11 Tháng Mười Hai, 2024

Đọc “Thế lực thù địch” của Hoàng Minh Tường

Cuốn tiểu thuyết cũng cập nhật những sự kiện mang tính thời sự trong suốt thập niên qua: đó là sự kiện Trung Quốc công bố đường lưỡi bò và đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, sự kiện tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, v.vNhà văn mô tả kỹ lưỡng những cách thức, thủ đoạn công khai và không công khai của nhà cầm quyền nhằm đàn áp các cuộc biểu tình phi bạo lực và ngăn cản những người trí thức tụ tập (an ninh mật phục những phần tử trong danh sách đen, trà trộn vào nhóm trí thức để nhận diện tình hình, hay tổ chức dư luận viên trên mạng)

Đọc “Thế lực thù địch” của Hoàng Minh Tường

Ở nước ta, “thế lực thù địch” là một cụm từ thường xuyên được nhắc tới trong các diễn văn của Đảng Cộng sản và quan chức nhà nước. Nhưng có lẽ cụm từ này chưa được đưa vào bất cứ từ điển ngôn ngữ hay văn hóa nào. Và có lẽ cũng chưa có một văn bản chính thức nào giải thích và liệt kê được những thế lực đó gồm những cá nhân hay tổ chức nào, và vì sao họ lại trở thành thù địch của nhà nước và nhân dân.

Cuốn tiểu thuyết thế sự dài 12 chương “Thế lực thù địch” có thể là câu trả lời.

Đây là một tác phẩm đậm chất liệu có thực từ cuộc sống của nhà văn Hoàng Minh Tường, tác giả của một loạt những tác phẩm bị cấm (như “Thời của thánh thần” – 2008, “Nguyên khí” – 2014). Nó cho thấy một bức tranh toàn diện về “thế lực” khét tiếng này của đất nước, một đất nước hối hả đón nhận thời đại công nghệ 4.0 nhưng chủ thuyết phát triển vẫn là Mác-Lênin “sáo rỗng lỗi thời”. Cuốn sách viết bằng tiếng Việt nhưng do một nhà xuất bản tại Pháp ấn hành năm 2020. Một tên khác mà Hoàng Minh Tường cũng định đặt cho tác phẩm là “Đông Lào thực lục”.

Họ là ai?

Nhân vật chính của truyện là Hoàng Y – một người từng trưởng thành và gắn bó với “địch” nhưng lại nằm trong lực lượng kiểm soát, diệt trừ “địch”.  Thế lực thù địch hay phản động ấy vô cùng đa dạng, gồm các nhà bất đồng chính kiến đủ các tầng lớp, nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác, cựu đảng viên và những người chưa từng vào đảng, luôn tích cực tham gia vào việc nước theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”, như khẩu hiệu của đảng và nhà nước. Họ không ăn tiền hay bị ai xúi giục, kích động. Thế lực ấy lại xuất hiện trong thời bình chứ không phải thời chiến. Họ có thể không hoàn toàn đồng tình với nhau trên một số phương diện nhưng sẵn sàng từ bỏ cuộc sống êm đềm, giàu có để đấu tranh vì một bầu trời tự do ngôn luận chung.

Hoạt động của “thế lực thù địch” cũng vô cùng đa dạng, không giới hạn bởi không gian, thời gian, hình thức, lĩnh vực: vẽ tranh, viết nhạc, viết truyện, dịch sách kinh điển thế giới, sinh hoạt tri thức, tổ chức biểu tình tự phát để phản đối Trung Quốc xâm lược, v.v.

Đó là những nhà dân chủ như Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Hồng Hà, Trần Đĩnh, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, Trần Độ, Phạm Quế Dương… Những người này từng giữ những chức vụ quan trọng trong đảng, trong cơ quan nhà nước, bỗng dưng bị vu là xét lại thân Liên Xô, chống lại đường lối của đảng.

