Sách hướng đến sự định vị con người và vạn vật, từ cái nhỏ nhất tiến tới hay từ cái vĩ đại nhất trở về, thì mục đích là tạo thăng bằng để bảo tồn sự sống còn của vũ trụ và đem an bình đến cho đời sống con người.
Người dịch TRẦN UYÊN THI
UYÊN HẠNH giới thiệu
Trong mắt nhìn và theo ngôn ngữ của nhà khoa học thì vũ trụ là cái vĩ đai nhất và nguyên tử là cái nhỏ nhất hiện hữu và gần với lòai người. Chọn nhan đề nầy cho quyển sách, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gây cho ta một băn khoăn thắc mắc là làm sao thực hiện được! Bởi vì chúng ta đang cố tình ”đặt” vũ trụ vào trong một hạt nguyên tử qua tính cách vật lý lượng tử. Đi sâu vào những chương sách chúng ta thấy rõ một nội dung phong phú linh động của hai lãnh vực Khoa học và Phật giáo. Sách đề cập đến nhiều vấn đề sâu xa và thực tiễn của khía cạnh vật lý và tâm linh, của vũ trụ và con người với hiện hữu cụ thể và đời sống tình cảm, giúp ta ý thức được để chuyển hướng nhìn từ cái vĩ đại nhất là thế giới lòai người đến đơn vị nhỏ nhất là một con người, và thực hiện một sự dung hợp hài hòa.
Bìa sách màu vàng cam và màu nâu cho chúng ta một cảm giác ấm áp, một liên tưởng đến tấm áo cà sa của người tu Phật, hiện thân của thửa ruộng gieo trồng và nẩy nở hạt mầm phước đức. Bắt nguồn từ một mảnh vải tầm thường của chiếc phấn tảo y màu hòang cam, ngày xưa Đức Phật ngẫu nhiên khóac vào người, bước xuống đời trên con đường hành đạo của một khất sĩ, truyền cái nhìn đơn thuần thanh khiết, đưa con người đạt tới cái thấy sâu xa hướng vào nội tâm và nhìn ra vũ trụ vạn vật.
Trang sách đầu tiên dành riêng cho câu kệ của Ngài Khánh Hỷ, thiền sư Việt Nam.
…Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung
Trên trang sách kế tiếp, ta đọc được câu nói của nhà bác học Einstein, viết bằng hai thứ tiếng Anh và tiếng Việt.
… Nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng nhu cầu của khoa học hiện đại, tôn giáo ấy là Phật Giáo. Einstein
… If there is any religion that could respond to the needs of modern science, it would be Buddhism. Albert Einstein (1879-1955)
Sách dày 256 trang. Sau phần Tri Ân và Phàm Lệ là Lời Giới Thiệu của Giáo sư Trần Ngọc Ninh. Nội dung sách gồm có Lời Ngỏ của Đức Đạt Lai Lạt Ma và 10 chương sách đầy hình ảnh và dữ kiện của thế giới khoa học thực nghiệm, của tư tưởng và triết thuyết Nhà Phật, cũng như những câu chuyện kể linh động chứa nhiều ý nghĩa chân chất lẫn cao qúy thâm sâu, và qua lời dịch rất thóat rất chính xác của Trần Uyên Thi tạo cho người đọc sự thích thú và khâm phục theo dõi.
”Quán chiếu” là chương thứ nhất trong 10 chương của quyển sách nầy. ”Nhờ quán chiếu, đạo lý có chỗ đứng trong khoa học bởi vì khoa học như con dao hai lưỡi, có thể sử dụng cho mục đích tốt hay xấu. Chính người cầm dao quyết định lưỡi dao sử dụng vào mục đích gì… Động cơ thúc đẩy việc sử dụng khoa học kỹ thuật phải dựa trên sự hoà hợp giữa tình cảm và trí tuệ”.
