BPSOS – LTS: Khi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trở thành Chủ tịch nước tháng 5/2024, đã có nhiều cuộc tranh luận, nhiều bài viết trên báo tiếng Việt lẫn báo nước ngoài về các vụ đàn áp đẫm máu và chà đạp nhân quyền trầm trọng của Bộ Công an dưới thời ông Tô Lâm.
Ngày 3/8/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm đồng thời nhậm chức Tổng Bí thư, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời.
Chúng tôi xin phép chia sẻ bài viết thứ 5 trong loạt bài của Việt Nam Thời Báo về ông Tô Lâm.
Sau phiên tòa xử rất nặng những người bị bắt trong vụ công an tấn công xã Đồng Tâm, Bộ Công an đã quyết liệt dẹp tan mọi nguồn hỗ trợ cho người dân Đồng Tâm.
Bộ Công an đã phong tỏa tài khoản ngân hàng của bà Nguyễn Thúy Hạnh khi người dân cả nước chuyển tiền phúng điếu ông Kình và hỗ trợ dân Đồng Tâm vào tài khoản này của bà. Ngày 20/1/2020, hai vợ chồng bà bị người của Bộ Công an bắt giữ, thẩm vấn vì những hoạt động liên quan đến những người bảo vệ nhân quyền và với ông Lê Đình Kình trong vài giờ đồng hồ.
Nhiều người tham gia tài trợ cho gia đình ông Kình đã bị công an thẩm vấn và đe dọa, ép buộc phải thú nhận là thành viên của một tổ chức chính trị đối lập.
Bộ Công an sau đó đã phát động chiến dịch quét sạch, nhằm dập tắt mọi nghi vấn về cuộc tấn công bạo lực, giết người phi pháp, bức cung nhục hình, phiên tòa trá hình và những bản án khắc nghiệt. Nhà xuất bản Tự do đã bị Bộ Công an nhắm đến; trang web của nhà xuất bản này bị gỡ xuống, một số nhân viên nhà xuất bản đã bị bắt, bị tra tấn vì đã tham gia phát hành Báo cáo Đồng Tâm.
Ít nhất bảy nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tham gia chia sẻ thông tin về vụ tấn công xã Đồng Tâm cho công chúng, Chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức nhân quyền quốc tế và/hoặc các cơ quan ủy quyền của Liên Hợp Quốc, đã bị Bộ Công an hoặc các đơn vị trực thuộc của bộ này tại địa phương bắt giữ và sau đó đều bị kết án tù nặng.
1. Trịnh Bá Phương bị công an bắt ngày 24/6/2020 và bị buộc tội vi phạm điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, đồ vật nhằm chống Nhà nước.” Công an Thành phố Hà Nội khám xét nhà ông, tịch thu toàn bộ tài liệu, giấy tờ các hồ sơ liên quan đến xã Đồng Tâm.
Ông Trịnh Bá Phương thường xuyên chuyển thông tin về vụ tập kích Đồng Tâm cho các quan chức các cơ quan đại diện ngoại giao, trong đó có Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Trước khi bị bắt, truyền thông nhà nước đã vu khống ông tội kích động người dân Đồng Tâm. Ngày 15/12/2021, tòa án Hà Nội kết án ông 10 năm tù và 5 năm quản chế.
2. Ông Trịnh Bá Tư bị công an tỉnh Hoà Bình bắt giữ gần như cùng lúc với anh trai ông là Trịnh Bá Phương. (10) Công an khám xét nhà ông và tịch thu một ổ USB cùng các tài liệu liên quan đến cuộc tấn công của công an ở xã Đồng Tâm. Sau đó ông bị buộc tội theo điều 117. Ngày 5/5/2021, ông bị kết án tám năm tù và ba năm quản chế.
3. Bà Cấn Thị Thêu, mẹ của hai ông Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, bị công an bắt vào ngày hôm sau, 25/6/2020, theo điều 117. Bà là dân oan nổi tiếng, đã tham gia chống cưỡng chế đất kể từ khi vườn trại của gia đình bà bị chính quyền tịch thu năm 2007. Năm 2014, hai vợ chồng bà bị kết án lần lượt là 15 tháng và 18 tháng tù theo Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “chống người thi hành công vụ”.
Tháng 6/2016, bà Cấn Thị Thêu lại bị bắt vì dẫn đầu cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ nạn nhân bị thu hồi đất, sau đó bị kết án 20 tháng tù vì tội “chống đối người thi hành công vụ” theo Điều 257 Bộ luật Hình sự 1999. Bà là bắt đầu lên tiếng ủng hộ dân Đồng Tâm từ tháng 4/2017. Ngày 5/5/2021, bà bị kết án lần thứ ba, tám năm tù và ba năm quản chế.
4. Bà Nguyễn Thị Tâm, hàng xóm của bà Cấn Thị Thêu, đã đăng bài bình luận về quyền đất đai, vấn đề nhân quyền trên Facebook và YouTube từ năm 2016.
Bà bắt đầu tham gia tập trung vào tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm năm 2017. Bà bị Công an Thành phố Hà Nội bắt ngày 24/6/2020 tại nhà riêng ở Dương Nội, Hà Đông (ngoại thành Hà Nội), cùng ngày Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư bị bắt và tương tự bị buộc tội theo Điều 117. Vào ngày 15/12/2021, bà bị kết án sáu năm tù giam và ba năm quản chế.
