21 Tháng Mười Một, 2024

TẠI SAO NGƯỜI CÓ TUỔI DỄ Bị TÉ NGÃ

Người già ít vận động, tầm nhìn kém, xương yếu hoặc từng trải qua phẫu thuật xương khớp dễ bị té ngã. Té ngã không những là nguyên nhân tử vong mà còn là yếu tố hạn chế khả năng đi lại, tiếp xúc, ảnh hưởng bất lợi đến đời sống hàng ngày.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), té ngã là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do thương tích không chủ ý trên thế giới. Ước tính mỗi năm thế giới có 684.000 người chết vì lý do này.

Người lớn trên 60 tuổi bị ngã có thể gặp chấn thương, nặng có thể dẫn đến tử vong. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp.

Ít vận động

Không tập thể dục thường xuyên có thể ảnh hưởng đến quá trình lão hóa. Người ít vận động dễ bị giảm khối lượng và sức mạnh cơ bắp, giảm khối lượng xương, khả năng giữ thăng bằng và tính linh hoạt kém.

Người cao tuổi nên cân nhắc đi bộ, tập thể dục dưới nước, thái cực quyền, khiêu vũ… Những hoạt động này cải thiện sức mạnh của cơ bắp, tăng khả năng cân bằng và phối hợp.

Xương yếu

Mật độ xương của con người giảm theo thời gian, hệ quả là xương dễ gãy hơn. Người già thường gặp chấn thương nặng hơn người trẻ. Theo nghiên cứu của Trường Đại học McMaster (Canada), người bị gãy xương đã thực hiện phẫu thuật có tỷ lệ tử vong 21% trong một năm và người không chữa trị là 70%. Nghiên cứu công bố năm 2014 với dữ liệu từ 70 thử nghiệm kéo dài từ năm 1981-2012.

Để hạn chế nguy cơ loãng xương, người cao tuổi nên uống sữa, ăn rau củ quả để tăng hàm lượng canxi. Tránh uống bia, rượu và hút thuốc lá vì hại xương khớp.

Giảm thị lực

Người có thị lực kém dễ bị trượt, vấp và té ngã. Hầu hết trường hợp mất thị lực ở người lớn tuổi là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, bệnh tăng nhãn áp, biến chứng mắt của bệnh đái tháo đường và đục thủy tinh thể. Một số trường hợp phẫu thuật có thể giúp người bệnh cải thiện thị lực. Bậc cao niên nên đeo kính để nhìn thấy các đồ vật chắn ngang đường đi, nhận biết bề mặt trơn trượt.

Thuốc và bệnh lý

Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như chóng mặt, lú lẫn. Người càng dùng nhiều thuốc, càng có nhiều khả năng bị ngã. Người mắc bệnh Parkinson, Alzheimer và viêm khớp dễ mất cân bằng, ảnh hưởng khả năng vận động.

Từng phẫu thuật

Phẫu thuật thay khớp háng và các phẫu thuật khác có thể gây đau, khó chịu, đi đứng khó khăn. Người già thường phục hồi chậm hơn sau phẫu thuật. Giày cao gót, dép mềm và giày có đế trơn có thể vấp ngã, đau khớp. Người lớn tuổi nên mang giày đế bằng, chắc chắn, vừa vặn và có đế không trơn trượt.

Yếu tố khác

Các yếu tố khác như đau chân, mang giày dép sai cách hoặc từ môi trường sống như ánh sáng kém, lộn xộn, khu vực hư hỏng, thảm lỏng lẻo, sàn trơn và thiếu thiết bị an toàn cũng nguy hiểm cho người cao tuổi.

Để giảm nguy cơ té ngã và chấn thương, các chuyên gia khuyến cáo nên lắp thêm các thiết bị an toàn trong nhà như thanh vịn, đèn ngủ và thay đổi thuốc gây ra tác dụng phụ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguồn: Sức Khỏe và Đời Sống