12 Tháng Mười Một, 2024

Cầm Tay Thôi… UYÊN HẠNH đọc và giới thiệu

Hình bìa ngoạn mục, chứa một chiều sâu rất sâu. Đặc biệt là phần màu đỏ thẳm không thắm, nói lên một nỗi đau đã cũ. Một hình bìa phối hợp được tính nghệ thuật của hai nghĩa màu và sắc, rất trung thực với tựa đề của tập thơ.

CẦM TAY THÔI… của nhà thơ Phạm Quang Ngọc, gồm 86 bài thơ. Nhận được tập thơ do chính tác giả tận tay trao tặng, tôi đã rất ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Ngạc nhiên vì anh sáng tác nhanh quá, và ngỡ ngàng vì cái tựa đề của tập thơ: “CẦM TAY THÔI…”.

Đây là tập thơ thứ tư anh trao tặng trong vòng ba năm qua. Hôm đó anh đi cùng người bạn, một bác sĩ y khoa. Hai anh ghé quán bún thịt nướng do tôi đứng quán trong ngày gây qũy cho Thương phế binh VNCH tổ chức tại Sydney. Vừa tiếp chuyện hai anh, vừa tiếp thức ăn cho thực khách ghé ăn yểm trợ, tôi không có thì giờ cầm tập thơ lên đọc, nhưng tập thơ đã chiếm trọn một chỗ trong tư tưởng của tôi, đã nằm yên và được ủ kỹ.

Hình bìa ngoạn mục, chứa một chiều sâu rất sâu. Cái chiều sâu của một niềm u ẩn khá lớn. Màu đen và các sắc xanh chọn lọc nổi bật bên cạnh màu vàng khiêm nhượng. Đặc biệt là phần màu đỏ thẳm không thắm, nói lên một nỗi đau đã cũ. Một hình bìa phối hợp được tính nghệ thuật của hai nghĩa màu và sắc, rất trung thực với tựa đề của tập thơ.

Đi lần vào các trang thơ, người đọc sẽ thấy tác giả say lúy túy với hai bài thơ mở đầu: “Đêm tiền đồn uống rượu” và “Túy Ca”. Tiếp đó nhà thơ đòi “LÊN NON” ở ẩn để “nắm lấy” nỗi lòng mình:

Ngồi tịnh nơi đây
Buồn thôi đã đầy
Chờ mai hóa kiếp
Làm mây trắng bay
(Lên Non/Phạm Quang Ngọc
-CTT)

Xa nhân thế, xa thế sự nhưng lòng vẫn chao đảo vì anh không xa được hình bóng người:

Chim thương đôi cánh, rung rung nhớ
Đàn kén tơ trời thả dáng xuân
Tiếng hát Tầm Dương khuya nhịp phách
Đối đầu cùng bóng nguyệt bâng khuâng

CẦM TAY THÔI…là một cái tựa đề tạo khá nhiều ngỡ ngàng, bởi vì nó vẽ trong lòng người đọc một tình yêu với những rụt rè đầy mơ ước. Người đọc có thể hình dung tập thơ chứa những xúc cảm và rung động một thời của anh. Thoáng nghe cứ ngỡ anh muốn kể về quá khứ của mình. Quá khứ của một người trẻ tuổi với tình yêu đầu đời, trong trắng và vô tư dệt nên một “ước mơ” thật bình dị, chỉ cần được “cầm tay thôi…”. Với thời đại công nghệ tin học hiện nay hình như không thích hợp với “loại” ước mơ đó nữa. Hoặc có, cũng rất hiếm hoi.

Thực sự CẦM TAY THÔI…  không là một ước mơ mà hình như là một thế đứng anh tự nhủ lòng để quân bình hóa cuộc đời. Một cuộc đời ở đó cuộc sống chứa đựng những đụng chạm làm ê ẩm và gây rỉ máu trong tim, làm cho đời sống trở thành phức tạp.

Tự biết thân mình vốn lẻ loi
Theo chân thơ đó nỗi đau vùi
Tôi ngồi trong bóng đêm vô vọng
Riêng một vầng trăng đủ ấm đời
(Tôi Thơ/Phạm Quang Ngọc-CTT)

Đi sâu vào tập thơ, đôi khi người đọc có thể choáng váng vì lời thơ táo bạo và hiện thực của anh, cụ thể như bài “Bốc Hứng”. Anh làm thơ …”thực” quá, thực đến không ngờ. Thực đến nỗi người đọc có thể đặt câu hỏi “đây là thơ hay là văn, viết theo trào lưu Chu Tử”. Người làm thơ thường lý tưởng hóa sự kiện và sự việc bằng ngôn ngữ rất… thơ. Anh làm thơ không chỉ  “thơ hóa” cuộc tình và cảm xúc của mình, mà còn vạch trần sự kiện để tháo bỏ cái phạm trù đó của thơ.

Trong CẦM TAY THÔI…  anh đưa vào lời thơ trữ tình lãng mạn, dẫn người đọc đi vào thế giới đầy xúc cảm của những giao động và rung động ngọt ngào, và rồi anh thả người đọc, từ cái thế giới đau khổ nhưng đẹp như mơ đó, rơi đùng một cái, chạm phải mặt đất hiện thực của anh. Hết mơ hết mộng hết ôm ấp, hết tuổi trẻ, để đối diện với cái mốc meo của tuổi già.