5. Bà Phạm Đoan Trang, một người bảo vệ nhân quyền và nhà báo nổi tiếng, bị công an Hà Nội bắt giữ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào gần nửa đêm ngày 6/10/2020, cùng ngày Việt Nam tổ chức đối thoại hàng năm với Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền. Bà bị cáo buộc “làm, tàng trữ, hoặc phát tán thông tin, tài liệu, đồ vật chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Bộ luật Hình sự. Trước đó đúng một tháng, bà cùng một số người khác công bố báo cáo tiếp theo về vụ công an tấn công Đồng Tâm.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng hàng chục thành viên Quốc hội Hoa Kỳ đã lên án vụ bắt giữ bà Phạm Đoan Trang. Ngày 14/12/2021, Tòa án Nhân dân Hà Nội kết án bà 9 năm tù. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí lên án bản án và mức án tù nặng dành cho bà.
6. Lê Văn Dũng hay Dũng Vova, một phóng viên độc lập, bị công an Hà Nội bắt ngày 30/6/2021. Ông bị buộc tội theo điều 117 Bộ luật hình sự. Sau khi Dũng Vova bị bắt, trang web chính thức của Bộ Công an cáo buộc ông hợp tác với các phần tử chống chính phủ khác trong và ngoài nước, hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn cách đăng tin cập nhật về Đồng Tâm và gửi báo cáo cho cộng đồng quốc tế để can thiệp. Ngày 23/3/2022, ông bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù và năm năm quản chế.
7. Bà Nguyễn Thuý Hạnh bị công an bắt ngày 7/4/2021 và bị buộc tội theo điều 117 Bộ luật Hình sự. Bà Hạnh đã thành lập “quỹ 50K” trợ cấp 50.000 đồng cho mỗi gia đình tù nhân lương tâm. Sau khi công an tấn công vào Đồng Tâm, bà đã quyên góp được 500 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình người dân xã Đồng Tâm có thân nhân bị chết, bị thương hoặc bị bắt. Ngân hàng Vietcombank phong tỏa tài khoản của bà và thông báo cho bà biết họ làm theo yêu cầu của bộ công an.
Nhiều người khác dùng Facebook tham gia bàn luận về cuộc tấn công vào làng Đồng Tâm cũng đã bị bắt giữ.
Vào ngày 10/11/2020, bốn đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc thuộc Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện; Báo cáo viên Đặc biệt về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền Tự do Quan điểm và Biểu đạt; Báo cáo viên Đặc biệt về Tình hình của Những người Bảo vệ Nhân quyền, và Nhóm Làm việc về Phân biệt Đối xử với Phụ nữ và Thiếu nữ đã viết thư cho chính phủ Việt Nam bày tỏ quan ngại về vụ tấn công vào Đồng Tâm và việc bắt giữ những người lên tiếng phản đối hành vi tàn bạo của cảnh sát, Bộ Công an.
Trong đó có đề cập đến những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như giết người phi pháp, bắt giữ và giam giữ tùy tiện và tra tấn của Bộ Công an và Công an Hà Nội, đồng thời nêu rõ tên và chức vụ của những người tham gia trong vụ thám sát Đồng Tâm.
Thượng tá Đặng Việt Quảng, cán bộ Phòng Hình sự Công an Hà Nội, bắn chết ông Lê Đình Kình, già làng tại chỗ trong cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm ngày 9/1/2020.
Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Bộ Công an, giám sát cuộc diễn tập hai đơn vị cảnh sát tấn công vào Đông Tâm sáu tuần trước đó. Mục đích của buổi diễn tập là “đối phó với đám đông người gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn chính trị…” để “xử lý tình huống liên quan đến chống khủng bố, bắt cóc con tin, rà phá bom mìn, chữa cháy.”
Tướng Tô Lâm, giữ chức vụ cao nhất trong Bộ Công an khi cấp dưới tham gia thực hiện cuộc tấn công, tra tấn dân Đồng Tâm trong quá trình điều tra, và bắt giữ tùy tiện những người nghi ngờ tính chính đáng của cuộc tấn công… được cho là làm theo một kế hoạch tuyệt mật đã được Bộ Công An phê duyệt, Kế hoạch số 419A.
Nguồn MẠCH SỐNG Media
Bàl liên quan:
Tô Lâm là ai? – Tô Lâm có vô can vụ công an giết cụ Lê Đình Kình? (Bài 4)
Tô Lâm là ai? – Bắt cóc Trương Duy Nhất trên đất Thái (Bài 3)
Tô Lâm là ai? – Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức – Tô Lâm lừng danh thế giới (Bài 2)
Tô Lâm là ai? – Các chiến công lẫy lừng của nguyên Bộ Trưởng Công an Tô Lâm (Bài 1)
Vì sao BPSOS đề nghị chế tài ông Tô Lâm, nay Tân Chủ tịch nước?
TS. Nguyễn Đình Thắng nói về các đề nghị chế tài quan chức Việt Nam