12 Tháng Mười Hai, 2024

”Tháng Sáu” Sẽ Không Là Quá Khứ – UYÊN HẠNH

UYÊN HẠNH

THÁNG SÁU  JUNE By Shi Tao  
Suốt đời tôi
Sẽ không bao giờ có “Tháng sáu” quá khứ
Tháng sáu, khi tim tôi ngừng đập
Khi hồn thơ vỡ nát
Khi người yêu tôi
Gục chết trong vũng máu nguồn tình
Tháng sáu, mặt trời nung vỡ mảnh da trần
Phơi bày rõ nét mặt thật vết thương tôi
Tháng sáu, con cá bơi vượt đại dương máu đỏ
Hướng về nơi xa ngủ giấc mùa đông
Tháng sáu, qủa đất vẫn quay, nước những dòng sông vẫn đổ trong lặng lẽ
Chất đống những bức thư chưa giao được cho người đã lìa đời
 
JUNE của ShiTao,
Uyên Hạnh chuyển dịch
My whole life
Will never get past “June”
June, when my heart died
When my poetry died
When my lover
Died in romance’s pool of blood
June, the scorching sun burns open my skin
Revealing the true nature of my wound
June, the fish swims out of the blood-red sea
Toward another place to hibernate
June, the earth shifts, the rivers fall silent
Piled up letters unable to be delivered to the dead  

Translated from Chinese to English
by Chip Rolley, Sydney PEN Centre  

Ngày 4 Tháng 6 là ngày đẫm máu tại Thiên An Môn. Vào ngày nầy mỗi năm thế giới nhắc nhở đến cái chết đau đớn của sinh viên học sinh những nhà dân chủ, những người đã can đảm đứng lên chống tham nhũng, đòi hỏi người dân Trung

Quốc có được cơm ăn áo mặc và quyền làm người được tôn trọng. Nhà cầm quyền Trung Quốc hẳn đã quá sợ hãi trước sự nổi dậy của dân, các lãnh đạo Trung Quốc đã tàn nhẫn ra lệnh phong tỏa Quảng Trường Thiên An Môn, chận hết các nẻo đường chung quanh đó, và chỉ thị cho quân đội bắn xối xả vào đám đông và xe tăng cày nát lên thân thể những người dân đang tụ tập tại đó.

Đó là thời gian Đăng Tiểu Bình và Lý Bằng cầm quyền đã nhẫn tâm bắn giết đồng bào mình. Với tình trạng của Trung Quốc bây giờ thì sao, nếu có một cuộc nổi dậy đòi tự do dân chủ. Trong bài xã luận của Đại tướng Lưu Quan (Liu Yuan) được đăng tải trên báo chí đã cho thấy sự sắt máu trong đường hướng cai trị mới mà giới lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang quyết tâm củng cố.

Điều nầy không khỏi đưa đến nhận xét rằng, nếu có một cuộc nổi dậy tại Trung Quốc ngày nay, giống như tình hình của Thiên An Môn năm 1989, máu của dân chúng có thể sẽ phải đổ nhiều hơn.

Lưu Quan được xem là một ngôi sao đang lên trong Quân đội Nhân dân Giải phóng. Tướng Lưu lên tiếng kêu gọi Trung Quốc hãy tái lập ”truyền thống quân đội” và khẳng định ”lịch sử được viết bằng máu và sự tàn sát”. Trong bài xã luận của mình, Họ Lưu mô tả quốc gia như là ”Một bộ máy quyền lực được tạo dựng bằng bạo động” và thách thức các lãnh tụ của Đảng Cộng Sản mang ý hướng dân chủ là ”những người đang phản bội truyền thống cách mạng của họ”, và tuyên bố rằng ”chiến tranh là sự nối tiếp tự nhiên của các nền kinh tế chính trị, và con người không thể tồn tại nếu không chém giết”. Họ Lưu phát biểu: ” Truyền thống quân đội đã có từ lâu đời và là sự khôn ngoan quan trọng nhất của con người. Không có chiến tranh làm sao có đại đoàn kết. Không có binh lực, làm gì có sự liên kết Quốc gia, Dòng giống, Văn hóa, Bắc Nam có thể thành tựu?”. Tướng Lưu Quan đã lớn tiếng kêu gọi các người kế vị của cuộc cách mạng cộng sản hãy tái khai phá tinh thần chiến đấu cố hữu của họ và sáng suốt khai phóng cho sự sống còn của họ: “Hỡi các thanh niên của Đảng Cộng Sản, đừng đầu hàng! Hãy bắt đầu trở lại”.