Đó là những nghệ sĩ tài năng như họa sĩ Doãn Kiên – người bị khép tội chống phá nhà nước chỉ vì vẽ đường lưỡi bò mang đi biểu tình.

Đó là những nhạc sĩ như Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang với số phận và tác phẩm long đong.

Đó là những luật sư có chuyên môn và chính kiến và bảo vệ quyền con người như Lê Công Định, Lê Quốc Quân, những người dám nhận bào chữa trong những vụ án oan.

Đó là những nhà khoa học – doanh nhân có tài như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, những người tiên phong cho nền kinh tế tri thức của nước nhà.

Nhiều người trong số họ cũng biết rõ những câu chuyện bi kịch của lịch sử, đặc biệt là vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, biết rõ hậu quả của việc nói thẳng, nói thật. Có những người trong số đó đã chịu bao đau đớn vì những sai lầm của đảng, như những gia đình từng bị đấu tố trong Cải cách Ruộng đất, nhưng không vì thế mà họ chùn bước trước việc phơi bày lẽ phải.

Có những người yêu đảng, theo đảng, rồi bị đảng loại trừ, từ những người dân thường như nhân vật ông Lưu Đình của làng Tâm Đồng, hay những nhân vật tầm cỡ khai quốc công thần như Võ Nguyên Giáp hay Trần Độ.

Tác giả cũng không quên nhấn mạnh sự có mặt của đông đảo sinh viên các trường đại học. “Họ trốn trường, tụ tập thành từng nhóm bạn bè, viết băng-rôn bằng bút dạ trên bìa carton, mặt sau tờ lịch, trên giấy học trò”.  Họ cũng  khát khao tự do học thuật.

                                                    Nhà văn Hoàng Minh Tường. Ảnh: BBC News Tiếng Việt.

Khi đảng đánh địch

Cuốn tiểu thuyết cũng cập nhật những sự kiện mang tính thời sự trong suốt thập niên qua: đó là sự kiện Trung Quốc công bố đường lưỡi bò và đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, sự kiện tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, v.v.

Nhà văn mô tả kỹ lưỡng những cách thức, thủ đoạn công khai và không công khai của nhà cầm quyền nhằm đàn áp các cuộc biểu tình phi bạo lực và ngăn cản những người trí thức tụ tập (an ninh mật phục những phần tử trong danh sách đen, trà trộn vào nhóm trí thức để nhận diện tình hình, hay tổ chức dư luận viên trên mạng). Ông cũng phác họa những khoảnh khắc đau đớn và xúc động khi những người biểu tình che chở cho nhau trước những đòn trả đũa vô nhân tính của công an.

Nhà nước đảng trị không chỉ kiểm duyệt và bưng bít sự thật ở các tác phẩm in, mà còn cả những trang viết trên mạng, thậm chí cả những bài điếu văn, hay cả dòng chữ trên vòng hoa viếng những trí thức yêu nước đã khuất. Các cơ quan đảng và nhà nước, thông qua nhiều ban ngành, chi bộ, can thiệp không chỉ ở đám cưới mà còn ở đám ma.

Nhưng không vì vậy mà cuốn tiểu thuyết này không có những câu chuyện đẹp. Đó là chuyện tình của một đôi sinh viên trẻ cùng lý tưởng và cùng xông pha đi biểu tình chống sự xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc. Đó là câu chuyện vị tha của gia đình chí sĩ bất đồng chính kiến Vũ Duy và người bạn đời Quỳnh Thi.

Các trí thức phải trốn tránh, thậm chí phải đương đầu với bạo lực của lực lượng cầm quyền “đông như quân Nguyên và đầy rẫy những dùi cui, súng ống, nhà tù” chỉ để được thực hiện quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp, vì một nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế thị trường đích thực và một xã hội dân sự năng động. Họ không vụ lợi từ những hoạt động ấy. Chỉ là lương tâm sẽ cắn rứt khi không làm như vậy, và lòng yêu nước không cho phép họ làm ngơ trước sự suy đồi của xã hội.