Trong chương sách thứ hai với đề tài ”Gặp gỡ với khoa học” Đức Đạt Lai Lạt Ma kể rằng: ”Lòng say mê của tôi đối với khoa học bắt nguồn từ kỹ thuật”. Qua nhiều câu chuyện vui và lối viết đơn thuần lôi cuốn người đọc đi vào sự năng động của ngài ngay khi còn nhỏ, và qua lòng hiếu kỳ đưa đẩy tìm tòi dẫn đến sự ham thích việc lắp ráp máy móc, sử dụng dụng cụ thiên văn, đi dần đến việc tìm hiểu những cái to lớn hơn phức tạp hơn như máy móc xe hơi v.v… Và cứ thế với những ham thích máy móc kỹ thuật từ câu chuyện nầy đến câu chuyện khác, cho đến ngày 20 tuổi khi bắt đầu du hành ra nước ngòai, Ngài bắt đầu đi vào thế giới của khoa học thực nghiệm.
Qua nhiều cuộc gặp gỡ đàm luận với một số nhân vật xuất sắc Ngài đi dần vào sự tìm hiểu sâu hơn về lãnh vực khoa học. Như đối với Thủ tướng Jawaharlal Nehru của xứ Ấn Độ, một người có tinh thần khoa học rất cao. Với các giáo sư về tâm linh học, những người đang tìm cách hòa hợp khoa học và tâm linh. Với các khoa học gia nổi tiếng đã đưa Ngài đến ”một sự ngạc nhiên kỳ thú đó là tôi nhận thấy giữa khoa học và Phật Giáo có nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc trong tinh thần tìm hiểu thế giới”. Cùng Carl von Weizsacker đi vào thế giới của vật lý học lượng tử cũng như ý nghĩa triết học của nó. Với nhà vật lý xuất sắc David Bohm trong lý thú của quá trình tìm hiểu mối liên hệ giữa khoa học khách quan và thiền quán. Với triết gia Sir Karl Popper, một tên tuổi trong lãnh vực triết lý và khoa học, và lần lượt Ngài đã gặp được rất nhiều người nổi tiếng trong các lãnh vực trên.
Chương sách thứ ba đề cập đến ”Tánh không, thuyết tương đối, và vật lý lượng tử” Đức Đạt lai Lạt Ma đã dẫn người đọc vào một sự ngạc nhiên đầy thích thú. Với lối trình bày một đề tài khá phức tạp của khoa học trong tương quan của Giáo lý nhà Phật, Ngài đã dùng một lối diễn giải mạch lạc lồng vào những so sánh chính xác đã cho chúng ta hiểu và thấy được điều ngài muốn trình bày. Với cái nhìn sáng suốt lạ kỳ và khả năng vượt bực của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dễ dàng dùng ngôn ngữ khoa học thích hợp được các đẳng cấp tri thức thế gian để diễn đạt cái thấy xuất thế gian của Ngài.
Khai triển sâu hơn về hai thế giới vật lý và tâm linh, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi vào bảy đề mục rộng lớn như: Big Bang và vũ trụ vô thủy của Phật giáo. Tiến hóa, nghiệp, và thế giới giác thức. Vấn đề tâm thức. Hướng đến một khoa học về tâm thức. Phạm vi bao quát của tâm thức. Đạo lý và di truyền học mới. Khoa học, tâm linh, và nhân loại.
Luận về các đề tài trên đây Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng sự tiến bộ của khoa học thật phi thường và đáng ngưỡng mộ, và cái biết về khoa học đã làm giàu cho khía cạnh vũ trụ quan Phật giáo của Ngài, một nêu dẫn cụ thể thí dụ thuyết tương đối của Einstein và lý thuyết của Ngài Long Thọ về tính tương đối của thời gian. Thán phục tầm phát triển rộng lớn của khoa học nhưng lại cho rằng khoa học vẫn chưa có thể cho chúng ta một sự hiểu biết tòan diện rốt ráo, vì tri thức khoa học hiện nay chưa được hòan chỉnh, do đó việc hội nhập khoa học vào khối tri thức tòan diện của con người là thiết yếu.
Đức Đạt lai Lạt Ma cũng đồng thời phát biểu: ”Trong bản chất, khoa học và tâm linh, tuy sử dụng những phương thức tiếp cận khác nhau, nhưng có cùng một mục đích, đó là giúp con người vươn tới sự hòan thiện. Trên phương diện lý tưởng, khoa học như thế có thể xem là một tuệ giác được xây dựng trên nền tảng của lòng từ bi. Cũng như thế, tâm linh là một cuộc hành trình vào nội tâm, với mục đích tìm hiểu con người thật của ta trên bình diện thâm sâu nhất và khám phá một lối sống hướng đến Chân – Thiện – Mỹ. Đây cũng là biểu hiệu của sự hợp nhất giữa tuệ giác và lòng từ bi. Cầu mong mỗi người chúng ta nghe theo tiếng gọi của nghĩa vụ đạo đức, hãy cùng nhau làm cho sự hợp tác giữa khoa học và tâm linh trở thành hiện thực”.
