12 Tháng Mười Một, 2024

Kẻ đào ngũ – Trần Hoài Thư

(Hồi ức văn chương)

Từ quân y viện, tôi chống gậy trở về đồi với cả một con tim tan nát. Có lẽ từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ chạm trán cùng những điều quá sức tưởng tượng như thế này. Có lẽ tôi chưa bao giờ chuẩn bị để đối phó với cảnh huống của một đơn vị tan hàng. Bởi trước đến bây giờ đơn vị tôi chỉ biết thắng chứ chưa bao giờ biết thua.

Từ dưới cổng Sư đoàn tôi gọi điện thoại lên hậu cứ. Trung sĩ nhất Phú, hạ sĩ quan hậu cứ, lái xe dodge xuống đồi đón tôi. Anh ta mừng rỡ như bắt được vàng:

– Thân nhân lên đồi nhiều lắm. Họ làm tôi muốn khùng. Có ông đỡ gánh nặng cho tôi.
– Tại sao?
– Họ đòi mạng chồng con họ. Họ nằm vạ trên sân. Này ông, ông phải đề phòng. Coi chừng họ xé xác ông ra đấy.
– Còn thiếu úy Mận ?
– Ông sợ quá nên cũng chạy trốn luôn

Xe lên đồi. Người lính gác bắt súng chào. Tôi chào lại. Nắng lóa trên mái tôn doanh trại. Tôi nói với Phú anh dừng xe xa văn phòng đại đội một tí để tôi có thể lẻn vào phòng tôi. Mở cửa ra. Chiếc rương bằng ván của Trinh, người lính ô đô của tôi, nằm đấy. Nhưng chủ của nó đã đi mất, mất mà không bao giờ trở lại. Tôi thì thào một mình tôi nghe: Trinh ơi, vĩnh biệt em. Tôi đứng yên lặng. Căn phòng tối mờ. Mới hôm nào, cửa sổ lúc nào cũng mở ra, và nắng rọi vào phòng tươi thắm. Mới hôm nào tiếng nói chuyện hoặc cãi nhau ồn ào từ câu lạc bộ vọng về cũng như tiếng kẻng khua liên hồi cho một cuộc tập họp lên đường và Trinh vào phòng hỏi tôi ông thầy cần gì em mang theo. Và phòng cạnh là phòng của chuẩn úy Tư. Hết rồi những buổi hai thằng đèo honda xuống chợ quận. Hết rồi những lần ngồi nhậu, hắn cứ luôn luôn chối cụng ly với chúng tôi. Và cũng hết rồi cơn mơ của hắn về một người vợ hiền, một ngôi nhà dưới đồi, trong cư xá sĩ quan. Trời ơi, khi con người đang bước vào giây phút cuối cùng, tất cả cuộc đời hắn còn lại trong những câu trối trăn. Hắn trối trăn tôi phải nhớ lại cái cảnh cả một nửa đại đội nằm xếp hàng mà chết. Vâng, Tư ơi, tao nhớ lắm, nhớ không bao giờ quên, nhớ mày nhờ tao nói với người vợ sắp cưới là hãy quên mày, nhớ lần mày mắng tao đồ hèn không dám bỏ chạy thoát thân. Nhớ cả cảnh thằng Tánh vất thằng Hường xuống đất rồi nói như khóc: Tao không thể cõng mày được nữa. Tao bị trúng đạn rồi. Mày hãy tha lỗi cho tao. Nhớ đến chiếc máy truyền tin vô chủ. Nhớ đến một mặt trời đổ xuống cả khối nham thạch…Và tự nhiên hai lỗ tai tôi bỗng dưng đau nhức không thể tả. Hình như có cả muôn ngàn âm thanh nhức buốt như đóng nện vào màn nhỉ.

Có tiếng gõ cửa. Giọng của trung sĩ nhất Phú:
– Thiếu úy tôi có thể vào được không?
– Vào đi.
– Có vợ chưa cưới của chuẩn úy Tư cần gặp thiếu úy.

Trời ơi, có ở trong hoàn cảnh này, mới tha lỗi cho nỗi mềm yếu của tôi. Tôi cố gắng không để lộ đôi mắt ràn rụa nhưng cớ sao tôi lại ôm mặt. Không phải tôi hận. Cũng không phải tôi đau. Những trạng thái tình cảm đã lắng rồi. Nhưng tôi không can đảm để phải kể cho một người về một người. Mà phải nói gì? Nói về một cái chết anh hùng chăng? Nói về những lời trối trăn chăng? Nói về cảnh một người bị thương khắp tay chân, thân thể, quên cả mình để dục tôi phải nhớ mà viết. Để cho nàng phải hãnh diện có người chồng sắp cưới hy sinh vì tổ quốc. Tôi không phải là lãnh tụ, hay chuyên gia tâm lý chiến. Cái đau khổ này. Nỗi mất mát này là có thật. Còn những mỹ từ kia thì xa vời. Nói ra lúc này thì quá bất nhẫn.

