13 Tháng Mười Hai, 2024

Đọc Bài Ca Vọng Cổ – Tập truyện ngắn của Tiểu Tử – Uyên Hạnh giới thiệu

Bài Ca Vọng Cổ” của Nhà văn Tiểu Tử

Uyên Hạnh

Bài Ca Vọng Cổ của nhà văn Tiểu Tử là tuyển tập mười bốn truyện ngắn, gồm những mẩu chuyện tràn đầy tình yêu của ông đối với quê mẹ. Tiểu Tử nói đến quê mẹ với những nghiệt ngã của thời cuộc lồng trong hình ảnh của tuổi thơ và cuộc đời đầy tình người của ông. Qua tập truyện nầy chúng ta tìm thấy trong đó những rung động đầu đời rất mãnh liệt, và biết bao nhiêu đoạn đời khác ông đã sống và đã đi qua, được ông vẽ lại trong khung trời đầy kỷ niệm dưới nhiều sắc thái khác nhau.

Mỗi lần nhắc đến quê hương là mỗi lần xót xa thương nhớ. Một trong những bài tác giả đã gây nhiều xúc động cho người đọc phải kể đến bài “Đá Mòn Nhưng Dạ Chẳng Mòn”. Thoạt nhìn đề tài nầy người đọc sẽ không có cảm giác bâng khuâng, ngỡ ngàng hay bị lôi cuốn. Nhưng khi đã đi vào bài viết, đọc đoạn đầu, đến đoạn thứ hai, thứ ba… và rồi đến đoạn cuối, lòng ta đau thắt lại. Chúng ta sẽ không khỏi nhủ thầm: ‘Thật là chơn chất và thấm thía!’. Chơn chất, cảm động vì cái mãnh liệt của tình gia đình, tình quê hương rất tự nhiên rất thực được ông đặt trên từng dòng chữ hạ xuống mặt giấy.

Lời văn rất đơn giản bình dị của ông đã tạo cho người đọc những rung động dữ dội, và thúc đẩy chúng ta nhìn lại lòng mình, nhìn lại những hành động đã qua và đang có của mình với gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè, và người thân, và cho chúng ta thấy được hạnh phúc của cuộc đời thực sự rất đơn giản. Đó là những gì gần chúng ta nhất, ngay trong tầm mắt và tầm tay của chúng ta. Chúng ta thường chỉ thấy giá trị cao của những gì xa vời, không thực, ngoài những gì chúng ta đang có. Những bài viết của Tiểu Tử nhẹ nhàng và ẩn tàng nhiều chua xót của những nghịch cảnh gặp phải bàng bạc trong những trang sách, đã gây cho chúng ta tác động thức tỉnh, đem lại những cảm giác ấm lòng từ những tình cảm đơn thuần không vụ lợi chúng ta có thể dành cho nhau.

Người miền Nam thường hay diễn đạt tâm tình và đời sống của họ bằng những bài vọng cổ chất phát mộc mạc nhưng rất đổi ngọt ngào. Đọc “Bài Ca Vọng Cổ” của nhà văn Tiểu Tử ta sống được trong tình cảm đậm đà trong sáng bàng bạc sự mát mẽ của ngọn gió trên dòng Cửu Long. “Bài Ca Vọng Cổ” không phải là một quyển sách nói về nghệ thuật viết và ca vọng cổ nhưng là những bài văn kể lại những nổi trôi, trải nghiệm, nỗi lòng và cảm xúc của tác giả sau năm 1975.

Một trong những bài viết tạo xúc động mãnh liệt nhất trong tập truyện nầy là câu chuyện “Bài Ca Vọng Cổ”. Bằng giọng văn miền Nam giản dị, tác giả kể cho chúng ta nghe câu chuyện tại một thời điểm, một nơi xa xôi ngút ngàn không một bóng dáng của người đồng hương, ông gặp một người da đen không quen biết, và chính lời ca vọng cổ đầy truyền cảm của một người da đen ở nơi xa xôi hoang vắng đó là một điều hết sức ngạc nhiên và đã khơi dậy ẩn tình đang đốt cháy tâm tư ông, gây bao ray rứt và làm đậm nét tình thương chan chứa trong tim trong óc của ông. Làm cho ông càng xót xa nỗi mình và nỗi người, nỗi khổ và niềm đau của người lữ thứ. Người thanh niên da đen nặng tình với quê mẹ, lang thang xứ xa mịt mờ, hát khúc vọng cổ đầy hương vị ngọt ngào, gói trọn vẹn tình thương cho người mẹ đã mất. Những hình ảnh nầy trong sách Tiểu Tử làm tim ta đau thắt, làm mắt ta mờ lệ, và làm ta không khỏi thở dài vì cảm xúc cho người cho ta và xót xa đau cho vận mạng của Quê Mẹ.