Theo Ngài, khi các khoa học gia có trách nhiệm đạo đức sẽ đảm bảo khoa học phục vụ cho lợi ích con người và tạo cho con người lòng tin vững chắc vào khoa học. Đức Đạt Lai Lạt Ma nêu dẫn những thiệt hại như những tai nạn nguyên tử tại Hiroshima, Nagasaki, Chernobyl, Three Miles Island, hay Bhopal. Để kết thúc, Ngài đã đồng thời nhấn mạnh ở điểm, cần có sự hòa hợp của khoa học và đạo đức nghĩa là của lãnh vực vật lý và tâm linh, để tránh những thảm họa sinh thái hóa học và sự thoái hóa của môi trường, trong đó có sự chọc thủng tầng ozone.
Một nhân cách lớn cho hòa bình nhân loại nói chung và cho Tây Tạng nói riêng: Giáo sư Eric Sharpe miêu tả thánh nhân là người suốt đời chú trọng đến việc đem an lạc cho con người và cuộc đời. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 là hiện thân cho những gì đã được miêu tả như thế. Ngài đấu tranh không mỏi mệt cho an bình của nhân lọai và cho Tây Tạng trong việc chống đàn áp dày xéo và vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc kể từ 50 năm qua.
Bằng phương cách tranh đấu bất bạo động, Đức Đạt Lai Lạt Ma đòi hỏi nhà cầm quyền Bắc Kinh trao trả lại nền độc lập cho Tây Tạng, chấm dứt việc di dân Trung Hoa đe dọa sự tồn tại của dân tộc Tây Tạng, tôn trọng các quyền dân chủ tự do và quyền làm người của dân Tây Tạng. Điểm sau cùng, nhưng không kém phần tối quan trọng, đó là phục hồi và bảo vệ môi sinh của Tây Tạng, bằng cách chấm dứt việc sử dụng đất Tây Tạng để sản xuất vũ khí nguyên tử và chứa rác phế thải nguyên tử.
”I am just a simple Buddhist monk – no more, no less”. “Tôi chỉ là một tu sĩ Phật giáo bình thường, không hơn, không kém”. Đó là câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Theo công trình nghiên cứu mới đây của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney ở Úc thì ở thế kỷ 20 có ba thánh nhân người châu Á, đó là cố thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941), Mahātma Gandhi (1869-1948) và chính Ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 của Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tên là Tenzin Gyatso, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935. Bắt đầu sự nghiệp học vấn của mình vào năm 6 tuổi và hoàn tất học vị cao nhất của Phật giáo Tây Tạng là Geshe Lharampa, tương đương với Tiến sĩ triết học Phật giáo – Doctorate of Buddhist Philosophy, ở tuổi 25. Năm 1940 tại Lhasa, thủ đô của Tây Tạng Ngài được chính thức tấn phong là người lãnh đạo chính trị và tôn giáo cho 6 triệu người Tây Tạng. Kể từ năm 1959 Ngài sống lưu vong tại Ấn Độ sau trận đàn áp giết chết vô số tu sĩ Tây Tạng mà Trung Quốc trong thời kỳ cưỡng chiếm xứ sở nầy đã dùng vũ lực dã man tàn sát người dân tại đây. Năm 1989 Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao giải Nobel Hòa bình cho công cuộc đấu tranh bất bạo động của Ngài, được kính trọng và tôn vinh là người đại diện Phật giáo xuất sắc hiện nay trên thế giới.
Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện cư ngụ tại một tịnh thất nhỏ ở Dharamsala. Mỗi ngày Ngài thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, ngồi thiền, và sau đó làm việc theo thời khóa biểu của văn phòng chính phủ, cụ thể như tiếp khách, diễn giảng giáo lý cho các khóa tu, hoặc chứng minh các đại lễ. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã viết khỏang 50 quyển sách cùng rất nhiều bài vở về Phật pháp và đời sống con người.
