22 Tháng Một, 2025

Uyên Hạnh – Tăm xỉa răng Trung Quốc ”ăn đứt” hàng Âu, Mỹ, Úc châu…

Những người tù yếu ốm ghẻ lở bệnh hoạn bị ép làm việc 15-16 tiếng mỗi ngày. Họ vô bao đóng gói các sản phẩm cho nhiều thương hiệu lớn. Từ các thương hiệu nầy chủ nhân cho phân phối hàng hóa của họ đi khắp các nơi trên thị trường thế giới.

Trong tuần rồi các diễn đàn thân hữu chuyển cho nhau bài viết của Wang Bin, một người tù cải tạo tại Trung Quốc, tả rõ việc các tù nhân, nhất là những tù nhân bị án tử hình, hoặc án chung thân được đưa qua các phòng lao động trong tù làm việc như thế nào và những sản phẩm được ”sản xuất” từ nhà tù là loại gì. Những người tù yếu ốm ghẻ lở bệnh hoạn bị ép làm việc 15-16 tiếng mỗi ngày. Hai ngày một lần chỉ được phép làm vệ sinh 5 phút… Họ vô bao đóng gói các sản phẩm cho nhiều thương hiệu lớn. Từ các thương hiệu nầy chủ nhân cho phân phối hàng hóa của họ đi khắp các nơi trên thị trường thế giới.

Một vật dụng chúng ta dùng hằng ngày, lại ít để ý đến, nên khó tránh, phải nói đến tăm xỉa răng, một nhu cầu thực tế nhất.

Ở nhà hay đến hàng quán, chúng ta đều sử dụng tăm xỉa răng. Mua tăm xỉa răng, cũng như bất cứ hàng hóa nào khác, chúng ta thường muốn mua được loại tăm xỉa răng thứ tốt với giá rẻ. Đáp ứng ”đòi hỏi” nầy của người tiêu thụ, Trung Quốc có ngay giải pháp hữu hiệu, đó là nguồn nhân lực dồi dào và rẻ tiền tại các nhà tù.

Các thương buôn bắt tay làm ăn với các ”quan giữ ngục”, đặt hàng với số lượng tăm xỉa răng khổng lồ và giá thành rất thấp. Con buôn với một sản phẩm có giá thành rất rẻ do vì ”nhà sản xuất” là các chủ ngục của nhà nước Trung Quốc không phải trả lương cho nhân công. Tung hàng nầy ra thị trường quốc tế, dĩ nhiên hàng Trung Quốc ”ăn đứt” hàng của các nhà sản xuất tại Âu, Mỹ, Úc châu… một phần cũng do vì tre là nguyên liệu dồi dào ở Trung Quốc. Không cần phải thấy tận mắt, người tiêu thụ chúng ta cũng hình dung ra được những cây tăm xỉa răng ”Made in China” sạch sẽ ”vệ sinh” đến thế nào. Vì thế, tốt nhất nên tránh đừng mua tăm xỉa răng của Tàu. Tốt hơn nữa khi mua tăm xỉa răng loại tăm tre, chúng ta nên cho vào nồi nước đang sôi, đun khoảng 5 phút mới vớt ra. Rải số lượng tăm tre lên một chiếc khăn lau chén bát sạch, để chờ tăm khô. Khi tăm khô ráo, chúng ta cho vào một ống chứa tăm được rửa sạch. Bằng cách nầy chúng ta bảo đảm được một phần sức khỏe cho gia đình. Đi ăn tiệm, nên ”gói” theo vài cây tăm được khử trùng nầy trong túi áo, ví xách. Sẽ an toàn hơn, thay vì dùng tăm tre tại nhà hàng tiệm ăn.

Nếu đã lỡ mua tăm tre của Tàu, và đang dùng bấy lâu nay, tốt nhất nên vất bỏ. Bởi vì có nấu sôi, cũng chỉ sát trùng nhưng không ”sát” được những hóa chất độc hại do người Tàu ngâm tre vào sau khi đốn cây, để giữ cho sản phẩm tre khỏi mốc đen mốc thối. Chúng ta có thể mua dùng loại tăm xỉa răng bằng ny lông, sản phẩm của các quốc gia bảo vệ nhân quyền, biết tôn trọng mạng sống con người. Nên tránh tăm xỉa răng ny lông của Tàu, vì vấn đề hóa chất.