Đọc Bài Ca Vọng Cổ chúng ta không khỏi ngậm ngùi xót xa trở về thưở làm những người trẻ tuổi sống vô tư hồn nhiên trong sự yêu thương bảo bọc của tình mẹ bao la, dịu dàng. Lời văn và những câu chuyện trong tập truyện “Bài Ca Vọng Cổ” cho ta cảm nhận mãnh liệt một niềm đau và những mơ tưởng của một chặng đường trong đoạn đời thơ ấu. Nhiều bài viết của ông đưa ta vào thế giới của yêu thương, và qua những trang sách đó ta quên được những cơn nhớ nhung dằn xé trái tim và tâm hồn, để tạm quên những giây phút lòng đau như cắt vì quạnh hiu đang bủa kín cuộc đời, vì hoang mang dồn con người vào ngõ cụt của đoạn đường trước mặt. Bài Ca Vọng Cổ cũng nói đến những ước ao được sống những tháng ngày năm xưa, rũ được nỗi nhớ khôn nguôi trong hiện tại.

Đọc Bài Ca Vọng Cổ của nhà văn Tiểu Tử, chúng ta cảm nhận rất đầy đủ cái nồng đậm của tình cảm ông đang có, do từ hoàn cảnh và kinh nghiệm sống, từ trong lòng ông tuôn qua ngọn bút, khơi dậy một nỗi đau như dao cắt nhưng cũng đồng thời mang đến một luồng hơi ấm len nhẹ tràn ngập trái tim chúng ta. Những bài viết của ông đưa ta trở về con đường đất năm xưa, lối mòn quê cũ đã từng in đậm dấu chân những người thân yêu nay đã cách xa. Cho ta trở về lại nơi chốn của ta và của những người đã đi qua đời ta. Trong Bài Ca Vọng Cổ ta biết được rằng, từ quê hương xa cách ngàn trùng của chúng ta vẫn có người dõi mắt xa trông, với cái nhìn vời vợi, ngóng chờ một người đã mãi cách chia.

Nhà văn Tiểu Tử đưa chúng ta qua bao nẻo xưa lối cỏ ngậm ngùi, làm sống dậy cái ấm cúng của tình gia đình bạn bè, tình làng xóm quê hương sông nước. Như bất cứ một khúc vọng cổ hát về một cuộc tình nào, có đau xót bao nhiêu vẫn mang âm hưởng ngọt ngào. Ta đã từng sống trong một cuộc tình, tình gia đình tình bè bạn, đã được thương được yêu, ta không là người cô độc cho dù ta đang bơ vơ lưu lạc giữa cuộc đời. Tiểu Tử đã cho ta thấy rõ rằng mỗi người trong chúng ta đều có một khúc vọng cổ riêng của đời mình. Là tiếng hát trong tim về niềm đau xa xứ. Là nỗi nhớ, là tình yêu thương gia đình. Tình yêu thương gói trọn trong nỗi lòng cho những cảm nhận đổ xuống đời tuy làm lòng ta se sắt, vẫn để lại một sự ấm áp dịu dàng, nuôi sống ta trong những chuổi ngày lưu lạc gửi thân mình nơi xứ lạ quê người, ôm tình quê trong lòng để nuôi dưỡng đạo lý cùng đức tin. Những bài viết của ông làm chúng ta càng thêm mong mỏi một Quê Mẹ với ngày mai tươi sáng trong tự do dân chủ nhân quyền để chúng ta được đoàn tụ bên nhau.

Đọc Bài Ca Vọng Cổ của nhà văn Tiểu Tử chúng ta trôi theo âm điệu một nỗi đau dĩ vãng nhưng lại nhận diện được một hiện tại trước mắt. Đọc Tiểu Tử ta biết trân qúy cái đã mất để tôn trọng và bảo vệ cái mình đang có. Bài ca vọng cổ được hát cho một nhớ nhung quặn thắt chứa đầy ắp hình ảnh và thời gian. Ở đó những người thân thương đã ra đi, hay đã đi qua cuộc đời của chúng ta. Bài ca vọng cổ chất chứa tràn ngập hình ảnh của những người đang sống với chúng ta, cũng là nụ cười mang niềm vui đến cho cuộc sống hiện tại và mai sau.

Ngòi bút của Nhà văn Tiểu Tử cho chúng ta thấy được rằng, nỗi đau là một phần đời sống của chúng ta, và ta phải can đảm đối diện với chính nó để hun đúc tình người. Với thâm tình ta đang ấp ủ, nỗi đau sẽ chỉ là một hiện diện, đến và đi, đi và đến, không chiếm ngự tâm tư của chúng ta, không chế ngự được mắt nhìn, không làm nhạt màu cái thế giới bên ngoài, khi chúng ta phóng tầm nhìn hướng về cuộc đời trước mặt.

UYÊN HẠNH