Tôi ngồi một góc tôi im
Tôi im, nghe rõ nhịp tim chính mình
Chính mình ép sát vô minh
Chính mình thoái hóa đầu phình, đít teo
Đít teo khô mốc bèo nhèo
Bèo nhèo như vạt áo treo lầm cành
Gối đầu lên ngọn tàn canh
Tóc phân đâm nhánh từng cành điểm sương
Tóc phân đâm nhánh từng cành điểm sương
(Ghẹo mình qua Lục Bát/Phạm Quang Ngọc)

Đọc thơ Phạm Quang Ngọc ta thấy nhà thơ không chỉ hòa nhập với thiên nhiên, nghe gió rung cây, buồn và để lòng chi phối mãnh liệt bởi cái cô đơn đáng sợ của mình, tạo cho mình những giao động dữ dội để rồi “rung cảm hóa” và thơ hóa những cảm nhận đang chiếm ngự lòng mình. Anh không chỉ cuộn mình trong nỗi đau hay thất vọng, không chỉ ôm ghì không buông cái quá khứ anh cho là đẹp, đã qua. Không chỉ biết thụ động thả lòng để mặc khắc khoải rung cảm chiếm ngự trái tim, không chỉ thở dài trước canh bạc cuộc đời, anh vẫn có chỗ chứa cái đau của mình, một người lính trong QLVNCH đau đớn trước sự lầm than của người dân Việt:

Tội tình chi đó, quê hương tôi!
Lũ giặc tham ô, hút máu người
Sự sống trở thành cơn ác mộng
Lần mò kiếm chác để cầm hơi
(Tự Hỏi/Phạm Quang Ngọc-CTT)

Thơ Phạm Quang Ngọc chứa nhiều tư tưởng Phật Giáo, nghe như là yếm thế, nhưng sự thật hình như anh đang đặt tên Buông Xả cho con đường giải thoát.

Tự thân biết phận võ vàng
Thì xin tùng xẻo phế tàn nỗi đau
(Phạm Quang Ngọc-CTT)

Tự thân con người là do duyên hợp giả có. Kết hợp hình tướng trong quan điểm vật lý phối hợp với tâm thức tạo ra THÂNPHẬN. Đọc những câu thơ nầy của Phạm Quang Ngọc ta thấy được trong tận cùng một nỗi đau, anh đã thấy cái lý và trong tiếng thở dài nảo nuột chứa giải pháp để can đảm tách rời (tùng xẻo). Từ đó anh có thể phế bỏ nỗi đau để những dằn vặt trong tim anh sẽ tàn tạ (biến mất). Nhưng có phải chỉ là “lý thuyết”, chỉ thấy được nhưng khó làm được. Lời thơ anh cho thấy tim anh vẫn dạt dào nguồn tình. Vậy thì có phải trí óc anh tuy có được nhận thức “sáng suốt” đó, nhưng anh có buông xuôi tay, để cho sự bất lực chiến thắng chính anh.

Gối đầu trên ngọn tàn canh
Tóc phân đâm nhánh từng cành điểm sương
(Phạm Quang Ngọc-CTT)

Chắc hẳn tuy đau anh vẫn thú vị với nỗi đau của mình. Đúng thế, bởi vì nhờ đó chúng ta mới nhận được liên tiếp những tập thơ anh sáng tác.

Liều thuốc đau là nỗi nhớ mang theo
Khi héo hắt cuộc đời chưa vĩnh biệt!
(Lời Nguyền/Phạm Quang Ngọc-CTT)

Một trong những cách “định nghĩa thơ Phạm Quang Ngọc” hay động lực tạo sức sáng tác mãnh liệt của anh, có thể nói rằng Thơ Phạm Quang Ngọc tượng hình đơn thuần vì tình anh quá ướt và sâu khi chạm vào cái nông cạn và khô cứng của cuộc đời mà thoát hình hiện tướng. Anh đưa rung động của mình vào ngôn ngữ, đó là thơ, để rồi từ cứ điểm nầy thơ anh bước được vào tư tưởng của chúng ta. Không để cho thơ nằm lịm chết, anh nuôi thơ sống bằng cung bậc tạo nên dòng nhạc với những giai điệu lãng mạn nhẹ nhàng. Anh dùng thanh âm điệu nhạc làm sống ý thơ, tạo nên giao cảm trong lòng độc giả và khán giả,

Là nhà thơ hiện thực, là nhạc sĩ đa tình, là một Phạm Quang Ngọc nhiều khắc khoải, anh đã thành công trong việc tạo những giao động mãnh liệt làm khuấy động lòng người. Tập thơ CẦM TAY THÔI… được ra mắt ngày 6 tháng 3 năm 2016 tại Sydney trong Đêm Thơ Nhạc Phạm Quang Ngọc. Qua  không gian của sắc, thanh, hương và xúc giác đi sát vào thế giới của anh và chạm vào được nỗi đau của anh để thấy được những màu sắc ẩn hiện trong đó. Có thể qua đó ta soi được bóng hình mình. Và có thể nhờ đó chúng ta sẽ có dịp hiểu được những cảm giác anh muốn chúng ta cảm nhận. Cũng có thể biết được cái cảm giác say bàng bạc trong tập thơ  “CẦM TAY THÔI…” của nhà thơ Phạm Quang Ngọc.

UYÊN HẠNH