Ý thức và đời sống. Cuộc sống của Đức Đạt Lai Lạt Ma đơn giản như bộ áo cà sa trên người của Ngài. Cho dù đến gặp các nguyên thủ quốc gia của các đại cường quốc trên thế giới, Đức Đạt Lai Lạt Ma không bao giờ khoác vào người một chiếc áo cà sa may bằng gấm ngũ thể hoặc thất thể, đội mũ hợp chưởng, đi dưới tàng lọng che bằng gấm thêu hoa. Luôn luôn hiện diện với ngài là tinh thần bình dị đồng đẳng, một nụ cười hiền hòa hầu như bao giờ cũng nở trên môi, trong phong thái khoan thai nhân từ, và đôi bàn tay chấp lại biểu hiện sự kính trọng người trực diện.
Lời hướng dẫn của Đức Đạt Lai Lạt Ma là sống phải có từ tâm, biết tinh tấn phấn đấu, vị tha, bỏ tính ích kỷ, biết chấp nhận, tri ân và ý thức về việc làm của mình, chúng ta sẽ có được an vui trong đời. Hạnh phúc bạn có được, đến từ sự hành xử của bạn. Về vấn đề tín ngưỡng và hành đạo, Đức Đạt Lai Lạt Ma có cái nhìn rất thóat, Ngài phát biểu: “Tín ngưỡng của tôi rất đơn giản, tín ngưỡng của tôi là lòng tốt. Không cần có các chùa chiền, không cần các triết lý cao siêu. Tim và óc của tôi là các chùa chiền; triết lý của tôi là lòng tốt”.
Càn khôn tận thị mao đầu thượng Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung là hai câu kệ của Thiền sư Khánh Hỷ được nêu dẫn trong trang đầu của quyển sách. Có nghĩa là Càn khôn ở trên đầu một sợi lông và nhật nguyệt nằm trong lòng một hạt cải. Càn là quẻ thuần dương, tượng trưng cho Trời. Khôn là quẻ thuần Âm của Bát quái, tượng trưng cho Ðất. Càn khôn là Trời Ðất. Nhật Nguyệt là Mặt trời và Mặt trăng. Xin nêu dẫn một giả dụ khác: Lý Bột đời Đường đọc sách nhiều đến nỗi được gọi là “Lý Vạn Quyển”. Một hôm đến Lô Sơn tham vấn Hoà thượng Quy Tôn, ông hỏi: “Kinh nói hạt cải chứa núi Tu Di nghĩa là sao?”. Hoà thượng Quy Tôn hỏi lại: “Vậy thì vạn quyển sách chứa trong đầu ông thế nào?”. Ta cũng có thể nói rằng, trong sáu chữ “VŨ TRỤ TRONG MỘT NGUYÊN TỬ” chứa cái bao la tột cùng của thế giới tâm linh và tiềm năng vĩ đại của khoa học, cùng hạnh phúc vô bờ của một phối hợp đồng điệu hài hòa.
Đọc VŨ TRỤ TRONG MỘT NGUYÊN TỬ của Đức Đạt Lai Lạt Ma chúng ta sẽ mở rộng được tầm nhìn, thấy được sự vi diệu của cuộc sống và tương tức của vạn vật. Vũ trụ được hình thành từ những đơn vị nhỏ nhất, theo con mắt của nhà khoa học là một nguyên tử, theo ngôn ngữ của nhà Phật là một vi trần. Sách hướng đến sự định vị con người và vạn vật, từ cái nhỏ nhất tiến tới hay từ cái vĩ đại nhất trở về, thì mục đích là tạo thăng bằng để bảo tồn sự sống còn của vũ trụ và đem an bình đến cho đời sống con người.
UYÊN HẠNH
Ghi chú: VŨ TRỤ TRONG MỘT NGUYÊN TỬ xuất bản năm 2009 là tác phẩm tiếng Việt được Trần Uyên Thi chuyển dịch từ nguyên tác ”THE UNIVERSE IN A SINGLE ATOM – The Convergence of Science and Spirituality” của Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 viết vào năm 2005.