Xin trích một vài đoạn trong lá thư của cựu tù nhân Wang Bin dưới đây để chúng ta cùng suy ngẫm, xem có nên sử dụng hàng Tàu hoặc nên ”nấu chín” tăm tre trước khi dùng hay không.
Một số lượng sản phẩm lớn đến kinh ngạc, được làm ở Trung Hoa, được sản xuất trong những nhà tù và trại cải tạo lao động. Tôi đã bị sốc…các tù nhân lôi thôi, lem luốt, xám xịt trút bỏ quần áo… những vảy nến, ghẻ lở và các vết lở loét trên cơ thể họ bị phơi bày đầy đủ… Tù nhân phải đóng gói món đồ ăn mang tên “Orchid Beans”. Món snack này làm từ đậu tằm. Họ chở hằng xe tải đậu tằm tới nhà tù. Tại đây đậu tằm được ngâm trong các thùng nước lớn cho đến khi nó nở ra. Mỗi tù nhân được giao tối thiểu 10,000 hạt đậu tằm trong một ngày. Khi hối hả làm cho xong, thì những thứ như rỉ mũi, nước dãi của tù nhân cũng lẫn cả vào đậu. Các hạt đậu đã qua xử lý ấy được cho vào túi, chuyển tới kho chứa, rồi được rang lên. Sau khi rang, đậu tằm trông vàng ươm, được đóng vào bao bì đẹp mắt và bán cho khách hàng. Tôi thấy ở Mỹ quốc, nhiều người xài món đậu tằm nhập khẩu từ Trung Hoa, và tôi tự hỏi không biết họ có đang ăn món đậu tằm xuất xưởng từ nhà tù nơi mình từng ở hay không…

Năm nào cũng vậy, rất nhiều đồ giáng sinh được xuất khẩu từ Trung Hoa sang các nước tây phương. Các chuổi nữ trang, dép lót đi trong nhà, thú nhồi bông, áo len, khăn len (xuất khẩu sang Châu Âu), đồ nệm thêu móc để kê tách trà, thêu mũ, thêu đệm ngồi… Khi kết mũi chỉ hoặc xâu nữ trang tay của họ thường rớm máu… Cũng không cần phải nói, có nhiều bệnh truyền nhiễm tình dục mà tù nhân mang theo cũng đã dính lên bóng đèn và đồ chơi… tôi mong rằng quý bà không đeo chúng trên cổ và các cháu bé không đút chúng vào miệng…

Những sản phẩm tại Nhà tù Tuanhe ở Bắc Kinh đóng gói một số lượng rất lớn đũa (loại dùng một lần rồi bỏ), hầu hết là để xuất khẩu. Nhà tù Tuanhe không xét gì tới yêu cầu vệ sinh của người tiêu dùng, họ làm điều xấu này một cách ngang nhiên. Rất nhiều nhà hàng, khách sạn tại Bắc Kinh vẫn đang sử dụng loại đũa này. Thậm chí đũa của Trung Hoa còn được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới, nhất là Nam Hàn-Nhật bản-Việt Nam- Taiwan-Singapore. Mỗi bận phải sản xuất là chúng tôi bị bắt làm đến nửa đêm hoặc 1 giờ sáng. Tù nhân sống sót trong trại tạm giam sẽ bị gửi đến các nhà tù để thi hành bản án và làm nô lệ lao động. Họ mang theo các căn bệnh truyền nhiễm và bệnh tình dục đến các nhà tù, trong khi họ làm ra các sản phẩm giá rẻ với một số lượng lớn.


Chúng tôi đã phải lao động không ngừng nghỉ. Công việc hàng ngày kéo dài từ 15 đến 16 tiếng. Căn phòng chật ních người, và tù nhân không có thời gian để vệ sinh cá nhân. Hai ngày một lần, chúng tôi được dành ra 5 phút để làm vệ sinh cá nhân. Ai không hoàn tất công việc được giao sẽ bị cấm vệ sinh cá nhân. Do vậy, mọi người phải làm cho xong. Chúng tôi phải dậy từ sớm và làm đến khuya, không còn thời gian rửa ráy. Tay của tôi bị nửt nẻ, rớm máu và rộp nhiều chỗ vì phải lao động cực nhọc nhiều giờ mỗi ngày làm đũa… Tôi thường phải làm tới nửa đêm. Điều kiện vệ sinh cực kỳ thấp kém. Mặc dù trên bao bì của đũa ghi rằng sản phẩm đã được tẩy trùng, có thể dùng ngay xong rồi bỏ, nhưng thực ra toàn bộ quá trình sản xuất cực kỳ dơ dáy. Chúng tôi không hề được rửa tay và những chiếc đũa được đóng gói ngay trên sàn.” (trích bài viết của Wing Bin, một cựu tù nhân trại tù Trung Quốc)

Cuối cùng chúng ta thấy rằng, không mua hàng Tàu, ngoài vấn đề sức khỏe chúng ta được bảo đảm, chúng ta còn đảm bảo được một phần nào về vấn đề sức khỏe cho những người tù bệnh hoạn, không bị cưỡng ép làm việc trong tình trạng vô nhân đạo nếu chúng ta tẩy chay các loại hàng hóa đó. Một hạt muối không làm cho biển mặn, nhưng biển mặn nhờ vô số các hạt muối kết hợp lại.

UYÊN HẠNH