Chủ Tịch nhà nước Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) trong năm nay đã tiến cử tướng Lưu Quan lên làm Chính Ủy của Tổng Cục Hậu Cần Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng sau khi thăng cấp Đại Tướng cho Lưu Quan vào năm 2009. Một số giới chức tin rằng Lưu Quan sẽ nhận sự thăng thưởng trong hai giai đoạn bằng chiếc ghế trong Hội Đồng Quân Ủy Trung Ương, một bộ phận lãnh đạo tối cao của Quân Đội.

“JUNE”: Tháng Sáu đẫm máu tại Thiên An Môn. Nói về Biến cố Thiên An Môn, nhà văn kiêm nhà báo và nhà thơ Shi Tao đã viết bài thơ với tựa đề “JUNE” (THÁNG SÁU) tả về Tháng Sáu đẫm máu tại Thiên An Môn. Bài thơ đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và chuyển đọc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bài thơ viết rất đơn giản nhưng tác dụng của nó thực sự mãnh liệt. Đọc thơ Shi Tao về biến cố Thiên An Môn chúng ta thấy rõ lý tưởng tranh đấu cho Dân chủ của ông và không lạ gì về việc Shi Tao đã bị Nhà cầm quyền Trung Quốc bắt bỏ tù.

Suốt đời tôi Sẽ không bao giờ có “Tháng sáu” quá khứ (My whole life Will never get past “June”) Trong hai câu đầu ông đã truyền đạt hoàn toàn khối cảm xúc của ông cho người đọc. Ông viết rằng, cái Tháng Sáu đẫm máu đó luôn luôn là một sự kiện rất thực và sống động. Nó là Hiện Tại bởi vì nó vẫn nằm trong mắt và trong tư tưởng, rất hiện thực và vì thế đối với ông không thể nào “ Tháng Sáu” là một quá khứ được. Nó là vết thương đang chảy máu và là vết thương đang đau. Với hai câu thơ đầu tiên trong bài ông đã đánh động lòng dân và hô hào một sự nổi dậy. Khi con người chưa có cơm ăn áo mặc và quyền làm người, con người phải tranh đấu.

Tháng sáu, mặt trời nung vỡ mảnh da trần Phơi bày rõ nét, mặt thật vết thương tôi (June, the scorching sun burns open my skin Revealing the true nature of my wound) Mặt Trời với người dân Trung Quốc tiêu biểu cho Thiên Hoàng, người có quyền lực tối cao trong tay, cầm quyền sinh sát và cai trị đất nước.

Khi người dân có được sự no ấm, người dân yêu mến Hoàng Đế của mình và gọi vua là Minh Quân. Một đấng minh quân sẽ đem no ấm cho dân, như sự ấm áp của Mặt Trời nuôi sống loài người muôn thú và cây cỏ. Trong bài thơ của mình Shi Tao đã dung chữ Mặt Trời rất cô đọng và hàm súc. Ông cho người đọc thấy rõ rằng, Nhà Cầm Quyền Trung Quốc thời bấy giờ đã không đem no ấm cho dân, ngược lại họ dung quyền sinh sát của mình làm vỡ da nát thịt người dân. Điểm nầy cho thấy rõ vết thương “dân chủ” đang chảy máu.

Mặt Trời trong bài thơ nầy của ông không có sự ấm áp làm căn bản sinh tồn cho con người. Mặt Trời thời điểm đó đã dùng sức nóng cùng cực đốt cháy, gây bỏng rát đau đớn cho thân phận bé bỏng của người dân. Chữ “Tôi” (vết thương tôi) trong hai câu thơ nầy một lần nữa nhấn mạnh đến tính chất “hiện thực” trong quan điểm của Shi Tao về cái nhìn vào Tháng Sáu lịch sử, đưa lịch sử nhập vào vai trò hiện sử.