Và hậu quả của sự đồng lòng quyết chiến quyết thắng “thế lực thù địch” hay tầng lớp tinh hoa ấy chính là sự hao hụt kinh tế, sự nghèo nàn về tài nguyên văn hóa và sự kìm hãm về dân trí. Những tuyệt phẩm văn học và nghệ thuật của Việt Nam không được đến với bạn đọc trong và ngoài nước. Và hơn nữa, là sự sản sinh ra một xã hội luôn sống trong sợ hãi, ám ảnh, và sẵn sàng tôn sùng sự giả dối, bất nhân; một nhóm người lãnh đạo ham quyền, lộng quyền và lạm quyền; những nhóm lợi ích tàn bạo giả vờ khoác áo cộng sản để tham nhũng tài nguyên và tiền bạc. Và hơn nữa, một hệ thống mafia khổng lồ cũng sản sinh ra từ chế độ này, theo lời trích dẫn của tác giả từ một blogger đã bị vào tù:

“Họ không hình thành nên những phe nhóm riêng rẽ cụ thể nào cả, mà len lỏi có mặt ở tất cả mọi nơi, từ cơ quan đảng đến nhà nước, chính phủ đến Quốc hội, trung ương đến địa phương, cơ quan hành chính đến các doanh nghiệp. Cũng không có một thỏa thuận liên minh nào được cam kết nhưng bọn họ phối hợp hành động rất ăn ý và đồng bộ nhờ có một mục tiêu chung là trục lợi. Họ không thể hiện chính kiến riêng và luôn hoan nghênh tất cả các nghị quyết của đảng, chỉ thị của chính phủ, dự luật của Quốc hội và các quyết định của chính quyền địa phương cho dù là chúng mang tính bảo thủ hay cấp tiến… Nhưng điều tồi tệ và nguy hại nhất ở đây chính là những kẻ cơ hội này đang được các thế lực nước ngoài hỗ trợ và nuôi dưỡng vì quan hệ cộng sinh và vì những kế hoạch dài hơn.” 

Cuốn tiểu thuyết này sử dụng nhiều chất liệu ngôn ngữ tiếng Việt như ca dao, văn thơ đương đại và cả ngôn ngữ đời sống thường ngày trên Internet. Độc giả cũng sẽ được biết đến nhiều tác phẩm văn, thơ, âm nhạc, hội họa xuất sắc, hay những trí thức lỗi lạc mà chế độ toàn trị hiện tại buộc người dân phải lãng quên. Chẳng hạn như những vần thơ nhói đau này của nhà thơ Bùi Minh Quốc:

Các anh – những người Tháng Tám
Các anh đâu rồi? Thấm mệt rồi chăng?
Các anh nghĩ gì sau nếp nhăn vầng trán
“Thế sự du du…” thật giả nhập nhằng!
Có lẽ nào? Có lẽ nào? Lịch sử
Lại như con thò lò trong ván bài quỷ dữ
Máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng
Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng nhân dân?

Đan cài giữa hư cấu và hiện thực, đây là một cuốn sách lịch sử đáng trân trọng về xã hội dân sự ở nước ta. Cho dù cuốn sách là tập hợp những câu chuyện buồn, những nhân sĩ, trí thức từ tầng lớp ưu tú trở thành công dân hạng hai của đất nước, bị đàn áp, bỏ tù, tra tấn. Nhưng người ta vẫn có thể  tìm được cảm hứng từ vô số những câu chuyện của những con người bằng cách này hay cách khác nói lên sự thật, trong đó cũng có cả tác giả. Và việc họ không ngừng bị quấy rối và ngăn chặn cho thấy tiếng nói và hành động của họ đã tác động nhất định đến xã hội.

Nguồn: Luật Khoa Tạp Chí