Phần lý thuyết
Thiền là vô niệm, công án thiền là con đường ’đạt’ đến vô niệm. Thiền qua cái nhìn của chúng ta có chiều sâu và chiều dài. Sâu vì được coi là một triết lý sống, và dài vì đòi hỏi sự tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành. Đời càng phức tạp và có nhiều nỗi đau thì ’vực sâu tư tưởng’ nầy càng thăm thẳm, và mong mỏi càng lớn thì đọan đường ta đi càng dài. Khi chưa nhận diện được nó, ta đi tìm những cái ở ngòai tầm với nên khó nắm bắt. Thiền trong cuộc sống của “duyên hợp giả có” chỉ cho thấy thể tánh trong khi chúng ta đi tìm cái tướng, và gọi đó là thực tướng.
Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?
Dịch: Các pháp đi về một, vậy cái một nầy đi về đâu?
Nhất thiết pháp không!
Dịch: Tất cả các pháp đều không!
Không nầy là gì? Có phải là một cái không rỗng tuếch? Xin thưa: “không” không phải là không, mà là có. Có là có cái không, mà lại không có cái có!
Tất cả những cái vừa đề cập đến trên đây chỉ là ngôn ngữ của đối đãi của phân biệt. Để diễn đạt điều nầy Đức Bổn Sư đã ”nói” về cái có và cái không, về tướng và thể tánh, bằng hành động đưa một cành hoa sen lên trong đại chúng và Ngài Ca Diếp mỉm cười.
Thể tánh và tướng thấy rõ ràng trong những mẫu chuyện của các thiền sư với thiền sinh. Nghe như không ăn nhập đâu vào đâu cả, giống như hai người không “tỉnh táo” đang đối thọai với nhau. Hoặc vì các thiền sư ’tu hành cách biệt với thế gian’ mà thành ’gàn bát sách’ nên đã cho ra những tiếng hét, tung lên những cái đánh với chiếc thiền trượng đang cầm trên tay, đơn giản chỉ là một chiếc gậy lấy ở trên rừng.
Nếu chỉ thấy tướng mà không thấy được tánh, thì đọan đường nầy đúng là vô định. Vô định ở đây có đầy đủ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả tướng lẫn tánh. Vì mãi đi tìm thì tâm động. Tâm động thì tư tưởng không dừng. Tư tưởng không dừng thì hành động vẫn có. Vậy thì làm sao định được.
Ta đi tìm một nửa thân ta
Huyễn hư như nắm gió ngàn xa
Như mây soi bóng trên dòng nước
Ôm trong lòng vẫn mãi cách xa
(Ta Đi Tìm – Thơ Uyên Hạnh)
Mây và nước là hai sự kiện của một thực thể. Hơi nước gặp lạnh bốc lên thành mây. Mây lang thang trên bầu trời xanh, để rồi một ngày nào đó Trời… ’buồn trời khóc’ thì mây sẽ thành mưa và đổ xuống lòng của dòng sông. Vì cái thấy phức tạp, vì cái tâm đối đãi đã cho chúng ta cái gọi là ”của ta và của người” nên dòng sông mới có khát khao về những đám mây trắng đẹp trôi trên bầu trời xanh thăm thẳm, và dệt nên giấc mộng được ôm mây vào lòng. Thực chất mây và nước là một. Vì mơ nên tư tưởng bị cái ước muốn vây kín không lối thóat. Cả một dòng nước không đẩy trôi được sương khói mờ hư ảo trùng trùng lớp lớp bủa kín ’tâm hồn’. Ôm hòai giấc mộng không làm sao thấy được thực tánh. Mộng là tướng, biết buông thả mộng sẽ thả được cái tướng mới thấy được bản lai diện mục của sự vật.
Chỉ mới thấy chứ chưa thông hiểu để chứng thực. Khi biết “tôi” hiện hữu là đã ’nắm’ được cái ý của Thiền. Nắm được căn bản nầy rồi phải hạ thủ công phu, nghĩa là hành và trì, sẽ ’nếm’ được mùi vị của Thiền định.
Nói là hóat ngộ, chứ thực chất không phải tự nhiên mà hóat được, mà chính là cái kết quả của năm năm dài ngồi xây mặt nhìn vào vách đá để sống và thở chỉ vì công án nầy thôi. Có vị đã ’ngắm’ vách đá hằng chín mười năm trời và rồi ’hóat’ ngộ. Nếu là chúng ta với cái tâm đối đãi to bằng… bộ não của chúng ta, thì e rằng phải a tăng kỳ kiếp mới hoát ngộ.