Tháng sáu, con cá bơi vượt đại dương máu đỏ Hướng về nơi xa ngủ giấc mùa đông (June, the fish swims out of the blood-red sea Toward another place to hibernate) Với cách dùng chữ, viết bằng trái tim mình, Shi Tao vẽ ngay trong mắt chúng ta thân phận của người dân bất lực và ngộp thở trong quyền lực đỏ. Mỗi chữ trong bài thơ mang nhiều ý nghĩa, rất hàm súc vì tiềm tàng hình ảnh. Con cá nói đến thân phận của người dân. Câu “bơi vượt đại đương máu đỏ” nói đến sự vượt thoát không tưởng. Hình ảnh bé nhỏ đáng thương của con cá mang hy vọng sự sống, trong chủ ý “hướng về nơi xa”, là một nơi có nước xanh trong, giữa ngút ngàn vô tận của biển cả đỏ. Phải thoát khỏi đại dương đỏ, mới có giấc ngủ bình an.

Shi Tao đưa vào bài thơ cái thao thức trăn trở trước thời cuộc của ông và của bao người vẫn đang khát khao một đời sống ở đó quyền làm người được tôn trọng.

Hình ảnh con cá trong đại dương mênh mông ngoài sự tranh đấu để vượt thoát còn nhấn mạnh một điểm khác, ShiTao đã nhắc đến trong hai câu đầu tiên của bài thơ, đó là điểm luôn thức tỉnh. Chúng ta biết rằng cặp mắt loài cá không bao giờ khép lại, ngay cả khi ngủ. Chọn hình ảnh con cá trong bài thơ mình Shi Tao đưa ra hình ảnh tiêu biểu cho sự thao thức. Lối dùng chữ của Shi Tao thật đúng bậc Thầy.

Một biển cả trong xanh sẽ dễ dàng cho cá bơi lội. “Đại dương máu đỏ” trong bài thơ nhấn mạnh đến thể chế cộng sản tại Trung Quốc, sự mịt mờ không có lối thoát của người dân, cùng hình ảnh một Thiên An Môn tắm máu người vô tội. Biển cả đầy máu đỏ (Nhà cầm quyền Trung Quốc) sẽ chận đường hướng làm cho con cá (người dân) bị bưng bít mù lòa tăm tối. Câu “hướng về nơi xa ngủ giấc mùa đông” đơn giản nói đến tư tưởng Tự do Dân chủ. “Giấc ngủ mùa đông” cho thấy thời gian tính của cuộc đấu tranh cho quyền làm người.

Tháng sáu, qủa đất vẫn quay, nước những dòng sông vẫn đổ trong lặng lẽ Chất đống những bức thư chưa giao được cho người đã lìa đời (June, the earth shifts, the rivers fall silent Piled up letters unable to be delivered to the dead) Hai câu thơ nầy tạo cho người đọc một nỗi đau quá lớn: Các hoạt động thường nhật vẫn tiếp tục, cũng có nghĩa là Nhà cầm quyền vẫn dửng dưng không rung động trước thảm cảnh thương tâm ngày 4/6. Số lượng sinh viên học sinh bị thảm sát tại Thiên An Môn nhiều vô số kể.

Hình ảnh người đưa thư phân phát những bức thư gửi về các cư xá sinh viên học sinh tràn ngập vì không người nhận. Cho đến nay số người bị thảm sát tại Thiên An Môn vẫn chưa có một con số nhất định. Con số của Nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra thì quá ít so với những con số của báo chí nước ngoài, của Cơ quan Hồng Thập Tự. Một con số chính xác nhất có thể thấy được, đó là: “chất đống những bức thư chưa giao được cho người đã lìa đời”!

Tưởng niệm Ngày 4 Tháng 6, xin nguyện cầu cho những người đã hy sinh cho Tự Do và Dân Chủ. Hình ảnh những người dân vô tội ngã xuống và gục chết một cách thê thảm trên vũng máu chỉ vì lý tưởng hòa bình không bao giờ mất đi trong tư tưởng mọi người, như lời thơ của Shi Tao: ”Sẽ không là Quá Khứ”!