Tôi bật đèn phòng. Người vợ chưa cưới của Tư, đôi mắt quầng thâm, mái tóc ôm cả bờ vai bất hạnh trong bộ đồ đen, đã đến bên giường rồi ôm lấy chiếc gối mà áp mặt vào. Bên cạnh đầu giường là chiếc bàn có tấm hình chụp Tư và nàng lộng trong khung. Nàng khóc ấm ức. Khóc tức tưởi. Tôi và Phú đứng bất động. Trời ơi, tôi phải làm gì. Tôi không quen với cảnh đau khổ. Tôi sợ nước mắt của người khác. Tôi muốn biến khỏi nơi này lập tức:

Tiếng nói của nàng như kể lể, xoáy tận tim tôi:
“Anh hứa với em là anh sẽ xin phép để lo cho đám cưới, sao anh lại không xin phép? Anh ơi, hôm nay, em mang cho anh cuốn sách mà anh ưa thích”

Nàng nói như một người bị mộng du. Tôi chỉ biết cúi đầu. Phú nói thầm bên tai tôi: Tôi nói lính dọn mấy đồ đạc của chuẩn úy Tư nghe. Tôi gật đầu. Nhưng khi Phú vừa mới mở cửa ra ngoài, thì thêm một người đàn bà bồng con chạy vào phòng. Chị là vợ của Trinh. Chị vất con xuống đất, rồi níu lấy chân tôi. Thằng bé khóc ré lên cùng với tiếng kể lể của chị:
“Thiếu úy ơi, thiếu úy tại sao không giữ gìn chồng em để ảnh phải chết thảm như vầy hả thiếu úy. Anh ơi, sao anh lại bỏ mẹ con em. Anh chết gì mà thảm quá hở anh”

Chị rống lên. Thằng bé cũng khóc thét. Tôi mất hết bình tĩnh. Bây giờ tôi có ý nghĩ là làm loạn. Tôi điên khùng chụp súng chạy ra ngoài, nhắm phía ngọn đồi chó đẻ và bắn cuồng điên. Chiến tranh. Chiến tranh là gì. Sao mà lại quá bất công như thế này hả. Đ M, tại sao một lũ man di mọi rợ cứ nhằm đất nước này mà đầu thai để tiếp tục nướng tuổi trẻ hai miền Nam Bắc.
Một tuần lễ sau, ông đại úy đại đội trưởng xuất viện trở về đơn vị. Ông kêu tôi gặp ông. Ông nói mày đi uống rượu với tao. Rồi ông lái xe chở tôi xuống đồi. Chúng tôi tìm một bar. Bà chủ thấy chúng tôi mừng rở ra mặt. Nhưng sau đó dường như nhận ra hai gương mặt lầm lỳ đau khổ của hai tay sĩ quan này nên bà ta không còn lăng xăng chào đón như trước nữa. Chúng tôi cùng kêu bia. Bây giờ ông mới vào đề. Không, ông khuyên tôi. Trước hết ông hỏi tôi: “Mày ở đơn vị này bao lâu rồi?” “Gần ba năm đại bàng” ” Ba năm mà còn sống là ơn phước lắm. Này mày hãy nghe tao nói. Mày hãy tìm mọi cách rời khỏi đơn vị. Chỗ này không phải là nơi để mày dụng võ.” Tôi nói: “Đại bàng hãy chỉ tôi cách rời khỏi đây. Đại bàng có biết là ông già của tôi đã gởi hàng trăm lá thư cho những dân biểu, hay những quan chức để xin con ông về đơn vị không tác chiến không. Đại bàng không biết là các tạp chí luôn luôn viết về tôi, kêu gọi người ta rủ lòng thương hại không?”

Rõ ràng tôi nổi cơn tự ái rồi:
“Sở dĩ tôi phải kể vậy là vì tôi muốn nói sự thật. Nhưng tôi không phải hèn. Bộ đại bàng tưởng tôi sợ chết sao? Nếu sợ chết thì tôi đã không có mặt tại đơn vị này suốt cả ba năm.”

“Không, tao không có ý như thế. Đây là tất cả những gì thành thật nhất từ trong lòng tao, một người đàn anh tao khuyên mày. Mày không thể cầm quân. Mày không thể làm kẻ chỉ huy ở đơn vị tác chiến. Mày gan dạ, liều lĩnh, luôn luôn chạy đầu, đi đầu, tốt, nhưng người chỉ huy còn đòi hỏi những yếu tố khác. Không phải ai chỉ huy cũng được đâu. Đừng làm anh hùng rơm. Đừng tự ái hão. Không có mày cũng có hàng trăm người khác. Mày chỉ phục vụ ở văn phòng hơn là ở đây. Tao có mười mấy năm trong nghề đánh giặc, tao biết rõ.”
Rồi ông châm điếu thuốc. Ông nhìn lên trần nhà:
“Tao cũng đang làm đơn xin về Sài Gòn. Không lâu tao sẽ rời đơn vị này. Tao muốn trở lại trường Luật để lấy cho hết những tín chỉ còn lại. Rất tiếc là tao không thể kéo mày đi hoặc giúp mày rời khỏi đây.”

