7 Tháng Mười Một, 2024

Tình trạng Bạo Hành Tình Dục trong cuộc xung đột tại Sudan

Bạo hành tình dục trong xung đột giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Tốc chiến (RSF – Rapid Support Forces) không chỉ là tội ác tức thời mà còn để lại những hậu quả lâu dài cho nạn nhân và xã hội. Phụ nữ và trẻ em bị cưỡng hiếp thường phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tinh thần, thể chất, cũng như bị xã hội kỳ thị và bỏ rơi.

Bạo hành tình dục đã trở thành một sự kiện có tầm quan trọng rất lớn, đáng lo ngại trong cuộc xung đột giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Tốc chiến (RSF – Rapid Support Forces), diễn ra từ tháng 4 năm 2023. Cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai phe này không chỉ gây ra thương vong và tàn phá nghiêm trọng mà còn kéo theo sự gia tăng về các hành vi về bạo hành tình dục, nhằm mục đích khủng bố và đàn áp dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Việc sử dụng bạo lực về vấn đề cưỡng bức tình dục trong cuộc xung đột này không chỉ phản ảnh sự tàn bạo của chiến tranh mà còn cho thấy cách thức mà các bên tham chiến lợi dụng nỗi đau của những người yếu thế như một công cụ chiến tranh.
Một trong những trường hợp được báo cáo rộng rãi là các hành vi về bạo lực tình dục ở thủ đô Khartoum và khu vực Darfur, nơi các nạn nhân, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đã bị các thành viên RSF cưỡng bức tình dục. RSF, có nguồn gốc từ lực lượng Janjaweed khét tiếng độc ác trong cuộc diệt chủng tại Darfur, tiếp tục hành xử với sự tàn bạo tương tự
trong cuộc chiến hiện tại. Báo cáo từ các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế và Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) cho thấy phụ nữ đã bị bắt cóc và bị cưỡng hiếp tập thể, đồng thời bị tra tấn bởi các binh lính trong lực lượng RSF tại các khu vực bị chiếm đóng.

Một trường hợp đặc biệt nổi bật là tại Khartoum, nơi nhiều phụ nữ đã bị RSF giam giữ và tấn công tình dục, nhằm đe dọa cộng đồng dân cư và buộc họ phải hàng phục.
Tại khu vực Darfur, bạo lực tình dục càng gia tăng khi cuộc xung đột kéo dài. Phụ nữ trong các trại tỵ nạn và khu vực chiến sự bị các nhóm võ trang tấn công khi họ đi ra ngoài kiếm lương thực và nước uống. Họ không chỉ phải đối mặt với nguy cơ bị giết hại mà còn bị cưỡng hiếp như một hình thức tra tấn và làm nhục. Một số báo cáo cho thấy rằng RSF đã
sử dụng bạo lực tình dục có hệ thống để phá vỡ cấu trúc xã hội và đẩy các nhóm dân tộc thiểu số vào cảnh khốn cùng.
Ngoài RSF, các thành viên của quân đội Sudan cũng bị cáo buộc tham gia vào các hành vi bạo hành tình dục. Tuy không có bằng chứng cụ thể cho thấy quân đội Sudan đã thực hiện những hành vi tấn công tình dục có hệ thống như RSF, nhưng vẫn có những báo cáo về việc binh lính tham gia vào các cuộc tấn công đơn lẻ nhằm vào phụ nữ trong các khu vực họ chiếm đóng.

Bạo hành tình dục như vũ khí chiến tranh
Cả quân đội Sudan và RSF đều bị cáo buộc sử dụng vấn đề bạo hành tình dục như một vũ khí chiến tranh. Điều này không chỉ nhằm vào phụ nữ mà còn vào cả các cộng đồng dân cư rộng lớn hơn, với mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi và làm tan rã tinh thần chống đối. Việc cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục không chỉ phá hủy thân thể và tinh thần của nạn nhân
mà còn gây ra những ảnh hưởng lâu dài cho cộng đồng, như làm xấu hổ gia đình nạn nhân và phá vỡ các mối quan hệ xã hội.
Từ góc độ lịch sử, việc sử dụng bạo lực tình dục như vũ khí không phải là điều mới. Các cuộc xung đột tại Rwanda, Bosnia, và nhiều nơi khác đều chứng kiến việc cưỡng hiếp và bạo hành tình dục đã được sử dụng như một công cụ để gây tổn thương lâu dài cho đối thủ.
Trong bối cảnh của Sudan, việc sử dụng bạo hành tình dục có thể là một chiến lược được tính toán nhằm làm suy yếu cộng đồng đối địch, đặc biệt là các nhóm dân tộc bị RSF và quân đội Sudan coi là kẻ thù.
Dù các báo cáo về bạo hành tình dục trong cuộc xung đột đã được công bố rộng rãi, cả quân đội Sudan và RSF đều chưa thực sự có những nỗ lực nghiêm chỉnh để giải quyết vấn đề này. Thay vào đó, họ thường đổ lỗi cho nhau và phủ nhận trách nhiệm về các hành vi của vấn đề bạo hành tình dục xảy ra trong khu vực mà họ kiểm soát.

Phía RSF đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc về việc cưỡng hiếp có hệ thống, cho rằng các hành vi đó là do “các phần tử cá biệt” thực hiện và không phản ánh chính sách của tổ chức. Tương tự, quân đội Sudan cũng phủ nhận trách nhiệm và không thừa nhận rằng tình trạng bạo hành tình dục đang diễn ra trong khu vực kiểm soát của mình.
Các nạn nhân của bạo hành tình dục thường không dám lên tiếng do sợ bị trả thù hoặc bị kỳ thị. Điều này làm cho việc thu thập dữ liệu và điều tra trở nên khó khăn, và các vụ việc thường không được đưa ra trước công lý. Các tổ chức quốc tế và nhân quyền đã kêu gọi cần có một cuộc điều tra quốc tế độc lập để đưa các thủ phạm ra trước pháp luật, nhưng
cả hai bên tham chiến đều không có hành động tích cực nào nhằm hỗ trợ những nỗ lực
nêu trên.
Bạo hành tình dục trong xung đột không chỉ là tội ác tức thời mà còn để lại những hậu quả lâu dài cho nạn nhân và xã hội. Phụ nữ và trẻ em bị cưỡng hiếp thường phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tinh thần, thể chất, cũng như bị xã hội kỳ thị và bỏ rơi. Trong một số trường hợp, nạn nhân còn mang thai ngoài ý muốn, và việc này dẫn đến sự tan vỡ của
các gia đình, gây ra sự bất ổn trong cộng đồng.
Trong bối cảnh Sudan, tình trạng bất ổn kéo dài và sự thiếu vắng các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân khiến tình trạng bạo hành tình dục càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các tổ chức nhân quyền và Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng yêu cầu các biện pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong khu vực xung đột, đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực điều tra và truy tố các hành vi tội ác này.

Bạo hành tình dục đã trở thành một phần không thể tách rời của cuộc xung đột quyền lực giữa quân đội Sudan và RSF, và việc này đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hàng nghìn nạn nhân. Sự thiếu trách nhiệm và vô tâm của cả hai bên trong việc giải quyết vấn đề này chỉ làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn, và cần có sự can thiệp quốc tế mạnh
mẽ hơn để bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong cuộc xung đột này.

Phuong Ton