13 Tháng Mười Hai, 2024

Bồ đào thần tửu? – Vũ Thế Thành

Thần tửu trở thành thần… thoại. Revesratrol có tính kháng viêm, làm tăng cholesterol tốt (HDL), chống đông tập tiểu cầu, tránh hình thành các cục máu đông dễ gây những cơn đau tim…

Bồ đào thần tửu?

– Vũ Thế Thành

Thần tửu manh nha từ cuối thập niên 80, khi giới quan sát thấy rằng, dân Pháp có tỷ lệ người mắc và tử vong vì bệnh động mạch vành thấp so với dân Mỹ và các nước châu Âu khác, mặc dù dân Pháp tiêu thụ thịt đỏ, bơ sữa không kém gì các nước khác, thậm chí còn hơn. Chất béo bão hòa từ thịt đỏ bơ sữa được cho là yếu tố rủi ro gây bệnh tim mạch.

#- Nghịch lý dân Tây

Vài năm sau, tiến sĩ Serge Renauld của đại học Bordeaux, Pháp, lần đầu tiên đã gọi phát hiện kỳ lạ này là “Nghịch lý dân Tây” (French paradox), và giải thích, có thể là do ẩm thực Tây có nhiều chất béo omega-3, chất chống oxid hóa, và dân Pháp uống chừng mực vang đỏ. Ngay sau đó, đài truyền hình CBS của Mỹ đã cho rượu vang lên sóng “60 Minutes”, chương trình ăn khách nhứt của CBS.

Dân Mỹ vốn có số tử vong cao về bệnh tim mạch, ngay lập tức ngưỡng mộ rượu vang đỏ. Mức tiêu thụ rượu vang ở Mỹ tăng 40% trong vòng một năm. Truyền thông Mỹ đã nâng rượu bồ đào thành thần tửu, mặc dù giải thích của S. Renault mới chỉ là cái nhìn sơ khởi. Sau này còn thêm nhiều giải thích khác cho hiện tượng “nghịch lý dân Tây”, trong đó có cả sai lầm về thống kê.

Sức mạnh của truyền thông cao vời vợi hơn cả thi ca. Vào các trang web bán rượu vang, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, xem thử thì biết. “Nghịch lý dân Tây” đã được trích dẫn như kinh thánh, vẫn quyến luyến trong lòng rất nhiều bợm nhậu.

#- Thần tửu đến từ đâu?

Cái gọi là “nghịch lý dân Tây” là nguồn cảm hứng cho cả trăm nghiên cứu về rượu vang. Người ta tìm thấy trong rượu vang có chất resveratrol. Đây là một trong những chất chống oxid hóa thuộc nhóm polyphenol, có nhiều trong vỏ và cuống trái nho. Vang đỏ được lên men từ trái nho còn nguyên vỏ, nên lượng resveratrol nhiều hơn vang trắng. Lượng resveratrol có trong vang đỏ từ 0,2 – 5,8 mg/lít. Nho vỏ dày như loại Malbec cho nhiều revesratrol hơn. Ngoài ra cũng còn tùy cách chế biến vang, thời gian tiếp xúc lâu với vỏ nho, lượng resveratrol trong rượu cũng cao hơn.

Những nghiên cứu về resveratrol cho thấy có một đặc tính có lợi như sau:

– Revesratrol có tính kháng viêm, làm tăng cholesterol tốt (HDL), chống đông tập tiểu cầu, tránh hình thành các cục máu đông dễ gây những cơn đau tim.

– Resveratrol ngăn ngừa việc kháng insulin, là yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường.

– Resveratrol hoạt hóa gen SIRT 1, một cơ chế sinh học làm chậm quá trình lão hóa.

– Resveratrol còn bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi hư hỏng và tránh đóng vữa (plaque), có thể dẫn đến bệnh alzheimer.

Đó là những nghiên cứu về lợi ích của chất revesratrol. Còn nghiên cứu trực tiếp về rượu nho trên sức khỏe con người thì sao?

Năm 2002, viện Nghiên cứu Y học Pháp (INSERM) đã làm nghiên cứu với những tay “bợm” từ 35-65 tuổi ở Toulouse, vùng nổi tiếng về rượu vang của Pháp. Kết quả cho thấy, những người uống rượu vang đỏ đều đều, mỗi ngày cỡ chừng hơn 1 xị (khoảng 300 ml), thì hàm lượng cholesterol tốt (HDL) trong máu cao hơn so với những người không uống rượu. Cả omega-3, một loại acid béo, tốt cho tim mạch, cũng cao hơn. Toàn là những chỉ số liên quan đến bệnh tim mạch, quá phù hợp với cái gọi là “nghịch lý dân Tây”.

Dĩ nhiên còn nhiều nghiên cứu khác hỗ trợ cho lợi ích ”thần thánh” của rượu vang như của giáo sư Marty Mayo (University of Virginia Health System), hay nghiên cứu của Martin Wabitsch, giáo sư Đại học Ulm (Đức), và còn nhiều nhiều nữa…

#- Thần tửu trở thành thần… thoại

Những nghiên cứu về đặc tính của revesratrol đa số đều làm thí nghiệm trên… chuột, chứ không phải trên người: Cải thiện huyết áp, tim mạch được tìm thấy trên chuột. Ngăn ngừa kháng insulin, hạ đường huyết được tìm thấy ở loài gặm nhấm. Bảo vệ tế bào thần kinh, ngừa bệnh alzheimer tìm thấy trên nhiều động vật trong phòng lab. Làm chậm lão hóa từ việc hoạt hóa gen SERT 1 được thấy trên các loại nấm men, sau này mới tìm thấy trên chuột.

Dĩ nhiên, ở các thí nghiệm trên, người ta không thể cho chuột hay thằn lằn uống rượu vang, mà dùng resveratrol tinh khiết với liều cao – nếu quy từ chuột qua người phải cần tới cả ngàn mg resveratrol, hay phải uống tới 500 -700 lít rượu vang.

Liều cao thì mặc kệ liều cao, thực phẩm chức năng vẫn nhập cuộc với những viên bổ sung revesratrol 200-500 mg, hay cao hơn nữa cũng chẳng nhằm nhò gì. Cho đến nay, giới khoa học chưa dám khuyến cáo nên dùng những viên bổ sung reveratrol này để phòng ngừa tim mạch, hay chống lão hóa… chỉ vì liều lượng reveratrol phải dùng cỡ nào mới đạt hiệu quả vẫn chưa được biết rõ, hiệu quá tốt xấu, có an toàn cho người không cũng chưa biết luôn.

Trong rượu vang, ngoài resveratrol còn nhiều chất có hoạt tính sinh học và chất chống oxid hóa khác, và đó lợi ích “tập thể”, chứ không chỉ tập trung vào các viên bổ sung resveratrol. Nói chung, lợi ích sức khỏe của rượu vang hay các viên bổ sung resveratrol chưa được khoa học xác nhận. Hơn nữa, revesratrol đáp ứng tốt với chuột, nhưng chưa chắc đáp ứng tốt với người. Nhưng không sao, thực phẩm chức năng lại rất thường “lầm lẫn” giữa chuột và người.

Vũ Thế Thành