Ngừng một lát rồi ông nói tiếp:
– Điều mong ước của tao là làm sao cho đơn vị vô sự được chừng nào hay chừng nấy. Nhưng trận đánh vừa qua, một phần do phòng Nhì lấy tin bậy, một phần do thiếu sự điều hợp với lực lượng bạn để đơn vị phải trả một cái giá rất đắt. Hãy nghe lời tao: mày phải tìm mọi cách xin rời khỏi nơi này. Chiến trường càng ngày càng khốc liệt. Mỗi lần một người trong đơn vị ra đi là tao đau lòng lắm. Mày thấy thằng Tư không. Chỉ còn một tuần nữa là đám cưới. Phải chi nó xin đi phép…
Rồi ông vỗ vai tôi:
-Mày vẫn còn chiến đấu mà. Khí giới là cây viết của mày đấy.

– Vâng. Tôi xin nghe lời. Tôi sẽ tự ký phép, và sẽ viết. Tôi sẽ kể về những con hổ con hùm, tiếng hét gào Từ Hải đứt đoạn tức tối trên ngọn đồi Trường Sơn vì những cuộc thí quân ngu xuẩn. Tôi phải kêu gào để mạng người phải được dùng đúng chỗ, chứ đừng bị xữ dụng bừa bãi để cuối cùng cho kẻ chết một lá cờ. Nếu quả vậy, dưới lá cờ kia, người chết cũng phải tủi xót hơn là hãnh diện. Tôi phải viết về những đồng đội của tôi, nhường nhau để chết. Và trước khi nhắm mắt vẫn nghĩ đến người khác. Như Tư. Như Hường đã tháo sợi dây chuyền trao tôi nhờ trao lại cho vợ hắn. Tôi phải nghe lời đại bàng, nghe lời Tư. Tôi phải nhân danh tuổi trẻ tôi để nói lên tiếng nói của mình.

Và tôi đã đi giữa lúc người ta đề cữ tôi xử lý đại đội phó. Ði đâu. Tiếng gọi ngày xưa của tuổi thơ về một kho tàng ngoài một hải đảo xa, hay là tiếng gọi của hư vô từ phía chân đồi người thi sĩ bạc mệnh. Ði đâu. Tôi cầm tấm giấy xuất viện với bảy ngày nghỉ phép, sau khi cay đắng đứng trước hội đồng giám định để nhận lấy lọai một tác chiến, sau khi giận dữ đến cuồng trí, cởi cả chiếc áo, trình cái vết sẹo sâu hoắm cho hội đồng, sau khi quân cảnh ụp vào khoá tay lôi tôi ra ngoài cửa. Ði. Ðất trời này quá rộng. Núi sông này quá vĩ đại. Những hải đảo xa xăm kia vẫn còn quá nhiều. Tiếng gọi nào cứ quyến rũ tôi đến mê mệt. Ði. Ðến một nơi nào không còn hệ lụy, không còn chiến tranh, thù hận. Ðến một nơi nào tóc râu không còn cạo, vai không gánh lấy cái nghiệp thanh niên. Ðến một nơi nào, không còn đứng trên ngọn đồi để nhìn xuống thành phố để nhủ thầm, đêm nay, anh nhớ em, không biết em đang làm gì, lên giường ngủ hay vẫn còn ngồi bên khung cửa để học bài, hay mỗi lần trở về thành phố cùng những cơn say, những con mèo đêm thác lọan. Ði. Ðằng sau tôi, tôi sẽ xin trả lại, mấy năm làm một trung đội trưởng thám kích. Và đằng trước tôi là con đường không có mái nhà chờ đợi, không có mẹ già tóc bạc như sương mừng mừng tủi tủi thấy bóng thằng con luân lạc trở về, không có người yêu bé bỏng vòi vĩnh giận hờn chờ tôi dưới phố. Ði. Có phải mỗi đời người là một hành trình cô độc. Một ngày nào đó, nó sẽ tan biến cùng cõi vũ trụ không cùng, hằng hà tinh hệ, một con số cực không. Tôi đang là người lữ hành ấy. Trong chiếc xe hàng liên tỉnh, có một kẻ ra đi tiếp tục cuộc hành trình hun hút, vô định.

Và bây giờ hơn bốn mươi hai năm sau, tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình của một người lữ hành cô độc. Những tiếng gọi dục dã của ngày xưa, những tiếng kêu trầm thống của tuổi trẻ, nay được nhường lại là những tiếng nói thầm thì do chính tôi tự nói với tôi. Tóc đã bạc phơ. Mắt đã mờ. Trí nhớ đã lú lẩn. Chuyến xe đời vẫn tiếp tục lăn bánh. Không biết đâu là trạm cuối cùng. May mà còn cuộc hành trình văn chương. Không có trạm đầu, không có trạm cuối. Nó sống mãi trong tâm hồn tôi. Như bài văn này.

Trần Hoài Thư