kỳ lạ vì nó nằm ngoài khuôn khổ của một giới hạn. Cái giới hạn đóng khung trong một tầm với. Có người đã viết lời bình, rằng “Đọc thơ văn của Phạm Công Thiện nhiều người không hiểu nhưng vẫn thích đọc và vẫn thấy hay do ông dùng chữ lạ lùng và kỳ diệu quá”.

“Trên những đỉnh cao là im lặng…”

Buông thả để thấy cái sáng ngời lộng lẫy là tâm ý trong thơ và văn của ông. James Joyce đã nói về sự kiện nầy là “a sudden spiritual manifestation” (biểu hiện tâm linh bất ngờ). Cái tri thức rực rỡ như ánh sáng cuối con đường hầm dài hun hút tối tăm. Cái thức tỉnh hạnh phúc, sau những nổi loạn của tuổi trẻ bơ vơ cô độc, sau những tháng ngày lăn lộn trong tri, thức, hành của khắc khoải hun hút. Những trăn trở, những đau đớn ẩn tàng trong thơ văn của ông qua tư tưởng cũng như hình ảnh của giòng sông, đám mây, con nắng, con đường, con chim, tiếng động, đêm đen… chao đảo không ngừng theo tâm thức vây bủa con người. Tư tưởng phẫn nộ bạo loạn, khám phá dẫn đến khối im lặng trên tất cả các đỉnh cao, được ông gọi là “BỖNG NHIÊN NHÌN THẤY…” là nối kết mưa gió mùa xưa và đóa sen hồng nở rộ trong hai đầu sống chết của một sự kiện: điêu tàn vờ vĩnh!  Ông đã “Ði hết một đêm hoang vu trên mặt đất” trực diện với hoang vu trong vũ trụ cuộc đời, đã nổi chìm trong thế giới tư tưởng và cuối cùng làm đám mây trắng thong dong giữa bầu trời xanh thẳm trong veo.

Phạm Công Thiện là tên thật của ông. Trước đây ông có bút hiệu là Hoàng Thu Uyên được dùng đến trong thời còn trẻ khi ông dịch thuật nhiều tác phẩm. Ông sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Năm 15 tuổi ông đã nổi tiếng thần đồng về ngôn ngữ, thông thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, và còn biết tiếng Sanscrit (ngôn ngữ viết trong Kinh sách nhà Phật ngày xưa) và tiếng La Tinh. Ông chưa hề thi Tú Tài. Ông đậu bằng Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Sorbonne – Pháp và sau đó là Giáo Sư Triết Học dạy tại Đại Học Toulouse – Pháp. Ông từng là Khoa trưởng hai khoa Phật học và Văn khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh và viết nhiều bài nghiên cứu triết học nổi tiếng, được sự ngưỡng mộ của các giáo sư Triết học nổi danh đương thời. Thời gian dạy tại đại học ở Pháp đã có nhiều sinh viên cao học triết Đông Phưong xin ông nhận làm môn sinh để được hướng dẫn bảo vệ luận án tiến sĩ triết học Ấn độ cổ đại và ông đã hướng dẫn thành công.

Giáo sư Triết học Phạm Công Thiện, Nhà thơ, Nhà Tư tưởng, từ giã cõi thế vào ngày 8 tháng 3 năm 2011 tại Thành Phố Houston, Texas, Hoa Kỳ. Con người uyên bác trong các lãnh vực Văn chương, Triết lý, Phật học đã ra đi. Ông từng là tỳ kheo đi tu giữa thập niên 60 với Pháp tự Thích Nguyên Tánh. Năm 1970 Phạm Công Thiện rời Việt Nam qua Israel rồi Âu châu và qua Mỹ năm 1983. Ông cũng đã từng sống ở Úc một thời gian. “Từ năm 1970 cho đến 1983, tôi đã sống ở Do Thái, rồi ở Ðức quốc và ở lâu dài tại Pháp quốc; đến năm 1983, qua một cơn chuyển động toàn diện của tâm thức viễn ly, tôi đã trở lại Hoa Kỳ, trở lại thành phố Los Angeles sau một thời gian xa vắng gần 20 năm; từ năm 1983 cho đến năm 1994, trên 11 năm nay, lại qua nhiều cơn chuyển động toàn diện liên tục của tâm thức viễn ly, tôi vẫn tiếp tục sống ở thành phố Los Angeles; sau vài chuyến lui về vùng đồi núi im lặng ở Úc châu, tôi vẫn trở lại thành phố Los Angeles như trở về tập sống hồn nhiên tự tại với những cơn động đất thường xuyên của đời mình…”  (Trích từ Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng.)

Phạm Công Thiện được nói đến như một hiện tượng thơ, hiện tượng nghiên cứu triết học, một văn tài hiếm có. Ông đã đi vào những vấn đề gai góc và sâu thẳm của triết học Hiện tượng luận Pháp. Đi vào triết học Đức ông đã gây cho những bậc thầy triết học Đức nhiều ngạc nhiên và kính phục.

Các tác phẩm đã xuất bản của Phạm Công Thiện:

 Tiểu Luận Về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền Tông (1964)

 Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Triết Học (1965)

Ngày Sinh  Của Rắn (1967)

 Trời Tháng Tư (1966)

Im Lặng Hố Thẳm (1967)

Hố Thẳm Của Tư Tưởng (1967)

Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực (1967)

Bay Đi Những cơn Mưa Phùn (1970)

Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất (1988)

Sự Chuyển Động Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo (1994)

Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên (1995)

Làm Thế Nào Để Trở Thành  Một Bậc Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương Trời (1998)

Tinh Tuý Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo (1998)

Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Im Lặng

Một  Đêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử

Khai Ngôn Cho Một Câu Hỏi Dễ Hiểu: Triết Học Là Gì ?

Đối Mặt Với 1000 Năm Cô Đơn của Nietzche

Kết thúc bài viết, xin trích câu ông nói về Tập Thơ “Ngày Sanh Của Rắn” của ông: “Trong 22 năm trời (với mấy trăm ngàn triệu người đã chết im lặng trên mặt đất) mà chỉ cho xuất hiện có một tập thơ mong manh với 12 bài thơ thực ngắn, như thế thì cũng đã nói quá nhiều đối với một người đang còn sống sót trong đôi phút phù du nữa và đang học hoài học mãi sự im lặng nào đó trên cao?”

Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời  (Thơ Phạm Công Thiện)

UYÊN HẠNH