Thế giới thực chứng đối lại thế giới của ngôn từ. ”Ngôn ngữ và tư tưởng bất đồng” làm sao mà chuyển đạt được. Cũng vì thế chúng ta đã nghe câu nói: ’Ngôn ngữ không tải được Đạo’ và câu nói lừng danh của Đức Bổn Sư: ’Trong 49 năm ta không nói điều gì cả’!
Phần thực hành
Thường khi nói về Thiền Tông và Tịnh Độ Tông, có nhiều vị đã bảo: ”Thiền không phải là Tịnh Độ, và Tịnh Độ làm sao mà so sánh với Thiền được!”. Đây là câu nói có chủ đích xiển dương Thiền mà quên rằng trong Thiền có Tịnh Độ, trong Tịnh Độ có Thiền. Không trách Đức Phật ngồi trên tòa sen nhìn vào chúng ta mỉm cười không nói, chính vì tư tưởng lọan động của chúng ta.
Ở cái trạng thái nầy có được coi là nghỉ ngơi hòan tòan hay không. Nằm thẳng người, chân duỗi dài ra trên ghế xa lông, bù cho một ngày làm việc vất vã. Nhưng có thật là mình đã nghỉ ngơi hòan tòan không. Bởi vì nói đến chữ hoàn toàn là phải nói đến con số 90 hoặc 100%.
Không đâu, chúng ta chỉ mới nghỉ ngơi được nhiều lắm là 40 – 50% mà thôi. Trong trạng thái nầy cơ thể thì nghỉ ngơi, nhưng đầu óc vẫn làm việc.
Nhưng làm sao mà dừng đây. Nói dừng là dừng được hay sao. Chúng ta phải tập để đừng suy nghĩ nhiều. Và tập bằng cách nào?Cách tập luyện đơn giản nhất và tiên khởi có thể thực hành bằng cách tập “nắm lấy” hơi thở và tư tưởng của chúng ta. Mỗi buổi sáng khi vừa thức giấc, đừng vội bước ra khỏi giường. Nằm lại trên giường để hít thở 3 hơi rồi hãy rời chiếc giường của chúng ta: hít vào thật sâu thật chậm, rồi thở ra thật nhẹ và dài. Khi hít sâu và thở nhẹ như thế, hãy tập trung tư tưởng của mình vào hơi thở.
Khi đã có được sự bình tĩnh để đối mặt được với mọi chuyện trong cuộc sống, đầu óc chúng ta tỉnh táo hơn sẽ dễ tiếp nhận và tìm giải pháp cho những sự kiện đang đến với mình rõ hơn. Sự lọan động của tư tưởng làm ta rối trí, và khi rối trí ta sẽ không thấy được sự kiện một cách khách quan và rõ ràng để tìm ra được giải pháp thích ứng. Đó là lý do nên tập hít thở để nắm bắt được cái tâm không cho nó “chạy mất”. Còn gọi là gọt bỏ dần cái tâm đầy tạp niệm. Công việc nầy là một trong những bước đầu của thiền quán tu tập.
Để giữ tâm Đạo, không cho mình lơ là biếng trể việc tu hành, hãy thỉnh kinh sách và đọc tụng, nghiên cứu. Tụng kinh cũng là một hình thức tu Thiền. Ngồi tụng kinh mục đích luyện thân tâm, phần lớn là luyện cho tâm mình bớt vọng động. Tâm không dấy lên vọng tưởng, thân thanh tịnh là thiền tập. Đơn giản ta có thể nói, trong Thiền có Tịnh Độ và trong Tịnh Độ có Thiền.Đọc Kinh sách mà không hành trì thì Kinh sách chỉ là một mớ chữ chết. Lời Kinh là do cái vô minh cái khổ của con người chạm vào Trí tuệ của Chư Phật mà phát sinh. Trì Kinh là đọc, tụng và hiểu để thực hành. Đọc mà hiểu là giai đọan thứ nhất. Hiểu rồi phải thực hành là giai đọan thứ hai. Đó là lợi ích của Kinh điển, là điều Đức Phật chỉ cho thấy trong Kinh.